Nhất dương chỉ ngón công phu kỳ bí

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tôi giật mình vì lâu rồi mới gặp lại hình tượng Nhất dương chỉ. Điều lạ là biểu tượng trên tấm pa nô lớn của quán sinh tố trên đường Nguyễn Huệ, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Nhất dương chỉ gắn với nhân vật Nhất Đăng đại sư của nhà văn Kim Dung, và của thần cước Sáu Cường từ thập niên 30…
Nhất dương chỉ ngón công phu kỳ bí ảnh 1
Từ trái sang, cố võ sư Kim Long, võ sư Kim Đình. Ảnh: Văn Chương

Tối ngày 2/8/2023, tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định khai mạc Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền lần thứ 8 năm 2023, tôi “ngược đường” tìm về những huyền tích trong làng võ như đi vào áng mây có các bậc tiền nhân về võ.

Đòn độc bí ẩn

Quán sinh tố, bánh xèo Kim Đình nằm sát tuyến đường ven biển nên khách luôn nhộn nhịp. Người ra kẻ vào nhưng dường như không mấy ai lưu tâm tới hình tượng Nhất dương chỉ bên Tam sơn. Trong bộ chỉ pháp, võ sư Diệp Bảo Sanh ở Bình Định đã ghi chép tỉ mỉ trong cuốn sách Long quyền, Hổ quyền xuất bản trước năm 1975 đã nhắc tới bộ chỉ pháp: Cương đao chỉ, Xà tín chỉ, Long tu chỉ, Giải giáp chỉ, Độc long chỉ… Nhất dương chỉ là đòn đánh điểm huyệt đạo đối phương, võ sĩ không cần tốn nhiều sức.

Nhất dương chỉ ở khu vực miền Trung từng được nhắc đến nhiều từ năm 1961-1965, khi võ sư Kim Sang từ miền Nam ra miền Trung và lưu lại Quảng Ngãi mở võ đường Kim Sang Sài Gòn. Võ đường này lập tức gây cơn sốt, vì người dân nói “Kim Sang chính là đệ tử của Sáu Cường”.

Kim Sang lĩnh hội đòn cước của Sáu Cường và khác biệt ở bộ mằn (thân pháp), cước pháp cương thì bộ mằn nhu và bộ mằn này làm cho thân pháp lướt nhanh, nhập nội hạ đối phương trong tích tắc. Biểu tượng của võ đường họ Kim là Nhất dương chỉ (sau này ông vào Khánh Hòa tiếp tục dạy võ và lưu lại môn phái Kim Sang Quyền cho tới bây giờ).

Cụ Đoàn Đốc, đệ tử của võ sư Bảo Truy Phong ở Quảng Ngãi kể lại, thập niên 60, đi đâu cũng nghe người dân kể chuyện về những nhân vật kiếm hiệp Tây Độc Âu Dương Phong, Lệnh Hồ Xung, Dương Quá, Quách Tĩnh,…Vì vậy biểu tượng Nhất dương chỉ của võ đường Kim Sang Sài Gòn đầy màu sắc huyền bí và hấp dẫn, vì nhân vật Nhất Đăng đại sư được Kim Dung viết là người tinh thông Phật lý, thượng thừa Nhất dương chỉ và Tiên thiên công, được xếp vào hàng Thiên hạ ngũ tuyệt.

Thời đó, trên võ đài ở các tỉnh miền Trung không hề nghe danh của võ sư Kim Sang. Thân thế và võ thuật của ông vẫn như đang ẩn trên 3 ngọn núi trong biểu tượng Nhất dương chỉ bên Tam sơn. Không ai hiểu vì sao võ sư lại không cho học trò lên đài thi đấu mà luôn giữ bí mật đòn thế đã dạy.

Nhất dương chỉ ngón công phu kỳ bí ảnh 2
Biểu tượng Nhất dương chỉ bên tam sơn của môn phái Kim Sang Quyền

Biểu tượng bí truyền

Chủ nhân ngôi nhà có quán sinh tố, bánh xèo này là lão võ sư Kim Đình, năm nay 77 tuổi, có giọng nói chậm rãi. Ông không nhắc nhiều về chuyện võ, chỉ nói có mấy học trò hiện nay đang nối nghiệp, tiếc nuối về tuổi thơ có nhiều kỷ niệm nhưng đã đi qua. Tên tuổi của Kim Đình nổi tiếng từ năm 1990-1991 khi ông là huấn luyện viên cho các võ sĩ, còn trước đó ông thượng đài 19 trận và dấu vết của thời “đánh thoải mái, không có mũ bảo hiểm, không áo giáp…” đã “in vết” trên mặt của ông cho tới tận bây giờ.

Chiến thắng của thời hơn 30 năm trước vang dội, nhưng máu lửa võ kiểu thập niên 90 cũng khiến võ sĩ dễ bị dính trọng thương. Thời đó, các võ sĩ lên đài là xông vào tỷ thí hết cỡ, trừ vài trận được hai bên ngầm thỏa thuận giao hữu để nâng cao tay nghề cho võ sĩ mới, kéo dài thời gian để cho hết đêm thi đấu vì khán giả mua vé và ngồi chật trong sân.

Nhất dương chỉ ngón công phu kỳ bí ảnh 3
Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền lần thứ 8 tháng 8/2023 tại Quy Nhơn, Bình Định. Ảnh: Văn Chương

Tôi muốn hiểu rõ hơn biểu tượng Nhất dương chỉ bên Tam sơn nên hôm sau quay trở lại. Khi mở hình máy tính và thấy tấm ảnh Nhất dương chỉ màu đen có đường viền vàng lấp lánh, lão võ sư nói những câu giống như “biểu tượng đã khớp, chúng ta nhận ra nhau”.

-Thầy của tôi, Kim Sang! Làm sao em có những tấm ảnh này?

Tôi hỏi về biểu tượng Nhất dương bên Tam sơn, ông không nói rõ. Ông dừng một hồi lâu rồi lại hỏi về những tấm ảnh. Tôi trả lời về việc cố võ sư Kim Long, một trong 3 môn đệ chân truyền của võ sư Kim Sang, thời còn sống ông đã chia sẻ lại những câu chuyện, tư liệu, đời tư của người thầy, trong đó có cả những trận tỷ thí giữa các sư phụ trên đất Quảng Ngãi.

Năm 1961, ngày thầy Kim Sang mở võ đường tại Quảng Ngãi, khi xác pháo còn rải đầy trước cửa thì thiên hạ đã ồn ào chuyện võ đường Kim Sang Sài Gòn không chọn biểu tượng rồng, hổ, báo, rắn, mèo… mà là đòn Nhất dương chỉ.

Ở Quảng Ngãi có võ sư Trịnh Quang Bích, trụ trì chùa Phước Sơn An cũng có bước tấn giống võ sư Kim Sang. Học trò của ông thụ đắc thành công quyền thuật và bùa năm ông sẽ được in 3 dấu chấm rất nhỏ trên cánh tay để ra đường gặp nhau sẽ nhận ra huynh đệ, đồng môn.

Võ sư ẩn danh

Tôi từng nghe cố võ sư Kim Long kể lại, thời đó do nhiều người thắc mắc về biểu tượng Nhất dương chỉ bên cạnh 3 ngọn núi và thầy Kim Sang đã giải thích rất ngắn gọn là tượng trưng cho đức, trí, nhẫn, dũng. Nhưng người đời cho rằng, sự giải thích đó vẫn chỉ là bề ngoài của điều gì đó ẩn chứa bên trong biểu tượng. Người dân Quảng Ngãi thời đó cho rằng, ông sinh ra ở tỉnh Trà Vinh, biểu tượng 3 ngọn núi này là 3 ngọn núi cao nhất ở Nam Bộ: núi Bà Đen ở tỉnh Tây Ninh; Núi Chứa Chan ở tỉnh Đồng Nai và núi Bà Rá ở tỉnh Bình Phước. Đối với võ sĩ, núi tượng trưng cho nơi tu luyện võ thuật cho đến ngày hạ sơn, lưu lạc khắp thiên hạ để dạy võ, chống lại cái ác, giúp đỡ người yếu thế.

Các võ đường ở Quảng Ngãi đều cho học trò lên đài thi đấu, có khi chỉ học 4 tháng đã xỏ găng tỷ thí. Nhưng võ sư Kim Sang vẫn không cho học trò thượng đài nhiều năm sau đó. Sau năm 1975, ông mới bắt đầu chấp nhận cho võ sinh tham gia thượng đài. Có lần ông dẫn học trò ghé ra Quảng Ngãi thăm võ đường của học trò. Võ sĩ Kim Long gặp lại thầy và mạo muội hỏi, “thầy năm nay 63 tuổi rồi, thầy còn đường võ nào chưa dạy cho học trò thì mong thầy chỉ giáo”.

Võ sư Kim Sang chuyển sang thế tấn mà người đời hay nhắc về thần cước Sáu Cường, ông lướt đi rất êm, sang trái, sang phải rồi bất thần tung cú đá nhanh và mạnh tới mức học trò bay người vào góc nhà. Tới lúc đó người học trò là Kim Long mới nhận ra, thầy nhắc nhở phải cố gắng tôi luyện võ thuật và ông vẫn bí ẩn như ngón tay chỉ lên 3 ngọn núi cao.

MỚI - NÓNG