Nhiều bệnh viện cầu cứu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bệnh viện Huyết học - Truyền máu (HH-TM) Cần Thơ là đơn vị cung ứng máu cho 74 bệnh viện, cơ sở y tế khu vực ĐBSCL. Năm 2023, tình trạng khan hiếm nguồn máu và chế phẩm máu kéo dài, khiến nhiều bệnh nhân trong khu vực phải cầu cứu nhiều nơi.

Tiềm ẩn nguy cơ không an toàn cho người bệnh

BS Đặng Minh Hiền - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng - cho biết, hơn 1 tháng qua, tình trạng khan hiếm máu tại bệnh viện diễn ra gây rất nhiều khó khăn trong điều trị, cứu chữa bệnh nhân. Ngay cả máu phục vụ cho nhu cầu cấp cứu, bệnh viện phải cố gắng xoay xở mới cơ bản đáp ứng được.

Do yêu cầu đảm bảo công tác cấp cứu và điều trị, chỉ riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng trung bình mỗi tháng cần từ 800-1.000 đơn vị máu từ Bệnh viện HH-TM Cần Thơ. Vì vậy, số lượng máu hạn chế ảnh hưởng rất lớn đến công tác cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân.

Theo tìm hiểu, Bệnh viện HH-TM TP Cần Thơ thông báo tạm dừng giao chế phẩm máu cho các cơ sở y tế. Cụ thể, từ ngày 5/9/2023, bệnh viện tạm dừng đi giao máu, chế phẩm máu, chỉ phát máu, chế phẩm máu trong trường hợp cấp cứu. Nguyên do là gặp khó trong công tác đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế năm 2023- 2024 (trong đó có túi lấy máu và hóa chất xét nghiệm sàng lọc máu).

“Trước khó khăn trên, UBND tỉnh Sóc Trăng rất mong UBND TP Cần Thơ quan tâm chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế; tạo điều kiện cho Bệnh viện HH-TM Cần Thơ tiếp tục triển khai công tác tiếp nhận máu, đảm bảo nguồn máu và chế phẩm máu cung cấp cho các cơ sở y tế ở ĐBSCL nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng, đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp cứu, điều trị bệnh…” - UBND tỉnh Sóc Trăng kiến nghị.

Trước đó, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) cũng có công văn “cầu cứu”, đề nghị Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện HH-TM Cần Thơ xem xét, tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ cung cấp nguồn máu và sinh phẩm máu để đảm bảo công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh Trần Kiến Vũ cho biết, động thái tạm dừng giao máu ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của bệnh viện, nhất là công tác phẫu thuật, truyền máu cấp cứu, truyền máu định kỳ… “Chúng tôi xin ý kiến chỉ đạo từ Bộ Y tế, UBND tỉnh, Sở Y tế Trà Vinh, Bệnh viện HH-TM TP Cần Thơ xem xét sớm giải quyết tình trạng trên để bệnh viện có đủ nguồn máu cung cấp phục vụ cho bệnh nhân” - ông Vũ kiến nghị.

Ông Lê Hoàng Phúc - Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, năm 2022 khi nguồn cung máu ổn định, mỗi quý bệnh viện cần 6.000-7.000 đơn vị máu. Tuy nhiên, khoảng 6 tháng gần đây Bệnh viện HH-TM Cần Thơ cung ứng chỉ đạt khoảng 40- 50% nhu cầu.

“Trường hợp không đủ máu cấp cứu thì bệnh viện chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Tuy nhiên quá trình vận chuyển sẽ tiềm ẩn nguy cơ không an toàn cho người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân đang trong tình trạng xuất huyết…” - ông Phúc nói.

Dự kiến hoàn thành công tác mua sắm trong quý IV/2023

Cụm thi đua số 8 các tỉnh ĐBSCL (Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) cho biết, từ tháng 3/2023 đến nay tại Bệnh viện HH-TM Cần Thơ công tác đấu thầu mua sắm hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế (túi đựng máu) không kịp thời để tiếp nhận máu. Việc thực hiện chỉ tiêu Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện giao từ đầu năm cho các tỉnh ĐBSCL sẽ không đảm bảo đạt chỉ tiêu vào cuối năm.

Nhiều bệnh viện cầu cứu ảnh 1

Bác sĩ khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, bệnh viện lớn hàng đầu ở miền Tây này cũng đang trong tình trạng khan hiếm máu

Để có cơ sở điều chỉnh chỉ tiêu vận động, tiếp nhận máu các tỉnh trong khu vực, BCĐ quốc gia đề nghị lãnh đạo Cụm thi đua số 8 hướng dẫn Thường trực BCĐ các tỉnh phối hợp với Sở Y tế và Bệnh viện HH-TM Cần Thơ đề xuất chỉ tiêu điều chỉnh năm 2023, lấy đó làm căn cứ để BCĐ quốc gia xem xét điều chỉnh chỉ tiêu phù hợp với tình hình thực tế và công tác thi đua khen thưởng năm 2023.

Trao đổi với PV Tiền Phong, BS. Nguyễn Xuân Việt - Giám đốc Bệnh viện HH-TM Cần Thơ cho biết, từ khi thành lập ngân hàng máu ĐBSCL (năm 2008) đến nay chưa từng xảy ra tình trạng thiếu máu trầm trọng như năm nay. Thực tế là không thiếu người cho máu mà do thiếu dụng cụ để tiếp nhận máu. Theo BS. Việt, tình trạng này diễn ra từ đầu năm nay, nhất là từ tháng 6 đến nay càng trầm trọng hơn. Để khắc phục, bệnh viện nhờ đến nguồn máu hỗ trợ từ 3 nguồn, gồm: Viện HH-TM Trung ương, Bệnh viện Truyền máu TPHCM và Bệnh viện Chợ Rẫy.

Nhiều bệnh viện cầu cứu ảnh 2

Kho máu của Bệnh viện HH-TM Cần Thơ có thời điểm cạn sạch

Ngày 18/10 vừa qua, UBND TP Cần Thơ có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 47 mặt hàng thuộc dự án mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế năm 2023-2024 tại Bệnh viện HH-TM Cần Thơ, với tổng trị giá gói thầu hơn 17,1 tỷ đồng. BS. Nguyễn Xuân Việt cho biết, đơn vị đang huy động tối đa nhân lực làm ngày làm đêm để tiến hành các bước với mong muốn càng nhanh càng tốt để lựa chọn nhà thầu, triển khai mua sắm.

“Cấp trên đã có chủ trương và phê duyệt kế hoạch, việc bây giờ là bệnh viện thực hiện nhanh để sớm có nguồn máu cung cấp cho các bệnh viện trong khu vực phục vụ điều trị bệnh nhân” - BS. Việt nói.

Đại diện Sở Y tế Cần Thơ cho biết, đã thành lập tổ công tác hỗ trợ Bệnh viện HH-TM Cần Thơ thực hiện kế hoạch, dự kiến trong quý IV/2023, bệnh viện sẽ hoàn thành công tác mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế.

Nhu cầu mỗi tháng từ 12.000 -15.000 đơn vị

Tại công văn báo cáo khẩn cấp gửi HĐND, UBND và Sở Y tế Cần Thơ hôm 17/10, Giám đốc Bệnh viện HH-TM Cần Thơ Nguyễn Xuân Việt cho biết, kho máu bệnh viện lúc này chỉ còn 86 đơn vị khối hồng cầu (nhóm máu O: 39 đơn vị; nhóm máu A: hết; nhóm máu B: 31 đơn vị; nhóm máu AB: 16 đơn vị; tiểu cầu: hết).

“Nhu cầu cấp máu mỗi tuần ở ĐBSCL từ 2.800-3.000 đơn vị khối hồng cầu (12.000-15.000 đơn vị/tháng) với 4 nhóm máu A, B, O và AB; còn tiểu cầu kit từ 80-100 đơn vị/tuần (300-400 đơn vị/tháng). Bệnh viện báo cáo khẩn cấp đến quý lãnh đạo xem xét chỉ đạo và hỗ trợ bệnh viện” - Giám đốc Bệnh viện HH-TM Cần Thơ báo cáo.

MỚI - NÓNG
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
TPO - Khoảng 4h kém, khi mặt trời còn chưa lên, những chiếc thuyền thúng của ngư dân làng chài An Hải, Thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên nhẹ nhàng vượt sóng vận chuyển cá, mực… từ ghe đưa vào bờ. Mỗi người đều đội trên đầu một chiếc đèn pin soi sáng để phân chia từng loại hải sản. Bến cá không quá đông đúc do người mua bán chủ yếu là các hộ dân sinh sống nơi đây và một số thương lái đến thu mua hải sản để phân phối lại cho các nhà hàng.