Nhiều người chưa biết Việt Nam nghiên cứu thành công vắc xin dịch tả lợn châu Phi

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Lãnh đạo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thừa nhận có tình trạng người dân đang e dè sử dụng vắc xin dịch tả lợn châu Phi, bởi đây là loại vắc xin mới, trên thế giới chưa có nước nào nghiên cứu thành công và đưa vào sử dụng.

Tại cuộc trao đổi với báo chí về tình hình kết quả thực hiện nhiệm vụ 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chiều 23/12, trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về việc có tình trạng người dân chưa mặn mà sử dụng vắc xin dịch tả lợn châu Phi dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Thú y - cho biết, qua khảo sát thực tế việc tổ chức tiêm tại các địa phương, Cục nhận thấy có hiện tượng nêu trên.

Theo ông Long, ngay từ đầu việc chỉ đạo nghiên cứu vắc xin dịch tả lợn châu Phi được Bộ NN&PTNT phối hợp với Mỹ thực hiện rất nghiêm túc, tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo của Tổ chức Thú ý thế giới.

Để đưa vắc xin lưu hành thương mại, Việt Nam mất hơn 3 năm nghiên cứu. Đến tháng 7/2023, qua nhiều lần thử nghiệm thành công và phê duyệt kỹ lưỡng, Bộ NN&PTNT mới cho phép sử dụng dịch tả lợn châu Phi để tiêm phòng trên cả nước.

Nhiều người chưa biết Việt Nam nghiên cứu thành công vắc xin dịch tả lợn châu Phi ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y.

Ông Long cho biết, kể từ tháng 7 đến nay, đã có khoảng 600.000 liều vắc xin được người dân và các doanh nghiệp sử dụng. Ngoài ra, có 2 triệu liều vắc xin đang được các địa phương lên kế hoạch đấu thầu sử dụng cho cuối năm nay và đầu năm 2024. Tuy vậy, ông Long cho rằng so với tổng đàn lợn, số lượng lợn tiêm vắc xin còn hạn chế.

Lý giải nguyên nhân, lãnh đạo Cục Thú y cho rằng do thông tin tuyên truyền về việc sử dụng vắc xin chưa tốt. Trong quá trình đi kiểm tra việc tiêm vắc xin, Cục nhận thấy nhiều đơn vị còn chưa biết về việc Việt Nam đã nghiên cứu thành công loại vắc xin này. Một số biết thì vẫn nghĩ đang trong quá trình đánh giá.

Để khắc phục việc này, Cục Thú y đã chỉ đạo 2 doanh nghiệp được phép cung cấp, phân phối vắc xin dịch tả lợn châu Phi đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Cùng đó, Cục họp với các địa phương và các cơ sở để hướng dẫn thực hiện. Gần đây nhất, Bộ NN&PTNT cũng tham mưu Thủ tướng ban hành Công điện 29 để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện

Nhiều người chưa biết Việt Nam nghiên cứu thành công vắc xin dịch tả lợn châu Phi ảnh 2

Vắc xin dịch tả lợn châu Phi hiện mới chỉ tiêm trên lợn thịt.

Theo ông Long, hiện vắc xin mới chỉ dùng được cho lợn thịt, trong khi bà con quan tâm đến lợn nái, lợn giống hơn vì tác động sẽ lớn hơn. Tổ chức Thú y thế giới đang tiếp tục hỗ trợ Việt Nam để phát triển vắc xin phòng chống dịch cho lợn giống, đưa vào sử dụng rộng rãi.

Đặc biệt, đây là vắc xin mới và chưa nằm trong danh mục phải phòng bệnh. Thời điểm cấp phép, tất cả kế hoạch đấu thầu chưa đưa vắc xin này vào. Do đó, trong chỉ đạo của Chính phủ, trong tháng cuối năm và đầu 2024, cần phải sử dụng vắc xin dịch tả lợn châu Phi.

“Chúng tôi đề nghị việc sử dụng vắc xin và đánh giá kết quả cần công khai, minh bạch. Ở trong nước, Bộ đề nghị các doanh nghiệp và địa phương sử dụng có đánh giá độc lập. Ngoài ra, dự kiến vào tháng 1/2024, Cục sẽ mời Tổ chức Thú y thế giới vào đánh giá kết quả triển khai mức độ đáp ứng miễn dịch trên đàn lợn để giúp bà con yên tâm hơn”, ông Long chia sẻ.

MỚI - NÓNG