Nhiều người mắc bẫy tội phạm lừa đảo qua mạng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Kẻ gian thường sử dụng thủ đoạn kết bạn làm quen, hứa hẹn tình cảm yêu đương, thông báo trúng thưởng, kêu gọi đầu tư chứng khoán, đăng thông tin giả mạo về hoàn cảnh khó khăn… để chiếm đoạt tài sản của người dân.

Ngày 19/6, Công an huyện Bình Chánh (TPHCM) đã phát đi thông tin cảnh báo người dân về cách phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Từ lừa đảo đặt tiệc và hack Facebook

Ngày 27/5, chị P.T.T.V (45 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, chủ quán ăn) nhận được tin nhắn Zalo tên Hồng Quân đặt 5 bàn tiệc tại quán cho giáo viên của một trường học.

Ngày hôm sau, người này tiếp tục nhắn tin nhờ chị V mua dùm rượu tặng cho khách, đồng thời cung cấp số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của chủ cửa hàng rượu.

Nhiều người mắc bẫy tội phạm lừa đảo qua mạng ảnh 1

Đối tượng sử dụng các thiết bị hiện đại để thực hiện hành vi phạm tội.

Do tin tưởng, chị V đồng ý và chuyển 3 lần với số tiền hơn 330 triệu đồng vào số tài khoản trên rồi báo cho vị khách biết. Sau đó, chủ tài khoản Zalo Hồng Quân cũng gửi hình ảnh chuyển tiền thanh toán thành công vào số tài khoản của chị V. Tuy nhiên, chị V không nhận được tiền và nghi bị lừa đảo nên đã đến cơ quan công an trình báo.

Trước đó vào ngày 6/4, chị N.H.K.N (38 tuổi) nhắn tin qua mạng xã hội Facebook với bạn có nickname “Anh Võ” và người này có hỏi mượn tiền.

Nghĩ là chỗ bạn bè, chị N chuyển hơn 500 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng tên Nguyễn Hồng Phát. Sau đó, chị N gọi điện cho người quen nói chuyện thì tá hỏa khi biết Facebook “Anh Võ” đã bị kẻ gian hack.

Nhiều người mắc bẫy tội phạm lừa đảo qua mạng ảnh 2

Người dân cần cảnh giác với các cuộc gọi giả danh để tránh bị lừa đảo (Ảnh minh họa).

Còn bà N.T.T.H (54 tuổi) nhận điện thoại của người tự xưng là cán bộ điều tra tên Nguyễn Văn Hoàng thông báo bà liên quan đến hoạt động nhận tiền của đối tượng ma túy.

“Cán bộ” này yêu cầu bà H mở tài khoản tại một ngân hàng, chuyển vào 700 triệu đồng và cung cấp mật mã để phục vụ điều tra. Sau khi làm theo hướng dẫn, bà H nghi ngờ bị lừa đảo nên đến ngân hàng kiểm tra thì phát hiện mất số tiền trên.

Đến vay tiền và tìm việc làm trên mạng

Hồi tháng 3, anh H.T.T (19 tuổi) được chủ tài khoản Facebook tên Nguyễn Quang Duy gọi điện giả mạo là nhân viên ngân hàng hứa môi giới cho vay 1 tỷ đồng, nếu anh T chứng minh được khả năng trả nợ bằng hình thức chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng tên Trịnh Thị Liên.

Sau đó, anh T đã chuyển vào tài khoản trên số tiền 245 triệu đồng và...mất liên lạc với chủ tài khoản Facebook.

Cuối năm 2022, chị V.L.H.T (18 tuổi) nhận được tin nhắn mạo danh ngân hàng kèm đường link yêu cầu truy cập. Chị T làm theo yêu cầu và cung cấp mật khẩu đăng nhập, user, mã OTP thì bị kẻ gian chiếm đoạt quyền đăng nhập, lấy hơn 300 triệu đồng trong tài khoản.

Nhiều người mắc bẫy tội phạm lừa đảo qua mạng ảnh 3

Tang vật trong vụ bắt giữ nhóm sử dụng công nghệ cao, giả danh cơ quan nhà nước để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vào năm 2019.

Trước đó, chị T.T.N.T (38 tuổi) vào các trang mạng xã hội tìm kiếm việc làm thì được một đối tượng không rõ lai lịch hướng dẫn gia nhập nhóm Telegram để làm việc mua bán trên sàn giao dịch.

Người này yêu cầu chị T nạp tiền vào tài khoản ngân hàng tên Trần Văn Sang. Chị T đã gửi vào tài khoản trên 157 triệu đồng và sau đó bị kẻ gian chặn liên lạc.

Tương tự, anh N.V.H (40 tuổi) đang sử dụng Facebook thì được một tài khoản tên “kiếm tiền tại nhà” liên hệ hướng dẫn tải App SSI Trading để mở tài khoản chơi chứng khoán.

Anh H làm theo hướng dẫn, nạp 300 nghìn đồng vào một tài khoản ngân hàng để chơi theo và thắng 1 triệu đồng nhưng chỉ rút được 500 nghìn đồng. Tiếp tục nạp 30 triệu đồng vào số tài khoản trên để chơi, anh H thắng được hơn 550 triệu đồng.

Lúc này, anh H muốn rút tiền nhưng người hướng dẫn yêu cầu nạp thêm hơn 34 triệu đồng để làm thủ tục rút tiền.

Sau khi chuyển tiền theo hướng dẫn nhưng không rút được tiền, anh H liên hệ thì được người hướng dẫn thông báo nghiệp vụ chuyển tiền bị lỗi và yêu cầu thử lại. Anh H tiếp tục thực hiện thêm 7 lần nạp với số tiền gần 300 triệu đồng thì mới phát hiện mình bị lừa đảo.

Nhận diện thủ đoạn và cách phòng ngừa

Theo Công an huyện Bình Chánh, thủ đoạn phổ biến của loại tội phạm này là kết bạn, làm quen qua mạng xã hội, hứa hẹn tình cảm yêu đương, tặng quà rồi lừa đảo; chiếm quyền quản trị hoặc giả lập các tài khoản mạng xã hội của người khác rồi nhắn tin lừa gạt người thân quen của chủ tài khoản.

Tạo lập các website sàn giao dịch tài chính, ngân hàng, chứng khoán quốc tế để lôi kéo người dân tham gia đầu tư. Sau đó, các đối tượng can thiệp vào hệ thống để chiếm đoạt số tiền của người tham gia.

Thông báo trúng thưởng, gửi tin nhắn rác, hỗ trợ chuyển đổi sim từ 3G lên 4G; trao đổi, mua bán hàng hóa qua mạng; kêu gọi đầu tư kinh doanh đa cấp, tiền ảo…

Công an khuyến cáo người dân cảnh giác với các số điện thoại có đầu số lạ; các cuộc gọi tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước, lực lượng công an để thông báo vi phạm, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại; các cuộc gọi, tin nhắn yêu cầu chuyển tiền, thông báo trúng thưởng hoặc có liên quan đến giao dịch ngân hàng.

Thường xuyên kiểm tra, cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản, thay đổi và đảm bảo độ mạnh của các mật khẩu; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân của bản thân trên mạng xã hội…

Không làm theo hướng dẫn của người lạ; không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng cho đối tượng không quen biết; không được mua bán, cho mượn giấy chứng minh nhân dân, tài khoản cá nhân; không truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn, liên kết, website hoặc mở tệp đính kèm trong thư điện tử đến từ người gửi không xác định.

Khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân phản ánh tới đầu số 156 thông qua 2 hình thức: gửi tin nhắn hoặc gọi điện tới đầu số 156.

MỚI - NÓNG