Trường ĐH Ngân hàng TP. HCM hiện có 3 chương trình đào tạo chính quy quốc tế song bằng. Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP. HCM (UEF) có tới 29 chương trình song ngành nội bộ, trường ĐH Hoa Sen có 11 chương trình, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng có 15 ngành đào tạo song ngành.
Trường ĐH Kinh tế TP. HCM hiện có 5 chương trình song ngành, liên ngành. Tại cơ sở chính với các ngành: Kinh doanh nông nghiệp – Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Bảo hiểm – Tài chính, Quản lý công – Luật và 2 ở phân hiệu Vĩnh Long (Kinh doanh nông nghiệp – Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng, Kinh doanh nông nghiệp – Kinh doanh quốc tế).
Ngày càng nhiều các bạn sinh viên chọn học song ngành, liên ngành. |
Theo các chuyên gia về giáo dục ưu điểm của chương trình song ngành là rất lớn, nhưng áp lực học tập cũng không phải là nhỏ, nếu sinh viên không biết sắp xếp quỹ thời gian và nghiêm túc.
Dương Tùng (trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐHQG TP. HCM) hiện đang học chương trình song ngành, chia sẻ: “Học song ngành đòi hỏi người học phải học gấp đôi chương trình so với một sinh viên bình thường, rất áp lực và mất rất nhiều thời gian. Chính vì vậy, trước khi có ý định học song ngành, các bạn cần có mục tiêu cụ thể, định hướng sự nghiệp rõ ràng, biết được các kiến thức đó sẽ hỗ trợ và cộng hưởng gì cho sự nghiệp sau này. Chuẩn bị tinh thần và sự tập trung cho lịch học và khối lượng bài tập không nhỏ”.
Đặc biệt, đối với các học phần là điều kiện tiên quyết theo Dương Tùng phải ưu tiên học đúng lộ trình mà thời khóa biểu đã lên, tránh việc để lỡ sẽ khó tham gia và mất đi kế hoạch các học phần liên quan kế tiếp. Với học phần không dính đến điều kiện tiên quyết, sinh viên có thể đăng ký ở bất kỳ lớp học nào. Tuy nhiên, nếu không có sự kỷ luật với bản thân trong suốt quá trình học, thì khó đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ.