Nhớ một nhân vật của nhà văn Nguyên Hồng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhờ nhạc sĩ Phạm Tuyên hướng dẫn mà tôi lần được tư gia của nhà báo Phạm Tôn. Phạm Tôn gọi NS Phạm Tuyên là cậu ruột. Phạm Tôn tên thực là Tôn Thất Thành. Phạm Tôn người cao. Manh mảnh. Rất thạo tiếng Pháp. Nhiều năm ở báo Nhân Dân. Như con dao pha. Làm phóng viên. Có thời gian dài giúp việc cho nhà báo Thép Mới. Lại có chân ở Phòng tư liệu của báo.
Nhớ một nhân vật của nhà văn Nguyên Hồng ảnh 1

GS Tôn Thất Bình

Cũng là cái lạ hay may? Là cháu ngoại cụ Phạm Quỳnh (Phạm, họ bên ngoại. Tôn, họ nội) mà Phạm Tôn lần lượt được tín nhiệm giao nhiều việc?

Ghé nhà Phạm Tôn, cũng là tiện việc ngỏ lời cảm ơn. Dạo tôi viết loạt bài về nhà văn hóa Phạm Quỳnh trên Tiền Phong, ông lấy về đăng trọn trên Blog của ông. Quá bát tuần, lại đeo đủ thứ bệnh nhưng vẫn say mê việc viết lách cùng chăm chút tường nhà Blog.

Trong những tấm ảnh treo trên tường, tôi để ý đến một tấm đã ố vàng. Một người tre trẻ hao hao như Tướng Giáp? Phạm Tôn cười, đích ông ấy. Ảnh chụp các GS chủ chốt của Trường Thăng Long. Này nhé: Từ trái sang phải là các vị Đặng Thai Mai, Tô Thúc Doanh, Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Như Tiếp và bố tôi Tôn Thất Bình…

Câu chuyện loanh quanh về bức ảnh ấy đã chiếm trọn của chúng tôi suốt một buổi sáng.

Nhớ một nhân vật của nhà văn Nguyên Hồng ảnh 2
Bà Phạm Thị Giá, bà Nguyễn Thị Hy (chị dâu) và bà Phạm Thị Thức (phải)

* * *

Chuyện của nhà báo Phạm Tôn dẫn tôi về một quá vãng có ngôi trường nổi tiếng, trường tư thục Thăng Long.

Năm 1934, ông Phạm Hữu Ninh cùng các trí thức như Nguyễn Dương, Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai, Phan Thanh, Nguyễn Cao Luyện, Tôn Thất Bình, Đặng Vũ Xích thành lập Hội mở mang nền tư thục (A.D.E.L). Sau đó nâng cấp Trường Tiểu học Thăng Long ở Hàng Cót lên cấp Tú tài (trung học) và chuyển địa điểm về Ngõ Trạm.

Năm 1935, trường Trung học tư thục Thăng Long ở phố Ngõ Trạm được thành lập. Niên học 1935-1936 là niên khóa thứ nhất của trường. Nhờ có sự giúp sức của kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện mà trường được nâng cấp khang trang lên hai tầng.

Để thu hút học sinh về trường Thăng Long, những người sáng lập trường đã mạnh dạn đầu tư mời các giáo sư uy tín về trường dạy với mức lương hàng tháng là 150 đồng, kể cả nghỉ hè vẫn hưởng nguyên lương.

Nhờ đó mà trong kỳ khai giảng năm học mới, học sinh các nơi nghe tin trường Thăng Long có thầy dạy giỏi nên đã kéo sang rất đông.

Lời ông Phạm Tôn.

Bố tôi trong hồi ký của cụ Vũ Đình Hòe là “một người đóng vai trò chủ chốt trong việc tồn tại của trường Thăng Long”. Bố tôi không chỉ là thầy dạy Pháp văn của Trường Thăng Long mà còn tham gia việc điều hành nhà trường. Và lần đầu tiên tôi biết được ông là Phó Đốc Giáo trường Thăng Long, như chức phó hiệu trưởng ngày nay.

Ông ấy còn che chắn nhóm các nhà cách mạng hoạt động trong và ngoài trường khỏi bàn tay của thực dân Pháp.

...Mãi tận bây giờ ngồi với nhau, tôi mới biết tại sao Phạm Tôn tên thực là Tôn Thất Thành.

Học sinh Trường Quốc Học Huế Tôn Thất Bình cùng một số bạn bị đuổi học vì chống đối đốc học người Pháp, tham gia các cuộc bãi khóa để tang Phan Châu Trinh (1925) và đòi ân xá Phan Bội Châu (1926). Tri huyện Tôn Thất Cung cho con ra Hà Nội tiếp tục học. Tại đây, Tôn Thất Bình vừa dạy học ở trường Gia Long vừa tiếp tục học thêm cho đến thi đỗ cả hai phần tú tài Tây. Cũng ở Hà Nội, anh tiếp xúc với chủ bút báo Nam Phong Phạm Quỳnh, biết con gái đầu của ông.

Nhớ một nhân vật của nhà văn Nguyên Hồng ảnh 3

Ông Phạm Tôn - Tôn Thất Thành và tác giả

Trong thời gian đó, ông quan huyện Tôn Thất Cung từng làm quan ở nhiều huyện Nam Trung Bộ, rồi về huyện Phong Điền Thừa Thiên - Huế, chống lại lệnh viên công sứ Pháp, không chịu đi bắt cộng sản mà ông cho là người dân lương thiện, bị buộc từ quan. Tôn Thất Bình nhận thư cha viết vắn tắt là: “Nay chú hươu rồi (Nay cha về hưu rồi) Việc nhà con lo”. Từ đấy Tôn Thất Bình lo cho cả gia đình ở Huế, phụ vào lương hưu ít ỏi của người cha thất sủng, nuôi bà dì là mẹ kế và hai em trai, mấy em gái con bà. Khi Tôn Thất Bình kết hôn với người con gái cả của Phạm Quỳnh thì cha đã về hưu. Năm 1931 ấy, chủ bút Nam Phong tạp chí Phạm Quỳnh cũng mới ngót 40 tuổi.

Năm 1931 cha mẹ tôi cưới, năm 1932 thì sinh con gái đầu lòng tức chị tôi, Tôn Nữ Thị An. Vẫn phải lo chu cấp cho đại gia đình ở Huế cho nên sau khi có con đầu lòng, bố tôi phải nhận làm chủ bút cho một tờ báo tiếng Pháp mang tên La Patrie Annamite (Tổ Quốc An Nam) nhưng do một người Việt làm chủ nhiệm, ông Phạm Lê Bổng. Ông này ra báo chỉ cốt được phép mua giấy giá rẻ để cung cấp cho người nhà có nguyên liệu làm pháo. Mọi việc về bài vở đều một mình bố tôi lo nhưng phải bảo đảm báo không bị đóng cửa làm ông mất nguồn nguyên liệu.

“Thầy Tôn Thất Bình là nhà báo được nhiều người biết tiếng do sành tiếng Pháp và có tài hùng biện” (trích Lịch sử truyền thống trường Thăng Long (Ngõ Trạm) Hà Nội do Phạm Ngọc Tâm sưu tầm biên soạn).

Ông Phạm Tôn kể tiếp: Đọc trong Hồi ký Vũ Đình Hòe (tập I, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin) mới biết là bố tôi ngoài việc giảng dạy và quản lý trường Thăng Long còn tham gia nhiều hoạt động xã hội, nổi tiếng nhất là Hội Ánh Sáng do báo Ngày Nay khởi xướng để chống nạn nhà ổ chuột, tối tăm thiếu vệ sinh, ông là một trong ba chủ tịch cùng hai chủ tịch khác là Vũ Đình Hòe và Nguyễn Tường Tam. Hội này đã xây dựng được khu nhà Ánh sáng kiểu mẫu tại bãi Phúc Xá bên sông Hồng. Ông cũng tham gia phong trào Truyền bá Quốc ngữ với Nguyễn Văn Tố làm chủ tịch, bố tôi và ông Vũ Đình Hòe làm phó chủ tịch (trang IV và V sách Hồi ký Vũ Đình Hòe, tập I).

Qua ký ức của người con, người viết bài này mới biết thêm, lần ấy ông Tôn Thất Bình về Hải Phòng diễn thuyết quyên góp cho phong trào xây dựng Nhà Ánh Sáng. Nhà văn Nguyên Hồng người của giai cấp cần lao khi đó đương ở Hải Phòng. Nhà văn đã chứng kiến toàn bộ buổi diễn thuyết của diễn giả nổi tiếng hùng biện Tôn Thất Bình từ khai mạc đến cho tới khi kết thúc. Sau này, Nguyên Hồng bê gần như nguyên xi khung cảnh cùng diễn giả và người nghe buổi diễn thuyết đó vào tác phẩm Sóng Gầm - được chọn in trong Tuyển tập Nguyên Hồng (tập III) từ trang 481 đến trang 484. Chỉ có một thay đổi nhỏ là nhà văn đã cho diễn giả trong truyện có tên là Tôn Thất Bằng.

Cuối trang 484 của Sóng gầm lại thuật buổi diễn thuyết khác của Tôn Thất Bằng tại hội quán Trí Tri ở thành phố Nam Định. Nội dung diễn thuyết là Nền quân chủ thịnh trị ở Anh và ảnh hưởng của nó đến văn học, nghệ thuật, khoa học như thế nào.

Nhà văn Nguyên Hồng đã để cho nhân vật của mình, anh Thanh “ngạc nhiên hết sức trước sự hiểu biết của một vị giáo sư mà Thanh thấy sao mà rộng lớn đến thế”.

Ngoài diễn thuyết, ông Tôn Thất Bình còn hay trả lời phỏng vấn của các báo đài từ Paris và nước ngoài đến Hà nội. Một nhà báo nữ của tờ Paris Buổi chiều đã bộc bạch ngay trong bài phỏng vấn.

… Nghe giọng anh nói thì chắc anh đã sống ở Paris nhiều năm? – Tôi chưa sang Pháp bao giờ, nhưng có may mắn được học nhiều thầy người Paris.

Ông Phạm Tôn cũng chia sẻ ấn tượng một lần may mắn được dự Hội Trường Thăng Long do cụ Võ Thuần Nho (em trai tướng Giáp) chủ trì.

Nhiều người có chung nhận xét rằng các thầy trường Thăng Long là élites (tinh hoa) của xã hội thời bấy giờ.

Và cũng nói đến bố tôi: nghiêm, trịnh trọng, élégant (thanh lịch). Khiêu vũ giỏi. Mọi quan hệ với người Pháp đều một tay bố tôi đảm trách. Có người còn nói vui ở trường hồi ấy ăn mặc đúng mốt nhất là hai thầy Tôn Thất Bình và Phan Thanh.

Đêm 8/9/1945 GS Tôn Thất Bình đột ngột bị giải đi. Cú sốc ấy khiến vợ GS Bình, bà Phạm Thị Giá ngay đêm đó đột ngột trở dạ và sinh non em bé!

Phạm Tôn khi đó mới hơn 5 tuổi!

… Chúng tôi chụm đầu vào cuốn hồi ký của bà Phạm Thị Giá, người con gái cả của học giả Phạm Quỳnh.

Trong cuốn hồi ký viết năm 1994 ấy có những dòng này.

… Được nửa tháng vội làm đơn lên Bộ Nội Vụ xin cho anh được tha.

Khi ấy ông Hoàng Hữu Nam là chánh văn phòng Bộ Nội vụ, tôi có trình bày: “chồng tôi bị bắt vì tội gì, nếu có tội, xin cho biết, gia đình cam chịu, còn nếu không, xin cho về với gia đình”. Ông chánh văn phòng cho biết: “Bọn Pháp ngày nay đang lùng những người thân Pháp để lợi dụng, nếu ông ở nhà, nó lại bắt dùng vào những việc có hại cho nước, ông sẽ mang tội, mà gia đình cũng không giữ được. Chúng tôi đưa ông đi an trí một nơi, cách biệt với gia đình để giữ cho ông được an toàn. Hồ sơ ông vẫn như tờ giấy trắng vậy thôi. Hành vi của gia đình là sự bảo đảm tốt cho ông”.

Và cũng có vài lần vợ ông được gặp gỡ, thăm nuôi. Hết Phủ Hoài Đức lại Kiến An Hải Phòng.

… Đến tháng 10/1946, trong khi cả nhà đang ăn cơm thì có một thanh niên đến nói là người nhà ông Đặng Thai Mai báo cho gia đình biết là: Ông Bình hiện nay đã đưa về Ty Liêm phóng, vài hôm nữa sẽ được về, có ai đến làm tiền để ông được tha thì gia đình nên cảnh giác kẻo bị lừa.

Cả nhà hay tin mừng quá, sáng hôm sau tôi và cô Hoàn mua quà bánh đến Ty Liêm phóng thăm. Tôi gửi quà, họ nhận và nói: đợi đấy sẽ có trả lời. Tôi và cô Hoàn đợi một lúc thì có một người ra đưa cho mảnh giấy viết bút chì, đúng chữ anh: “Anh đã nhận được quà, anh rất sung sướng, mai sẽ được về sum họp cùng gia đình”.

Tuy chưa được gặp mặt nhưng mừng là ngày mai anh sẽ được về.

Sáng hôm sau, tôi và cô Hoàn đi đón, tới nơi thì được người ta cho biết: “Các người đưa về hôm qua nay đã chuyển đi nơi khác rồi, Pháp nó đánh mạnh ở Kiến An”.

Hai chị em chưng hửng buồn rầu ra về! Còn biết nói gì nữa! Sau tin vui là nỗi buồn muôn thủa!

Đùng cái Kháng chiến Toàn quốc bùng nổ.

Tin tức bị đứt đoạn hoàn toàn.

Giờ, cả hai chúng tôi ngồi lặng phắc trước một bản sao.

“Ông Tôn Thất Bình không hề bị đưa ra tòa án, không có bản án tử hình nào đối với ông cả. Ông bị chết vì trận bom khi Pháp nhảy dù Bắc Cạn năm 1947” (Lời ghi xác nhận của ông Lê Giản, nguyên Tổng Giám đốc Nha Công an 1946).

MỚI - NÓNG