Nhớ thêm một Tết Thìn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tôi ghé ngõ Văn Chương rồi leo lên căn hộ xập xệ sà vào Chiếu Văn vào một chiều áp Tết con Rồng năm 2012. Cơ ngơi tuềnh toàng của nhà văn Sơn Tùng hằng bao năm vẫn vậy. Sắc diện nhà văn lúc đó có khá hơn so với năm trước (2011) ông được phong tặng Anh hùng Lao động.

Vẫn những lan man cùng chuyện không đầu không cuối như những lần gặp cũ trên Chiếu Văn - khoảng sàn ximăng chừng 5 mét vuông. Nhưng hình như thời điểm cùng tiết trời khơi gợi nhiều ký ức về cái năm Thìn?

Như ông đang hồi tưởng lại cái Tết Thìn năm 1964.

Nguyên cớ cùng duyên cớ thế nào chả biết? Có thể là chỗ cũng là bà con và em trai ông nội của Sơn Tùng đỗ tú tài cùng khoa với em trai ông ngoại của Cụ Hồ Chí Minh! Một ngày mùa xuân năm 1948, anh cán bộ Tỉnh Đoàn Nghệ An Bùi Sơn Tùng tìm đến và hầu chuyện gần một ngày với người chị ruột của Bác Hồ mà Sơn Tùng gọi là O!

Nhớ thêm một Tết Thìn ảnh 1

Nhà văn Sơn Tùng trên sân đình Lỗ Khê sáng Mồng Một Tết Giáp Thìn 1964

Cũng có thể là sự tò mò của tuổi trẻ cùng tố chất tiềm ẩn của một nhà báo tương lai Sơn Tùng nên đã có cuộc gặp ấy?

Sơn Tùng khi tới nhà O Thanh đã rủ thêm Chánh Văn phòng Tỉnh Đoàn Nghệ An Nguyễn Thừa Lương.

Hỏi thăm đích xác rồi, nhưng trước một cụ bà rất khó đoán tuổi, người manh mảnh nhưng cặp mắt với nhỡn lực toát lên thứ hồn cốt uy dũng thế nào, nhất người này lại là chị gái Hồ Chí Minh nên khiến cả hai anh em đâm ngài ngại...

Nhưng khi nghe người khách ngập ngừng giới thiệu, bà Thanh cười hồn hậu xoá ngay liền khoảng cách và xưng O với Sơn Tùng.

Rồi O Thanh rành rẽ.

“Ra cháu kêu cụ Bùi Xuân Phong là chú ruột.

Phải rồi Cụ Hoàng Xuân Hành là em ruột cụ Hoàng Xuân Đường. Cụ Đường là chú ruột của O. Cụ Hoàng Xuân Hành thân chinh dẫn cụ Bùi Xuân Phong đến chỗ Cụ Đề Thám... Cụ Bùi Xuân Phong là Bang biện sau đó là Tri phủ. Bùi Xuân Phong cùng cụ Hoàng Xuân Hành bị Pháp bắt rồi bị đày ra Côn Đảo...

Đậm trong trí nhớ của Sơn Tùng chưa hẳn là bữa ấy nghe bà Thanh kể lại cuộc gặp năm tê (1946) với người em là cậu Côông tức Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tại Hà Nội và quá trình bà cùng với ông Khiêm tham gia phong trào Đông du trong tổ chức Việt Nam Quang phục hội như thế nào... Hai chị em đều bị bắt đều bị đi đày khổ sai, bà Thanh đằng đẵng 9 năm ở cực Nam Trung bộ còn ông Khiêm thì khốn khổ ở nhà lao Khánh Hoà ra sao... Rồi bà Thanh bị tra tấn dã man bằng nhiều cực hình... Bà Thanh cũng bộc bạch hai chị em bị tra tấn dã man như rứa nên sau này họ thêm một nỗi buồn, một nỗi đau “tiệt đường con cái nên cả hai nỏ vợ chồng gia đình chi cả”!

Nhớ thêm một Tết Thìn ảnh 2
Nhớ thêm một Tết Thìn ảnh 3

Vài hình ảnh Bác Hồ chúc Tết nhân dân

Cái chi tiết đeo bám Sơn Tùng dai hơn cả là cái ông bình vôi. Bà Thanh nghiện trầu.

Buổi gặp ấy Sơn Tùng để ý hễ xê xịch đi đâu một tẹo cho dù ra thềm hay ra ngoài sân hoặc đứng lên ngồi xuống... bà Thanh đều kè kè cái ông bình vôi bên người như là vật bất ly thân?

Cái ông bình vôi ngó bình thường như các ông bình vôi khác của những người quen ăn trầu...

Không nén được tò mò, Sơn Tùng bật hỏi thì biết được khúc nhôi của cái ông bình vôi ấy thế này. Cụ thân sinh bà Thanh (cụ Hoàng Thị Loan) sinh thời rất nghiện trầu cả khi theo cụ Nguyễn Sinh Sắc vô Huế. Sau khi sinh người con út mới một năm thì cụ bạo bệnh mất. Cụ được chôn cất ở Huế. Sau này, một mình bà Thanh cất bốc mộ mẹ từ Huế ra Nghệ An.

Khi cải táng mộ mẹ, bà Thanh cứ bần thần mãi bên cái ông bình vôi mà cái ngày ấy chôn theo.

Bà Thanh đã thắp hương xin mẹ giữ lại “cái ông bình vôi” này.

Bà Thanh cười móm mém.

“Chứ cháu có biết mần răng người ta lại kêu là ông bình vôi mà không kêu bằng bà? O luôn giữ bên mình cho có ông có bà là rứa đó cháu ạ...”.

Sơn Tùng để ý bên bà Thanh cũng có một cái cút rượu nhỏ.

Ngồi chuyện cùng hai anh em, lúc lâu bà lại rót ra cái chén hạt mít tí xíu làm một chíp nhỏ. Khi rượu còn trong chén, lòng bàn tay trái của bà luôn luôn ấp lên miệng chén!

“Cháu hỏi mần chi mà cứ phải giữ tay rứa? Cho khỏi bay cái hồn của rượu đi! O biết uống rượu cho đỡ buồn từ khi ở tù về”

Sau đận ấy, Sơn Tùng cũng đã có 2 cuộc gặp với người anh ruột bà Thanh, cụ Nguyễn Sinh Khiêm trong đó có cuộc theo cụ Khiêm đi câu và cũng tiện hầu chuyện luôn thể!

Vậy nên không dễ chi việc PV báo Tiền Phong Sơn Tùng lại ngẫu nhiên có mặt tại sân đình Lỗ Khê (Đông Anh) sáng mồng 1 Tết năm Giáp Thìn (1964). Và có bức ảnh để đời, hình phóng viên Sơn Tùng tươi cười ghi chép bên Bác (Xin xem tấm ảnh in kèm).

Đã đành làm cái chức phận phóng viên, nhất là nhà báo trẻ thì phải luôn lăn xả vào các sự kiện. Nhưng đâu chỉ có xung phong và “lăn” mà được? Tò mò hỏi thêm, tôi được biết hóa ra vị “tiểu đồng” thư ký của Cụ Hồ, ông Vũ Kỳ đã biết Sơn Tùng cùng mối quan hệ bà con với gia đình Cụ Hồ từ trước nên “chiều’’ Sơn Tùng cho tháp tùng chuyến thăm gặp của Cụ Hồ với bà con làng Lỗ Khê cái Tết Thìn ấy (sau này hai người vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết. Đó cũng là một “kênh” hữu hiệu đắc lực để Sơn Tùng thêm dư địa nghiên cứu và viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Hình ảnh Ông Cụ luôn thân gần với hết thảy dân chúng. Tất nhiên. Nhưng với Sơn Tùng cự ly thương mến buổi sáng xuân Mồng Một ấy hình như gần thêm? Nhưng vẫn hơi bị bất ngờ bởi lần đầu được thấy Bác ở một cự ly gần nhưng Sơn Tùng cũng chỉ đứng xa mà ngắm. Nhưng Ông Cụ đã rảo bước bên cạnh. Chất giọng thân thiết vui vẻ nhưng cứ như đánh độp Sơn Tùng: “Này viết về Hoa Xuân Tứ thì chú có bao nhiêu phần trăm sự thật trong ấy”.

Tấm gương về cậu bé Hoa Xuân Tứ vượt thoát vươn lên hoàn cảnh cụt cả hai tay mà học giỏi của tác giả Sơn Tùng đăng trên báo Tiền Phong đã lan tỏa khắp. Bác Hồ đọc báo đã thưởng Huy hiệu…

Nghe Bác hỏi vui nhưng Sơn Tùng xúc động quá không nói được gì! “Trời ơi, Bác bận trăm công ngàn việc nhưng vẫn dành thời gian đọc bài của mình trên Tiền Phong”.

Viết đến đây, tôi chợt bừng thêm một chi tiết.

Năm 1968, phóng viên Bùi Sơn Tùng trong đội hình các nhà báo Tiền Phong những Tâm Tâm, Lưu Quang Huyền… đang luyện tập trên Xuân Mai để chuẩn bị đi B. Bỗng có lệnh từ dưới Hà Nội đưa lên với nội dung xét hoàn cảnh của phóng viên Sơn Tùng có người em trai mới hy sinh ở chiến trường nên tạm hoãn đợt công tác vào B.

Sơn Tùng tức tốc hỏi Ban lãnh đạo báo Tiền Phong. Nhưng không ai biết cái lệnh ấy từ đâu ra? Chỉ biết là ở… trên.

Sơn Tùng cứ xung phong ở lại tiếp tục việc luyện tập.

Lại có lệnh tiếp với nội dung: Sơn Tùng không theo đội hình hành quân bộ vào B mà được bố trí đi máy bay sang PhnomPênh, từ đó sẽ có giao liên đưa vô Trung ương Cục ở Tây Ninh.

Sơn Tùng thời điểm đó cũng hơi lờ mờ biết cái lệnh ấy phát ra từ đâu. Nhưng chả nói gì. Và không chấp hành lệnh! Lại lặng lẽ trong đội hình vô Nam cùng nhóm PV Tiền Phong suốt 7 tháng trời ròng rã vượt Trường Sơn.

Nghị lực cùng phẩm chất ấy đã bầu nên một nhà văn Sơn Tùng vượt thoát tình trạng thương tật hạng 1/4 với hai bàn tay co quắp vẫn viết vẫn sáng tác trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhà cửa chật chội (2 lần từ chối việc ưu ái cấp nhà mới) 16 tác phẩm trong đó có Búp Sen Xanh… được bạn đọc cùng công luận từ lâu đã công nhận là nhà Hồ Chí Minh học!

*

* *

Tết Thìn 1964 ấy nhờ có sự ưu ái của “kênh trên” mà PV Sơn Tùng có nhiều tin bài trên Tiền Phong về nhiều hoạt động phong phú của Bác khi Người bước sang tuổi 74.

Được biết thêm, tối 30 Tết, Bác đến thăm và chúc Tết cán bộ công nhân tại Khu tập thể Nhà máy cao su, Nhà máy xà phòng, Nhà máy thuốc lá; Khu tập thể cán bộ miền Nam tập kết ở phố Phan Đình Phùng và một số gia đình ở Hà Nội... Sáng mồng 1 Tết, Bác đến thăm và chúc Tết Huyện ủy, Ủy ban hành chính huyện Đông Anh trong đó có Lỗ Khê.

Sơn Tùng đã chộp được một chi tiết thú vị khi thăm HTX Lỗ Khê, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, là đơn vị có nhiều thành tích trong phong trào sản xuất và tiết kiệm. Nói chuyện với bà con nông dân Lỗ Khê, Bác căn dặn phải chú ý phát triển hoa màu, chăn nuôi, trồng nhiều cây và chăm sóc cây tốt, đẩy mạnh vệ sinh phòng bệnh. Bác giơ tay về phía bức tường của Đình làng khen câu khẩu hiệu: “Đón Xuân mở hội làm giàu/Mừng Xuân cần kiệm lúa màu tốt tươi”.

*

* *

Bên nhà văn Sơn Tùng, những chuyện gần việc xa càng thêm ấn tượng về sức bền của sự sáng tạo. Mà đầu tiên phải là sự nhớ!

Tôi không rõ trong di cảo của nhà văn Sơn Tùng kiêm nhà Hồ Chí Minh học đã xuất bản hay còn lưu giữ những tư liệu, câu chuyện khá sinh động. Như chuyện nhân lan man về những cái Tết Thìn, nhà Hồ Chí Minh học Sơn Tùng có nhắc đến Nhâm Thìn 1892, cậu Sinh Cung mới 2 tuổi, ở với mẹ là bà Hoàng Thị Loan tại quê ngoại - làng Hoàng Trù, xã Chung Cự ngày xưa…

Rồi năm Giáp Thìn 1904, cậu Sinh Cung 14 tuổi, có tên Nguyễn Tất Thành do cha đặt khi làm lễ “vào làng” ở Kim Liên, quê nội. Sau khi đỗ Phó bảng, cụ Nguyễn Sinh Sắc được làng cấp đất, xuất quỹ làm cho một ngôi nhà. Đây là ngôi nhà và khoảnh vườn hiện nay đang được bảo tồn ở Kim Liên (Nam Đàn – Nghệ An).

Năm Bính Thìn 1916, sau khi rời Sài Gòn đi làm phụ bếp trên một con tàu sang Pháp (năm 1911), Nguyễn Tất Thành sang nước Anh, làm thợ quét tuyết lấy tiền sinh sống và chú tâm vào việc học tiếng Anh.

Hơi bị ấn tượng trong câu chuyện của nhà văn nhắc đến năm Mậu Thìn 1928.

Thời điểm này, Nguyễn Tất Thành đã có tên là Nguyễn Ái Quốc. Cuối năm 1927 và đầu năm 1928 Nguyễn Ái Quốc hoạt động trong Quốc tế Nông dân ở Béc-lin và tìm đường về nước để gây dựng phong trào cách mạng.

Có thể nói đây là thời điểm rất khó khăn của Nguyễn Ái Quốc trong quan hệ với Quốc tế Cộng sản. Ngày 12/4/1928, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Ban Phương Đông, Quốc tế Cộng sản trình bày hoàn cảnh hiện tại của mình. Thư có đoạn:

“Hiện nay tôi ở trong hoàn cảnh khó khăn không chịu nổi:

1- Chờ đợi vô thời hạn (tôi chờ chỉ thị đã 4 tháng)

2- Không có gì để sống…

Vậy tôi yêu cầu các đồng chí cho tôi càng sớm, càng tốt những chỉ thị chính xác về những gì tôi phải làm và bao giờ thì tôi có thể lên đường?”

Ngày 28/4, Người nhận được thông báo Ban Phương Đông đã quyết định gửi cho Nguyễn Ái Quốc tiền đi đường và một phần trợ cấp cho 3 tháng đầu.

Vượt qua nhiều khó khăn, nguy hiểm bởi sự theo dõi và kiểm tra của bọn mật thám quốc tế, Nguyễn Ái Quốc đã từ Béc-lin qua Thụy Sĩ, Ý rồi đi tàu thủy Nhật Bản đến Xiêm (Thái Lan).

(Sau này như một chút kiểm chứng, về giở lại sách thấy chuyện nhà văn Sơn Tùng nhắc đã được trang trọng ghi trong pho sử về Hồ Chí Minh - Hồ Chí Minh-Biên niên tiểu sử, NXB CTQG, H.1993, tập 1, tr.296)

Nhà văn Sơn Tùng đã đi xa, rất xa.

Nhớ thêm lần cận Tết Thìn cuối cùng với nhà Hồ Chí Minh học, nhà văn Sơn Tùng! n

MỚI - NÓNG