Như là định mệnh…

0:00 / 0:00
0:00
TP - Người đàn ông chừng 40 tuổi cầm camera say sưa quay cảnh người phụ nữ đọc thơ. Con bé 10 tuổi đứng ngẩn ngơ nhìn khung hình ấy. Tự nhiên trong tâm trí non nớt của nó vụt ra suy nghĩ “mình sẽ làm báo như bố mẹ”.

Cô bé đó là mình của 35 năm về trước. Mình chưa từng tiết lộ với 2 đấng sinh thành - những đồng nghiệp tiền bối của mình về lí do chọn nghề báo chỉ vì hình ảnh quá đỗi lãng mạn ấy ăn sâu trong suy nghĩ của đứa trẻ non nớt.

Giấc mơ thời thơ ấu

Hai mươi ba năm trước bước vào nghề báo với những tin bài nhỏ lẻ, sếp biên tập đỏ choe choét bản thảo. Chuyến đi thực tế đầu tiên, tự phi xe máy cùng cô bạn thân đến những huyện miền núi ở Hòa Bình viết về thanh niên tình nguyện. Ăn nghỉ cùng dân bản, đêm nằm nhà dân nghe tiếng gió hú từ vách núi vọng vào sợ ma không ngủ được. Ngày xưa, đầy nhiệt huyết cùng bạn bè trang lứa. Hồi ấy mình chưa có điện thoại di động nên bố mẹ ở nhà lo lắm. Một chiều, nghe anh Bí thư Tỉnh Đoàn bảo: “Mẹ Hà gọi lên hỏi, anh bảo cô là 2 đứa em đi xã, vẫn an toàn”. Làm sao anh Bí thư biết được tối hôm trước hai con bé đều cận thị phi xe máy xuống xã để vào nhà dân, đi đường lúc lâu mới nhận ra bên tay phải mình là vực sâu, bởi đường núi làm gì có đèn, cứ bám theo ánh sáng mờ ảo của bạn thanh niên tình nguyện đi trước. Cảm giác giật mình, hốt hoảng là có thật, nhưng phải bình tĩnh để đi tiếp. Đến nơi rồi chưa hoàn hồn thì bị đề nghị đọc thơ. Run quá đọc được vài câu thì quên sạch. May cô bạn cùng đi hát dân ca xứ Nghệ cực đỉnh đã “giải cứu binh nhì”.

Chuyến đi ăm ắp kỉ niệm. Về viết bài 3.000 từ, sếp kì công biên tập còn 1.200 từ. Chừa cái thói tham lam. Bài học đầu đời đối mặt với bản thảo gần 2.000 từ vắt não toát mồ hôi bị… hỏa táng, khiến mình tỉnh ra: cân nhắc, gói ghém, dồn nén cảm xúc trong từng câu chữ, bởi sự tiết chế ngôn từ và cảm xúc, nếu được, sẽ như lò xo tự bung dưới con mắt bạn đọc. Mình vẫn cảm ơn sếp đã chỉn chu, nên đứa lơ ngơ như mình trưởng thành hơn trong suốt 13 năm làm lính của sếp.

Đến giờ đã có 23 lần đón nhận ngày 21/6 - ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam trong tâm thế của một phóng viên, nhưng mình có tổng cộng 45 lần được sống trong không khí của ngày này khi cả Bố và Mẹ đều là những chiến sĩ trong chiến trường B năm xưa. Mẹ cầm bút và Bố cầm súng - họ bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ để rồi ngày hoà bình lập lại mỗi người lại tiếp tục cống hiến tại những tờ báo lớn. Với mình, Bố - Mẹ là những nhà báo vĩ đại và thân thương nhất, là Người truyền lửa yêu nghề từ khi mình còn là con nhóc học lớp 4. Ngày ấy đã mơ ước được đi đây đó viết bài. Giấc mơ thuở ấu thơ đã thành hiện thực. Thật đủ đầy từ nghề này. Và mình vẫn yêu nó mỗi ngày, yêu bằng thứ tình yêu trong sáng nhất dẫu nghề cũng lắm nỗi niềm mà người ngoài không thể thấu hiểu hết.

Như là định mệnh… ảnh 1

Chiến sĩ phòng hóa khử trùng, tiêu độc COVID-19 tại Bệnh viện Bạch Mai, tối 28/3/2020. ẢNH: NGUYỄN MINH

Ông bà xưa nói “một đêm nằm, ba năm ở”, cốt ý sâu xa là tạ ơn cưu mang ta ở đời, cho nương náu, cho bình yên. Không hẳn những năm tháng qua không có bão giông, nhưng cây không bật gốc, trụi lá. Cây đứng được, bởi không cô đơn. Bên mình, quanh mình, lớp lớp già, trẻ, lớn, nhỏ, gái, trai như keo kết dính bền bỉ. Nhưng nếu chỉ là cái tập thể thân yêu này, thì không đủ. Ngày xưa được gọi là phóng viên trẻ, đi phỏng vấn cũng nhiều lần bị “khớp” lắm, có lúc quên tiệt mình định hỏi gì bác sĩ. Giờ có tuổi rồi, qua tháng năm làm nghề, nhiều bác sĩ từ đối tượng bị phỏng vấn trở thành những người anh em thân thiết, luôn đứng sau hỗ trợ, thậm chí là người gợi ý đề tài cho mình. Trong số họ có nhiều người mình mạo muội viết chân dung họ, nhưng có những người lặng thầm phía sau, động viên có, thúc giục có để cái sự lười đôi lúc nảy số trong đầu mình khựng lại. Để rồi mình tiếp tục viết một cách chân thực như những năm tháng qua.

Duyên nợ

Hơn 20 năm nương náu dưới măng sét TIỀN PHONG, đã từ phóng viên tập sự trở thành phóng viên gần như già đơ nhất của phòng phóng viên nơi phố Hồ. Mọi thứ đều như mới gần đâu đây vậy mà đã hơn 2 thập kỉ gắn bó mảng sức khỏe, là cơ duyên để mình và các phóng viên y tế trải qua rất nhiều vụ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Thấm thía được mất của cuộc đời khi chứng kiến lằn ranh sự sống và cái chết. Hơn 20 năm đã cho mình thấy nghề báo dẫu lắm thị phi, dẫu vất vả nhưng vô cùng đáng trân trọng nếu bạn là nhà báo tử tế.

Như là định mệnh… ảnh 2

Phóng viên tác nghiệp tại Khoa cấp cứu

Vẫn nhớ trong một lần trả lời phỏng vấn báo bạn, mình nhận được câu hỏi: “Thường thì trong “làng báo”, những đề tài “hot” nhất hay nằm ở mảng thông tin nội chính, phóng sự điều tra, kí sự pháp đình… nhà báo viết mảng này dễ nổi tiếng hơn, dễ trở thành ngôi sao của tờ báo. Họ có nhiều cơ hội “giật” những giải thưởng lớn về báo chí ở diện Quốc gia… Với hơn 20 năm chỉ chuyên về mảng đề tài y tế, chị có cảm thấy thiệt thòi không?”. Đó là một câu hỏi hay, vì nó thật!

Gần 2 thập niên làm phóng viên y tế, mình đã tác nghiệp qua hàng chục vụ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như SARS, cúm A/H5N1, H1N1, phẩy khuẩn tả, sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết, đại dịch COVID-19... Cũng không biết tự bao giờ đứng trước những căn bệnh ấy mình lại “nổi máu” muốn thâm nhập thực tế. Có lẽ bởi đến tận nơi, nhìn tận mắt và nghe tận tai để cảm nhận những khó khăn đến với y bác sĩ và cảm được nỗi đau, sự mệt mỏi của bệnh nhân mới giúp bài viết thêm chân thực, sinh động.

Dù là khi đó hay giờ đây khi đang viết những dòng tự sự mình vẫn thấy cảm ơn số phận đã để mình gắn bó với mảng đề tài này. Mình không có khái niệm thế nào là nhà báo nổi tiếng hay ngôi sao trong làng báo. Đúng là ở một góc nào đó sẽ thấy rằng, người ta hay ca ngợi nhà báo này viết về điều tra rất hay, nhà báo kia viết về nội chính rất sắc… chứ hiếm khi người ta khen một nhà báo viết về y tế như mình. Nhưng, hơn 20 năm gắn bó với mảng đời sống này mới thấy mình may mắn bởi những phóng viên như mình đã đem lại những thông tin có giá trị đích thực đến với mọi người. Cảm ơn số phận, cũng là cảm ơn họ, những người có tên và không tên trên những dòng tin, bài kí của mình. Nếu không có họ, những đôi mắt đi xuyên đêm để cứu người, trũng sâu mất ngủ, bừng sáng vì bệnh nhân thoát cửa tử, nhòa đi khi người bệnh ra đi trên tay, họ đấy, những y bác sĩ, thì chắc gì mình tỉnh ngộ và vun vén trong tâm trí kinh nghiệm cho nghề lẫn khả năng thích ứng với bệnh tật, sự phản ứng bình tĩnh lẫn độ lì lợm trước sức khỏe của bản thân và người thân. Đó là mình nói chuyện cá nhân mình. Đời mình mang ơn họ.

Rất khó để thực hiện được chức năng của một phụ nữ bình thường nếu bạn làm báo. May mắn lắm vì mình có một gia đình nhiều thế hệ cùng nghề báo, mọi người đều dễ dàng thấu hiểu và cảm thông cho nhau. Và bởi thế mình luôn tự nhủ đã “mắc nợ” những người thân thương của mình rất nhiều. Và hình như điều này nữa, nữ phóng viên y tế dễ thấu cảm hơn nam, ít ra là tần suất rung động từ những cơn đau? Đi qua tháng năm làm nghề, cúi đầu lặng thầm cảm ơn những trải nghiệm, những lo lắng và cả những hiểm nguy đã khiến mình trưởng thành hơn trong nghề viết lắm gian truân…

…Mở cửa ngó xuống phố, dường như mùa đông đã về. Bóng người loáng đi trong mưa se lạnh. Góc phố như thu lại khi mưa gõ nhịp trên tầng mái rêu. Đứa bé 10 tuổi năm nào đến bây giờ vẫn không tìm được lời giải cho ước mơ thuở đó. Hình như mọi thứ là định mệnh…

MỚI - NÓNG