Như ở cõi Thiên thai

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chúng tôi đi giữa thiên nhiên hoang dã và những con người nhiệt huyết với rừng. Hệ sinh thái rừng khộp duy nhất tại Việt Nam mở ra nhiều điều kỳ thú, độc đáo, khiến cho những ai "lỡ" đến một lần thì sẽ có lời hứa hẹn lần sau.

Lạc giữa vườn địa đàng

Từ thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đi về huyện biên giới Buôn Đôn, cánh rừng khộp như người lính đóng trong đồn biên phòng trải dọc miền biên viễn.

Trước khi dẫn chúng tôi thám hiểm rừng khộp mùa khô, anh Y Siêm Hdơk, hướng dẫn viên Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ Vườn quốc gia Yok Đôn (huyện Buôn Đôn) dặn dò tỉ mỉ, bởi thời điểm này thời tiết ở đây rất nắng nóng.

Như ở cõi Thiên thai ảnh 1

Mô hình du lịch thân thiện thu hút nhiều đoàn du khách.

Trong rừng khộp, những cây dầu cao lừng lững, thân vươn lên thẳng đứng dưới bầu trời trong vắt. Đàn chim lạ cất tiếng hót giữa nắng vàng bỏng rát, hòa âm cùng gió trời lồng lộng. Nơi đây, hàng trăm loài chim đang được bảo tồn, tung cánh chấp chới. “Đây là thời điểm lý tưởng đi rừng săn ảnh chim, hoa”, nói rồi anh Y Siêm xốc ba lô, lấy chiếc máy ảnh ra bấm.

Như ở cõi Thiên thai ảnh 2

Du khách chọn những thời điểm lý tưởng để ngắm nhìn các loài chim.

Đó là một chú chim đang mổ vào thân con rắn. Con chim có kích cỡ không lớn nhưng có lẽ tốc độ và kỹ năng săn mồi vô địch. “Chim cắt nhỏ họng trắng là loài chim quý, đặc hữu của VQG Yok Đôn. Hình ảnh kỳ thú nhất của loài cắt khi chúng săn mồi, có sức hút mãnh liệt. Chim gõ kiến là loại chim đặc trưng rừng khộp. Trong rừng này có khoảng 16 loài gõ kiến...”, anh Y Siêm giới thiệu.

Như ở cõi Thiên thai ảnh 3

VQG Yok Đôn có hệ động thực vật phong phú.

Giữa rừng, dưới cái nắng trên 40 độ C, gần 10 ống kính chĩa thẳng lên trời săn ảnh độc, đẹp. Nhóm du khách này vượt hàng trăm cây số từ Lâm Đồng sang để được thỏa đam mê. VQG Yok Đôn có khu hệ chim phong phú, với hơn 370 loài chim. “Giữa tháng 2 đến cuối tháng 4 là thời điểm lý tưởng để du khách ngắm nhìn các loài chim”, một du khách trong đoàn tiếp chuyện.

Hệ động vật của vườn rất phong phú và đặc sắc với 92 loài thú; 373 loài chim; 55 loài bò sát,18 loài ếch nhái, 112 loài cá và khoảng trên 437 loài côn trùng. Trong số này có tới 41 loài thú, 22 loài chim, và một số loài bò sát quý hiếm đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam.

Như ở cõi Thiên thai ảnh 4

Hoa hồng trà trên đỉnh núi Yok Đôn.

Anh Y Siêm là một trong hai hướng dẫn viên giao tiếp thành thạo ngoại ngữ dẫn tour xuyên rừng giới thiệu khách nước ngoài về đặc tính, đặc trưng rừng khộp, những địa danh vùng đất này. Sức hấp dẫn từ cái mới, cái đẹp của tự nhiên cứ cuốn anh vào những chuyến đi khám phá. Mỗi lần đi rừng, anh thu thập thêm những mẫu vật bổ sung vào bộ sưu tập, đó có lẽ là cách anh thể hiện tình yêu với rừng.

Rừng khộp trút bỏ hết tấm áo choàng đầy màu sắc chỉ còn lại khu rừng trơ trụi lá, đất đai khô cằn. Mùa khô là mùa rừng khộp dễ cháy nhất, vùng này được ví như chảo lửa. Khi đoàn thấm mệt, dừng chân nơi vạt rừng bằng lăng trắng, chúng tôi cảm nhận như đang lạc trong vườn địa đàng xanh.

Ngoài bóng mát của tán lá bằng lăng, cơn gió nhẹ thổi đến làm cho nơi đây tấu lên bản nhạc du dương. Điều thú vị được bật mí, cây bằng lăng trắng có khả năng tự phòng cháy. Đến mùa nắng hạn, nó tự lột vỏ ngoài ra để bảo vệ cây khỏi bị cháy.

Luồn sâu dưới tán rừng, tôi như mềm lòng trước khung cảnh hoang sơ. Đẹp từ cái màu nâu đất của những chiếc lá rụng phủ thành thảm dưới gốc cây, đẹp đến những cành cây khẳng khiu xuyên lên nền trời mùa khô xanh biếc. Vườn quốc gia Yok Đôn có phong cảnh thơ mộng, trữ tình giữa cảnh rừng trùng điệp với dòng sông Srêpôk huyền thoại chảy qua và tạo thành nhiều thác ghềnh hùng vĩ.

Theo ông Vũ Đức Giỏi, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ VQG Yok Đôn, thời gian gần đây, vườn là điểm đến để nghiên cứu của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. Đây cũng là vườn quốc gia có mô hình du lịch thân thiện với voi nhà và voi hoang dã trong môi trường sống tự nhiên của chúng. Hàng năm, thu hút nhiều đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan. Ngoài ra có các hoạt động du lịch sinh thái, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường...

Những câu chuyện kể dưới tán rừng

Dưới tán rừng đại ngàn hòa với tiếng râm ran của chim, câu chuyện anh Y Siêm kể về rừng nghe thú vị và gợi nhiều suy ngẫm. Ít có khu vườn quốc gia nào lại đặc biệt như Yok Đôn, khi nơi đây sở hữu ba loại rừng riêng biệt là rừng khộp, rừng thường xanh và bán thường xanh. Vườn quốc gia Yok Đôn là nơi ẩn chứa bao điều kỳ thú, hấp dẫn du khách và các nhà khoa học bởi sự phong phú và độc đáo của thiên nhiên hoang sơ.

Mặc dù đã được người dẫn đường giới thiệu nhưng chúng tôi vẫn ngạc nhiên trước khoảng rừng xanh rì dưới cái nắng như lửa. Mọi người cuốn theo câu chuyện về ngọn núi Yok Đôn trước mắt, theo tiếng M’nông đó là ngọn núi cao được tạo nên từ những quả đồi. Người dân địa phương kể rằng núi Yok Đôn có một sự huyền bí. Trước khi leo lên núi mà mang theo ý định xấu như đi săn bắn thú rừng hoặc chặt cây lấy gỗ thì người đó sẽ bị lạc đường và không tìm ra lối về.

Vào mùa khô, khi cánh rừng khộp trụi lá trơ thân, riêng núi Yok Đôn vẫn sừng sững giữ nguyên màu xanh của đại ngàn. Trên đỉnh núi Đôn là nơi ngự trị của một loài trà hoa đỏ (hồng trà) rất quý. Những năm trước, một đoàn nghiên cứu của Nhật Bản đã đến tìm hiểu. Sau nhiều lần nghiên cứu tại Yok Đôn, đoàn người Nhật đã đưa ra kết luận đây là loài cây đặc hữu, lần đầu tiên trên thế giới được phát hiện tại VQG Yok Đôn.

Khí hậu trên đỉnh núi Yok Đôn là nơi lý tưởng để hồng trà phát triển. Hồng trà mọc trên núi cao, uống sương mai, đón những tia nắng mặt trời đầu tiên nên thuần khiết, cánh hoa đỏ hồng, bên trong nhụy vàng nhạt giống nhụy sen hồng.

Gió từ rừng sâu hun hút thổi về, những gốc cây cổ thụ lá khô cành mục rơi rụng phủ kín lối đi. Bông hoa nhỏ xinh có màu hồng pha chút trắng nhú lên từ mặt đất khô khốc kiêu hãnh dưới ánh nắng.

Được biết đây là loài hoa có tên nghệ rừng mà người dân bản địa hái về chế biến thành món ăn yêu thích, hiện hoa này trở thành đặc sản được nhiều người săn lùng, tìm mua.

Bao đời nay, cuộc sống, sinh kế của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số như: Ê đê, M’nông, Lào và Gia Rai... dựa vào rừng, trong đó có cánh rừng khộp mênh mông. Vùng đệm của vườn gồm 7 xã thuộc 3 huyện của hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Những năm qua vườn luôn nỗ lực thực hiện việc gắn lợi ích của người dân với công tác quản lý, bảo vệ rừng.

“Nhờ những chính sách gắn với rừng, đã tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề cho người dân vùng đệm, chung tay bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, chị H Bố Mlô (xã Krông Na, huyện Buôn đôn) bộc bạch.

Vườn quốc gia Yok Đôn có diện tích 115.545ha, là khu rừng đặc dụng có diện tích lớn thứ hai trên toàn quốc. Là khu bảo tồn hệ sinh thái rừng khộp duy nhất tại Việt Nam. VQG Yok Đôn có tính đa dạng sinh học cao với 1.006 loài thực vật, 650 loài động vật, trong đó có nhiều loài động vật, thực vật đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm như voi, bò tót, các loài thú móng guốc, các loài cây gỗ quý.

MỚI - NÓNG