Những bảo vật vô giá

TP - Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện bảo tồn nhiều hiện vật về thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, một giai đoạn quan trọng của lịch sử nước nhà. Nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, xin giới thiệu những hiện vật quý trong số đó.

Tuyên ngôn Độc lập

Những bảo vật vô giá ảnh 1
Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ảnh: T.L

Tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trưng bày bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chủ tịch. Ngày 25/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Tân Trào về Hà Nội, ở tại nhà 48 Hàng Ngang của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô. Ngày 26/8/1945, Người triệu tập và chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại cuộc họp này, Thường vụ Trung ương Đảng nhất trí chuẩn bị tổ chức lễ Tuyên ngôn Độc lập để Chính phủ Lâm thời ra mắt nhân dân, cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập. Thời gian này Người dự thảo và hoàn thành bản Tuyên ngôn Độc lập.

Những bảo vật vô giá ảnh 2

Bản Tuyên ngôn Độc lập. Ảnh: K.N

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định trước thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Chiếc micro tại lễ đài Độc lập

Những bảo vật vô giá ảnh 3

Chiếc micro Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ảnh: T.L

Một kỷ vật đặc biệt trong ngày 2/9/1945 là chiếc micro mà Hồ Chủ tịch đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Đó là chiếc micro mạ kền trắng, cao 30cm, phần trên có hình tròn đường kính 8cm, giữa có mạng sắt, đế tròn rộng 16cm đặt trên lễ đài. Với chiếc micro này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập với lời lẽ đanh thép khi tố cáo tội ác của thực dân Pháp, lúc xót xa với nỗi khổ cực của người dân. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi: “Đồng bào nghe tôi nói rõ không?”, tất cả mọi người tham dự lễ Tuyên ngôn Độc lập đồng thanh đáp “có”. Câu hỏi và câu trả lời này đến nay vẫn là một trong những ký ức sống động nhất về ngày Quốc khánh đầu tiên của nước nhà.

Bộ quần áo Bác Hồ mặc tại lễ Tuyên ngôn Độc lập

Những bảo vật vô giá ảnh 4

Bộ quần áo Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc trong lễ Tuyên ngôn Độc lập. Ảnh: K.N

Trước đây, trong lần gặp nhà giáo Trịnh Lương (con trai trưởng của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô, chủ ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang), tôi nghe ông đề cập tới bộ trang phục Hồ Chủ tịch mặc trong lễ Tuyên ngôn Độc lập. Ông Lương cho biết, ông từng nghe mẹ ông là bà Hoàng Thị Minh Hồ kể, ngày 25/8/1945, sau khi về nhà 48 Hàng Ngang, do bận rất nhiều việc nên Bác và các thành viên Chính phủ lâm thời chưa nghĩ đến chuyện phải có bộ trang phục phù hợp để mặc trong lễ Tuyên ngôn Độc lập. Đến ngày 27/8/1945, một thành viên Chính phủ nhờ bà Minh Hồ lo liệu giúp việc này. Bà Minh Hồ đã mời nhà may Phúc Hưng, có cửa hiệu trên phố Hàng Trống đến để may quần áo cho các thành viên Chính phủ tại 48 Hàng Ngang. Mọi người may comple, riêng Bác thấy mình không hợp với bộ trang phục này. Người nói: “Tôi mặc đơn giản quen rồi. Đừng may quần áo bằng len dạ đắt tiền, cốt tươm tất giản dị. Không cần cà vạt, cổ cồn là tốt nhất”.

Sau khi tiếp nhận gợi ý của Bác, ông chủ hiệu may Phúc Hưng lại được mời tới. Khi được nghe ý tưởng để thiết kế một bộ trang phục mới, ông Phúc Hưng ngẫm nghĩ một lát rồi nói: “Tôi đã mường tượng ra bộ trang phục đó rồi”. Ít ngày sau, bộ quần áo được may bằng vải ka ki màu vàng theo ý tưởng mới đã hoàn thành. Chiếc áo được may bốn túi, có thể cài khuy kín cổ khi có việc quan trọng, lúc thường nhật thì mở khuy áo cho thoải mái, đi giày hoặc dép đều hợp với trang phục. Bộ quần áo vừa toát lên vẻ trang trọng, nhưng không làm giảm đi sự gần gũi với người dân khiến Bác rất hài lòng. Ngày 2/9/1945, Hồ Chủ tịch đã mặc bộ quần áo này khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình.

Quốc ca Việt Nam

Những bảo vật vô giá ảnh 5

Bài “Tiến Quân ca”. Ảnh: K.N

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện lưu giữ bản viết tay bài “Tiến Quân ca” (Quốc ca Việt Nam) do nhạc sĩ Văn Cao chép tặng Bảo tàng ngày 22/12/1994, đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Bài “Tiến quân ca” với những giai điệu thiêng liêng, hào hùng đã gắn với những ký ức thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám. Mùa đông năm 1944, khi cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc đang sục sôi, Văn Cao đã sáng tác bài hát “Tiến Quân ca” để cổ vũ tinh thần, lòng yêu nước của bộ đội và nhân dân Việt Nam cùng đứng lên đấu tranh giành độc lập cho nước nhà.

Ngày 17/8/1945, trong một cuộc mít tinh tại Nhà hát Lớn, bài hát “Tiến quân ca” lần đầu tiên được cất lên trước công chúng. Ngày 19/8/1945, ngày khởi nghĩa tháng Tám tại Hà Nội, cũng tại Quảng trường Nhà hát Lớn, dàn đồng ca của Đội Thiếu niên Tiền Phong đã hát bài “Tiến Quân ca” trước lá cờ đỏ sao vàng. Ngày 2/9/1945, bài “Tiến Quân ca” chính thức được cử hành trong lễ Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Năm 1946, Quốc hội khóa I đã chính thức quyết định chọn “Tiến quân ca” làm Quốc ca Việt Nam.

Tuyên ngôn của Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam

Những bảo vật vô giá ảnh 6

Tuyên ngôn của Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam. Ảnh: K.N

Ngày 16/8/1945, Đại hội đại biểu quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập khai mạc tại đình Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đại hội ủng hộ chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh. Thực hiện Tuyên ngôn của Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, nhân dân cả nước quyết tâm tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã kết thúc thắng lợi, tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội (19/8/1945), Huế (23/8/1945), Sài Gòn (25/8/1945). Chính quyền trong cả nước đã thuộc về nhân dân.

Truyền đơn Cách mạng

Những bảo vật vô giá ảnh 7

Truyền đơn Cách mạng. Ảnh: K.N

Theo số liệu thống kê bước đầu, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang lưu giữ khoảng 150 loại truyền đơn cách mạng trước tháng 9/1945. Xuất xứ cũng như nội dung những tờ truyền đơn đã phản ánh các giai đoạn, sự kiện lịch sử quan trọng nhất trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của các tổ chức cộng sản cho đến khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó, hệ thống truyền đơn tiếp tục phát huy vai trò trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), thời kỳ phục hồi và phát triển cách mạng (1932-1935), cao trào dân chủ (1936-1939) cho đến thời kỳ tiền khởi nghĩa để tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8/1945.

Một số truyền đơn từ năm 1930-1940 cho thấy, nhiệm vụ tuyên truyền trong giai đoạn lịch sử này là làm rõ đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng với các khẩu hiệu tiêu biểu: Đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến; Làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập; Tổ chức chính phủ công, nông, binh; Ủng hộ Liên bang Xô Viết... Có nhiều tờ truyền đơn kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân đứng lên chống lại chế độ thống trị hà khắc của chính quyền xâm lược: Phản đối thực dân Pháp bắn giết thợ thuyền, dân cày, đàn áp dã man những người biểu tình; Phản đối việc bắt và đưa lính người Việt Nam đi đánh nhau ở nước ngoài; Phản đối việc bắt giam người thân của những người tham gia cách mạng... Truyền đơn giai đoạn 1941 đến trước tháng 9/1945 gắn với sự ra đời của Mặt trận Việt Minh và thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Báo chí Cách mạng

Những bảo vật vô giá ảnh 8

Báo chí Cách mạng thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám. Ảnh: K.N

Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nước ta chưa có một tổ chức nào chủ trương xuất bản báo chí làm cơ quan ngôn luận và vũ khí chiến đấu của mình. Chỉ đến khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và ra tờ báo Thanh Niên, thì đó là cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, xuất bản số đầu tiên vào ngày 21/6/1925. Đây chính là tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam.

Sau báo “Thanh Niên”, báo chí cách mạng đã phát triển mạnh mẽ với các tờ báo như “Cờ Giải Phóng”, “Cứu Quốc”, “Việt Nam Độc Lập”, “Dân Chúng”, “Chiến Đấu”, “Bắc Sơn”, “Độc Lập”... Kể từ khi tờ báo cách mạng đầu tiên ra đời cho đến khi nước nhà giành được độc lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo theo đúng nguyên tắc báo chí không chỉ là người tuyên truyền và cổ động tập thể, mà còn là người tổ chức tập thể. Báo chí đã trở thành công cụ tuyên truyền đường lối cách mạng Việt Nam; đoàn kết toàn dân, bênh vực quyền lợi của nhân dân, trước hết là công nông trong xã hội. Báo chí cổ động nhân dân đòi những quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp… Có thể nói, các cao trào cách mạng trong những năm 1936 - 1939, 1939 - 1945 đều có những tác động to lớn, trực tiếp của báo chí. Hệ thống báo chí cách mạng đã góp phần vào thành công của khởi nghĩa tháng Tám, giành độc lập cho nước nhà.

Chiếc va li mây của Bác Hồ

Những bảo vật vô giá ảnh 9

Va li mây của Bác Hồ. Ảnh: T.L

Chiếc va li này được Bác Hồ đựng hành lý khi Người từ Trung Quốc về Việt Nam năm 1941. Va li được đan bằng sợi mây trên khung tre vuông vức đã dựng sẵn, có quai xách. Trong thời gian ở và lãnh đạo phong trào cách mạng tại Pác Bó (Cao Bằng), Người tiếp tục sử dụng chiếc va li này.

Sau ba mươi năm xa Tổ quốc, khi trở về nước, Bác Hồ chỉ mang theo chiếc va li mây, bên trong đựng máy chữ, tài liệu và một ít đồ dùng cá nhân. Trải qua thời gian, chiếc va li không còn nguyên vẹn như xưa, nhưng đã được tu sửa để đến nay vẫn giữ cơ bản dáng hình. Đây là hiện vật quý, gợi nhớ về những năm tháng hoạt động gian nan của Người khi đi tìm đường cứu nước.

Ấm đất sắc thuốc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh

Những bảo vật vô giá ảnh 10

Ấm đất sắc thuốc cho Bác Hồ. Ảnh: K.N

Năm 1945, phong trào cách mạng trên cả nước lên cao, thời cơ giành độc lập cho dân tộc đã chín muồi. Trước tình hình đó, dù đang bị ốm, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định về Tân Trào (Tuyên Quang) để họp Quốc dân đại hội, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa tháng Tám. Trên đường đi, Người ốm nặng hơn, có lúc phải khiêng bằng cáng. Khi qua tỉnh Thái Nguyên, Bác không thể đi tiếp, phải tạm nghỉ tại xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương. Việc Bác bị ốm không chỉ được các đồng chí trong Trung ương lo lắng chăm sóc mà người dân địa phương cũng luôn quan tâm đến sức khoẻ của Người. Khi đó, bà Hoàng Thị Đậu, một người dân địa phương đã vào rừng tìm cây thuốc quý để chế theo bài thuốc gia truyền của gia đình, với mong muốn chữa cho Người khỏi bệnh. Bà đã dùng chiếc ấm đất của gia đình để sắc thuốc mang cho Bác uống. Nhờ uống đúng thuốc, Bác đã khỏi bệnh để tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng.

Chiếc ấm đất sắc thuốc chữa bệnh cho Bác hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ấm cao 10cm, đường kính miệng 8cm, được nung thủ công giống như bao ấm đất mà người dân Việt Nam vẫn thường dùng. Khi sưu tầm về Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, chiếc ấm không còn nắp đậy, nhưng thân ấm vẫn còn lành nguyên.

Đôi lọ lục bình giấu tài liệu bí mật

Những bảo vật vô giá ảnh 11

Đôi lọ lục bình cất giấu tài liệu cách mạng. Ảnh: T.L

Đôi lọ lục bình gốm sứ Hoa Lam (Trung Quốc), lưu giữ tại kho của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Đây là một trong những kỷ vật mang đậm dấu ấn gắn liền với những hoạt động cách mạng trong thời kỳ bí mật của đồng chí Nguyễn Lương Bằng.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập năm 1930, để mang được tài liệu của đảng về nước rất khó khăn, nguy hiểm. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng cùng với một số nhà yêu nước phải cải trang làm người buôn đồ cổ từ Hồng Kông (Trung Quốc) về Việt Nam trên các chuyến tàu biển. Nhiều tài liệu của đảng đưa về nước trót lọt nhờ giấu trong những đồ cổ này. Năm 1932, nhân việc một người giàu nhờ mua đôi lọ lục bình, đồng chí Nguyễn Lương Bằng cũng cất giấu tài liệu vào đó khi lên tàu về Việt Nam. Một thời gian sau, người chủ đã cúng tiến đôi lọ lục bình này vào đình làng Cao Đà (tỉnh Hà Nam). Năm 1980, đôi lọ lục bình này được bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia bảo quản, lưu giữ như một di vật lịch sử trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân ta.

MỚI - NÓNG
Bình luận