Bình Thuận là người con của mảnh đất Trà Vinh, sinh ra trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật. Thuận cho biết, cơ duyên đưa anh đến với thư pháp là khi anh xem ông đồ viết thư pháp trên truyền hình thấy rất cuốn hút nên mê rồi tập luôn. Thuận bắt đầu tập luyện từ những năm THCS và chính thức cầm cọ vào năm lớp 10. Hiện nay, ở Trà Vinh, anh là "ông đồ" trẻ tuổi nhất được biết đến với nghệ danh “Thuận thư pháp”.
Chỉ tự học thư pháp qua mạng nên ban đầu Thuận gặp khá nhiều khó khăn. Thuận bộc bạch: “Thời gian đó, gia đình cũng khó khăn nên mình chỉ dùng bút bi viết rồi đồ lên. Chữ lúc đó nhìn rất xấu, không ra chữ thư pháp. Có lúc viết xấu quá bạn bè chê chữ như cua bò không nhìn ra gì cả, nhưng từ cái chê đó mình lại càng quyết tâm phải viết thư pháp cho bằng được”.
Thuận thường cho chữ vào các dịp lễ, Tết. (Ảnh: NVCC) |
Càng khó khăn thử thách, ngọn lửa đam mê trong Thuận lại càng bùng cháy. Thuận quyết tâm luyện tập miệt mài và đạt được thành công đầu tiên là những con chữ bắt đầu thành hình và đẹp dần. Nhờ vậy, nhiều người hứng thú với chữ thư pháp của Thuận nên anh thử làm tranh bán. Từ đó, thư pháp đã giúp Thuận có nguồn thu phụ giúp gia đình, trang trải chi phí và nuôi dưỡng đam mê hội họa.
Một tác phẩm vẽ bằng lửa của ông đồ Nguyễn Bình Thuận. |
Với Thuận, thư pháp là một nghệ thuật, người viết là một nghệ sĩ. Không chỉ vậy, thư pháp còn nói lên tính cách và còn là cái tâm của người nghệ sĩ. Bình Thuận cho biết, thư pháp hướng con người trở nên tốt hơn. Có thể thấy những câu văn, câu thơ mang ý nghĩa sâu sắc, mang triết lý sống hướng con người đến điều tốt đẹp, nên qua thư pháp, anh muốn chuyển tải nhiều thông điệp đến mọi người, nhất là người trẻ.
Thuận trong một tiết mục biểu diễn vẽ tranh bằng lửa. |
Ngoài thư pháp, ông đồ trẻ này còn thử sức với các thể loại tranh biểu diễn và cũng đã thành công với những bức tranh độc đáo như: Tranh vẽ bằng lửa, tranh vẽ bằng chữ thư pháp, tranh vẽ bằng bột cà phê… Được biết, từ ý tưởng đến cách vẽ tranh bằng cà phê, kim tuyến hay lửa là do Thuận tìm kiếm từ các họa sĩ trên mạng rồi tự tập theo. Bình Thuận tâm sự: “Ban đầu tập vẽ tranh lửa, mình bị bỏng rất nhiều, phải tập đi tập lại vô số lần rồi mới lên sân khấu biểu diễn”.
Tác phẩm tranh vẽ bằng chữ thư pháp của Thuận. |
Thuận chia sẻ thêm, vẽ tranh lửa đòi hỏi sự cẩn trọng và chính xác trong từng đường cọ, nét vẽ, đặc biệt quan trọng là người vẽ cần có sự tập trung và kiên nhẫn. Khi dùng bình xịt lửa để đốt, nếu xử lý không dứt khoát thì tranh sẽ bị cháy xém. Cách vẽ tranh từ bột cà phê cũng giống như tranh lửa, nhưng ở bước cuối anh sẽ rải bột cà phê lên trên để hoàn thành tác phẩm. Còn vẽ tranh bằng chữ thư pháp thì đầu tiên phải nhìn hình mẫu thật kỹ để phân tích, sau đó họa từng nét chữ theo bố cục rồi ghép lại thành hình nhân vật. Tranh bằng chữ thư pháp yêu cầu độ tỉ mỉ rất cao nên với mỗi bức tranh như vậy Thuận phải mất hơn một tiếng để hoàn thành. Nhưng với các loại tranh biểu diễn bằng lửa hay bằng bột cà phê thì anh chỉ cần thời gian từ 5 đến 6 phút để hoàn thành.
Một số tác phẩm thư pháp của Thuận. |
Ngoài việc bán tranh và vẽ tranh biểu diễn, vào các dịp lễ, Tết, Thuận còn cho chữ thư pháp tại các chùa. "Ông đồ" trẻ mong muốn mình sẽ đưa niềm đam mê thư pháp đến với các bạn trẻ, đồng thời muốn giữ gìn và phát triển nét văn hóa truyền thống của dân tộc.