Những cái rạp

Những cái rạp
TP - Hai cuộc hội thảo lần lượt ở hai miền bàn về chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020 đều diễn ra tranh cãi. Tranh cãi vì chẳng có gì mới. Đầu tư cho con người làm điện ảnh, đầu tư rạp, máy móc, phát hành phim, đối tượng xem là dân đô thị hay người miền núi… thì 20 năm trước cũng bàn rồi. Cứ đà này, sẽ tranh cãi dài dài.

> Mù mờ sức bật điện ảnh Việt
> Phim Việt tương xứng với phim châu Âu?

Ông Trần Văn Hùng - Tổng giám đốc Công ty Vinacinema đã bật khóc khi nói tới vùng sâu vùng xa: “Khán giả phải được ăn cái mà người ta thích, chứ không phải ăn cái mà người khác bắt ăn”. Ông Hùng là người thực hiện dự án phim vé rẻ cho đồng bào miền núi, công nhân lao động ngoại thành TPHCM, phát hành phim miễn phí cho đạo diễn trẻ. Trả lời báo Phú Yên, ông Hùng từng cho rằng: Làm phim chỉ để chiếu rạp cho dân đô thị mà quên người ở vùng quê là không công bằng.

Rạp phim được vài ba thành phố lớn đua nhau xây dựng. Ở vùng nông thôn, phim nội vẫn được các đội chiếu bóng lưu động chiếu ở sân làng, sân vận động huyện, khán giả vẫn ngồi trên yên xe đạp, cầm ghế gỗ đi xem, trẻ con ngồi tè tại chỗ trên bãi cỏ, những đứa nghịch ngợm lấy súng cao su bắn vào loa choanh choách khi băng chập chờn (bây giờ đội phim lưu động của một số tỉnh đã được số hóa). Kiểu lỡ cỡ là ở thành phố không nhỏ không to: rạp chiếu thì có nhưng mỗi tuần chiếu vài buổi, người xem đến em không mong đợi gì, người xem đi em không hề hối tiếc.

Chẳng khác nào lĩnh vực sân khấu. Kịch Sài Gòn có kịch, thiếu nhà hát. Còn sân khấu Hà Nội thì có nhà hát, chỉ thiếu mỗi người xem.

Nhìn quanh những cái rạp, hóa ra chỉ có rạp xiếc T.Ư là sống khỏe. Nói cái rạp, là nói đến các thiết chế hạ tầng của văn hóa. Sao mà mất cân đối đến vậy. Nơi thì thiếu rã rời. Nơi thì thừa đến mức chỉ mong cho người ta cưới nhau cả năm để cho thuê địa điểm, rồi xén bớt để cho thuê làm nhà hàng, cà phê, quán bia. Lúc thì kêu không có chỗ, lúc thì rộng thênh chẳng có gì mà bày, như trường hợp Bảo tàng Hà Nội vậy.

Mới đây ngành văn hóa lập đề án Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa, trong đó dự tính chi 10.800 tỉ đồng cho việc xây mới, nâng cấp các rạp hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm từ nay đến năm 2020. Nếu không nghiêm túc nhìn nhận lại, không biết xây nên những cái vỏ ấy, để cho ai đến ai diễn ai xem?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG