Những chai rượu của nhà văn Sơn Tùng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tháng 5 vừa qua, khi đến Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III để dự Lễ tiếp nhận những kỷ vật, tư liệu, bản gốc các tác phẩm của cố nhà văn Sơn Tùng gửi tặng Trung tâm này, tôi ngạc nhiên khi thấy một bàn xếp đầy rượu với nhiều loại nhãn mác khác nhau. Lại gần, tôi biết đó là những chai rượu của cố nhà văn Sơn Tùng…

Hai chai rượu của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng

Hôm đó, khi chia sẻ về những kỷ vật gửi tặng Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, anh Bùi Sơn Định, con trai cố nhà văn Sơn Tùng đã nhắc tới những chai rượu nói trên. Những chai rượu này, nhà văn được nhiều người tặng trong những lần họ đến thăm ông. “Mỗi chai rượu là một câu chuyện, một kỷ niệm gắn với nhà văn Sơn Tùng. Nay cha mẹ tôi đã mất, được sự đồng ý của gia đình, tôi mang những chai rượu này tới đây tặng lại Trung tâm để lưu giữ”, anh Định nói.

Gần đây, tôi tới gặp anh Bùi Sơn Định để hỏi tiếp về câu chuyện trên. Biết sắp tới là đến dịp kỷ niệm 70 năm Tiền Phong ra số báo đầu tiên, anh Định cho biết: “Tôi thấy một số thông tin từng đề cập nhà văn Sơn Tùng về công tác tại báo Tiền Phong từ cuối năm 1962, nhưng theo lý lịch của cha tôi đã khai, ông công tác tại Tiền Phong từ năm 1963, khi tờ báo tròn 10 năm tuổi”. Anh Định cho biết thêm, năm 1967, khi rời báo Tiền Phong đi B (chiến trường miền Nam) để làm báo Thanh niên Giải Phóng, nhà báo Sơn Tùng lấy bút danh là Sơn Phong. “Trước đây, khi viết báo tại Tiền Phong, cha tôi ký tên Sơn Tùng. Nay ông lấy bút danh Sơn Phong là muốn lưu giữ kỷ niệm với báo Tiền Phong chăng?”, anh Định nói.

Đề cập tới những chai rượu, anh Định cho biết đó là câu chuyện dài, nay anh chỉ đề cập một vài chai mà mình rõ nhất. Rồi anh kể, trong số 60 chai rượu mà gia đình gửi vào Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III hôm đó, có hai chai rượu của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (thời gian đó, chức danh Thủ tướng Chính phủ được gọi là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - PV) Phạm Văn Đồng gửi tặng nhà văn Sơn Tùng. Câu chuyện bắt đầu từ việc sau một thời gian tìm hiểu và nghiên cứu tư liệu, nhà văn Sơn Tùng đã viết sách về nhà cách mạng Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Cuối năm 1980, sau khi cuốn sách “Trần Phú” được xuất bản, thông qua một người bạn, nhà văn Sơn Tùng đã gửi tặng tác phẩm này tới Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Sau đó, vào mùng Hai Tết năm Tân Dậu (1981), Thủ tướng đã cử thư ký là ông Nguyễn Tiến Năng đến nhà gửi tặng nhà văn Sơn Tùng chai rượu Mơ xuất khẩu và bánh kẹo. Ông Nguyễn Tiến Năng cho biết, Thủ tướng đã đọc và khen cách viết, cách đặt vấn đề của nhà văn Sơn Tùng trong tác phẩm “Trần Phú” và chúc nhà văn sang năm mới viết được những tác phẩm hay hơn nữa.

Hoá ra, trước khi xuất bản tiểu thuyết “Búp Sen xanh”, nhà văn Sơn Tùng đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng biết tới. Chuyện là, năm 1982, khi tiểu thuyết “Búp Sen xanh” viết về thời tuổi trẻ của Bác Hồ được xuất bản đã tạo ra một sự kiện văn học thời bấy giờ, nhưng sau đó tác phẩm này lại bị quy kết khá nặng nề. Trước sự việc này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cử thư ký mới là ông Trần Tam Giáp tới gặp nhà văn Sơn Tùng để tìm hiểu sự việc, sau đó đã ủng hộ tác phẩm “Búp Sen xanh”. Năm 1984, khi “Búp Sen xanh” được tái bản lần đầu, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cử ông Trần Tam Giáp đến chúc mừng và tặng nhà văn Sơn Tùng chai rượu Thanh Mai xuất khẩu.

Cuộc gặp với những nhà báo nước ngoài

Lúc sinh thời, tại căn phòng nhỏ trong Khu tập thể ở ngõ Văn Chương (Hà Nội), nhà văn Sơn Tùng được nhiều người đến thăm. Và trong số đó có không ít nhà văn, nhà báo nước ngoài đến thăm, phỏng vấn và có người đã tặng ông rượu.

Một trong những chuyện anh Bùi Sơn Định nhớ hơn cả là chai rượu của ông Yutaka Aramaki, một nhà báo tiến bộ người Nhật Bản. Trong những năm chống Mỹ, ông Aramaki từng sang Việt Nam nhiều lần để viết bài ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Sau ngày nước nhà thống nhất, ông Aramaki tiếp tục đến Việt Nam để tìm hiểu, nghiên cứu đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1985, mang theo giấy giới thiệu của Bộ Ngoại giao, nhà báo Aramaki đến gặp nhà văn Sơn Tùng để phỏng vấn, hỏi chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Aramaki bị cuốn hút qua những câu chuyện trước đây của nhà văn, khi Sơn Tùng từ thời là một cán bộ Đoàn đã bắt đầu tìm hiểu về thời tuổi trẻ của Bác Hồ, để sau này viết nhiều cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau lần gặp đó, nhà báo Aramaki đã cho con gái học tiếng Việt tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội để tìm hiểu về văn hoá Việt Nam. Một lần, khi cùng con gái tới nhà ăn cơm theo lời mời của nhà văn Sơn Tùng, ông Aramaki đã tặng nhà văn một chai rượu Whisky để bày tỏ tình cảm của mình về sự đầm ấm của một bữa cơm gia đình.

Những chai rượu của nhà văn Sơn Tùng ảnh 1

Ông Trần Tam Giáp (bìa trái) đưa nhà văn Sơn Tùng (bìa phải) và anh Bùi Sơn Định tới gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng sau khi tiểu thuyết “Búp Sen xanh” được tái bản. Ảnh: Gia đình cung cấp

Năm 1990, tiểu thuyết “Trái tim quả đất” của nhà văn Sơn Tùng xuất bản, đã khắc họa sinh động hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Biên giới năm 1950. Nhà báo Barry Wain, một phóng viên người Anh đã rất thích khi đọc cuốn sách này. Sau đó, có dịp sang Việt Nam để đưa tin về Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VII, nhà báo Barry Wain đã đến gặp nhà văn Sơn Tùng để được nghe nhà văn nói kỹ hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi được nghe chuyện, ông Barry Wain chia sẻ thông tin, năm 1984, Hội đồng Khoa học Hoàng gia Anh đã xét phong mười tướng tài của thế giới, trong đó Việt Nam có hai danh tướng là Trần Hưng Đạo và Võ Nguyên Giáp. Đặc biệt, trong số mười danh tướng đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng duy nhất còn sống. Barry Wain cho biết, ông từng sang Việt Nam bốn lần, và hai lần vinh dự được đứng gần Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được nghe Đại tướng nói tiếng Pháp rất chuẩn. Tại buổi gặp hôm đó, nhà báo Barry Wain tặng nhà văn Sơn Tùng chai rượu Johnnie Walker để bày tỏ tình cảm của mình với những điều ông vừa được nghe, được biết.

Những chai rượu của nhà văn Sơn Tùng ảnh 2

Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp vợ chồng nhà văn Sơn Tùng. Ảnh: Gia đình cung cấp

Vĩ thanh

Những chai rượu được tặng, nhà văn Sơn Tùng đều không nỡ dùng mà cất đi trong nhiều năm. Năm 2010, nhà văn bị tai biến phải nằm liệt một chỗ, cuộc sống gia đình gặp khó khăn. “Khi đó, điều cha tôi lo lắng là, nếu ông mất, mẹ tôi sẽ không còn phụ cấp chăm sóc thương binh mà bà được hưởng”, anh Bùi Sơn Định chia sẻ.

“Những chai rượu của cha tôi cũng được gửi vào đây cùng với những kỷ vật, để về sau, mọi người có dịp tới Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III tham quan có thể hiểu hơn về nhà văn Sơn Tùng”.

Anh Bùi Sơn Định

Điều anh Định vừa nói khiến tôi nhớ lại câu chuyện từng được biết là, trước đây, khi bị thương nặng và chuyển ra miền Bắc, nhà báo Sơn Tùng được đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô điều trị và được y tá Phan Hồng Mai chăm sóc. Qua tiếp xúc, tình cảm đã dần nảy nở giữa hai người. Khi nhà báo Sơn Tùng xuất viện, đó cũng là lúc tình cảm giữa ông và y tá Hồng Mai cũng chín muồi. Do là thương binh nặng, nên theo tiêu chuẩn, nhà báo Sơn Tùng có người chăm sóc hằng ngày. Khi đó, bà Hồng Mai đã xin thôi việc tại bệnh viện để ở nhà chăm sóc chồng, hưởng trợ cấp chăm sóc thương binh nặng.

Những chai rượu của nhà văn Sơn Tùng ảnh 3

Những chai rượu của cố nhà văn Sơn Tùng được gia đình gửi tặng để lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III. Ảnh: Kiến Nghĩa

Đang tư lự với ký ức của câu chuyện cũ, tôi trở về thực tại khi nghe anh Định cho biết: “Có lần, khi mệt nặng, cha đã nói với mẹ tôi là nhà có nhiều rượu ngoại. Khi cha tôi mất đi, mẹ tôi có thể bán một số chai để có thêm khoản tiền chi tiêu. Nhưng sau khi cha tôi mất, mẹ tôi nhất quyết không bán chai rượu nào. Mẹ muốn giữ lại tất cả những kỷ niệm về cha tôi…, và giữ cho đến khi bà qua đời…”.

Nhà văn Bùi Sơn Tùng (1928-2021) trưởng thành từ cán bộ Đoàn xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, Nghệ An, sau là quyền Bí thư Huyện Đoàn Diễn Châu, rồi cán bộ Tỉnh Đoàn Nghệ An. Năm 1967, khi đang công tác tại báo Tiền Phong, nhà báo Sơn Tùng xung phong vào chiến trường miền Nam để làm tờ Thanh niên Giải Phóng. Năm 1971, ông bị thương nặng, được đưa ra Bắc điều trị. Năm 1976, nhà báo Sơn Tùng trở lại báo Tiền Phong tiếp tục làm việc, cuối năm 1979 nghỉ hưu, sau đó trở thành Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Ông có nhiều tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân cách mạng, danh nhân văn hóa Việt Nam, trong đó nổi bật nhất là tiểu thuyết Búp Sen xanh viết về thời tuổi trẻ của Bác Hồ. Năm 2011, nhà văn Sơn Tùng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đến nay, ông là nhà báo duy nhất từng công tác tại báo Tiền Phong được phong danh hiệu Anh hùng.

Cả hai chúng tôi cùng lặng đi. Hồi lâu, anh Định nói: “Nếu không có mẹ tôi chăm sóc và đồng hành trong những chuyến đi thực tế để lấy tư liệu viết sách, cha tôi sẽ không thể có được số lượng tác phẩm đã xuất bản”. Rồi anh chia sẻ thêm, là người trông coi căn nhà của cha mẹ để lại, anh từng muốn giữ lại mọi thứ nơi đây để làm lưu niệm. Đó là những tư liệu, ảnh, bản gốc các tác phẩm của cố nhà văn Sơn Tùng cùng các kỷ vật gắn với cuộc đời ông như máy chữ, hộp đựng bút, các loại kính, đồng hồ đeo tay, bản khắc dấu, danh hiệu Anh hùng Lao động và huân, huy chương các loại… Nhưng rồi thấy không nên giữ cho riêng mình, anh Định và gia đình đã thống nhất gửi tất cả khối tư liệu, tác phẩm lẫn những kỷ vật của nhà văn Sơn Tùng vào Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

MỚI - NÓNG