Những công trình, những tấm lòng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những việc làm bình dị, đời thường mà phóng viên báo Tiền Phong thường trú tại tỉnh Lạng Sơn đã góp phần lan tỏa tinh thần nhân ái trong cộng đồng.

Trong 16 năm qua, cơ quan báo Tiền Phong đã có vị thế cao trong lòng bạn đọc bởi thông tin nhanh nhạy, hấp dẫn, sinh động với tính chuyên nghiệp cao, thể hiện trách nhiệm với xã hội. Ngoài ra, Tiền Phong còn luôn đi đầu trong công tác an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, trợ giúp đối tượng chính sách, yếu thế, học sinh đồng bào các dân tộc xứ Lạng tự tin, vươn lên trong cuộc sống.

Chung tay xây nhà

Cứ mỗi lần có dịp đi công tác hoặc tổ chức chuyến thiện nguyện ở Tràng Định, huyện miền núi giàu truyền thống cách mạng nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi luôn đến thăm hỏi, động viên gia đình cựu tù Phú Quốc, ông Phương Văn Phín (SN 1950), dân tộc Tày, trú ở thôn Pạc Giàng, xã Hoàng Việt, huyện Tràng Định.

Câu chuyện về gia đình ông Phín và xây dựng nhà tình nghĩa cho người cựu tù Phú Quốc này khá đặc biệt. Vào khoảng tháng 9/2015, cùng với đồng nghiệp ở địa phương, tôi biết tin và đến tận nơi gia đình ông Phín. Trải qua những cung đường đồi khó đi, xa ngái và vượt trên 2 con sông Kỳ Cùng và Bắc Khê, chúng tôi chứng kiến vợ chồng, con cái ông Phín nghèo túng sống trong căn chòi tồi tàn, rách nát. Gia cảnh ông thật bi đát với bệnh tật hành hạ ông bà và di chứng chất độc da cam ảnh hưởng các con. Trở về với những vết roi vọt, tra tấn của kẻ thù, rồi những đợt mưa lũ, chiến tranh biên giới phía Bắc, ông không lưu giữ được những giấy tờ cần thiết nên không được hưởng chế độ gì. Gia đình có ít ruộng mà mọi người đều đau yếu nên sự túng bấn đeo bám. Bế tắc, ông Phín đã gieo mình xuống sông Kỳ Cùng tự tử nhưng bất thành…

Trước hoàn cảnh này, báo Tiền Phong số ra ngày 15/10/2015 có bài viết “Mong ước một mái nhà của cựu chiến binh nghèo” và đã nhận được sự sẻ chia, quan tâm giúp đỡ của cộng đồng. Báo vừa phát hành, bà Nông Thị Lâm khi đó là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn, đang tham gia kỳ họp Quốc hội ở Hà Nội điện thoại cho tôi và nói: “Chị là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn phụ trách địa bàn huyện Tràng Định, thế nhưng chưa thấy ai nói gì về trường hợp của ông Phín cả. Khi tiếp nhận thông tin, chị bất ngờ nhưng với những gì em thực tế ghi nhận được, sau họp Quốc hội xong, chị về để cùng em bàn bạc và chung tay giúp đỡ xây nhà cho ông Phín nhé”.

Chỉ trong vòng nửa tháng, số tiền đóng góp của các tập thể, cá nhân, nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh đã lên tới gần 50 triệu đồng. Nhiều em nhỏ ở thành phố Lạng Sơn tiết kiệm tiền ăn sáng để cùng bố mẹ thông qua phóng viên báo Tiền Phong thường trú tại tỉnh Lạng Sơn trao gửi tình cảm. Có những cựu chiến binh ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần để xây nhà cho đồng đội mình…

Những ngày thi công xây dựng nhà thật gian nan, vất vả. Vấn đề vận chuyển vật liệu qua sông, qua đồi là những thử thách với đoàn viên, thanh niên và người dân địa phương. Lúc thi công xây nhà lại gặp đúng thời điểm giao mùa mưa lạnh… Nhiều lần lăn lộn cùng tốp thợ người địa phương, tôi nghe được câu chuyện cảm động về hai người cựu chiến binh ở thành phố Lạng Sơn (là đồng đội của ông Phín chiến đấu ở tại ấp Long Phi, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh đầu năm 1970) đã tự nguyện tới nơi xây dựng và một hôm đi chặt cây làm mái nhà thì gặp phải tổ ong vò vẽ đốt hàng chục nhát vào đầu, cổ phải đi Bệnh viện huyện Tràng Định cấp cứu, điều trị. Thế nhưng, sau một ngày bệnh tình thuyên giảm, những người lính già nằng nặc đòi trở về nhà ông Phín để tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ thi công. Thêm nữa, một việc rất khó khăn là thiết kế, xây lắp dẫn đường điện thắp sáng qua sông đến nhà ông Phín. May mắn, được sự quan tâm vào cuộc của tuổi trẻ ngành điện lực Lạng Sơn và người dân xã Hùng Việt, chỉ sau một tuần, công việc này đã hoàn tất an toàn.

Những công trình, những tấm lòng ảnh 1

Vượt nắng, thắng mưa xây nhà “Khăn quàng Đỏ”. Ảnh: Duy Chiến

Một câu chuyện khác. Gần đây, thực hiện các công trình phần việc chào mừng Kỷ niệm 70 năm thành lập báo Tiền Phong (1953-2023), Tỉnh Đoàn và phóng viên báo Tiền Phong thường trú tại tỉnh Lạng Sơn khảo sát và lên kế hoạch thực hiện căn nhà “Khăn quàng Đỏ” cho gia đình em Hoàng Thu Thảo ở thôn Cao Minh, xã Bằng Hữu, huyện Chi Lăng. Sau khi động thổ xây dựng căn nhà, tôi dành nhiều thời gian chăm lo công trình. Có những khi nửa đêm vẫn kết nối điện thoại với Bí thư Đoàn xã để tính toán, chuẩn bị vật liệu rồi canh chừng thời tiết đỏng đảnh miền biên ải. Các doanh nghiệp ở huyện Chi Lăng thì bất cả ngày đêm, khi có điện thoại của PV Tiền Phong là lo phương tiện, cát, đá, xi măng. Nỗi lo thường trực là cung đường vận chuyển vật liệu từ điểm tập kết đến nơi thi công vì nhà em Thảo ở trên đỉnh đồi cách xa khoảng 1km. Một hôm, Bí thư Đoàn xã Bằng Hữu chuyển cho tôi xem hình ảnh những thanh niên áo xanh đi mượn búa tạ để đập những tảng đá to rắn chắc thành những viên nhỏ để tiện vận chuyển cũng như đảm bảo kích cỡ xây móng nhà. Đã nhiều lần tôi xúc động chứng kiến cảnh gần 40 người dân, giáo viên, công chức địa phương chia nhau từng tốp đẩy xe rùa chở gạch, xi măng lên những đoạn dốc lớn y như thời thanh niên xung phong làm đường chống Mỹ. Có hôm trời mưa, trơn trượt, ai nấy đều bê bết bùn…

Lan tỏa lòng nhân ái

Những công trình, những tấm lòng ảnh 2

Sau khi có nhà mới, gia đình cựu chiến binh Phương Văn Phín có cuộc sống ấm no hơn. Ảnh: Duy Chiến

Chứng kiến ngôi nhà “Khăn quàng Đỏ” gia đình em Hoàng Thu Thảo được xây dựng khang trang, Bí thư Huyện ủy Chi Lăng Trần Thanh Nhàn phấn khởi nói: “Đồng bào các dân tộc ở Bằng Hữu còn nghèo nhưng giàu lòng nhân ái. Được sự quan tâm, khích lệ của báo Tiền Phong, mọi người, trong đó có cả các em học sinh đã tích cực vào cuộc, tạo nên sức mạnh để hoàn thành nhanh chóng căn nhà mơ ước”.

Những công trình, những tấm lòng ảnh 3

Đoàn viên, thanh niên hăng hái tham gia xây nhà cho em Hoàng Thu Thảo. Ảnh: Duy Chiến

Còn cựu chiến binh Phương Văn Phín hôm vào nhà mới thì mặc bộ quân phục tươm tất, trên ngực đeo huân chương, huy chương kháng chiến. Vợ và các con ông lo sắm bữa cơm đầy đặn kính báo tổ tiên xin làm lễ tân gia. Khi được trao chìa khóa nhà mới, vợ chồng ông rưng rưng không nói nên lời. Ông tâm sự: “Cả đời tôi cũng chẳng mơ nổi được nhà mới như ngày hôm nay. Tôi như được hồi sinh và xin cảm ơn các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân và nhà hảo tâm đã quan tâm chăm lo để gia đình có mái ấm lúc tuổi xế chiều”.

“Trước đây, khi làm phóng viên của báo Lạng Sơn tôi đến nhà ông Lý Hải Quang (ở thôn Bản Lầy, xã Xuân Lễ, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) và được ông này nhờ mang một con chim lửa về tặng nhà báo Nguyễn Duy Chiến với lời nhắn rằng, nhờ bài viết “Nỗi đau thời hậu thế” (đăng báo Tiền Phong, tháng 11/1996) mà ông được cộng đồng giúp đỡ, nay đã thoát nghèo, không phải đi rừng săn chim rừng nữa nên gửi ân nhân con chim mồi làm kỷ niệm…”.

Ông Nguyễn Đông Bắc, Giám đốc Đài PTTH tỉnh Lạng Sơn

Ngày 7/10/2023, phóng viên báo Tiền Phong thường trú tại tỉnh Lạng Sơn và các nhà hảo tâm trở lại thăm ông Phín. Lần này, người cựu chiến binh hăng hái, vui vẻ dẫn khách tham quan khu vườn nhà ông sai trĩu quả cam, bưởi và cho biết đây là sự hỗ trợ của chính quyền và đoàn viên, thanh niên địa phương. Ông còn chỉ cho thấy trên mảnh đồi bên cạnh có những vạt quế, vải xanh ngắt. Mọi người hoan hỷ, vui cùng ông, còn tôi thoảng thấy mùi cơm gạo mới lan tỏa từ góc bếp nhà ông Phín thật thơm lành.

MỚI - NÓNG