Những dấu lặng miền sơn cước: Những đốm lửa hy vọng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sớm về tâm sinh lý, tình cảm cho học sinh khi còn ngồi ghế nhà trường, vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở nhiều địa bàn khu vực Tây Nguyên đã có chuyển biến.

Xót xa những phận đời yểu mệnh

Em Y Nh (16 tuổi), ở thôn Klâu Ngol Ngó (xã Ia Chim, TP.Kon Tum) là một trong rất nhiều trường hợp tảo hôn trên địa bàn tỉnh này. Mới lên 16 tuổi, Y Nh sắp phải làm mẹ, còn chồng cũng mới 18. “Em nghỉ học từ lớp 8 để phụ giúp gia đình vì nhà không có điều kiện. Sau đó, em quen bạn trai một thời gian thì 2 đứa cưới. Giờ đây ở nhà, em nấu cơm, giặt đồ, rửa chén và cạo mủ cao su. Sinh con xong không biết cuộc sống sau này sẽ ra sao”,Y Nh lo lắng.

Những dấu lặng miền sơn cước: Những đốm lửa hy vọng ảnh 1

Cán bộ Hội Phụ nữ xã Chư Á (TP.Pleiku) tuyên truyền về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Không may mắn như Y Nh, đôi vợ chồng trẻ Puih P (15 tuổi) và Rơ Lan Kh (19 tuổi) ở xã Ia O, huyện Ia Grai (Gia Lai) vừa mất đứa con thứ 2 hơn 1 tuần. Đau buồn, cả hai không muốn gặp ai, cứ thế lao đầu vào làm rẫy. Qua lời kể của người thân, chúng tôi được biết thời điểm học hết lớp 7, P đòi nghỉ học bắt chồng nhưng bị gia đình cấm cản. Đến năm 2021 thì P có thai. Không còn cách nào khác nên gia đình phải cho về ở chung. Dù chỉ mới 15 tuổi nhưng P đã trải qua 2 lần sinh nở. Tuy nhiên, cả 2 em bé sau sinh không lâu đều “yểu mệnh”. Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh có 2.224 cặp tảo hôn trong gần 3 năm (từ tháng 1/2021- 31/5/2023) và 2 cặp hôn nhân cận huyết thống đều là người DTTS. Cụ thể, năm 2021 có 880 cặp tảo hôn (tăng 11 cặp so với năm 2020); năm 2022, số cặp tảo hôn tăng đột biến với 952 cặp. Riêng 5 tháng đầu năm 2023 có 392 cặp tảo hôn (97% là người DTTS). Điều đáng nói, tuổi tảo hôn trung bình của đồng bào DTTS ở tỉnh này đối với nữ từ 13-17 tuổi, nam 16-17 tuổi.

Những dấu lặng miền sơn cước: Những đốm lửa hy vọng ảnh 2

Em Y Nh (bìa trái) trò chuyện cùng hàng xóm bên ngôi nhà cấp 4.

Trao đổi với Tiền Phong, bà Uông Thị Trang - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Chim, TP.Kon Tum (Kon Tum), cho rằng nguyên nhân dẫn tới vấn nạn tảo hôn trong các làng đồng bào DTTS do các bạn trẻ vẫn chưa có nhận thức, hiểu biết đầy đủ, chín chắn về cuộc sống vợ chồng sau khi kết hôn. “Ngoài ra, mấy năm vừa qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên học sinh nghỉ học ở nhà dài ngày, dùng điện thoại để kết nối với nhau qua mạng xã hội. Từ đó nảy sinh tình cảm, nhiều cặp có thai ngoài ý muốn, buộc hai bên gia đình phải cưới dù chưa đến tuổi kết hôn, dẫn đến gia tăng tình trạng tảo hôn”, bà Trang cho hay.

Nhiều mô hình hiệu quả

Hiện nay tỉnh Kon Tum có hơn 590.000 người dân, trong đó, đồng bào DTTS chiếm gần 54% với 28 dân tộc cùng sinh sống. Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 1.048 trường hợp tảo hôn, 4 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Năm 2021, có 395 cặp tảo hôn và 5 cặp kết hôn cận huyết thống.

Hiện nay, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn xảy ra liên tục ở khu vực Tây Nguyên chủ yếu là do ảnh hưởng của những phong tục, tập quán xưa để lại. Bên cạnh đó là nhận thức về xã hội, về kiến thức pháp luật hôn nhân và gia đình của người đồng bào DTTS còn những hạn chế nhất định.

Xác định được nguyên nhân chủ yếu, mấy năm qua, tỉnh Kon Tum đã lựa chọn 2 xã đặc biệt khó khăn của huyện Kon Plông là xã Đăk Nên và Ngọc Tem để thành lập nhiều mô hình điểm về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Theo đó, tỉnh đã thành lập được 22 tổ tư vấn tuyên truyền tại 22 thôn trên 2 xã với thành phần cốt cán là Bí thư Chi bộ, người có uy tín, thôn trưởng và cán bộ đoàn thể. Nội dung chủ yếu là tuyên truyền, phòng chống, giúp người dân hiểu việc vi phạm luật và tác hại của tảo hôn; từ đó giảm dần tình trạng này. Ngoài ra, theo Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, Gia Lai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) trong vùng DTTS” giai đoạn 2016 - 2020, tình hình tảo hôn trên địa bàn 2 tỉnh này đã có những chuyển biến nhất định. Nhận thấy được hiệu quả rõ rệt mà đề án mang lại, tỉnh Kon Tum tiếp tục nhân rộng ra toàn tỉnh. Đặc biệt là tại các trường học và thanh, thiếu niên trong độ tuổi từ 12 đến 16. Tiêu biểu là trường Phổ thông Dân tộc bán trú xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà (Kon Tum) thường xuyên lồng ghép nội dung về giáo dục giới tính, tảo hôn vào chương trình dạy học. “Dạy lồng ghép yêu cầu giáo viên cần có sự khéo léo, đưa ra các trường hợp cụ thể. Đồng thời, trong quá trình giảng dạy, nếu phát hiện em nào có dấu hiệu phát sinh tình yêu sớm thì thầy cô giáo sẽ gặp gỡ riêng để trao đổi, đưa ra những lời khuyên răn. Nhờ đó, các em cũng dần hiểu và trở thành những đôi bạn cùng tiến giúp đỡ nhau trong học tập”, cô giáo Nguyễn Thị Len chia sẻ.

Những dấu lặng miền sơn cước: Những đốm lửa hy vọng ảnh 3

Trường PT DTNT tỉnh Gia Lai hướng dẫn học sinh ký cam kết chấp hành tốt Luật Hôn nhân và Gia đình.

Cô Tạ Thị Thu Huyền - Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PT DTNT) tỉnh Gia Lai, cho hay: “Để đạt được hiệu quả, ngoài việc lồng ghép trong các bài giảng, nhà trường còn thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường, sẵn sàng lắng nghe, hỗ trợ, giáo dục khi học sinh gặp vấn đề về tâm sinh lý, tình cảm; giúp các em nâng cao nhận thức về hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”.

Ngày 18/3/2022, Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Chỉ thị số 13 “Về tăng cường sự lãnh đạo tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn tỉnh”. Trong đó, tảo hôn là một trong những hủ tục cần phải xóa bỏ được tỉnh Kon Tum chú trọng. Bởi ngoài ảnh hưởng về kinh tế, những đứa trẻ của các cặp vợ chồng chưa đủ tuổi sinh ra có nguy cơ cao mắc các bệnh dị dạng, chậm phát triển hoặc bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng… ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, tâm lý, sức khỏe sinh sản của người phụ nữ, sự trưởng thành của trẻ em.

MỚI - NÓNG