Thời điểm này Hà Nội lãng đãng lá vàng bay trong không gian mơ màng dịu nhẹ thoang thoảng hương cốm mới gói trong lá sen, và mùi hoa sữa nồng nàn đặc trưng. Mùa Thu Hà Nội có thời gian khá ngắn và trôi qua rất nhanh, mỹ mãn nhất là tới thăm thu Hà Nội dịp cuối tháng 9, tới hết tháng 11.
Thăm Hồ Gươm và khám phá phố cổ
Nhắc tới Hà Nội là nhắc tới Hồ Gươm - trái tim xanh của thủ đô ngàn năm văn hiến. Mùa thu, những hàng cây lộc vừng xanh thắm, những hàng liễu rũ mờ ảo trong sương như bao phủ quanh Hồ Gươm những mơ màng tư lự. Khung cảnh thu dịu dàng ấy đã khiến Hà Nội đi vào thơ, ca, nhạc, họa làm say đắm lòng người.
Trong không gian khoáng đạt, Cầu Thê Húc thắm đỏ nổi bật trên mặt nước biếc xanh của Hồ Gươm. Xuân qua, hạ tới, thu về, trước những bước chuyển dịch của thời gian, Tháp Rùa vẫn mang màu trầm mặc soi bóng nước mặt hồ.
Trong tiết trời dìu dịu của mùa thu, nhưng đôi bạn trẻ, những ông cụ bà cụ, bình thản ngồi bên ghế đá Hồ Gươm, nhìn phố phường, ngắm thời gian trôi qua. Những du khách cũng có dịp ngồi lại nơi đây để cảm nhận sự thư thái, yên bình bên cạnh những vội vã của dòng xe, dòng người.
Một đặc điểm của Hồ Gươm mỗi dịp cuối thu, hoa lộc vừng thường nở đỏ rực, rơi rụng khắp mặt hồ và trên con đường ven hồ tạo nên một khung cảnh nên thơ. Khi chiều đứng bóng, hoa lộc vừng bắt đầu tỏa hương thơm nồng nàn khắp phố, hoa nở cho đến đêm. Buổi sáng hôm sau hoa rơi rụng như mưa sao trải xuống mặt nước hoặc dưới gốc cây.
Sau khi lang thang một vòng quanh Hồ Gươm, bạn có thể bắt đầu hành trình khám phá 36 phố phường để cảm nhận thêm nét dịu dàng, trầm mặc của Hà Nội khi vào thu.
Đạp xe quanh Hồ Tây ngày thu
Một buổi sáng mùa thu, thức dậy bên Hồ Tây bảng lảng sương mờ. Hãy bắt đầu hành trình đạp xe bằng việc đến thăm chợ Hoa Quảng bá để đắm chìm trong vẻ đẹp của hoa và các mùi hương. Hoa đủ sắc màu sẽ theo gánh hàng của những chiếc đạp nhỏ vào trong thành phố. Sau đó bạn hãy nạp đầy năng lượng ngày mới bằng một bát phở Bát Đàn, là một thương hiệu phở cổ truyền của Hà Nội.
Hồ Tây là một trong những hồ lớn nhất của Hà Nội, luôn có không khí thanh bình, cuộc sống không vội vã. Một vòng quanh Hồ Tây có lộ trình khoảng 16km, sẽ mang đến cho bạn nhiều khám phá thú vị về thiên nhiên, con người, và ẩm thực Hà Nội. Những con đường ven hồ khá thoáng mát, yên ả, được dân đạp xe rất ưa thích như đường Thanh Niên, đường ven hồ, bến Hàn Quốc, bến Nhật Bản…
Đạp xe trên đường Thanh Niên giữa Hồ Tây và hồ Trúc Bạch sẽ cho du khách cảm nhận rõ ràng nhất mùa thu đang hiện diện. Gần khu vực đường Thanh Niên, bạn có thể khám phá thêm các làng nghề đúc đồng, làng Yên Phụ và Nghi Tàm chuyên nuôi cá cảnh, cá chọi, các phố chuyên bán phở cuốn ngon tuyệt.
Khi đạp xe dọc theo đường ven hồ, bạn có thể nghỉ chân ở ven đường trong không gian khoáng đạt, ngắm những người đánh cá, câu cá ven hồ và cảm nhận cuộc sống bình dị nơi đây. Một vài địa điểm không thể không ghé qua trong hành trình đạp xe như: đình Yên Phụ, chùa Kim Liên, chùa Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ, Đền Quán Thánh, Chùa Tảo Sách.
Hãy nhớ khám phá ẩm thực Hồ Tây trong suốt dọc đường đi với các món ăn đặc sản như bún ốc, bánh tôm,...Hãy kết thúc chuyến hành trình bằng một tour du thuyền chiêm ngưỡng Hồ Tây lúc hoàng hôn.
Văn Miếu Quốc Tử giám
Là trường đại học đầu tiên của Việt Nam được xây dựng từ năm 1076, Văn Miếu có một không gian yên tĩnh nằm gọn trong lòng Hà Nội. Quần thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám bao gồm: hồ Văn, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám và vườn Giám và kiến trúc chủ thể là Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử.
Văn Miếu là địa điểm thu hút được nhiều khách nước ngoài ghé thăm bởi kiến trúc đặc biệt và khuôn viên rộng rãi khoáng đạt nơi đây. Đến đây ngoài tìm hiểu kiến thức văn hóa lịch sử và kiến trúc, bạn có thể tản bộ, ngồi bên một ghế đá hay trò chuyện với người dân hoặc du khách nước ngoài.
Cầu Long Biên
Cầu Long Biên được xây dưng từ thời Pháp thuộc là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng. Thời gian qua đi, cây cầu vẫn đứng đó như một nhân chứng lịch sử. Bất kỳ ai yêu Hà Nội đều có những kỷ niệm đẹp với cây cầu Long Biên, những buổi chiều thu lên cầu ngắm hoàng hôn, thả hồn đâu đó xa xăm nơi bãi giữa, hay ngồi trà đá xem người qua lại giữa những cuộn nước dưới dòng. Các bạn trẻ thường chọn cầu Long Biên là địa điểm chụp ảnh, trong đó có cả các cặp đôi cô dâu chú rể.
Nếu có dịp tới thăm Cầu Long Biên, bạn hãy thử theo những nhịp cầu thang dẫn xuống bãi giữa, ngắm sông Hồng giản dị và gần gũi nhất nhé.
Hà Nội vào thu còn đẹp từ những điều bình dị nhất, từ một chiếc lá rơi, một nụ cười của thiếu nữ, những cái nắm tay giữa phố chuyển mùa. Hãy đặt chân trên những con đường, ngồi xuống nơi ghế đá, nhâm nhi ngụm trà đá và cảm nhận chân thật nhất vẻ đẹp Hà Nội phố mùa thu.