Những đứa trẻ quên cách đọc, cách viết vì COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Radhika Kumari không nhớ cách viết bảng chữ cái vì đã 17 tháng không được đi học. Ảnh: BBC
Radhika Kumari không nhớ cách viết bảng chữ cái vì đã 17 tháng không được đi học. Ảnh: BBC
TP - Radhika Kumari cầm viên phấn trắng, lục lọi trí nhớ cách viết bảng chữ cái Hindi, một việc tưởng như dễ dàng đối với cô bé 10 tuổi. Nhưng Radhika nói rằng em thấy rất khó vì đã 17 tháng không được học, kể cả trực tiếp và trực tuyến.

Các trường ở Ấn Độ vẫn đóng cửa kể từ tháng 3 năm nay, khi nước này bước vào giai đoạn phong toả vì sự bùng phát khủng khiếp của dịch COVID-19. Các trường tư dành cho con nhà giàu chuyển sang học trực tuyến, các trường công chật vật vì nhiều học sinh không có máy tính, điện thoại thông minh và internet.

Ở Jharkhand, quê hương của Rahika, nơi phần đông dân số là người dân tộc thiểu số, sự chênh lệch này càng rõ ràng. Gia đình cô bé thuộc tầng lớp thấp nhất xã hội. Ngôi làng nhỏ bé của cô ở huyện Latehar không có mạng internet.

Khi đại dịch COVID-19 tiếp diễn, giới chuyên gia và các tổ chức quốc tế cho rằng cần nghĩ lại về chính sách không đưa trẻ em đến trường, khiến việc học hành bị ảnh hưởng. Đại dịch cũng phơi bày những bất bình đẳng nghiêm trọng, có thể để lại những hệ lụy lâu dài.

Trên khắp Đông Á và Thái Bình Dương, việc đóng cửa trường học ảnh hưởng đến hơn 325 triệu trẻ em. Trên toàn cầu, hơn 168 triệu trẻ em phải nghỉ học trong suốt hơn 1 năm trời vì phong toả, theo số liệu của UNICEF. Nhiều quốc gia đã mở cửa lại trường học trong mấy tháng cuối năm ngoái, nhưng gần đây phải đóng cửa lần nữa.

Tại Philippines, các trường học bị đóng cửa gần như trong suốt năm 2020. Tình hình ở Indonesia cũng tương tự. Để đối phó với làn sóng bùng phát COVID-19 đầu năm nay, các trường học ở Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Thái Lan…đóng cửa sau khi trẻ em mới quay lại trường ít ngày. Hình thức học trực tuyến sau một thời gian triển khai đã cho thấy đây không phải giải pháp lâu dài cho hàng triệu trẻ em.

Các đợt đóng cửa trường học cũng phơi bày tình trạng bất bình đẳng về tiếp cận công nghệ. Khoảng 80 triệu trẻ em ở Đông Á và Thái Bình Dương không có điều kiện học từ xa, khiến cuộc khủng hoảng giáo dục thêm trầm trọng.

Trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, 2/5 học sinh lớp 5 ở khu vực này đã không thể đọc hay làm toán ở mức tối thiểu. Ngân hàng Thế giới ước tính số trẻ em không đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu về kỹ năng đọc đã tăng 20% trong thời gian trường học bị đóng cửa.

Trẻ em càng xa trường học lâu thì càng khó quay lại trường học. UNESCO ước tính ít nhất 2,7 triệu trẻ em ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương không quay lại trường học nữa. Đó là chưa kể 35 triệu học sinh ở Đông Á và Thái Bình Dương trước đó đã bỏ học giữa chừng, khiến chúng đối diện với nguy cơ bạo lực và lạm dụng gia tăng. Các bé gái còn có thêm nguy cơ mang thai và kết hôn sớm.

Tại những quốc gia như Uganda, tình trạng trường học đóng cửa khiến số lượng bé gái tuổi vị thành niên tăng 20% trong 15 tháng qua. Vì thế, Liên Hợp Quốc kêu gọi các nhà hoạch định chính sách và chính phủ ưu tiên nhiệm vụ mở cửa an toàn trường học để tránh một “thảm họa thế hệ”.

Tìm ra những cách làm mới

Trong bài viết đăng trên trang của UNICEF gần đây, Đại sứ EU tại Thái Lan Pirkka Tapiola và bà Karin Hulshof, giám đốc khu vực của UNICEF ở Đông Á và Thái Bình Dương, cho rằng các chính phủ nên ưu tiên nhiệm vụ mở cửa lại trường học.

Lợi ích của việc mở cửa trường học lớn hơn nhiều so với thiệt hại khi đóng cửa. UNICEF và EU cũng khuyến khích các chính phủ ưu tiên tiêm vắc-xin COVID-19 cho các giáo viên và nhân viên trường học, bên cạnh lực lượng nhân viên y tế và các nhóm dân số dễ bị tổn thương.

Đại sứ Tapiola và bà Hulshof cho biết đã chứng kiến những thay đổi ấn tượng gần đây, khi nhiều chính phủ cung cấp bài giảng trực tuyến, trên truyền hình, phát thanh và qua điện thoại di động.

Ðể thu hút sự chú ý đối với tình trạng khẩn cấp giáo dục và nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải mở cửa trường học, tháng 3 năm nay, UNICEF đưa ra hình ảnh “Lớp học đại dịch”, trong đó có 168 chiếc bàn trống, mỗi chiếc bàn trống đại diện cho 1 triệu trẻ em ở các quốc gia đóng cửa trường học hoàn toàn, để nhắc nhở về tình trạng trẻ em đang mất đi cơ hội đến trường.

Tại Đông Timor, thêm nhiều trẻ em được học từ xa thông qua các nền tảng trực tuyến, video và phát thanh so với năm 2019.

Tại Thái Lan, trẻ em của các gia đình thu nhập thấp được hỗ trợ tiền mặt để chúng tiếp tục được học hành.

Việt Nam điều chỉnh chương trình học để giảm áp lực về kiến thức cũng như sức ép về tâm lý và xã hội, giúp học sinh có cơ hội bắt kịp những bài học bị bỏ lỡ.

Hai chuyên gia cho rằng giáo dục phải là một phần của kế hoạch hồi phục sau COVID-19. Thay vì lấy bớt tiền từ giáo dục, các quốc gia nên tăng cường đầu tư để cải thiện hệ thống giáo dục sau này.

MỚI - NÓNG