Thư California

Những giấc mơ Mỹ cô đơn

TP - Cali của tôi đang trải qua một mùa đông ẩm ướt do khí hậu El Nino, còn cả nước Mỹ chìm đắm trong những mối quan hệ tai ương với súng đạn và thuốc giảm đau. Sau thời cách ly bắt buộc, nhiều triệu người vẫn tự nguyện sống tách biệt để tránh thực tại đầy biến cố trên thế giới hay ngay cạnh nhà. Cô đơn giờ đây trở thành đại dịch vô hình đe dọa sức khỏe tinh thần toàn dân Mỹ.

CÀNG VĂN MINH CÀNG CÔ ĐƠN

Những cảm xúc bi tráng lạc quan “của toàn thể quốc dân” trong bài thơ “Buổi sáng kỳ diệu”, Amanda Gorman viết đầu mùa COVID, nay đã dần tan biến. Không nói ra nhưng ai cũng thầm tiếc nuối một thời vừa đi qua, khi lo âu và bất an kéo mọi người gần nhau hơn.

Những giấc mơ Mỹ cô đơn ảnh 1

Bức tranh theo trường phái Hudson “tình gia đình”

“Dù cho ta cảm thấy nhỏ bé, tách biệt và cô đơn,

Song tất cả chưa bao giờ gắn kết hơn thế.

Không phải liệu chúng ta có thể vượt qua được điều chưa biết này hay không,

Mà chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua nó như thế nào?”

Cùng nhau vượt qua để lại rời xa nhau như trước. Mâu thuẫn, khác biệt về chính trị kinh tế xã hội chủng tộc tôn giáo không hề giảm bớt. Nổi trên sóng truyền thông đầy rẫy tin thất thiệt làm lu mờ những câu chuyện về tình thương và lòng trắc ẩn.

Số gia đình đơn thân tăng gấp đôi trong 60 năm qua. Ngày nay mỗi người chỉ dành 20 phút gặp bạn bè mỗi ngày so với 60 phút trong những thập niên trước. Thanh thiếu niên 15 tới 24 tuổi hầu như không ra ngoài trực tiếp gặp gỡ ai.

Sân bay mang tên diễn viên điện ảnh John Waynes gần nhà tôi nằm trên cao tốc 405 đông nghẹt xe từ sáng sớm tới đêm khuya, nom đông vui đấy nhưng mạnh ai nấy chạy hối hả và lầm lũi như chính nhân vật chàng cao bồi Ethan Edward trong phim Những kẻ săn lùng (The Searchers) do ông thủ vai vậy. Phim này chỉ là một trong rất nhiều ví dụ kinh điển về chủ nghĩa anh hùng cá nhân. Cuối phim Ethan rời đám đông, sau cuộc giao chiến đơn thương độc mã, đi về phía chân trời bụi mù. Những người hùng cô độc lấy việc theo đuổi giấc mơ Mỹ làm động lực và lẽ sống cho bản thân. Song khi xã hội ngày càng phát triển và khi các cá nhân dù muốn hay không đều nằm trong sự nối kết của mạng xã hội, một mình nhưng không thể một mình, vô tình truyền cho nhau “nỗi cô đơn tập thể”.

Đầu năm 2022, Tổng phẫu thuật gia Vivek Murthy tường trình trước Thượng viện Hoa Kỳ về một loại bệnh dịch tinh thần trong giới trẻ. Ông cho rằng, hơn nửa dân Mỹ trưởng thành đang vật lộn trong bóng tối của nỗi cô đơn - căn bệnh này có thể gây chết người tương đương việc hút thuốc lá 15 điếu mỗi ngày, “một thực trạng hết sức không ổn”. Bác sĩ Murthy cũng chỉ ra tác động của nhiều thay đổi trong đời sống và văn hóa Mỹ. Các tổ chức xã hội truyền thống dần suy tàn vì mất hội viên, rất nhiều nhà thờ, chùa chiền, rạp hát, rạp phim đóng cửa. Người ta thà ở nhà xem TV và chơi mạng xã hội chứ không chịu ra ngoài giao du. Số gia đình đơn thân tăng gấp đôi trong 60 năm qua. Ngày nay mỗi người chỉ dành 20 phút gặp bạn bè mỗi ngày so với 60 phút trong những thập niên trước. Thanh thiếu niên 15 tới 24 tuổi hầu như không ra ngoài trực tiếp gặp gỡ ai.

Những giấc mơ Mỹ cô đơn ảnh 2

Tác giả trong một chuyến du hành tới Cabo Sanlucas, Mexico.

Theo nhiều nghiên cứu khoa học, cô đơn có thể gây giảm thọ hay tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Trong một bản tường trình hơn trăm trang, bác sĩ Murthy kêu gọi các trường học, công ty công nghệ và tổ chức cộng đồng hợp sức thay đổi tình hình. Ông khuyên mọi người bớt dùng điện thoại, trực tiếp gặp nhau, hạn chế học và làm việc trên mạng mà hãy đến trường và sở làm. Báo cáo của ông còn gợi ý rằng các công ty công nghệ nên triển khai các biện pháp bảo vệ trẻ em và đặc biệt quan tâm những hành vi trên mạng xã hội của chúng. Dù được soạn thảo rất công phu nhưng những lời khuyên trên giấy ấy liệu có đến tai công chúng? Dường như ai cũng chỉ tập trung vào bản thân. Công nghệ ngày càng thao túng con người và khoét sâu nỗi cô đơn của họ.

Cuối 2023 nữ ca sĩ kiêm nhạc sĩ Taylor Swift được tạp chí Time bình chọn là nhân vật của năm, nhân vật âm nhạc đầu tiên trong 97 năm của giải (70 năm đầu giải mang tên Người đàn ông của năm). Time cho rằng Taylor Swift đã kể những câu chuyện đời chạm đến trái tim triệu triệu người, dù yêu thích hay không âm nhạc của cô. Cô gái 33 tuổi ấy đã cất tiếng hát khi vang dội khi thủ thỉ về chỗ đứng của mình trong thế giới này: “Tôi đang một mình, tôi chỉ biết vậy/ Tôi sẽ mạnh mẽ, tôi sẽ sai lầm / Nhưng cuộc sống tiếp tục trôi” (“Ở một nơi trong thế giới này”).

Bạn có thể hỏi tôi sao vào những dịp lễ, các trận đấu thể thao hay những sô diễn nổi tiếng, rất nhiều địa điểm công cộng trên toàn nước Mỹ vẫn vô cùng náo nhiệt. Chuyến lưu diễn mang tên Eras của Taylor Swift từ tháng 3 tới tháng 12 năm 2023 đã thu về hơn 1 tỷ USD, trở thành tua kiếm bộn tiền nhất trong lịch sử âm nhạc trình diễn. Song dù bên nhau sát vai giáp mặt, người Mỹ dường như vẫn “hồn ai nấy giữ”. Các fan chen chúc trên mạng thay vì xếp hàng mua vé ở ngoài. Rồi hàng triệu người nhảy múa hò hét nhưng không ai nhìn ai, chỉ hướng về ca sĩ thần tượng độc diễn trên sân khấu. Giới trẻ Mỹ quen dần với cảm giác “đứng một mình trong đám đông”, “ta chẳng cần ai”.

Ngay cả khi Taylor Swift có bạn trai mới là tay tiền đạo bóng bầu dục Travis Kelce của đội “Tộc trường” Kansas City Chiefs, không ít người nghi ngại rằng đôi này chỉ diễn kịch thôi, rằng mối tình đẹp như mơ ấy chẳng qua là một giao kết thương mại. Số là giới trẻ Mỹ ngày càng ít tới sân vận động xem bóng bầu dục, nhiều nhà bình luận bi quan cho rằng môn này có nguy cơ tuyệt chủng.

Liệu các “anh hùng cá nhân” Swift và Kelce có cứu vãn nổi tình hình và kéo họ ra sân vận động thay vì ngồi nhà nướng thịt xem TV?

Những giấc mơ Mỹ cô đơn ảnh 3

Taylor Swift (nhân vật của năm 2023) và Travis Kelce liệu yêu nhau thật hay chỉ là hai ngôi sao cô đơn.

CÀNG SÁNG TẠO CÀNG CÔ ĐƠN

Cô đơn kiểu Mỹ vốn có từ thời lập quốc. Người Mỹ từ thời đó đã mô tả nỗi cô đơn của mình trong nhiều tác phẩm mỹ thuật cận đại và đương đại. Một trong những phong trào hội họa đầu tiên của Tân lục địa - trường phái “sông Hudson” vào giữa thế kỷ 19 - mô tả con người vô cùng nhỏ bé trước thiên nhiên trong những tác phẩm vẽ cảnh quan ngoại cỡ, ngụ ý rằng sức mạnh chế ngự thiên nhiên sinh ra từ sự cô đơn tuyệt đỉnh.

Bộ phim “Westerns” của đạo diễn John Ford tạo dựng những cảnh quan đồ sộ nhằm cô lập và tôn lên những hành động phi thường của những kẻ độc cô cầu bại tây phương. Trong âm nhạc thì dòng Blues miền Nam nước Mỹ với những thanh âm nhát gừng đơn chiếc, từng giúp định hình nhiều thể loại âm nhạc trình diễn, có nhiều bản thật day dứt lẻ loi như Cô lập (Isolation, Lil Spee) hay Bị lãng quên (Forgoten, Mr. Shortly).

Trong lĩnh vực văn học, tác phẩm mang tính đột phá Bí ẩn phụ nữ (The Feminine Mystique) của Betty Friedan đã cất lên tiếng lòng cô quạnh của một thế hệ phụ nữ nông thôn Mỹ. Chim ưng đêm (Nighthawks) của Edward Hopper lại mô tả nỗi cô đơn thành thị. Các tác phẩm điện ảnh cũng vô cùng phong phú, sau Những cây cầu ở quận Madison mô tả nỗi cô đơn đầy chất thơ trong tình yêu, là những bộ phim có chủ đề tội phạm và thám hiểm, với hình ảnh người đàn ông (và cả đàn bà) đơn độc trong đám đông, chính diện hoặc phản diện, hoặc cả hai.

Bạn chắc rành hơn tôi về dòng phim này, riêng tôi không thấy những bộ phim kiểu Sói xám (The Grey) do Liam Neeson thủ vai chính hấp dẫn chút nào. Nỗi cô đơn thường đơn giản chứ không lên gân như vậy. Trên truyền hình rất nhiều phim dài tập trình bày sự cô đơn từ nhiều góc cạnh, như Severance, Shrinking, Beef và nổi bật nhất là Ted Lasso, về một người Mỹ ở Anh. Chàng này dù được nhiều người biết đến và hâm mộ, vẫn rõ ra một kẻ cô đơn cùng cực.

Những giấc mơ Mỹ cô đơn ảnh 4

Bà chủ Sarah Winchester và ngôi nhà ma ám trước khi bị động đất làm hư hại

MẦM MỐNG BỆNH TẬT VÀ TỘI ÁC

Vào tháng Ba vừa qua, người sáng tạo nội dung và ngôi sao của phim bộ ba mùa Ted Lasso, Jason Sudeikis, xuất hiện cùng dàn diễn viên của mình tại Nhà Trắng để nói về một vấn nạn mà mùa cuối cùng của phim muốn khán giả quan tâm hướng tới hơn bao giờ hết: sức khỏe tâm thần của người Mỹ. Theo Sudeikis, “tất cả chúng ta đều biết một người nào đó thực sự bị hoặc từng bị tâm thần. Người đó phải vật lộn, cảm thấy bị cô lập, cảm thấy lo sợ, cảm thấy cô đơn”. Anh cũng cho rằng ranh giới giữa lành và bệnh, giữa tỉnh táo và u mê nhiều khi vô cùng mỏng manh.

Những vụ xả súng hàng loạt, những vụ buôn lậu thuốc gây nghiện chứa fentanyl gây ra cái chết của hàng trăm ngàn người Mỹ (khoảng 500 ngàn kể từ năm 1999), liệu có thể được đem ra đổ lỗi hết cho bệnh cô đơn?

Vì cô đơn mà tâm thần, vì cô đơn mà cảm thấy yếu đuối nên phải mua thật nhiều thuốc gây nghiện và súng đạn. Rất nhiều người Mỹ chưa từng sở hữu một khẩu súng nhưng lớn tiếng hơn ai hết trong những cuộc tranh luận về quyền sở hữu súng.

Những người này, thuộc phe cộng hòa bảo thủ, khăng khăng bảo vệ luật cho phép dân thường mang súng, coi đó là quyền tự do vũ trang tối thượng không thể bị tước đoạt của công dân Mỹ. Họ là những người có tư tưởng thượng tôn hiến pháp, hay bị ám ảnh quyền lực, hay (như phe dân chủ cấp tiến đối lập quy kết) đang làm cho nước Mỹ bị ma ám? Không ma ám sao được khi tội ác giết người chưa hề suy giảm trong toàn hợp chủng quốc nhiều thập kỷ qua.

Nếu có dịp, tôi sẽ dẫn bạn đến thăm ngôi nhà ma ám nổi tiếng nhất Mỹ ở miền Bắc Cali. Ngôi nhà là tác phẩm của người vợ góa của William Wirt Winchester, ông trùm công ty sản xuất súng trường bắn nhanh Winchester. Năm nay kỷ niệm 100 năm xây dựng ngôi nhà có 10 ngàn cửa sổ được thiết kế lắt léo như ma trận này. Số là sau khi ăn nên làm ra nhờ bán thứ vũ khí giết nhanh và giết nhiều nhất thời ấy, William đã chết vì bệnh lao khi mới 43 tuổi. Trước đó con gái và bố ông cũng chết bất ngờ, để lại người vợ góa Sarah sống trong cô độc và sợ hãi khôn nguôi.

Bà cho xây tòa nhà có thật nhiều phòng và cửa cổng nhằm “đánh lạc hướng” những hồn ma thiệt mạng trước những nòng súng do công ty chồng bà sản xuất. Trong ngôi nhà đó bà liên tục thay đổi chỗ ngủ, liên tục sửa sang để trốn ma. Dinh thự trúng tà đồ sộ này có lẽ là một trong những hình ảnh đặc sắc của nước Mỹ từ thuở khai quốc tới ngày nay: vừa giàu mạnh đẹp vừa cô đơn yếu đuối. Nếu bạn thử vào một phòng trong ngôi nhà đó và đóng cửa lại, có thể bạn sẽ cảm thấy tê dại nhẹ nhàng, trạng thái được mô tả trong bài hát nổi tiếng của ban nhạc Pink Floyd Comfortably Numb: “Hello, hello, hello! Có ai ở trong đó không? Nghe thấy tôi gọi rồi thì gật đầu một cái đi!”.

Bạn sẽ ngồi yên hay vùng dậy chạy trốn? Hay chạy hẳn ra ngoài bỏ lại phía sau nỗi cô đơn và sợ hãi bao trùm cả tòa nhà bí hiểm? Tôi thì chắc chắn chọn bỏ chúng lại phía sau rồi. Bà góa Sarah kia sống cô độc tới tuổi ngoại thất tuần. Chắc chẳng phải vì bị ma ám hay trời hành mà vì bà muốn vậy. Thật đáng tiếc.

HY VỌNG MỎNG MANH

Dĩ nhiên người Mỹ có nhiều liệu pháp tích cực để chữa cô đơn, chứ không chỉ dùng súng hay thuốc gây nghiện. Nhiều người chọn du lịch hay làm từ thiện. Năm qua trong những hành trình từ Nam Mỹ đến Bắc Âu, từ Hawaii giữa Thái Bình dương đến vùng New England với những bờ vịnh tuyệt đẹp bên bờ bắc Đại Tây dương, tôi đã gặp nhiều khách du lịch Mỹ vui vẻ yêu đời. Có một điều lạ là hễ tôi đi tới đâu, từ Acapulco (Mexico) tới Hawaii hay các nước vùng biển Baltic là trời đẹp tới đó. Trái lại, ngay sau khi rời khỏi nơi nào là nơi đó gặp chuyện, không cháy rừng thì giông bão, không gió tuyết thì lụt lội. Vừa rời tiểu bang Maine nhỏ bé xinh đẹp tuần trước thì tuần sau ở đó xảy ra một vụ xả súng lấy đi 18 sinh mạng. Dù sao niềm vui di chuyển vẫn thắng nỗi sợ hãi, và tôi sẽ tiếp tục đi khi có dịp. Không có gì đáng sợ hơn buồn chán và cô đơn.

Ban Pink Ployd sáng tác bản Comfortably Numb để tỏ lòng thương cảm tới cựu thành viên sáng lập Syd Barrett, người đã sớm rời ban vì tâm thần anh quá yếu ớt. Sau khi anh qua đời, những thành viên khác của ban, dù thời trẻ đều lâm vào nghiện ngập trầm cảm đều đang sống thọ, sống sung túc và không ngừng ca hát. Nên chăng chúng ta lấy đó làm gương, để tiếp tục vui sống và mơ những giấc mơ không cô đơn.

Trong tác phẩm Nền dân chủ Mỹ, Alexis de Tocqueville viết: “Nhiều người Mỹ có thói quen coi mình luôn hành động đơn lẻ và cho rằng toàn bộ số phận nằm trong tay họ”. Điều này hẳn bao hàm nhiều giá trị tích cực: nhận thức con người ở quốc gia văn minh nhất thế giới này đang phát triển tới những tầng cao hơn - con người dần dám chịu trách nhiệm cho số phận, không đổ lỗi và cam chịu làm nạn nhân của hoàn cảnh. Song nếu xét cô đơn trên góc độ cảm xúc của người Mỹ thời nay, “nền dân chủ đang ném anh ta vào chính bản thân mình, rồi giam hãm anh ta trong sự cô độc của trái tim mình mãi mãi”. Đây là chủ đề lặp đi lặp lại trong phim ảnh nhạc họa văn chương, trên sóng truyền thông cũng như từng ngóc ngách những ngôi nhà nước Mỹ. Trước khi nền dân chủ Mỹ phát triển hoàn hảo cho đến giữa thế kỷ 20, con người có vẻ không cô đơn như hiện nay. Vậy phải chăng xã hội càng văn minh thì nỗi cô đơn càng sâu đậm hơn?