Những 'hiệp sĩ' giải cứu thú hoang giữa rừng già-Bài 1: Ngày đêm bám rừng gỡ bẫy

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những ngày cuối năm, phóng viên Tiền Phong theo chân những “hiệp sĩ” giải cứu thú hoang ở Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) băng rừng già tìm gỡ bẫy. Sống giữa sự chở che của Trường Sơn hùng vĩ, những chàng trai Cơ Tu trẻ khỏe, trả ơn núi rừng bằng việc giải cứu động vật hoang, góp sức bảo vệ rừng quê hương cho muôn đời sau.

Hành quân giữa rừng già

Từ sáng sớm trên chiếc xe máy cà tàng, tôi phi từ TP Đà Nẵng lên huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam), đến nơi thì mặt trời đã đứng bóng. Tây Giang núi non hùng vĩ, đêm đông sương mù lạnh buốt thịt da. Hôm sau, khi đang quấn mình trong chiếc chăn ấm, tôi bị đánh thức bởi tiếng gọi nhau của những thành viên trong đội tuần tra, tháo gỡ bẫy. Những chiếc balo nặng trĩu 20-30kg đủ các loại vật dụng và lương thực cần thiết đã được anh em chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến tuần tra xuyên rừng tìm gỡ bẫy thú theo kế hoạch đã được vạch trước.

Những 'hiệp sĩ' giải cứu thú hoang giữa rừng già-Bài 1: Ngày đêm bám rừng gỡ bẫy ảnh 1

Đội tuần tra, tháo gỡ bẫy xuyên rừng sâu, vượt thác. Ảnh: Duy Quốc

Trước khi lên đường, Hứa Nguyễn Minh Tuấn - Đội trưởng của đội bật điện thoại mở bản đồ chỉ hành trình tuần tra dự kiến cho tôi xem, kèm lời cảnh báo “sẽ gian nan lắm đó anh”. Chàng trai đội trưởng năm nay tròn 25 tuổi, quê ở xã Điện Hồng (TX Điện Bàn, Quảng Nam) năng nổ và vui tính. Tuấn bén duyên với núi rừng Tây Giang từ khi đội thành lập, đến nay đã thành thục núi rừng Tây Giang như người bản địa. Tuấn bảo, từng con suối, từng đoạn dốc cao, vực sâu anh em đều rành và biết cách vượt qua an toàn. Tất cả nhờ vào kinh nghiệm của những người con núi rừng Tây Giang truyền lại sau từng chuyến đi.

Khi 5 thành viên của đội đã sẵn sàng, Tuấn “đọc lệnh” xuất phát. Từ trung tâm huyện, anh em đi xe máy qua xã Atiêng, gửi xe lại nhà dân rồi mọi người chia nhau balo bắt đầu hành trình. Những ánh nắng đầu ngày rọi qua màn sương mờ dưới những tán rừng già khiến khung cảnh núi rừng Tây Giang trở nên huyền bí.

Balo trĩu nặng vai với đồ nghề và lương thực, những bước chân của những chàng trai trẻ băng rừng huỳnh huỵch, phút chốc ai cũng đầm đìa mồ hôi. Đi được khoảng 1 giờ đồng hồ, anh em dừng chân nghỉ ngơi khi ai nấy đều đã thở bằng miệng. Đứng bên, Bling Nhiên (28 tuổi) chia sẻ: Như thế này chưa là gì đâu, càng vào sâu thì càng gian nan hơn nữa. Nhiều thác nước lớn cheo leo, những con dốc cao ngút đang chờ. Côn trùng, rắn rết hay đường rừng trơn trượt là những nguy hiểm rình rập, chỉ cần sẩy chân là té ngã sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Phút dừng chân, Tuấn giải thích những loại bẫy thường gặp trong rừng như bẫy dây rút, bẫy lưới, bẫy lồng, bẫy kẹp... Bên cạnh yếu tố gọn nhẹ, loại bẫy này cũng thường được các thợ săn dùng vì có khả năng bắt được tất cả các con vật, không phân biệt kích thước, chủng loại.

Tiếp tục hành trình, dọc đường bằng kinh nghiệm những chiếc bẫy đầu tiên được anh em tìm thấy. Đó là những chiếc bẫy kẹp nằm dưới những lớp lá khô rải rác dưới một tán rừng. “Phải những người có kinh nghiệm mới phát hiện ra vị trí đặt bẫy. Người thường đi vào còn dễ dẫm phải nói gì đến thú hoang. Những chiếc bẫy nhìn thế thôi, nhưng lực kẹp mạnh lắm. Thú hoang dẫm phải chỉ có chờ chết”, Tuấn cho biết. Ghi chép cẩn thận, nhập số liệu vị trí lên thiết bị định vị mang theo. Việc đánh dấu để sau này phục vụ quá trình đánh giá các khu vực nhiều bẫy để tiện theo dõi trong quá trình tuần tra.

Vẳng bên tai là tiếng khỉ ré thất thanh giữa rừng, Bling Nhiên biết được một chú khỉ đáng thương đang dính bẫy kêu cứu đồng loại. Xách dao xẻ rừng, theo tiếng kêu anh em nhanh chóng tìm được vị trí. Trước mắt là cảnh chú khỉ nhỏ đang bị treo lơ lửng trên cành cây cao, đau đớn kêu ré trong sự bất lực của những chú khỉ khác đang nháo nhác chuyển cành, huyên náo cả góc rừng. Nhiên nhanh chóng tiếp cận cũng là khi chú khỉ đã kiệt sức không còn cựa quậy nổi. Nhanh chóng đưa thú rừng bị dính bẫy xuống, anh em tiến hành tháo gỡ và sơ cứu, hồi sức cho chú khỉ. Sợi thép quấn đã làm trầy xước da, thâm cổ chân chú khỉ nhỏ. Nhiên cẩn thận dùng dụng cụ y tế mang theo, vệ sinh vết thương rồi bôi thuốc trước khi thả ra về rừng. Cả đàn khỉ đón thành viên thoát nạn rồi chuyền cành mất hút giữa những tán rừng để lại sau là những nụ cười của anh em vì đã làm được việc tốt cứu mạng chú khỉ.

Đối mặt hiểm nguy

Trời chiều rừng âm u, Tuấn bảo anh em tìm chỗ dựng lán, mắc võng để nghỉ ngơi qua đêm. ATing Thuận nhanh tay dùng dao phát dọn một bãi đất, chặt mấy nhánh cây rừng, trong chốc lát, 2 lán dã chiến được dựng lên với 6 chiếc võng bên trong. Anh em nhóm lửa xua muỗi, rồi mang nồi, gạo ra nấu cơm ăn. Đèn pin năng lượng mặt trời mang theo soi sáng vài giờ trong lán đủ để anh em ăn cơm xong.

Những 'hiệp sĩ' giải cứu thú hoang giữa rừng già-Bài 1: Ngày đêm bám rừng gỡ bẫy ảnh 2

Bữa cơm trong rừng đạm bạc nhưng đầy niềm vui. Ảnh: Duy Quốc

Đêm giữa rừng già, vẳng tiếng thú hoang gọi đàn. Anh em quây quần bên bếp lửa kể chuyện cho nhau nghe. Tuấn chia sẻ, trong quãng thời gian hơn 1 năm tham gia vào đội tuần tra và tháo gỡ bẫy, cả nhóm đếm không xuể số lần mình gặp nguy hiểm, rắn cắn, tai nạn nhưng anh em không bỏ rừng.

Trong ánh lửa bập bùng, Thuận vén quần chỉ vết sẹo dài vừa mới liền da trên cổ chân. Đó là vết thương sau một lần chàng trai 28 tuổi gặp nạn khi xuyên rừng tuần tra vào đầu tháng 12/2023. Lần đó, do bất cẩn nên Thuận ngã từ vách đá xuống suối gần 20m. Anh em phát hiện kịp nhưng Thuận bị thương nặng nên không thể tự đi, buộc lòng anh em phải làm cáng rồi thay nhau khiêng ra khỏi rừng. Mất gần 2 ngày trời, anh em mới đưa Thuận ra bìa rừng, gọi xe chở đi viện. Xuất viện sau 1 tuần chữa trị, khi vết thương vừa liền da, Thuận lại cùng anh em trở lại rừng để tháo gỡ bẫy.

Bhling Duy (26 tuổi, quê tận xã biên giới Ch’ơm) tham gia đội từ những ngày đầu. Duy kể, ngày đầu vào đội chưa quen với việc tuần tra xuyên rừng liên tục từ 16-20 ngày mỗi tháng nhưng rồi em cũng dần thích nghi, giờ thì đi không biết mệt. Hơn 1 năm gắn bó, kỷ niệm Duy nhớ nhất là lần tuần tra đầu năm 2023 khi một mình giáp mặt với 4 lâm tặc đang chặt gỗ giữa rừng sâu và bị dọa giết. Tuy nhiên, Duy bình tĩnh xử lý tính huống, vừa nói chuyện vừa khuyên bảo, giải thích việc chặt phá, hủy hoại tài nguyên rừng là sai, vi phạm pháp luật nên nhóm lâm tặc đã bỏ đi. Sự việc sau đó được báo cho cơ quan chức năng để truy tìm những kẻ phá rừng.

Đối mặt với nhiều nguy hiểm là vậy, nhưng khi hỏi: “Nếu được chọn lại, có tham gia vào đội?”. Bhling Duy đáp chắc như đinh đóng cột: “Vẫn y chọn lựa ban đầu. Đối với người Cơ Tu rừng là tất cả, dù đối mặt với nguy hiểm thế nào cũng sẽ bảo vệ đến cùng”.

Đội tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy dựa vào cộng đồng tại rừng phòng hộ huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) được thành lập từ tháng 9/2022. Lúc đầu thành lập, đội chỉ có 5 thành viên, đa số là người đồng bào Cơ Tu, đến nay đã tăng lên 25 thành viên hầu hết là người trẻ.

MỚI - NÓNG