Những kỳ nhân của tôi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau 33 năm làm báo, trong đó 28 năm liên tục làm báo Tiền Phong, thật khó nhớ hết đã có bao nhiêu nhân vật đi qua những bài báo của tôi.

Nhân vật báo chí là khái niệm chung để chỉ những người được nhà báo phản ánh trong tác phẩm của mình, có thể xuất hiện thoáng qua với một vài phát ngôn, bình luận và lẫn vào những nhân vật khác, trong các thể loại tin, phản ánh, tường thuật, phỏng vấn,... Nhưng hằn sâu đậm nhất phải kể tới thể loại ký sự nhân vật (còn được gọi là ký chân dung), trong đó ký giả thường chỉ hướng ngòi bút vào một nhân vật duy nhất, và cũng là độc nhất “không giống ai” về câu chuyện, số phận, tính cách, khả năng, cảm hứng, sức ảnh hưởng cá nhân,…

Những kỳ nhân của tôi ảnh 1

Tác giả (ngồi đối diện) giao lưu với thầy giáo hiệu trưởng, Anh hùng lao động Hà Công Văn (áo trắng, nay đã mất) tại gian bếp trường Tiểu học Húc Nghì (xã Húc Nghì, huyện Đăk Krông, Quảng Trị) trên đường xuyên Trường Sơn bằng xe máy, tháng 3/2022. Ảnh: Huỳnh Anh.

Ký sự nhân vật là thể loại tôi vốn sở đắc nhất, và đã xuất bản 2 cuốn sách tập hợp những chân dung đáng nhớ. Cuốn “Đừng gọi tôi là Lại Phiền Hà” (in năm 2008) và “Vượt qua tiểu thuyết” (2022) với khoảng 50 nhân vật, cũng là ngần ấy những số phận, tính cách, câu chuyện kỳ lạ, có thể được gọi là những “kỳ nhân”, chủ yếu là những con người bình thường trong nhân gian. Đó là câu chuyện về 24 lần vượt cạn của một người đàn bà miền Trung, mà không có lần nào sinh đôi; về người thương binh tâm thần suốt nhiều năm liền “hô xung phong” giữa thời bình; về một chàng Đông ki sốt bao thập niên coi quản nhà vệ sinh và làm thơ trên đỉnh đèo Hải Vân; là một anh chàng “khùng” nhưng lại là gương sống đẹp cho cả làng; về ông lão hơn 40 năm liên tục gánh nước giếng Bá Lễ nơi phố cổ Hội An,…

Những kỳ nhân của tôi ảnh 2

Tác giả và nhân vật - nhà thơ Thanh Thảo. Ảnh: Phạm Đương.

Cũng có không ít nhân vật nhắc đến nhiều người biết, như Mẹ Thứ, Đỗ Quang Thắng, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Sự, Nguyễn Bá Thanh, Trần Bá Dương, Lê Công Cơ, các nhà văn nhà thơ Nguyên Ngọc, Thanh Thảo, Thái Bá Lợi, Trần Vàng Sao, Đoàn Huy Giao, Đà Linh,… Hay như võ sư Đoàn Đình Long HLV trưởng đội tuyển Karatedo quốc gia mà trái tim đã 4 lần bị cắt ra khỏi cơ thể để thay cùng lúc 2 van tim, hết bằng loại van sinh học đến van kim loại. Với nhiều tên tuổi văn chương yêu mến đã khuất, tôi lang thang tìm về không gian xưa cũ của họ để dựng lại chân dung. Là những Lỗ Tấn, anh em dòng họ Nguyễn Tường của Tự lực văn đoàn, Phan Khôi, Nguyên Hồng, Hữu Loan, Bùi Giáng, Nguyễn Vỹ, Quang Dũng, Dương Thị Xuân Quý, Vũ Hữu Định, Lưu Quang Vũ,…

Một thói quen cố hữu mỗi khi viết ký sự nhân vật, đó là tôi luôn giữ liên lạc và dõi theo bước thăng trầm số phận của từng nhân vật, cả sau khi họ qua đời. Bởi vậy, hồ sơ “kỳ nhân” của tôi luôn được cập nhật, có khi sau 2-3 chục năm vẫn chắp nối thêm những câu chuyện mới về họ. Nên khi tập hợp để in sách, nhiều nhân vật có chiều dài câu chuyện trải dài đến vài thập kỷ.

Những kỳ nhân của tôi ảnh 3

Nhà báo Trần Tuấn tác nghiệp tại Hoàng Sa trong vụ giàn khoan HD981 mùa hè năm 2014

Nhân vật của tôi có khi hòa thành một tập thể. Là những người lính cảnh sát biển tôi cùng các đồng nghiệp từng sát cánh đối mặt với giàn khoan Hải Dương 981 giữa Hoàng Sa mùa hè năm 2014. Lên bờ, tôi hụi hụi xin việc cho một số anh em, để những chàng lính biển được gần hơn với người yêu. Và rồi hai đám cưới đã được tổ chức sau đó, giờ họ đang vững vàng binh nghiệp, gia đình hạnh phúc.

Và cũng có những nhân vật chỉ lướt qua thật nhanh, nhưng hằn sâu theo nhiều nghĩa. Như chàng trai miền Tây Nguyễn Hoàng Phúc trong bút ký “Cà Mau quê xứ” đăng báo Tiền Phong từ mùa hè năm 2006 (sau tôi in lại trong cuốn “Uống cà phê trên đường của Vũ” - 2017). Bút ký này vừa được chọn đưa vào Sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 11 thuộc Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, chuẩn bị dạy từ năm học tới. Nhưng với tôi, điều đọng lại lâu bền hơn cả, đó là nhân vật Ba Phúc chính là chủ nhân của ngôi nhà gắn Số 1 - là ngôi nhà cuối cùng của dải đất hình chữ S, và là nhà đầu tiên tính từ Mũi trở vào của ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau tính tới thời điểm đó. Hơn chục năm đã qua, mới đây những người bạn tôi tìm về địa chỉ này, và kể rằng ngôi nhà ấy “không còn nữa”! Biết sao được. Vật đổi sao dời, nhất là với đất Mũi vẫn đang sinh nở từng ngày...

Nhân vật báo chí của tôi, cũng không thể nào kể hết được những phận đời oan khuất mà tôi từng theo đuổi suốt nhiều chục năm trời. Là “anh Thế”, tức ông Huỳnh Hoàn từng là Bí thư chi bộ làng kháng chiến Stơr, huyện An Khê (Gia Lai) và là người trực tiếp bồi dưỡng, kết nạp anh hùng Đinh Núp vào Đảng. Tôi theo sát và viết về vụ oan ức vì bị cướp nhà của “anh Thế” từ năm 1992, cho đến năm 2000 khi ông qua đời. Là vụ ông Phan Ngọc Đồi ở Đà Nẵng, vợ chồng thương binh Trần Thị Xanh, thầy giáo Nguyễn Hội ở Quảng Ngãi, ông Trương Công Thiết và các đồng đội cựu chiến binh ở Bình Định,… mà hiện tôi vẫn còn lưu giữ riêng một tủ hồ sơ, đơn từ.

Những kỳ nhân của tôi ảnh 4

Tác giả trong bảo tàng Lỗ Tấn ở Thượng Hải (Trung Quốc) tháng 11/2018. Ảnh: N.Đ.H.

Mới đây, ghé qua Đà Nẵng, ông Nguyễn Chí Hoàng (Năm Hoàng, ở Đức Phổ, Quảng Ngãi) í ới gọi tôi ra cà phê. Sau khi được minh oan, ông quyết tâm theo học luật và trở thành luật gia, trực tiếp giải oan cho nhiều người. Do đấu tranh chống tiêu cực, từ năm 1983 kế toán trưởng Trung tâm Y tế huyện Đức Phổ Nguyễn Chí Hoàng bị trù dập, và đến 1987 bị kỷ luật đuổi việc. Năm Hoàng liên tục kêu oan, nhiều báo chí trong đó có Tiền Phong liên tiếp phản ánh. Đến tháng 12/1993 nhờ lá thư của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ khi đó là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chuyển sang Ủy ban Thanh tra Nhà nước đề nghị làm rõ vụ oan sai này, tháng 12/1994 Tòa án tối cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm tuyên hủy bỏ quyết định buộc thôi việc của huyện Đức Phổ với ông Hoàng. Tòa tối cao đã tuyên nhưng địa phương vẫn “không phục”. Phải đợi đến khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương, và tiếp đó Thủ tướng Phan Văn Khải phải ra công văn yêu cầu địa phương nghiêm túc tuân thủ bản án, “thi hành ngay bản án theo đúng quy định của pháp luật”, và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân, thì sang tháng 9/2006, ông Năm Hoàng mới được chính thức giải oan, hoàn trả trên 195 triệu đồng tiền truy lĩnh lương và trợ cấp thôi việc suốt gần 19 năm trời.

Cảm ơn những “kỳ nhân” đã cho tôi bao tháng năm làm báo đầy cảm xúc.

Không chỉ viết báo về nhân vật, tôi còn được tham gia vào những cuốn sách họ tự chắp bút. Năm ngoái, gần 3 tháng tôi cặm cụi chỉnh sửa bản thảo giúp Thiếu tá cựu chiến binh Đặng Hà Thụy xuất bản cuốn hồi ký “Chiến trường và đồng đội” dày hơn 400 trang. Ở tuổi ngót 80, người cựu binh ở Hoài Nhơn (Bình Định) ấy có cách tìm hài cốt đồng đội thật đặc biệt. Đó là tự học vi tính và tiếng Anh, rồi lên mạng tìm cách kết nối với các cựu binh Mỹ từng tham chiến tại chính trận đánh đó. Hai bên cùng đối chiếu bản đồ quân sự, ảnh chụp vệ tinh, kết hợp khảo sát thực địa. Hàng trăm hài cốt liệt sĩ đã được tìm thấy bằng cách ấy. Hay như cuốn “Nam Ô và những chuyện kể” của “sử gia” làng Nam Ô Đặng Dùng (Đặng Phương Trứ, mà tôi được tác giả tin tưởng giao xử lý bản thảo đầu tiên).

Nhớ lời một người anh đồng nghiệp, rằng “Đi những kỳ danh, đọc những kỳ thư, gặp những kỳ nhân, rồi lên núi viết sách”. Lên núi viết sách lúc này là chưa thể, nhưng ba thứ ở trên thì tôi vẫn tâm niệm và cặm cụi thực hiện từng ngày…

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
TPO - Hoa hậu Ngọc Hân vừa nhận tin trúng tuyển với số điểm 14, xếp thứ 5 trong số các học viên của chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.