Kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7

Những kỷ niệm hành quân…

0:00 / 0:00
0:00
Chiến sỹ trẻ Đội Quy tập hài cốt liệt sỹ
Chiến sỹ trẻ Đội Quy tập hài cốt liệt sỹ
TP - Chốn rừng thiêng nước độc, bữa ăn đôi khi là tổ ong bên suối hay cọng rau rừng, cây nấm lót dạ khi mưa tạnh, nắng lên. Với những người lính trẻ, những thử thách, gian khổ đó không thể làm gián đoạn chiến dịch chạy đua với thời gian tìm hài cốt liệt sỹ về với đất Mẹ.

Tinh thần lính trẻ

Thiếu tá Nguyễn Viết Cường trước khi chuyển về Đội Quy tập là lính trinh sát của Đại đội Trinh sát 20. Với đặc thù nhiệm vụ nên anh được đào tạo bài bản, triền miên những ngày huấn luyện “nếm mật nằm gai” trên thao trường. Tinh thần thép được tôi luyện bằng mồ hôi và máu. Nhưng khi về Đội Quy tập, anh lại bắt đầu từ những bài học vỡ lòng cho nhiệm vụ mới. “Điều đầu tiên mà cán bộ, chiến sỹ về Đội là học tiếng Lào, phong tục tập quán các bộ tộc Lào, làm quen với môi trường mới. Nền tảng chúng tôi là bản lĩnh, tinh thần quật cường của người lính, khó khăn nào cũng vượt qua...”, Nguyễn Viết Cường chia sẻ. Nhớ lại những ngày đầu bước qua dãy Trường Sơn điệp trùng, hùng vĩ, chân chạm đất nước Triệu Voi, thiếu tá Cường cho hay: “Tôi đi cùng những người trẻ và cả những đồng đội kinh nghiệm, từ câu chữ thầy cô dạy lúc mới về Đội, cho đến khi hành quân, ăn ở cùng dân bản địa, chúng tôi đều không ngừng học hỏi. Vốn kiến thức càng nhiều thì nhiệm vụ sẽ thuận lợi hơn”.

Những kỷ niệm hành quân… ảnh 1

Phút nghỉ ngơi của cán bộ, chiến sỹ Đội Quy tập và người dân trong rừng

“Bản thân là một quân nhân đang còn trẻ, tôi không ngại ngần trước bất cứ một nhiệm vụ nào hết, sẵn sàng tham gia và cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao”, đó là câu nói dõng dạc, hùng hồn của trung úy Nguyễn Văn Quốc (SN 1990). Về Đội Quy tập từ tháng 9/2017, Quốc có 3 mùa làm nhiệm trên đất nước Lào. “Chuyến hành quân đầu tiên của tôi là quãng đường từ bản vào rừng sâu tìm kiếm hài cốt liệt sỹ. Xuất phát từ 5h sáng nhưng đến tận 2h chiều, chúng tôi mới ăn một gói mì tôm. Thậm chí có những chuyến hành quân suốt 2 ngày, kết quả không tìm được phần mộ liệt sỹ. Mệt, buồn nhưng chúng tôi vẫn không nao núng, không nản lòng. Sông sâu, núi cao vực thẳm, không làm chúng tôi chùn bước bởi chúng tôi là bộ đội quy tập, niềm đau đáu lớn nhất là tìm thấy hài cốt cha anh đưa về đất Mẹ”, trung úy Nguyễn Văn Quốc cho biết.

Thượng tá Nguyễn Văn Nam - Đội trưởng Đội Quy tập cho biết: “Chỉ huy Đội luôn quán triệt nhiệm vụ và thường xuyên giáo dục cho thế hệ cán bộ chiến sỹ trau dồi phẩm chất. Trước hết là bằng trách nhiệm, tình cảm thiêng liêng với các liệt sỹ, thực hiện nhiệm vụ phải bằng cái tâm của mình. Ngoài ra, anh em chỉ huy cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ gia đình các đồng đội”.

Cùng trang lứa với Quốc là trung úy Bùi Hữu Sơn cũng có những kỷ niệm hành quân đặc biệt. Những đêm mưa rừng ẩm ướt lạnh buốt sống lưng, nhành củi khô bùng cháy không đủ sưởi ấm chốn rừng thiêng là trải nghiệm đáng nhớ trong đời chàng quân nhân trẻ. Từ một chiến sỹ chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở Ban khoa học quân sự - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An, Sơn được điều động về Đội Quy tập vào tháng 8/2019. Anh kể: “Có hôm, cùng với một trưởng bản, tổ chúng tôi vào rừng khảo sát, kế hoạch đi về trong ngày nên chỉ mang vài nắm xôi, dăm gói mì tôm lót dạ. Nhưng mưa rừng tới tấp, nước lũ đổ về, con suối trở nên dữ dằn với dòng chảy xiết khiến đội hình bị cô lập. Để đảm bảo an toàn, Tổ trưởng lệnh ở lại đợi nước rút. Đêm xuống, cái đói, cái rét cứ ập đến, từng nhành củi vừa được nhen lên để sưởi ấm nhưng mưa xối xuống tắt ngấm. Sáng hôm sau trở về, chân run cầm cập không bước nổi... Nhọc nhằn tan biến lúc nào không hay khi ngày tiếp theo chúng tôi tìm được một phần mộ liệt sỹ”.

Chuyện hậu phương

Huấn luyện ở đơn vị và hành quân trên đất nước bạn Lào đã chiếm hầu hết quĩ thời gian của cán bộ, chiến sỹ Đội Quy tập, phòng Chính trị - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An. Ngoài chỉ đạo sát sao từ chỉ huy đơn vị, cố gắng của bản thân thì sức mạnh tinh thần từ hậu phương cũng rất quan trọng để các anh hoàn thành nhiệm vụ. Chia sẻ về gia đình của mình, thiếu tá Nguyễn Viết Cường không giấu nổi cảm xúc. Vợ chồng anh có 2 con, con đầu học lớp 1 và con trai thứ hai đang học mẫu giáo. “Cháu lớn hiểu chuyện hơn và biết bố là bộ đội thường xuyên phải xa nhà, nhưng cháu thứ hai luôn hỏi “bố khi nào về? Bố đi Lào lâu thế? Bố về sớm chơi với con”. Mỗi khi được về nhà, tôi kể cho các con nghe câu chuyện của các bạn nhỏ ở Lào, về công việc của một quân nhân, về tấm gương của các anh hùng liệt sỹ... Kể lại những câu chuyện đầy ắp kỷ niệm của người lính, cũng là cách để giáo dục cho con về tình yêu đất nước, về sự hy sinh, tinh thần chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ”, thiếu tá Cường tâm sự.

Anh dành những lời dịu dàng nhất cho vợ, người anh xem là hậu cứ vững chắc cho binh nghiệp của mình. “Vợ chồng tôi có thể xem là “thanh mai trúc mã”, cô ấy thấu hiểu, thường xuyên động viên và sẻ chia cùng công việc đặc thù của chồng. Những khi không có tôi ở nhà, cô ấy vừa thay tôi làm cha, vừa làm mẹ, làm cô giáo dạy dỗ, chăm bẵm con. Gia đình tôi có truyền thống bộ đội, nội ngoại đều có liệt sỹ nhưng đến nay có người vẫn chưa tìm được hài cốt. Điều đó thật đặc biệt đối với tôi khi về Đội Quy tập, thôi thúc tôi vững bước trong những chuyến hành quân”, thiếu tá Cường tâm sự.

Chúng tôi không khỏi xúc động khi nghe câu chuyện của quân nhân trẻ Nguyễn Văn Quốc. Gác lại chuyện riêng tư, Quốc cùng đồng đội âm thầm lặn lội trên đất Lào. Anh cho biết, tháng 9/2018 cưới vợ được 10 ngày thì được điều động sang Lào nhận nhiệm vụ, biền biệt xa nhà 7 tháng sau mới trở về. Vợ chồng Quốc yêu nhau từ khi anh đi bộ đội nên cuộc sống xa nhau đã thành quen với người vợ chiến sỹ. Đến khi cưới, vợ đã phần nào hiểu công việc, nhiệm vụ của chồng. Ba năm lập gia đình, vợ chồng Quốc chưa có con, anh dự định xong nhiệm vụ đợt này sẽ sắp xếp xin nghỉ phép về nhà dành thời gian bên vợ..

Dịch COVID-19 bùng phát ở thành phố Vinh (Nghệ An), vợ của trung úy Bùi Hữu Sơn là một bác sỹ công tác tại Bệnh viện Đa khoa thành phố nên cũng trở thành chiến sỹ. “Gửi con cho bà nội, vợ tôi xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Những lần xuyên đêm lấy mẫu xét nghiệm cho người dân, phút nghỉ ngơi ngắn ngủi vợ chồng lại tranh thủ gọi video điện thoại. Thấy cơ thể cô ấy gầy guộc, đôi mắt thâm quầng, thương lắm. Nhưng tôi hiểu, nhiệt huyết, lương tâm của một người thầy thuốc, vợ tôi và bao đồng nghiệp đang làm tất cả vì cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh. Hết thời gian cách ly, xem clip vợ gửi đã về gặp con mà rưng rưng...”, trung úy Sơn chia sẻ.

MỚI - NÓNG