Ngày 24 - 25/9 tới đây, vở cải lương Đợi Kiều sẽ chính thức công diễn tại Nhà Văn hóa Thanh Niên TP. HCM, Q. 1, TP. HCM. Dự án có sự tham gia xây dựng kịch bản của TS Đào Lê Na (Trưởng bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu – Điện ảnh, khoa Văn học, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) và sản xuất bởi YUME - Art Project. Cùng với đó là sự hỗ trợ của thầy Lê Hồng Phước (Phó khoa Ngữ văn Pháp của trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM), thầy là người có kinh nghiệm chuyên biên soạn cải lương để biểu diễn và từng có thời gian hoạt động lĩnh vực này ở Pháp.
Đọc rất nhiều bài nghiên cứu về Truyện Kiều và thấy được nhiều góc nhìn thú vị được thể hiện dưới nhiều loại hình khác nhau. Từ vở cải lương đầu tiên năm 1918, bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh Việt năm 1924. Hay gần đây hơn như Thả một bè lau của thầy Thích Nhất Hạnh, vở ballet Kiều, phim hoạt hình “Yêu Kiều” của Dee Dee Animation Studio... TS Đào Lê Na dành nhiều thời gian quan sát và muốn thể hiện góc nhìn của mình về Truyện Kiều.
Nhiều khán giả sau khi nghe giới thiệu về Đợi Kiều sẽ dành thời gian để thưởng thức vở diễn. |
“Với sân khấu, mình có cái sự tự do hơn, cải lương thì quá đẹp để giới thiệu một điều gì đó truyền thống của Việt Nam đến với mọi người. Mình cứ trăn trở ‘Tại sao cải lương cứ đứng lại?’ trong khi bản thân nó vốn dĩ rất đương đại. Với cách làm cải lương thì vở diễn Đợi Kiều này sẽ càng da diết hơn và đẩy được cảm xúc trong câu từ của Truyện Kiều đến gần với khán giả hơn”, TS Đào Lê Na chia sẻ.
“Truyện Kiều là một tác phẩm rất đồ sộ, nếu như mình đưa tất cả những gì có trong thi phẩm trên sân khấu thì đó chỉ là sự minh họa cho truyện mà thôi. Kiều là một cô gái rất thú vị, bởi vì các nhân vật khác luôn ‘đợi nàng’, luôn có sự phân vân. Nhưng Kiều lại là người luôn luôn đưa ra quyết định, như lần bán mình chuộc cha hay tự mình quyết định trao duyên cho em gái Thúy Vân, đây là nhân vật mà theo thuật ngữ bây giờ rất là 'nữ quyền' nhưng lại vô cùng tinh tế”, TS Đào Lê Na nói.
Poster vở cải lương thể nghiệm Đợi Kiều. |
Đợi Kiều thể hiện cách nhìn gắn người phụ nữ trong mối tương quan với thiên nhiên, khám phá và nhìn nhận sức mạnh to lớn của người phụ nữ trong mối liên kết với thiên nhiên, người ta gọi là ‘Nữ quyền sinh thái’. Việc bỏ qua tuyến nhân vật nam và xây dựng 4 nhân vật nữ nhằm thể hiện góc nhìn về tinh thần của người nữ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du mà không cần thông qua nàng Kiều: Thúy Vân, Hoạn Thư, Giác Duyên và Đạm Tiên. Bốn nhân vật này chính là 4 giai đoạn của cuộc đời người: Thúy Vân là cô Kiều lúc trẻ, Hoạn Thư là Kiều lúc lấy chồng (trưởng thành), Giác Duyên là người trải qua những thăng trầm trong cuộc đời, và Đạm Tiên là hồn ma (người sau khi mất).
TS Đào Lê Na quyết tâm thực hiện vở diễn dù biết có thể sẽ 'lỗ vốn'. |
Với loại hình cải lương thể nghiệm, TS Đào Lê Na muốn thể nghiệm về cấu trúc, thay vì cấu trúc 3 hồi thì cô muốn nhìn Kiều trong góc nhìn sinh thái, và tìm được kết nối chung của bốn nhân vật qua bốn mùa của tự nhiên. Một thể nghiệm khác đó là về âm nhạc, Đợi Kiều gồm có 8 cảnh (4 cảnh lớn là cải lương truyền thống, 4 cảnh còn lại hoàn toàn là âm nhạc, do ban nhạc Humm thể hiện). Lời bài hát được cô viết và nhờ các bạn chuyển soạn nhạc phù hợp với yêu cầu của vở diễn. Cuối cùng là thể nghiệm về phần vũ điệu, thường sân khấu cải lương có những ước lệ về động tác, không sử dụng trình thức vũ đạo sân khấu truyền thống, mà là sự kết hợp của những chuyển động đương đại, làm cho người xem có sự tự do và tinh thần không sợ bị phán xét, đánh giá khi thực hiện một tác phẩm cải biên từ Truyện Kiều.
Khi cải biên một tác phẩm văn học thì bản thân TS Đào Lê Na luôn muốn thể hiện phải làm sao cho tác phẩm đó được đẹp nhất trong cái hình thức mà nó cải biên. “Như đưa tác phẩm văn học lên sân khấu mình phải làm sao để mọi người nhìn thấy tác phẩm đó đẹp nhất có sự cộng hưởng đối thoại với tác phẩm gốc. Điều đặc biệt, vở diễn này chỉ có một diễn viên là bạn Hồng Bảo Ngọc - quán quân Bông Lúa Vàng năm 2019, khi mới 17 tuổi, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho khán giả. Mình mong khán giả khi xem vở này thì họ sẽ quên đi sự so sánh, sẽ tự đối thoại với Truyện Kiều chứ không phải so sánh cái nào hay hơn. Lấy chất liệu từ kiệt tác thì câu thơ của Nguyễn Du vẫn còn ở trong lời của các nhân vật, nhưng hoàn toàn đi theo một cấu trúc khác. Mình chỉ sợ bản thân không đủ nghiêm túc và chiều sâu nghiên để làm một tác phẩm nghệ thuật, còn khi tất cả mọi thứ đã đầy đủ thì mình không sợ gì cả”, TS Đào Lê Na cho biết.