Những nhân vật lịch sử của Việt Nam sinh năm con rồng

0:00 / 0:00
0:00
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam có không ít những nhân vật sinh vào năm con rồng, nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, xin giới thiệu về tài năng, sự nghiệp của những nhân vật lịch sử cầm tinh con rồng.
Những nhân vật lịch sử của Việt Nam sinh năm con rồng ảnh 1

Tượng rồng ngũ sắc bằng gốm Lái Thêu, hiện vật thế kỷ XX, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Trong số 12 con giáp, rồng là con vật được hình tượng hóa với những điều tốt đẹp nhất, do đó những người sinh năm rồng theo quan niệm của người Việt là những người thông minh, có khả năng và khát vọng vươn lên.

Trong lịch sử dân tộc có không ít những nhân vật sinh vào năm con rồng. Nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, xin giới thiệu về tài năng và sự nghiệp của những nhân vật lịch sử Việt Nam cầm tinh con rồng.

Mạc Đĩnh Chi (1280-1350)

Ông tên tự là Tiết Phu, người làng Lũng Động, huyện Chí Linh, Hải Dương thông, minh hơn người, nhưng tướng mạo xấu xí.

Ông đỗ trạng nguyên dưới thời vua Trần Anh Tông khi đó mới 24 tuổi, nhưng do tướng mạo xấu xí không được vua coi trọng, ông liền làm bài phú “Ngọc tỉnh liên” để tự ví mình, vua đọc thấy hay rồi cất nhắc lên làm thái học sinh dũng thủ, sung chức nội thư gia.

Về ông có một sự tích, đó là khi đi sứ nhà Nguyên, trong phủ có một bức trướng vẽ chim sẻ đậu trên cành trúc, ông chạy tới xem thì bị mọi bị mọi người cười là quê mùa, ông liền xé rách con chim sẻ, mọi người lấy làm lạ hỏi tại sao thì ông đáp: “Tôi nghe người xưa chỉ vẽ cây mai chim sẻ thôi, vì trúc là quân tử sẻ là tiểu nhân, nay tể tướng lấy trúc với sẻ thêu vào bức trướng thế là lấy tiểu nhân ở trên quân tử. Tôi sợ đạo tiểu nhân lớn lên, đạo quân tử mòn đi, nên vì thánh triều từ bỏ.” Người Nguyên nghe xong rất khâm phục.

Thời Trần Minh Tông ông càng được tin dùng hậu đãi, ông làm quan rất thanh liêm.

Những nhân vật lịch sử của Việt Nam sinh năm con rồng ảnh 2
Tượng thờ Chu Văn An tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. (Ảnh: Vietnam+) Chu Văn An (1292-1370)

Chu Văn An là người làng Thanh Liệt, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Đỗ thái học sinh (Tiến sỹ) rồi về nhà mở trường dạy học, đã có rất nhiều học sinh của ông thành đạt, giữ những trọng trách quan trọng ở triều đình như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát. Đời vua Trần Minh Tông (1314-1329) ông được mời ra giữ chức tư nghiệp trường Quốc Tử Giám.

Đời vua Trần Dụ Tông dâng sớ xin chém bảy tên gian thần (gọi là Thất trảm sớ) nhưng không được chấp nhận. Sau đó ông cáo quan về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng, làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh. Trong thời gian về ở ẩn ông cũng có những tác phẩm thơ bằng chữ Hán như Tiều ẩn thi tập, thơ bằng chữ Nôm như Quốc ngữ thi tập.

Theo nhận xét của Phan Huy Chú thơ Chu Văn An rất trong sáng u nhàn. Ngoài ra ông còn soạn bộ Tứ thư thuyết ước gồm 10 tập trình bày những điểm cơ bản về 4 bộ sách của sách Nho giáo. Khi mất ông được triều đình truy tặng chức danh Văn Trinh Công ban tên hiệu là khanh Tiết và được thờ ở Văn Miếu.

Ông là một nhà nho tiết tháo, cương trực, đấu tranh cho chính nghĩa. Một ẩn sỹ thanh cao, gương mẫu, một thi sỹ của thiên nhiên, ngoài ra ông còn được biết đến với tư cách là một thầy thuốc đông y.

Nguyễn Hữu Dật (1604-1681)

Ông sinh năm Giáp Thìn 1604, quê gốc ở làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn (nay là huyện Hà Trung), tỉnh Thanh Hóa. Làm quan giúp chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên) từ khi 18 tuổi rồi trở thành một viên tướng xuất sắc, có nhiều mưu lược.

Ông đã cầm quân đi đánh họ Trịnh nhiều lần và liên tiếp giành được thắng lợi. Cùng với Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Tiến là ba trụ cột của chúa Nguyễn Đàng Trong.

Ông cũng làm trấn thủ Quảng Bình nổi tiếng là nhân hậu, dân chúng ở đây tôn ông là Phật bồ tát, khi ông mất được tặng tước quận công và thờ ở Võ Miếu.

Những nhân vật lịch sử của Việt Nam sinh năm con rồng ảnh 3
Phan Thanh Giản – Vị tiến sỹ đầu tiên đất Nam Kỳ.

Phan Thanh Giản (1798-1867)

Ông có hiệu là Mai Xuyên, Lương Khê, người làng Bảo Thạch, tỉnh Vĩnh Long, nay thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Nhà nghèo nhưng chăm học, năm 1826 ông đỗ Tiến sỹ, là vị Tiến sỹ đầu tiên của Nam Kỳ. Ông làm quan dưới triều Nguyễn, làm nhiều chức quan từ lang trung, viên ngoại đến thượng thư.

Năm 1862 ông dẫn đầu phái đoàn triều đình Huế cùng Lâm Duy Hiệp và Gia Định nghị hòa với Pháp, nhường cho Pháp 3 tỉnh Miền Đông Nam Kỳ (hiệp ước ngày 5/6/1862) gồm Gia Định, Đinh Tường, Biên Hòa và đảo Côn Lôn, năm sau (1863) ông đứng đầu phái đoàn sứ bộ Huế đi sang Pháp để thương thuyết chuộc lại 3 tỉnh Miền Đông nhưng không thành, sau đó quân Pháp đã chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây Nam Kỳ.

Triều đình và một bộ phận nhân dân đã lên án ông rất gay gắt, cách chức, đục tên khỏi bia tiến sĩ, ông đã uống thuốc độc để kết liễu cuộc đời mình. Về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản đến ngày nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa ngã ngũ, có nhiều ý kiến trái chiều nhau về công và tội của ông, song đối với nhân dân Nam Kỳ ông là một con người tài năng và đức độ. Năm 1886 ông được triều đình khôi phục lại chức cũ.

Trương Định (1820-1864)

Trương Định, tên thường gọi Trương Công Đinh, tuổi Mậu Thìn. Ông sinh tại Tư Cung, phủ Bình Sơn (nay là xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi), tỉnh Quảng Ngãi.

Năm 1850, hưởng ứng chính sách khẩn hoang của Nguyễn Tri Phương ông đứng ra chiêu mộ dân nghèo khai hoang lập ấp. Ông được triều đình Huế phong chức Quản cơ, hàm lục phẩm. Từ đó, người đương thời gọi ông là Quản Định.

Ông chỉ huy nghĩa binh chống Pháp ở Nam kỳ giai đoạn 1859-1864. Không chấp nhận Hòa ước cho Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông, ông được dân tôn là Bình Tây Đại nguyên soái.

Nguyễn Quang Bích (1832-1890)

Nguyễn Quang Bích tự là Hàm Huy, hiệu Ngư Phong, còn có tên là Ngô Quang Bích là quan nhà Nguyễn, nhà thơ và là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa chống Pháp tại vùng Tây Bắc. Chí sỹ cận đại.

Ông sinh tại làng Trình Phố, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương (nay là làng Trình Nhất, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Năm 1869, ông đỗ Hoàng Giáp, rồi được bổ làm Tri phủ Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Từng giữ các chức vụ: Án sát Sơn Tây, Tế tửu Quốc tử giám, Án sát Bình Định, rồi làm Chánh sứ Sơn Phòng kiêm Tuần phủ Hưng Hóa.

Hưởng ứng phong trào Cần Vương, ông trở thành một trong những người lãnh đạo phong trào kháng chiến ở Bắc Kỳ, được phong làm Lễ bộ Thượng thư, sung hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ.

Nguyễn Thiện Thuật (1844-1926)

Ông sinh năm Giáp Thìn 1844, là một sỹ phu yêu nước kháng Pháp cuối thế kỷ 19. Tự là Mạnh Hiếu, người làng Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.

Đỗ cử nhân năm 1867 rồi làm quan tỉnh Hải Dương. Năm 1885 ông lãnh đạo khởi nghĩa Bãi Sậy, ông đã áp dụng chiến thuật đánh du kích tiêu hao lực lượng địch trên các tuyến đường Hà Nội-Hải Phòng; Hà Nội-Hưng Yên.

Năm 1888 pháp dồn lực lượng đàn áp cuộc khởi nghĩa, ông giao quyền chỉ huy cho em trai là Nguyễn Thiện Khê và Đốc Tít rồi sang Trung Quốc tìm gặp Tôn Thất Thuyết tăng viện nhưng không thành.

Ông là một vị tướng có tinh thần yêu nước và chiến đấu gan dạ. Trong những năm cuối đời ông sống ở Trung Quốc và mất ở Nam Ninh Trung Quốc.

Những nhân vật lịch sử của Việt Nam sinh năm con rồng ảnh 4

Phan Đình Phùng (1843-1896)

Phan Đình Phùng hiệu là Châu Phong (tuổi Giáp Thìn), là một lãnh tụ tiêu biểu của phong trào yêu nước chống Pháp vào cuối thế kỷ 19.

Ông sinh năm 1843, ở làng Đông Thái, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay là xã Châu Phong, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), trong một gia đình nho học. Phan Đình Phùng là con cụ phó bảng Phan Đình Tuyến, em ruột chí sĩ Phan Đình Thông và cử nhân Phan Đình Thuật, anh ruột phó bảng Phan Đình Vận, chí sĩ, Anh hùng chống Pháp.

Ông là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885-1896) trong phong trào Cần Vương chống Pháp ở cuối thế kỷ 19 trong lịch sử Việt Nam.

Nguyễn Thượng Hiền (1868-1925)

Nguyễn Thượng Hiền danh sỹ tự Đình Nam, hiệu Mai Sơn. Chí sỹ yêu nước, quê Liên Bạt, Ứng Hòa, Hà Đông (nay Hà Nội).

Năm 1885, ông đỗ cử nhân khi mới 17 tuổi, thi Hội đỗ đầu, đang chờ xướng danh thì kinh thành Huế thất thủ.

Đến năm 1892, ông thi lại và đỗ Hoàng Giáp khi mới 24 tuổi. Tuy đỗ cao nhưng ông không ra làm quan mà về ẩn cư ở vùng núi Nưa, Nga Sơn, Thanh Hóa. Ông giữ chức Toản tu Quốc sử, rồi làm Đốc học tỉnh Ninh Bình.

Nguyễn Phan Chánh (1892-1984)

Nguyễn Phan Chánh là danh họa, bậc thầy của hội họa lụa Việt Nam. Là một danh họa trong nghệ thuật tranh lụa; là người đầu tiên mang vinh quang về cho tranh lụa Việt Nam.

Ông sinh tại tại thôn Tiền Bạt, xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà nay là phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.

Đánh giá về tài năng hội họa của Nguyễn Phan Chánh, họa sỹ Trịnh Cung cho rằng: “… là một người đã tạo ra một diện mạo tranh lụa Việt Nam không lẫn vào bất kỳ một phong cách nào đối với các nước có nền tranh lụa lớn nhất thế giới như Trung Hoa và Nhật Bản. Trong sáng tạo nghệ thuật, tạo dựng một phong cách riêng, hay hơn thế nữa là một trường phái, là điều hiếm hoi. Nguyễn Phan Chánh là một hiện tượng xuất chúng của hội họa Việt Nam cũng như Nguyễn Gia Trí với sơn mài.”

Những bức tranh lụa nổi tiếng của ông: "Chơi ô ăn quan," "Cô gái rửa rau trên cầu ao," "Lên đồng," "Bữa cơm," "Những cô khâu đầm," "Những người hát rong," "Tiên Dung và Chử Đồng Tử"…

Nguyễn Thái Học (1904-1930)

Nguyễn Thái Học sinh năm Giáp Thìn 1904, quê làng Tổng Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Lúc bé học chữ Hán ở nhà rồi học trường Pháp-Việt tỉnh Vĩnh Yên.

Năm 1926 khi đang học trường Cao đẳng Thương mại ông đã nhiều lần gửi yêu cầu của mình lên chính quyền Pháp nhưng đều không được chấp nhận, năm 1927 lập ra tổ chức Cách mạng Việt Nam Quốc dân đảng với mục đích “liên lạc tất cả anh em đồng chí không phân biệt giai cấp tôn giáo, dùng võ lực để lấy lại quyền độc lập cho nước Việt Nam,” lập một chính phủ cộng hòa theo chủ nghĩa dân chủ xã hội.

Năm 1930 tổ chức cuộc khởi nghĩa Yên Bái nhưng thất bại, ông bị thực dân pháp xử tử cùng 12 đồng chí vào ngày 17/6/1930.

Trước lúc hy sinh ông đã tuyên bố “không thành công thì cũng thành nhân” quả thực như vậy, mặc dù cuộc khởi nghĩa thất bại nhưng đã có một tiếng vang rất lớn, tên tuổi của ông đã được ghi danh sử sách.

Những nhân vật lịch sử của Việt Nam sinh năm con rồng ảnh 5

Tổng Bí thư Trần Phú. (Ảnh: daihoidang.vn)

Trần Phú (1904-1931)

Ông sinh năm Giáp Thìn (1904), tại xã Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh, đỗ đầu trường Cao đẳng tiểu học (1922), rồi về dạy trường tiểu học Cao Xuân Dục.

Bước ngoặt trong cuộc đời cách mạng của ông là được cử sang Quảng Châu bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tại đây, Trần Phú đã gặp Nguyễn Ái Quốc và được dự lớp huấn luyện chính trị do Người giảng dạy sau đó kết nạp vào Cộng sản Đoàn và học tập tại Trường đại học Phương Đông ở Moskva.

Tháng 4/1930 ông về nước hoạt động, sau một thời gian ngắn được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và được giao trọng trách dự thảo Luận cương chính trị và đã được Hội nghị Trung ương tháng 10/1930 thông qua.

Luận cương chính trị của Trần Phú cùng với Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được Hội nghị tháng 10 thông qua, đã xác định rõ con đường phát triển của cách mạng Việt Nam. Cũng trong hội nghị này ông được bầu làm Tổng bí thư Đảng cộng sản Đông Dương, là Tổng bí thư đầu tiên của Đảng.

Trên cương vị là Tổng Bí thư, ông đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Tên tuổi của ông gắn liền với Luận cương chính trị tháng 10/1930 của Đảng.

Ông bị bắt khi đang làm nhiệm vụ vào tháng 4/1931 tại Sài Gòn và hy sinh vào tháng 9/1931 tại nhà thương Chợ Quán khi mới 27 tuổi. Trần Phú một người cộng sản kiên trung, một người con ưu tú của Đảng. Ý chí và phẩm chất cách mạng của ông là tấm gương sáng cho những thế hệ mai sau.

Có thể nói, những nhân vật được nêu ở trên, họ là những con người xuất sắc nhất trên một phương diện nhất định nào đó. Họ đại diện cho trí tuệ, khát vọng, ý chí của người Việt Nam. Họ cũng chính là những con rồng nhỏ góp phần làm nên sức lớn-sức mạnh Việt Nam.

Nguyễn Lương Bằng (1904-1979)

Nguyễn Lương Bằng, bí danh Sao Đỏ, sinh năm Giáp Thìn-1904.

Ông là nhà cách mạng và được các đồng chí xem như người anh cả. Ông quê xã Thanh Tùng, huyện thanh Miện, Hải Dương.

Trong 50 năm hoạt động cách mạng, ông đã nhiều lần bị địch bắt. Tuy bị tù đầy và tra tấn cực kỳ dã man nhưng ông vẫn chiến đấu kiên cường, giữ vững khí tiết người Cộng sản và bền bỉ hoạt động trong tổ chức bí mật ở nhà tù.

Bằng tấm gương anh dũng, bất khuất của mình, và bằng sự giúp đỡ, dìu dắt ân cần, ông đã góp phần bồi dưỡng nhiều chiến sĩ cách mạng ở nhà tù Sơn La. Hàng trăm cán bộ của Đảng sau này mãi mãi ghi nhớ công lao của đồng chí Sao Đỏ.

Ông từng giữ các chức vụ: Phó Chủ tịch nước, Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô, Tổng Thanh tra Chính phủ.

Theo Vietnam+
MỚI - NÓNG
Nhiều ngôi sao thể thao thế giới tới Việt Nam
Nhiều ngôi sao thể thao thế giới tới Việt Nam
TPO - Trong dịp 30/4-1/5, người hâm mộ bất ngờ đón chào tay vợt huyền thoại Roger Federer, vận động viên golf nổi tiếng Sir Nick Faldo khi họ du lịch tới Hội An, Quảng Nam. Tại Đà Nẵng ngày 28/4, các siêu sao bóng đá Brazil đã xuống bãi biển Đà Nẵng chơi bóng cùng người hâm mộ. 
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
TPO - Khi đang đi trên đường để về nhà giữa nắng nóng 42 độ C, cụ ông 80 tuổi ở Hà Tĩnh bị ngất xỉu. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện, nhưng tử vong sau đó nghi do sốc nhiệt.
Đổ xô đi đảo Lý Sơn
Đổ xô đi đảo Lý Sơn
TPO - Từ ngày 27-29/4, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi đón hơn 6.000 lượt du khách đến tham quan, du lịch. Ban quản lý Cảng Sa Kỳ đã bố trí tăng hàng chục chuyến tàu cao tốc, siêu tốc mỗi ngày. Hiện toàn bộ cơ sở homestay, nhà nghỉ, khách sạn trên đảo đã kín phòng.