Những 'thợ đụng' khốn khổ vì hoa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong năm, các anh đi làm thuê, làm mướn, phụ hồ. Cuối năm đào mai rừng bán Tết để mua mắm, muối, gạo ăn… chứ không trông chờ sắm Tết. Thế nhưng, đã mấy ngày qua, đứng giữa mưa, họ chưa bán được cây nào.

Còn một tuần nữa tới Tết Nguyên đán Quý Mão. Những cơn mưa nặng hạt đang phả vào mặt người đi đường ở tỉnh nghèo Gia Lai. Tại Quốc lộ 19, trên trục đường Lê Duẩn (TP.Pleiku) một nhóm 4 người đang đốt những khúc củi sưởi ấm. Ở lề đường, những gốc mai rừng được cột chặt trên những chiếc xe máy cũ kỹ, bám đầy đất nhão nhoẹt, chờ người hỏi mua.

Những 'thợ đụng' khốn khổ vì hoa ảnh 1

Những người đào mai rừng đứng bán giữa trời mưa ở Gia Lai

Khuôn mặt khắc khổ, đầy nếp nhăn, anh Dơnh (47 tuổi, trú xã Ia Pết, huyện Đak Đoa) cho biết, mỗi cây mai rừng được bọc rễ gắn trên mỗi chiếc xe kia được rao bán với giá 2 triệu đồng. Từ tháng 11/2022, nhóm anh Dơnh đã len lỏi vào những cánh rừng của Gia Lai để đào mai. Khi mai rừng khan hiếm, nhóm anh vào vườn của người dân hỏi mua.

“Đã 3 ngày nay, đứng giữa mưa, chưa bán được cây nào”, anh Dơnh thở dài. Anh Dach (40 tuổi, ngụ cùng xã Ia Pết) nói, anh và nhiều người trong làng, không có việc làm mùa Tết, chỉ biết đào mai về bán. “Chúng tôi lặn lội vác cuốc đào cây, chỉ mong bán được để mua mắm, mua muối, mua gạo ăn… chứ không trông chờ sắm Tết”.

Anh Dach tâm sự, phải dậy từ 5h sáng, cơm đùm cơm nắm, cột dây, bó cuốc vào những chiếc xe máy cà tàng để tìm mai rừng đào về. Đi 3-4 ngày mới đào được một cây mang về phố bán.

Hỏi nếu cây không ai mua thì làm thế nào, anh Dach thật thà: “Đem về trồng tại nhà. Chịu lỗ thôi. Lỗ công sức, lỗ chi phí 3-4 ngày ở trên rừng”. Theo anh Dach, mỗi cây mai rừng bán ra, nhóm người nghèo khổ như anh chỉ lãi từ 100.000-200.000 đồng.

Anh Dơnh, anh Dach hay anh Dac đều là dân “thợ đụng”. Trong năm đi làm thuê, làm mướn, phụ hồ. Cuối năm đào mai rừng bán Tết. Mỗi anh đều đã 2-3 đứa con; nhiều đứa mới biết đọc, biết viết đã phải nghỉ học giữa chừng vì nhà quá nghèo. Chúng tôi ngồi nói chuyện say sưa, mưa vẫn không ngớt. Các anh lấy áo nilon tiện lợi mặc vào, rồi núp dưới tán cây ở nghĩa trang thành phố đường Lê Duẩn.

3 tiếng sau, điện thoại của Dac, người trẻ nhất nhóm, đổ chuông. Dac leo vội lên chiếc xe máy phóng đi, một người khác lái xe máy theo sau chở cuốc, xẻng… Anh Dơnh nói: “Có người gọi điện, nói chở cây đến xem thử. Nếu đẹp thì họ mua, còn họ chê thì chở về”.

Chúng tôi vòng về đường Nguyễn Tất Thành, con đường "vàng” giữa trung tâm TP.Pleiku. Anh Lê Văn Lâm (36 tuổi, ngụ TP.Pleiku) đang trú mưa dưới gốc thông già, vẫy người vào mua cúc. Chỉ vào các chậu cúc đang chớm nở, anh Lâm nói, chậu nhỏ 600.000 đồng, chậu lớn 800.000 đồng.

“Trừ tiền thuê bãi, chi phí vận chuyển, công cán… tính ra, mỗi chậu lãi vài chục ngàn đồng”, anh bộc bạch. Anh nói, năm nay kinh tế khó khăn, người mua lác đác. Như mọi năm, những ngày này, phố xá tấp nập, kẻ bán người mua rôm rả, ngã giá vui tai. “Năm nay, chỉ vài ba người ghé vào rồi rời đi”, anh than thở.

Người trồng đào Nhật Tân ở Đắk Lắk “khóc dở”

Từ năm 2010, mỗi dịp Tết đến xuân về, làng đào Nhật Tân ở thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) trở thành điểm đến quen thuộc cho những người yêu hoa ở tỉnh này nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Từ năm 2017 đến nay, mỗi năm, vườn đào Thái Dương của anh Trần Quốc Vương (phường Đoàn Kết) cung ứng ra thị trường gần 3.000 chậu đào Nhật Tân. “Trồng đào cứ như đánh bạc. Thời tiết năm nay bất thường, đầu năm có vài đợt sương muối khiến vườn của mình chết hơn 100 cây. Nhiều cây cũng không phát triển to, ra búp tốt như mọi năm”, anh Vương than thở.

Có hơn 1,5ha trồng đào, với hơn 3.000 gốc, trị giá hàng trăm triệu đồng, cả nhà anh Vũ Quang Thành (51 tuổi, trú phường Thiện An) đang thấp thỏm suốt ngày đêm để hãm cho đào nở đúng dịp tết.

“Do ảnh hưởng khí hậu khắc nghiệt, sâu bệnh nên gần 1.000 cây đào đã bị chết, thiệt hại 200-300 triệu đồng. Hiện nay, chúng tôi chỉ cung cấp thị trường hơn 1.000 chậu do có nhiều cây đào bị yếu, không đủ sức có bông”, anh Thành thở dài.

Đầu tư cả trăm triệu đồng cho vụ hoa Tết nhưng giờ người bán nhiều hơn kẻ mua, không ít chủ vườn đào bồn chồn, sốt ruột lo mất vốn. Ông Nguyễn Ngọc Viết (trú phường Thiện An) cho biết, năm nay, cách 1 tháng trước Tết mà lượng xe tải từ các tỉnh miền Trung, miền Nam ra “đánh” hàng rất ít khiến các nhà vườn đứng ngồi không yên.

Theo ông Viết, đào 1-2 năm tuổi có giá từ 200.000 - 500.000 đồng/cây. Năm nay, chi phí phân bón, nhân công đều tăng cao, giá bán tại vườn đã được các hộ nông dân giảm xuống nhưng vẫn khó tiêu thụ.

Theo anh Vũ Quang Thành, những năm trước, khách mua tại vườn chủ yếu phục vụ nhiều công trình nhà, biệt thự… trang trí đón Tết. “Năm nay, thị trường bất động sản “đóng băng” khiến các nhà vườn dự báo sẽ lỗ nặng khi các mối lấy hàng quen không còn quay lại. Các nhà vườn buộc phải tìm cách bán lẻ để gỡ gạc vốn”, anh Thành cho hay.

Theo thống kê, tại thị xã Buôn Hồ có khoảng 30 vườn đào Nhật Tân với hơn 20.000 gốc phục vụ người dân trong và ngoài tỉnh dịp Tết.

Vụ hoa Tết năm nay, gia đình anh Đặng Anh Trung (khối 15, phường Khánh Xuân, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) xuống giống 12 vạn cây ly, gấp 3 lần số lượng năm ngoái. Tuy nhiên, thời tiết nắng mưa thất thường kéo dài khiến hơn 50% vườn hoa của gia đình anh bị thối, thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Số còn lại cũng bị ảnh hưởng, cây lùn và ít hoa. “May hoa ít nhưng to nên cũng đỡ. Cả vườn còn khoảng 2.000 bình. Hy vọng từ đây đến Tết thời tiết thuận lợi, hoa nở đẹp để gỡ lại vốn”, anh Trung nói.

HUỲNH THUỶ

MỚI - NÓNG