Nín thở xem cảnh sát xử lý nhiều tổ ong vò vẽ 'khủng' ở công viên

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phát hiện nhiều tổ ong vò vẽ “khủng” có đường kính hơn 0,5m trên cây xanh ở Công viên Thành Nhất (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), người dân đã trình báo cơ quan chức năng nhờ xử lý để đảm bảo an toàn.

Ngày 1/10, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, vừa phá hủy nhiều tổ ong vò vẽ “khủng” ở Công viên trên TP Buôn Ma Thuột nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

Trước đó, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH nhận được điện thoại trình báo của người dân về việc phát hiện nhiều tổ vong vò vẽ “khủng” có đường kính hơn 0,5m trên các tán cây xanh ở Công viên Thành Nhất (đường Phạm Văn Bạch, phường Thành Nhất).

Nín thở xem cảnh sát xử lý nhiều tổ ong vò vẽ 'khủng' ở công viên ảnh 1

Chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH mặc bảo hộ tiến hành tiếp cận các tổ ong vò vẽ

Một số hộ dân bày tỏ lo lắng vì vào khoảng tháng 8/2023, có một tổ ong bị vỡ không rõ nguyên nhân khiến các cháu bé chơi xung quanh vô tình bị ong chích rất nặng, đến mức phải nhập viện.

Xác định đây là loài ong có thể gây nguy hiểm, nhất là đối với trẻ em nên người dân đã gọi điện thoại báo cơ quan chức năng đến xử lý di dời.

Nhận được tin báo, chiều tối 30/9, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã điều động 1 xe thang và 6 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường để xử lý tổ ong.

Lực lượng chức năng ghi nhận, tổ ong nằm trên các cây cao khoảng 10m. Theo một cán bộ Cảnh sát PCCC tại hiện trường, buổi tối ong sẽ về tổ nên việc xử lý vào ban đêm sẽ hiệu quả hơn vào ban ngày.

Sau khi mặc đồ bảo hộ và lên xe thang tiếp cận, các chiến sĩ Cảnh sát PCCC đã phá dỡ thành công các tổ ong vò vẽ “khủng” nói trên.

Theo một bác sĩ thuộc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, nọc của ong vò vẽ là một hợp chất có tính axit rất độc và nguy hiểm, có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ, tan máu, rối loạn đông máu, vỡ hồng cầu, gây tổn thương cơ, thận nặng.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, khi không may bị ong vò vẽ đốt, phải đặt nạn nhân nằm yên, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan truyền trong cơ thể. Ong thường để lại kim và túi chứa nọc độc tại vị trí đốt. Trong trường hợp vòi chích nổi lên bề mặt da thì dùng nhíp gắp nhẹ lấy kim ra càng nhanh càng tốt, tránh chất độc gây sưng, nhức nhối nghiêm trọng hơn.

Đặc biệt, tránh dùng tay để lấy hoặc chà xát, đè lên vết chích bởi mũi kim dính vào da có kèm theo túi chứa nọc độc sẽ tiếp tục bơm chất độc lan nhanh ra khắp cơ thể, ngấm sâu vào tế bào khiến quá trình cứu chữa khó khăn hơn. Khi kim chứa nọc ong được gắp ra thì cần rửa vết chích bằng xà phòng hoặc nước sạch, nước ấm, dung dịch sát trùng.

Ngoài ra, người sơ cứu cần đắp khăn lạnh hay túi chườm đá lên vùng bị đốt để giảm sưng, giảm đau... và cho nạn nhân uống nhiều nước để thải bớt độc tố.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh khuyến cáo, sau khi bị ong đốt, phải sơ cứu nhanh chóng và theo dõi biểu hiện của nạn nhân. Nếu có các dấu hiệu nặng như khó thở, nhịp tim nhanh cần đưa đến bệnh viện ngay lập tức.

MỚI - NÓNG