Nỗi lo

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chính phủ đã ban hành Nghị định 81 vào năm 2021, quy định lộ trình tăng học phí công lập đến năm 2026. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã tác động xấu đến tình hình kinh tế, xã hội, Chính phủ yêu cầu giữ nguyên học phí.

Nhưng từ năm học này, học phí sẽ được chỉnh tăng cao, trong đó tăng mạnh có lẽ là bậc đại học.

Thực tế, đã ba năm qua các trường đại học không tăng học phí. Nhiều địa phương phải cấp bù kinh phí để hỗ trợ học sinh với bậc mầm non và phổ thông. Bài toán học phí vẫn luôn khó giải đối với các trường đại học, nhất là các trường đại học công lập khi mà nguồn thu từ học phí chiếm tỉ trọng chủ yếu với trên 80% tổng nguồn thu của trường. Vì thế, nhiều năm sau khi Nghị định 81 ra đời các trường phải gắng gượng dạy và học qua ngày. Nhiều trường đề nghị phải tăng học phí để có thể bù đắp chi phí hoạt động, có trường “cầu cứu” được tăng học phí vì lo lắng có thể đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Tuy nhiên, nhìn vào lộ trình tăng học phí trong năm học 2024-2025, những con số làm không ít phụ huynh ngán ngại, đặc biệt với những gia đình khó khăn quả là một thách thức. Thực tế, nếu áp dụng theo Nghị định 81, biên độ tăng học phí với đại học công lập sẽ cao, tăng bình quân 45,7%. Đặc biệt, học phí khối ngành Y - Dược tăng 93%, khối Nhân văn-Khoa học xã hội tăng 53%. Riêng nhóm khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, mức tăng là 15,8%. Đến năm học 2026-2027, mức trần tăng lên 1,7-3,5 triệu đồng/tháng sẽ gây khó khăn cho phụ huynh, người học.

Minh, một sinh viên trường Đại học Gia Định chia sẻ với tôi nhiều khả năng trong năm học tới nhà trường sẽ tăng học phí, với mức tăng gần 10 triệu đồng/ học kỳ. Con số này với những gia đình khá giả sẽ không sao nhưng với sinh viên nghèo như Minh sẽ là nỗi lo lắng đè lên vai cha mẹ mình.

Với biên độ tăng học phí khoảng 8% cho 3 ngành Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin và ngành Marketing sẽ là áp lực cho cả phụ huynh và người học. Hiện nay, mức học phí được áp dụng tại trường này từ 12-14,5 triệu đồng/học kỳ đối với chương trình đại trà và 25 triệu đồng/học kỳ đối với chương trình tài năng và mức phí này chưa dừng lại trong năm học tới. Trong khi Trường Đại học Công nghệ TPHCM tăng học phí bình quân dự kiến 5,3-6 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng 16-18 triệu đồng/học kỳ. Riêng ngành Dược học, sinh viên phải đóng 6-6,5 triệu đồng/tháng, tương đương 18-20 triệu đồng/học kỳ…

Trường nào cũng có những lý lẽ của riêng mình khi tăng học phí như đầu tư cơ sở vật chất mới, kinh phí để phục vụ đưa sinh viên tốt hơn… Nhưng tựu chung lại là tăng để “nâng cao chất lượng” nhưng thước đo chất lượng ra sao thì rất khó đong đếm được?!.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng việc nhiều trường đồng loạt tăng học phí có thể sẽ loại bỏ những học sinh có năng lực nhưng lại không đủ khả năng kinh tế. Khi có cơ sở vật chất tốt hơn, chất lượng đào tạo cũng được cải thiện nhưng tăng học phí cần tính đến khả năng tài chính của người học, bởi thu nhập bình quân của người dân hiện nay chưa cao. Vì vậy, nhìn vào bảng học phí của nhiều trường chắc chắn thí sinh và phụ huynh sẽ cân nhắc khi đưa ra quyết định chọn ngành, chọn trường nếu không muốn con em “đứt gánh giữa đường” vì điều kiện tài chính của gia đình.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.