Nghịch lý thừa - thiếu giáo viên
Việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ tồn tại ở một số địa phương, cấp học và môn học cụ thể như: thừa giáo viên dạy Ngữ Văn, Toán; thiếu giáo viên dạy môn học đặc thù như: Tiếng Anh, Mỹ Thuật, Tin học...
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, dựa vào quy định về định mức chỉ tiêu giáo viên/lớp và số lượng giáo viên trong một cấp học, ngành Giáo dục hiện thừa 10.178 giáo viên (trong đó thừa 5.175 giáo viên tiểu học, 4.688 giáo viên THCS, 315 giáo viên THPT), thiếu 94.714 giáo viên (trong đó thiếu 48.718 giáo viên mầm non, 20.210 giáo viên tiểu học, 14.653 giáo viên THCS, 11.133 giáo viên THPT).
Thừa – thiếu giáo viên cục bộ gây ảnh hưởng đến tổ chức hoạt động giáo dục, tạo sức ép lên các nhà giáo đang làm việc. (Ảnh: Linh Chi) |
Sự bố trí và phân công giáo viên chưa bám sát nhu cầu nhân lực của từng trường, địa phương là nguyên nhân chính dẫn tới việc thừa giáo viên. Tiếp đến, còn bởi nhiều tỉnh/thành thiếu sự chỉ đạo thống nhất của cấp chính quyền trong việc điều tiết giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu trong phạm vi toàn tỉnh.
Ở những khu vực đô thị, khu công nghiệp thu hút đông lượng lao động trẻ làm phát sinh nhu cầu lớp học, giáo viên. Ngược lại ở nông thôn, do lao động dịch chuyển về khu thành thị khiến số học sinh giảm xuống nên có nơi thừa giáo viên.
Trăn trở nghề “bụi phấn”
Con số đáng báo động khi lượng giáo viên xin nghỉ việc hoặc chuyển từ trường công lập sang các trường tư thục lên đến 16.000 người.
Với hệ số lương 2,34 sau tốt nghiệp đại học, ở năm đầu tiên giáo viên được hưởng 85% lương bậc 1 khoảng trên 3 triệu đồng và có thêm 30% phụ cấp đứng lớp. Với mức lương này, nhiều người không đảm bảo được mức sống tối thiểu đặc biệt là giáo viên mới ra trường. Một số thầy cô phải làm thêm nghề tay trái như: làm đồ handmade, bán bảo hiểm, bán hàng online,... nhằm kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, đến khi ổn định nghề phụ lại từ bỏ công việc giáo viên.
Bộc lộ trăn trở về cơ hội việc làm sau khi ra trường, sinh viên Trần Lê Khánh Ly - K18 Sư phạm Ngữ Văn Trường Đại học Hùng Vương bày tỏ: “Để gắn bó với nghề giáo cần một tình yêu nghề rất lớn! Đây là nghề cao quý và bản thân mình nghĩ rằng được là sinh viên sư phạm đã giúp rèn đức luyện tài một cách đặc biệt. Tuy nhiên, sinh viên sư phạm không tránh khỏi lo lắng về chế độ lương thưởng, cơ cấu ngành nghề sau này! Nhưng theo mình, bản thân rèn luyện, học tập thật tốt mới là đích đến. Khi mỗi giáo viên giữ được tình yêu nghề, ngọn lửa nhiệt huyết cùng kiến thức vững chắc thì sẽ không còn nỗi lo về lương thưởng, việc làm,...”
Trần Lê Khánh Ly - K18 Sư phạm Ngữ Văn, Trường Đại học Hùng Vương chia sẻ quan điểm. (Ảnh: Linh Chi) |
Mặt khác, sinh viên Nguyễn Thị Thanh Thư - Lớp E, Khoa Ngữ Văn, Khóa 70, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Trước khó khăn của nghề Giáo, điều làm mình và nhiều sinh viên sư phạm lo lắng không chỉ là vấn đề tiền lương, dễ làm trái ngành hay phải thay đổi phù hợp với chương trình giáo dục mới mà còn ở hai chữ trách nhiệm nghề Giáo. Hơn nữa, áp lực to lớn đặt nặng lên vai thầy, cô còn đến từ phía học sinh, phụ huynh và các cấp giáo dục. Rất nhiều sự việc đau lòng xảy ra giữa giáo viên với học trò, với phụ huynh, với nhà trường và tạo“bóng ma” tâm lý đối với sinh viên sư phạm khiến không ít người chùn bước.”
Nguyễn Thị Thanh Thư - Lớp E, Khoa Ngữ Văn, Khóa 70, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ suy nghĩ. (Ảnh: Linh Chi) |
“Hiện nay, các cấp lãnh đạo đã dành sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời và có nhiều chính sách ưu tiên đối với sinh viên sư phạm. Chúng mình được miễn học phí, nhận trợ cấp hàng tháng,... Mình hy vọng, ngành ươm mầm tri thức sẽ nhận được sự khích lệ xứng đáng, cả về vật chất và tinh thần giúp sinh viên sư phạm yên tâm hơn trên con đường hướng nghiệp của bản thân.” – Thư bày tỏ thêm.
Bởi vậy, cần có những giải pháp mang tính cấp thiết từ các ban ngành, lãnh đạo có thẩm quyền để đảm bảo được số lượng và chất lượng giáo viên đáp ứng tiêu chuẩn nhằm giữ gìn, phát triển bền vững sự nghiệp giáo dục trồng người.