Nỗi niềm của những người vợ lính

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mỗi khi nhớ chồng đang công tác tại Trường Sa, những người vợ lại ngước lên bầu trời. Bởi các chị biết, giây phút này, người chồng - người lính Ra đa cũng đang dõi theo vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Thấu hiểu để yêu thương

“Tình yêu tôi dành cho anh - người lính Ra đa, bắt đầu từ sự rung động. Nhưng khi quyết định kết tóc se duyên, tôi tự nhủ rằng yêu thôi chưa đủ. Bản thân phải luôn thấu hiểu để trở thành hậu phương vững chắc cho anh”, lời tâm sự của chị Nguyễn Tuyết Sương (Đắk Lắk) - vợ Trung úy Đặng Tiến Sang, người vừa lên đường nhận nhiệm vụ tại Trạm Ra đa 44, Trung đoàn 292, Sư đoàn 377 (Quân chủng Phòng không-Không quân), hồi đầu năm 2024.

Hơn 3 năm về chung một nhà, chị Sương cho biết, đây là lần thứ 3 chồng ra đảo công tác. Những lần trước, chồng chị đi vài tháng, riêng lần này dài 2 năm. “Lúc anh đi Trường Sa, con chúng tôi mới được vài tháng. Khi anh về chắc con đã biết chạy”, chị Sương nói và thổ lộ, ai lấy chồng cũng muốn được gần bên nhau. Chị nhớ về lần vượt cạn đầu tiên vắng chồng. Trở dạ khi thai mới 8 tháng tuổi. Vì quá bất ngờ nên chị chưa kịp sắm sửa mọi thứ để đón con yêu chào đời.

Nỗi niềm của những người vợ lính ảnh 1

Gia đình chị Huế luôn trân quý phút giây sum vầy.

“11 giờ đêm, tôi bất ngờ vỡ ối. Chồng tôi đang trên tàu vào bờ nhưng không có sóng để liên lạc. Nhìn những mẹ bầu quanh mình có chồng bên cạnh xoa dịu đi cơn đau chuyển dạ mà lòng tôi không khỏi tủi thân. Mãi sáng hôm sau, chồng gọi điện thoại về. Cuối cùng, tôi cũng vượt cạn thành công, mẹ tròn con vuông”, chị Sương nhớ lại.

Trải qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống, chị Sương càng yêu và thấu hiểu cho chồng nhiều hơn. Mỗi khi nhớ chồng, chị Sương lại ngắm ảnh kỷ niệm, ngước lên bầu trời, hướng về phía anh. Bây giờ, chị có thêm niềm vui, động lực để cố gắng, đó chính là bé Gấu.

Tự hào là vợ người lính

Khoảnh khắc giao thừa Tết Nguyên đán Giáp Thìn, chị Nguyễn Thị Hồng Huế (giáo viên Trường THCS Trần Bình Trọng, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), cùng các con ngước lên bầu trời, hướng về Trường Sa, nơi chồng chị đang công tác - Đại úy Hà Đình Phương (Trạm Ra đa 44, Trung đoàn 292, Sư đoàn 377).

Nỗi niềm của những người vợ lính ảnh 2

Tổ ấm của chị Sương, anh Sang.

“Cuối năm, nhà nhà sum vầy bên gia đình. Còn chồng tôi đang làm nhiệm vụ ngoài đảo. Tôi không buồn vì thấu hiểu công việc của anh”, chị Huế tâm sự và cho biết, tuy chồng xa nhà nhưng nhờ sự quan tâm của các cấp và người thân bên cạnh, chị cảm thấy rất ấm áp và hạnh phúc.

Chia sẻ về tổ ấm của mình, chị Huế xúc động: “Vợ chồng tôi đến với nhau bằng tình yêu và được nuôi dưỡng bằng sự cảm thông, thấu hiểu, luôn nhìn về nhau. Tôi quen anh khi đang học Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Lúc ấy, nơi anh công tác cách trường tôi học hơn chục cây số. Cứ cuối tuần, anh lại đạp xe xuống thăm tôi. Vốn yêu màu áo lính nên tôi sớm cảm mến, dành tình cảm cho anh”, chị Huế nhớ lại.

“Có người nói với tôi rằng, làm vợ người lính chắc thiệt thòi lắm? Tôi chỉ cười chứ không giải thích nhiều. Bởi tôi tự hào mình là vợ người lính. Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn chọn yêu anh, yêu màu áo lính ngày đêm canh giữ biển trời, quê hương, Tổ quốc

Chị Nguyễn Thị Hồng Huế

Sau khi về chung một nhà, chị Huế về dạy học tại một ngôi trường vùng sâu của tỉnh Đắk Lắk, cách nơi chồng công tác cả trăm cây số. Đường xa cách trở nên thời gian anh chị ở bên nhau không nhiều.

“Có lần, anh ấy muốn tạo cho tôi bất ngờ nên không thông báo trước. Anh xuống đúng ngày mưa, đường sá lầy lội. Chiếc xe máy cũ bị dính đầy bùn đất, phải nhích từng chút một. Đi được một đoạn, anh phải dừng lại cậy đất ra. Cứ thế, anh đến khu tập thể của trường lúc 11 giờ đêm”, chị Huế xúc động.

Xác định chồng làm bộ đội thường xuyên xa nhà, chị Huế tự rèn cho mình tính tự lập. Trong 3 lần sinh con, chỉ có bé đầu tiên có chồng bên cạnh, còn lại đều trúng lúc anh đi công tác. Lần vượt cạn chị nhớ nhất là sinh bé thứ hai vào năm 2011. “Tôi chuyển dạ sớm hơn ngày dự sinh. Hai giờ sáng, trời tối nhem, đồng nghiệp đưa tôi đến bệnh viện huyện. Lúc ấy anh công tác ở Đà Nẵng, bố mẹ chồng thì ở quê, còn mẹ tôi đang chăm bố bị tai biến ở bệnh viện. Tuy nhiên, do sinh khó, tôi được chuyển tuyến tỉnh. Vì gấp quá, tôi đưa con gái đầu 4 tuổi theo cùng. Đến bệnh viện tỉnh, tôi gọi nhờ vợ của đồng nghiệp với chồng đến đón con về chăm giúp. Nhờ trời thương, tôi vượt cạn thành công”, chị Huế rưng rưng.

Do đặc thù công việc nên chồng chị Huế chỉ xuống thăm vợ con vào mỗi tối Thứ 7, Chủ nhật lại về. Để cả nhà được ở gần nhau nhiều hơn, khi bé sau địu được trên lưng, chị Huế lại đèo các con bằng xe máy, vượt 100 cây số về thăm anh. “Nhiều người bảo tôi liều thế, sao không đi xe khách cho an toàn. Tôi cũng muốn lắm. Nhưng đi xe khách phải mất 3 chặng xe, rất tốn thời gian nên tôi đành liều vậy. Có lần mấy mẹ con về đến đèo Hà Lan (thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) thì trời tối om, xe bị thủng lốp. Không có chỗ vá, tôi đành gửi con nơi nhà ven đường, quay lại một khoảng xa để vá. Hành trình trường kỳ ấy kéo dài suốt 16 năm và kết thúc khi tôi được chuyển công tác về gần anh”, chị Huế cho biết.

MỚI - NÓNG