NSND, đạo diễn Trần Bảng - sinh ra để làm chèo

TPO - NSND Trần Bảng qua đời sáng 19/7, sau thời gian điều trị chấn thương khớp và viêm phổi. Giới nghệ thuật, đặc biệt giới sân khấu bày tỏ sự tiếc thương NSND Trần Bảng - người luôn hết mình về nghệ thuật sân khấu chèo.

Đại thụ chèo

Giáo sư, NSND Trần Bảng là đạo diễn, soạn giả, nhà nghiên cứu chèo. Ông tham gia giảng dạy từ khóa diễn viên chèo đầu tiên của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, nghiên cứu, đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân nghệ thuật cho chèo…

Ông từng giữ chức Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam (tiền thân là Tổ chèo trong Đoàn Văn công nhân dân Trung ương), Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Sân khấu Bộ Văn hóa - Thông tin, Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khoá I (1957).

NSND Trần Bảng sinh năm 1926 trong một gia đình khoa bảng, có nhiều người thành danh ở lĩnh vực văn chương nghệ thuật ở xã Cổ Am (huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng). Ông nội là tuần phủ Trần Mỹ.

NSND, đạo diễn Trần Bảng - sinh ra để làm chèo ảnh 1
NSND Trần Bảng quây quần bên cháu, chắt.

Cha của đạo diễn Trần Bảng là nhà văn Trần Tiêu đậu thành chung, mở trường dạy học và là cộng tác viên đắc lực của Tự lực văn đoàn - tên gọi một tổ chức văn bút do Nhất Linh khởi xướng năm 1932. Em họ của NSND Trần Bảng là NSND Trần Đắc. Ông là đạo diễn điện ảnh nổi danh với với những bộ phim Bài ca ra trận, Sao tháng Tám

NSND Trần Bảng lớn lên trong truyền thống gia đình có thiên hướng văn chương, nghệ thuật. Ông được cha định hướng con đường học hành chu đáo. Ông đến với cách mạng khi mới 20 tuổi và tham gia viết kịch (ngắn, dài) và diễn kịch trong Đội tuyên truyền Sao Mai. Rời vùng quê Vĩnh Bảo, chiến sĩ văn nghệ Trần Bảng lên chiến khu Việt Bắc, bén duyên Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương từ đó…

NSND, đạo diễn Trần Bảng - sinh ra để làm chèo ảnh 2

NSND Trần Bảng (giữa) tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Ông nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, Nghệ thuật ở tuổi 91.

Không ít người trong giới nghệ thuật sân khấu gọi ông là "trùm chèo”. Đây là biệt danh do nhà thơ Huy Cận khi đó là Thứ trưởng Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đặt cho ông tại cuộc hội thảo về chèo tại Hải Phòng năm 1972.

Hơn 60 năm lao động, gắn bó với nghệ thuật chèo, ông sáng tác hơn 10 vở chèo nổi tiếng như: Con trâu hai nhà (1956), Đường đi đôi ngả (1959), Cô gái và anh đô vật (1976), Tình rừng (1972), Câu chuyện tình những năm 80 (1981), Máu chúng ta đã chảy (1996)… Trong số các vở diễn, Quan Âm Thị Kính là tác phẩm ông dành nhiều tình cảm, tâm huyết nhất khi dàn dựng.

Trời sinh ra để làm nghệ thuật

NSND Trần Bảng còn có đam mê ở phương diện phục dựng trò diễn cổ và sáng tạo trò diễn mới. Ông đạo diễn thành công hơn 30 vở diễn ở hai thể loại này. Đóng góp của NSND Trần Bảng đã được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng.

Vở Chị Trầm đoạt Giải A Hội diễn (1959), vở Xúy Vân đoạt Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu toàn quốc (1962), vở Lưu Bình Dương Lễ - Giải Âm nhạc Xuất sắc (1962). Ông nhận giải thưởng văn học đề tài công nhân của Tổng Công đoàn Việt Nam cho kịch bản chèo Tình rừng (1974), đoạt giải thưởng nghiên cứu của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1995)…

NSND, đạo diễn Trần Bảng - sinh ra để làm chèo ảnh 3
NSND Trần Bảng rất tâm huyết với vở Quan Âm Thị Kính.

Năm 1993, ông được phong hàm giáo sư và danh hiệu nghệ sĩ nhân dân. Với những cống hiến hết mình cho nghệ thuật chèo, ông được Nhà nước trao tặng: Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 2 (2001), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 5 (2017).

Đối với NSƯT Lê Chức - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - NSND Trần Bảng là người thầy đáng kính, ông "trùm chèo", người cầm lái làng chèo trong nhiều năm.

NSND, đạo diễn Trần Bảng - sinh ra để làm chèo ảnh 4
NSND Trần Bảng - ông "trùm chèo" của sân khấu Việt.

“Trong con người của thầy Trần Bảng có thiên năng về sân khấu dân tộc, đặc biệt là sân khấu chèo. Có lẽ trời sinh ra ông để làm nghệ thuật. Ảnh hưởng của ông trong ngành chèo vô cùng lớn”, NSƯT Lê Chức chia sẻ với Tiền Phong. NSƯT Lê Chức khẳng định NSND Trần Bảng là một trong những người định hướng cho ngành chèo cùng với nhà viết kịch Lộng Chương, NSND Tào Mạt...

NSƯT Lê Chức nhận định sân khấu dân tộc "rất may" khi còn có NSND Trần Bảng - người cầm chắc tay chèo sân khấu dân tộc trong nền kinh tế thị trường. "Tôi tiếp bước thầy, bước lên sân khấu trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh, bắt đầu giảng dạy tại các lớp chỉ đạo nghệ thuật, tập huấn cho các nhà hát... Sự ảnh hưởng của thầy Trần Bảng giúp tôi có những thành công như ngày hôm nay", NSƯT Lê Chức chia sẻ.

NSND, đạo diễn Trần Bảng - sinh ra để làm chèo ảnh 5
NSND Trần Bảng bên người bạn đời - NSƯT Trần Thị Xuân.

TS. Trần Đình Ngôn - học trò của NSND Trần Bảng - cho rằng thầy Bảng là người luôn xây dựng, bảo vệ sự nghiệp chung và giữ gìn nhân cách một sĩ phu Bắc Hà. “Ông tiếp nhận triết học Mác - Lênin, đồng thời thấu hiểu tư tưởng triết học phương Đông. Xuất, xử, hành, tàng trong phương châm xử thế của các bậc thức giả cũng trở thành phương châm xử thế của giáo sư Trần Bảng”, TS. Trần Đình Ngôn chia sẻ.

Soạn giả chèo Mai Văn Lạng khẳng định giáo sư, NSND Trần Bảng là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng Nhà hát Chèo Việt Nam. "Khi nhà hát Nhà hát Chèo Việt Nam được thành lập NSND Trần Bảng là trưởng đoàn đầu tiên, Giám đốc đầu tiên của nhà hát cũng là người đứng đầu trong ban nghiên cứu chèo, chỉnh lý, cải biên, sắp trò, dàn dựng 7 vở chèo cổ của nhà hát", soạn giả chèo Mai Văn Lạng nêu.

Trong mắt nhiều học trò, NSND Trần Bảng là người sống tình cảm, chân tình và quý trọng bạn nghề, yêu thương học trò.

NSND Trần Bảng qua đời lúc 6h sáng 19/7, sau thời gian điều trị chấn thương khớp và viêm phổi. Những năm cuối đời, sức khỏe NSND Trần Bảng yếu đi trông thấy nhưng tinh thần minh mẫn. Ông chuyển đến sống cùng con trai - NSƯT Trần Lực từ năm 2017.

Tin liên quan