Xuất phát điểm là một cô gái nhút nhát, nhưng Thanh đã mạnh dạn đăng kí clb MC của trường bởi cô bị thu hút sự trẻ trung và năng động của nghề. Chính công việc này đã mang lại cho Thanh những đồng tiền đầu tiên. “Tuy nhiên sau thời gian gần nửa năm trải nghiệm, từ cảm xúc thăng hoa với nghề mình quay trở lại trạng thái tự ti rụt rè đến mức trầm cảm” – Thanh kể.
Đặng Thị Thanh - cựu sinh viên khoa Quản trị Kinh doanh - Học viện Ngân hàng. |
Năm 2014, Thanh trực tiếp được gặp gỡ và tham dự cuộc thi MC Sparkling khi còn là một cô gái khá tự tin, hồn nhiên. Chỉ khi được gặp gỡ những người được thấy trên ti vi cô mới choáng ngợp bởi tài năng, diện mạo mà không ngừng cảm thán cách dùng ngôn ngữ đến sự tự tin của họ. Để khi tự nhìn nhận bản thân lại thấy mình chỉ là một đứa rụt rè, nói ngọng. Thậm chí khi biết Thanh nói ngọng chữ N – L, một bạn lớp trưởng và bạn khác đã cười "đểu" Thanh. Sự tự tin hồn nhiên quay trở về bản tính thực sự ban đầu, khiến cô không thể mở miệng để nói trôi chảy những ý tứ hay của một MC. “Mình không biết phải nói gì đặc biệt, sự tự ti ùa về và tự thấy mình không xứng khi ở đó, dù có cố tham gia, cố gắng hoà nhập nhưng vẫn luôn tự bật mình ra. Vậy là suốt 2,5 năm mình ở phòng trọ đã không tham gia hoạt động nào. Những áp lực vô hình đè nặng lên đôi vai, khi có những lúc mình rơi vào trạng thái căng thẳng, trầm cảm đến tức nóng hết lồng ngực vì tự ti, kém cỏi. Mình còn sợ người nào đó gọi điện cho mình, ai gọi mình cũng không nghe mà chỉ nhắn tin lại, chỉ vì không muốn người khác nghe thấy giọng nói của mình”, Thanh tâm sự.
Từ một cô gái nhút nhát, Thanh đã trở thành một MC có tiếng với nhiều chương trình, sự kiện. |
Cho tới đầu năm 2017, Thanh “phá vỡ vỏ bọc” và bắt đầu với những công việc làm thêm. Cô tham gia tình nguyện trên vùng cao, ở đó 9X mạnh dạn đăng kí làm MC và tự giới thiệu mình từng ở CLB MC để nhận được sự tin tưởng, kết quả là cô đã làm tốt. Từ đây, công việc dẫn chương trình cũng thường xuyên hơn, Thanh tích lũy không ít những kinh nghiệm, bài học sau nhiều lần sai và cả những lần thăng hoa khi vượt qua giới hạn bản thân. Sau khoảng thời gian tiêu cực đen tối đó, để rồi khi bước ra ánh sáng, cô càng khát khao toả sáng hơn, một lần nữa đánh thức đam mê với nghề.
Cô gái không ngừng trăn trở với nghề khi nhiều bạn trẻ chưa hiểu đúng và hiểu sâu về nghề MC. |
Nghề MC thời nay vẫn là 1 nghề hot, đây là nghề “được ăn, được nói, được gói mang về”, được ăn mặc đẹp đẽ và nói những lời hay ý đẹp. Hiện nay khá nhiều người muốn trải nghiệm và thử sức với công việc này nên sự ra đời của nhiều trung tâm có phần ồ ạt. Thanh chia sẻ: “Hiện có không ít những bạn trẻ suy nghĩ sai lầm rằng: Đóng chút tiền học MC 1 khoá 10 -12 buổi là xong, với hứa hẹn tạo điều kiện đầu ra và cầm mic là có thể tự xưng MC, hay chỉ cần mình có những hình ảnh lung linh bắt mắt chút thôi rồi sẽ được làm các chương trình trên tầm so với khả năng và kinh nghiệm. Hoặc trường hợp được quen biết giới thiệu đi làm chương trình, nhưng làm hỏng quá rồi lại phải tìm gấp người thay thế. Có bạn thì ảnh đẹp lung linh nhưng đến khi cầm mic vì còn mới nên dẫn chương trình run lẩy bẩy không nói thành lời, không biết cách xử lí tình huống. Khi không được trang bị đủ kĩ năng mềm trong giao tiếp làm việc với khách hàng cũng xảy ra những tình huống cười trong bực tức từ khách hàng”.
Thanh bộc bạch: “Giới trẻ Gen Z hiện nay các bạn năng động và giỏi giang. Thế hệ 9X như mình cũng cảm thấy may mắn hơn so với thế hệ trước, nhưng vốn sống và cách ứng xử của thế hệ trước luôn khiến mình phải học tập theo. Đối với nghề MC, càng cần phải đặt chữ Tâm lên hàng đầu, vì lời nói có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn tới mọi người và chính bản thân người MC. Các bạn trẻ muốn theo nghề này hay không thì cũng đều có thể cọ xát, học tập ngay từ thời sinh viên để có thể tự tin giao tiếp và ứng xử tốt hơn khi ra trường.”
Có thể hiểu rằng, người MC là người kết nối khán giả tới gần hơn tới những thông tin ý nghĩa nhân văn, còn với các show dẫn cho doanh nghiệp, MC là người kết nối, lan toả những giá trị tích cực của những sản phẩm, dịch vụ và văn hoá tích cực của công ty đó. Khi làm việc, bản thân MC sẽ phải tương tác với rất nhiều đối tác khách hàng khác nhau, những thông điệp chương trình khác nhau. MC sẽ nhận quảng cáo cho tất cả các nhãn hàng trả tiền cho họ. Vì vậy mặt trái sẽ xảy ra nếu chỉ vì đồng tiền trước mắt mà nhận những chương trình không rõ sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, đây có thể là một mối nguy hại lớn đến người dân, cũng ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của người MC đó. Hiện có khá nhiều các chương trình tư vấn sức khoẻ, có nhiều chương trình talkshow được tổ chức và tham dự bởi các chuyên gia, bác sĩ uy tín, khi đó công việc MC mới là một công việc nhân văn, ý nghĩa.
Với gần 7 năm làm nghề, mọi thứ đến với Thanh không hề dễ dàng. Thanh mong muốn được cảm ơn ngôi trường từng theo học. Với tâm huyết và kiến thức được học tại nhà trường giúp Thanh rèn luyện tư duy và kĩ năng quan sát, góc nhìn bao quát tốt hơn để có thể xử lí các chương trình khác nhau. Hơn nữa là trau dồi kiến thức để trở thành MC tri thức thay vì chỉ nói những lời sáo rỗng. Thanh nhận ra công việc MC cho cô nhiều lợi ích, không đơn thuần là tiền bạc nuôi sống chính mình, mà đó là những mối quan hệ công việc, là những bài học và những góc nhìn mới mẻ về cuộc sống để nâng cấp bản thân mỗi ngày. Nghề MC giúp Thanh đòi hỏi một sự quan sát và xử lí vấn đề cực cao.
Trong hiện tại và tương lai, Thanh mong muốn có thể trở thành MC có tầm ảnh hưởng lớn hơn, mang lại giá trị nhân văn cho xã hội, bên cạnh đó có thể giúp nhiều bạn MC có tư duy thực sự đúng đắn về nghề nếu muốn làm nghề nghiêm túc và đi đường dài hơi. Bên cạnh đó, Thanh coi sứ mệnh trong tương lai của mình là giúp nhiều người tự tin giao tiếp, diễn thuyết trước công chúng, làm chủ giọng nói để thành công hơn.