Học hết THPT, chuẩn bị chọn ngành để thi đại học, cô hỏi bố liệu có thể học ở trường Thủy lợi không. Dù là con gái, cô được bố khuyên nên học khối ngành kỹ thuật vì tạo ra các sản phẩm đơn chiếc, khiến con người sáng tạo và mạnh mẽ hơn.
"Bố là dân thi công công trình thủy, đi nhiều, tính tình khoáng đạt, mạnh mẽ. Tôi ngưỡng mộ bố vì điều đó và quyết định theo nghề như bố", cô Hạnh nói.
Trường Thủy lợi thời bấy giờ rất ít nữ, lớp cô có 8 nữ là thuộc hàng nhiều nhất trường. Đi thực tập, hiểu những vất vả khi làm việc ở công trường, 7 bạn chọn chuyên ngành thiết kế công trình thủy, riêng cô Hạnh theo thi công (nay là ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng). Mặc những lời cảnh báo "ngành này chỉ phù hợp với nam giới" hay "đút chân gầm bàn, ngồi phòng máy lạnh để thiết kế không sướng hơn ra công trường sao", cô vẫn quyết theo.
Ra trường năm 2001 với tấm bằng giỏi, bảo vệ đồ án tốt nghiệp loại xuất sắc, trở thành một trong ba người có điểm tổng kết cao nhất trường, cô Hạnh được tuyển thẳng vào cao học. Cùng lúc đó, trường tổ chức tuyển giáo viên. Đủ điều kiện để thi tuyển, cô đăng ký thi và đỗ. Thế nhưng, cô không được đứng bục giảng ngay.
"Đã vào nghề thì gái cũng như trai, đã dạy học là phải có kinh nghiệm thực tế, dạy thi công mà không đi công trường thì không dạy được", cô Hạnh vẫn nhớ lời GS Vũ Thanh Te, người thầy giúp đỡ cô từ những ngày đầu vào nghề. Vậy là ba năm đầu, ngoài thời gian học cao học, cô dành toàn bộ thời gian còn lại đi công trường, nhận phần việc như một kỹ sư giám sát rồi hướng dẫn sinh viên thực tập.
PGS.TS Đồng Kim Hạnh - GV khoa Công trình, trường Đại học Thủy lợi. |
Năm 2009, cô Hạnh quay trở lại bộ môn làm công tác giảng dạy. Với vốn kiến thức tích luỹ được khi làm nghiên cứu sinh tại Nga và thời gian dài làm việc ở công trường, cô được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có nhiều đóng góp xây dựng chương trình đào tạo ngành Quản lý xây dựng bậc sau đại học.
Nữ giảng viên gốc Hà Nội cũng có nhiều sáng kiến khoa học. Thấy các hồ xử lý nước rác của khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) bị quá tải vào mùa mưa bão do nước mưa hòa vào nước rác, cô cùng một số chuyên gia môi trường đưa ra giải pháp sử dụng màng chống thấm HDPE tách nước mưa, giảm thiểu phát sinh nước rác, tránh được nguy cơ vỡ bờ bao hồ chứa nước rác.
Hay khi nhận ra sự suy thoái của bờ biển Nha Trang gây ảnh hưởng tới kinh tế, cô cùng đồng nghiệp đã làm nghiên cứu chuyên sâu đánh giá tác động hình thái, xói lở bờ biển. Ngoài ra, cô Hạnh viết, dịch sách, hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu khoa học.
Năm 2015, cô Hạnh được công nhận là phó giáo sư, trở thành giảng viên cao cấp của Đại học Thủy lợi. Bấy giờ, cô là nữ phó giáo sư trẻ nhất của ngành Thủy lợi và đến giờ vẫn là nữ phó giáo sư duy nhất của khoa Công trình trường Thủy lợi.
Chia sẻ về phẩm chất của giảng viên đại học trong thời đại số hiện nay, cô Hạnh cho biết: “Điều đầu tiên người nhà giáo cần, đó là lòng yêu nghề. Khi có tình yêu với công việc, với nghề nghiệp thì người giáo viên sẽ dành nhiều tâm sức và trí lực để tìm tòi tri thức mới, cách truyền đạt hiệu quả và hướng đến người học. Mỗi bài giảng ngoài kiến thức chuyên môn được cập nhật liên tục thì khả năng truyền đạt dễ hiểu, thú vị cũng giúp sinh viên có thêm động lực học tập. Sự đam mê và nhiệt huyết của giảng viên góp phần vào thành công của mỗi sinh viên sau này.
Thứ 2, kỹ năng sử dụng công nghệ vì khi thuần thục công nghệ thì giảng viên sẽ sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại để giảng dạy và truyền đạt kiến thức nhanh và hiệu quả hơn.
Cuối cùng là luôn học hỏi, cập nhật kiến thức. Khi xã hội phát triển và hội nhập với thời đại công nghệ 4.0 thì người giáo viên mang trách nhiệm tiên phong, dẫn dắt, định hướng cho thế hệ trẻ, bởi vậy, trang bị kiến thức mới, đúng đắn và cập nhật với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật là vô cùng cần thiết” – Cô Hạnh nói.
PGS.TS Đồng Kim Hạnh cũng cho biết, bản thân cô không chỉ đứng lớp với vai trò là một nhà giáo mà cô còn là người bạn, người chị, người cô gần gũi đầy tận tâm, giúp đỡ, hướng dẫn và đưa ra những lời khuyên hữu ích.
Thời đại hiện nay, sinh viên là những người rất linh hoạt và sáng tạo trong suy nghĩ. Tuy nhiên, do được sinh ra trong thời đại công nghệ số và phát triển công nghệ số nhanh, thường được đáp ứng ngay lập tức các điều mong muốn nên các em có xu hướng muốn mọi thứ nhanh chóng và không chịu chờ đợi. “Tôi luôn mong các em sinh viên hãy luôn đặt mục tiêu rõ ràng và tập trung hết sức để đạt được kết quả tốt nhất; Học tập và rèn luyện kỹ năng mỗi ngày để nâng cao kiến thức và kỹ năng; Học hỏi từ các bạn và thầy cô để có thêm kinh nghiệm…” – Nữ Phó giáo sự bộc bạch.