Nữ sinh Bách khoa giành giải Nhất thi tìm hiểu 65 năm truyền thống Hội LHTN Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Vũ Hoàng Ngọc - sinh viên năm nhất ĐH Bách khoa Hà Nội, đã xuất sắc vượt qua phần thi kiểm tra kiến thức và hùng biện - phản biện trong vòng Chung kết và giành giải Nhất cuộc thi trực tuyến tìm hiểu “65 năm truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam”.

Ngày 10/10, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tổ chức vòng Chung kết toàn quốc Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu "65 năm truyền thống Hội LHTN Việt Nam".

Nữ sinh Bách khoa giành giải Nhất thi tìm hiểu 65 năm truyền thống Hội LHTN Việt Nam ảnh 1

Anh Nguyễn Hải Minh phát biểu tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Phát biểu tại chương trình, anh Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch thường trực Hội LHTN Việt Nam, cho biết: Qua 4 tuần thi sơ khảo, đã có 477.716 lượt thi tại 63 tỉnh, thành Hội, các đơn vị trực thuộc và hội viên, thanh niên Việt Nam tại ngoài nước.

Ban Tổ chức đã lựa chọn được 15 thí sinh có kết quả cao nhất, thời gian trả lời nhanh nhất tới từ TPHCM, Hà Nội, Thừa Thiên-Huế, Cần Thơ và thành phố Warszawa (Ba Lan) vào vòng chung kết toàn quốc.

Trong vòng chung kết, 15 thí sinh trải qua hai phần thi: kiểm tra kiến thức (trên ứng dụng Thanh niên Việt Nam); Hùng biện - phản (phần mềm Webex).

Cụ thể, trong phần thi đầu tiên, các thí sinh trả lời 50 câu hỏi trắc nghiệm, qua đó lựa chọn 5 thí sinh có điểm thi cao nhất, thời gian làm nhanh nhất. Trong phần thi thứ hai, 5 thí sinh chia thành các cặp hùng biện - phản biện về chủ đề như phong trào của Đoàn, Hội; sống đẹp; lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh...; trả lời câu hỏi của giám khảo.

Nữ sinh Bách khoa giành giải Nhất thi tìm hiểu 65 năm truyền thống Hội LHTN Việt Nam ảnh 2

Vòng chung kết diễn ra theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Xuân Tùng

Kết quả, thí sinh Vũ Hoàng Ngọc - sinh viên năm nhất ĐH Bách khoa Hà Nội, giành giải Nhất. Thí sinh Huỳnh Thanh Thân - cán bộ Hãng tàu SeaLand, Tập đoàn Maersk Việt Nam đoạt giải nhì.

Ba thí sinh đoạt giải ba, gồm: Nguyễn Thanh Tuấn - sinh viên năm 3 ĐH Tài chính Marketing TPHCM; Nguyễn Công Minh - du học sinh ĐH Bách Khoa Warszawa (Ba Lan); Nguyễn Việt Cường - sinh viên năm 2 ĐH Bách khoa Hà Nội.

Nữ sinh Bách khoa giành giải Nhất thi tìm hiểu 65 năm truyền thống Hội LHTN Việt Nam ảnh 3

Thí sinh Vũ Hoàng Ngọc trong phần thi hùng biện - phản biện

Ban tổ chức trao 10 giải khuyến khích. Giải thưởng gồm tiền mặt, Bằng khen của Ủy ban T.Ư Hội LHTN Việt Nam.

Dự thi là cách hướng về Tổ quốc

Bạn Nguyễn Công Minh (sinh viên năm 2, ĐH Bách khoa Warszawa, Ba Lan) là thí sinh đặc biệt, khi phải tham dự vòng Chung kết từ lúc 2h30 sáng (theo giờ Ba Lan). Minh từng vượt qua vòng sơ khảo với thành tích tốt nhất trong tuần hai.

Công Minh cho biết, cậu phải sắp xếp thời gian biểu dày đặc để đáp ứng việc học trên giảng đường và chuẩn bị cho cuộc thi. “Bước tới vòng Chung kết, trở ngại về thời gian khiến tôi không ngủ cả đêm. Tôi đã uống nhiều cà phê để giữ sự tỉnh táo cho các phần thi”, Minh nói.

Với Minh, việc tham gia cuộc thi là cách hướng về Tổ quốc, đồng thời để cậu hiểu rõ hơn về tổ chức Hội và các phong trào thanh niên hiện nay. “Tôi rất tâm đắc với chủ đề hùng biện về việc tổ chức Đoàn, Hội phát huy vai trò của thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ. Đây là cơ hội để tôi tự tìm hiểu thêm về lĩnh vực kinh tế. Tôi tin rằng đây sẽ là bước đà để mình có thể hoàn thiện thật tốt trong tương lai", Minh nói.

Chia sẻ tại cuộc thi, GS. Hoàng Chí Bảo - thành viên Ban giám khảo đánh giá cao các thí sinh đã vượt qua phần thi trắc nghiệm và 5 thí sinh lọt vào phần thi cuối cùng. "Các bạn đã rất tâm huyết, trách nhiệm với công việc của mình. Tình yêu của tuổi trẻ với công việc là phẩm chất rất quý, mong các bạn nhân lên kết quả hôm nay để phát huy tốt hơn nữa", GS. Bảo nói.

GS. Hoàng Chí Bảo cũng nhắn nhủ các thí sinh, những người làm công tác Đoàn, Hội về cách truyền đạt, trình bày cần có sự tự nhiên, truyền cảm. Nhiều khi sự lưu loát, trôi chảy quá sẽ làm mất đi dáng vẻ tự nhiên và hạn chế sự biểu cảm. Bên cạnh rèn luyện phương pháp, cần trau dồi hàm lượng trí tuệ trong việc trình bày mới có thể trở thành một người giỏi hùng biện.

NSƯT Xuân Bắc - Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, thành viên Ban giám khảo cũng bày tỏ ấn tượng về các thí sinh trong vòng Chung kết, như việc thức dậy từ 2-3 giờ sáng để dự thi; tinh thần quyết tâm, dám làm, dám chia sẻ của người trẻ...

Nâng cao kiến thức cho thí sinh

Tại cuộc thi, nhiều người tỏ ra bất ngờ trước việc nữ sinh viên năm nhất Vũ Hoàng Ngọc (18 tuổi, ĐH Bách khoa Hà Nội) giành giải Nhất. Từng là học sinh chuyên Lý, Trường THPT Chuyên Lào Cai, hiện Ngọc theo học ngành An toàn không gian số. Ngọc tích cực tham gia công tác Đoàn, tham gia nhiều cuộc thi như: Học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tìm hiểu 90 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh...

Nữ sinh Bách khoa giành giải Nhất thi tìm hiểu 65 năm truyền thống Hội LHTN Việt Nam ảnh 4

Chia sẻ với PV Tiền Phong sau khi giành giải Nhất, Ngọc cho biết, phần thi trắc nghiệm ngoài những câu hỏi từng gặp, có nhiều câu hỏi mới lạ. Ngọc tâm đắc nhất câu hỏi về trách nhiệm của thanh niên với gia đình trong Luật Thanh niên (năm 2020). "Câu hỏi cho thấy trách nhiệm luôn cần bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Nếu mỗi thanh niên là một tế bào của xã hội, thì gia đình chính là mô tế bào giúp thanh niên phát triển trong tương lai", Ngọc nói.

Lọt vào phần thi hùng biện - phản biện, Ngọc trình bày về cách hiểu chương trình “Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn” và cách phát triển văn hóa đọc cho giới trẻ. Theo Ngọc, đọc sách không phải đọc bất cứ cuốn sách nào, chăm chú đọc hàng giờ mà không thu về sự phát triển tư tưởng, trí tuệ của bản thân. Việc đọc sách phải hướng đến tri thức, trải nghiệm. Đầu sách hay phải là đầu sách phù hợp với mỗi cá nhân.

“Tôi chưa được trang bị nhiều về kỹ năng hùng biện và phản biện trước khi đến với cuộc thi này. Song những kinh nghiệm khi tham gia sinh hoạt trong một số câu lạc bộ ở trường là liều thuốc tinh thần để tôi tự tin khi lâm trận”, Ngọc nói.

Anh Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch thường trực Hội LHTN Việt Nam cho biết: “Cuộc thi thực sự là sân chơi bổ ích, thu hút đông đảo hội viên, thanh niên trong và ngoài nước tham gia. Các thí sinh được nghiên cứu, thử thách không chỉ kiến thức về lịch sử Hội mà còn nhiều kiến thức lịch sử, xã hội khác góp phần nâng cao kiến thức, sự hiểu biết của thí sinh".

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.