Nữ sinh chinh phục ngành học của phái mạnh

TP - Chọn ngành học, lớp học và trường đại học chủ yếu dành cho phái mạnh, nhưng nữ sinh Nguyễn Thanh Thư (SN 2001), ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa, khoa Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội, không chịu lép vế với bảng điểm học tập, nghiên cứu ấn tượng.

Mới đây, Thanh Thư xuất sắc lọt vào danh sách 20 nữ sinh viên tiêu biểu nhận Giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam năm 2023 do T.Ư Đoàn trao tặng.

Bị thu hút vì ngành học có tính thực tiễn cao

Năm 2019, thi THPT Quốc gia, Nguyễn Thanh Thư đặt mục tiêu đỗ trường Đại học Ngoại thương. Vì thế, Thư chọn Ngoại thương làm nguyện vọng 1 và ngành Tự động hóa của ĐH Bách khoa Hà Nội làm nguyện vọng 2, theo lời tư vấn của thầy giáo dạy Toán cấp 2. Kết quả, năm đó Thư thiếu điểm vào Ngoại thương và trở thành sinh viên Bách khoa như một cơ duyên.

Nữ sinh chinh phục ngành học của phái mạnh ảnh 1

Thanh Thư (thứ 2, từ phải sang) từng nhiều lần khoác màu áo xanh tham gia tình nguyện vì cộng đồng

Thư kể, thời gian đầu mới có kết quả trúng tuyển đại học, cô nhận được rất nhiều câu hỏi đại loại như: tại sao không chọn các ngành học kinh tế cho đỡ vất vả? Con gái học kĩ thuật rồi có chịu được? Sau này có xin được việc?... “Rất nhiều câu hỏi khiến một tân sinh viên như mình hoang mang”, Thư nói.

Nữ sinh Nguyễn Thanh Thư là đồng tác giả 4 bài báo tham gia các hội thảo quốc tế và hội nghị quốc gia. Điểm số tích luỹ sau 4 năm học của Thư là 3,72/4.0, trong đó, riêng năm 2022 đạt điểm tuyệt đối 4/4 điểm.

Khi nhập học ĐH Bách khoa Hà Nội, Thư được bạn rủ tham gia kì thi vào chương trình Kỹ sư tài năng của trường. Cô nàng xuất sắc vượt qua kỳ thi trở thành sinh viên lớp Kỹ sư tài năng. Đây được xem là cú hích giúp Thư lấy lại tinh thần cho 4 năm học đại học.

Lớp của Thư có 4 nữ trên tổng sĩ số là 27 bạn, đây được coi là một kỉ lục về số sinh viên nữ trong lớp từ trước đến giờ. Bởi các khóa trước, lớp Kỹ sư tài năng thường chỉ có 1 sinh viên nữ hoặc không có. “Mình vẫn nhớ có kì học môn Lý thuyết điều khiển tuyến tính của Giáo sư Nguyễn Doãn Phước. Buổi đầu thầy bước vào lớp rất bất ngờ vì lớp có đến tận… 4 bạn nữ. Mình cảm thấy rất may mắn vì điều đó, dù 4 nữ không phải đông nhưng điều đó đủ để mình không cảm thấy lạc lõng giữa rất nhiều bạn nam trong lớp”, Thư kể.

Với Thư, trở ngại và áp lực lớn nhất trong quá trình học là các bạn cùng lớp thực sự rất giỏi. Tuy nhiên, điều đó cũng là động lực thúc đẩy nữ sinh Bách khoa cố gắng để không bị bỏ lại phía sau.

Dù đến với ngành học Công nghệ kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa không xuất phát từ đam mê, nhưng trong quá trình học, được tiếp xúc với các kiến thức chuyên ngành, nữ sinh Bách khoa nhận thấy chuyên ngành rất thú vị và có tính ứng dụng thực tế rất cao. “Việc được học một thứ mà thấy được giá trị thực tiễn của nó cao khiến mình cảm thấy thích thú hơn nhiều”, Thư bộc bạch.

Tìm được niềm vui của ngành học, Thư chủ động tham gia vào phòng lab nghiên cứu từ khá sớm. Lúc đầu khi mới làm quen với việc đọc các bài báo khoa học khiến Thư quá tải, vì tính chuyên môn của các công bố khoa học rất cao. Sau đó, nhờ được học thêm các kiến thức cơ sở ngành trên lớp và sự dẫn dắt của thầy hướng dẫn, Thư và nhóm nghiên cứu có được những kết quả nghiên cứu đầu tiên. Rồi cô tham gia nhiều hơn vào các hội thảo, hội nghị khoa học.

Gần đây nhất, nhóm của Thư có một bài báo tham gia hội nghị khoa học quốc tế ICISN 2023, nghiên cứu về việc điều khiển bám quỹ đạo và giảm rung lắc trong quá trình vận chuyển hàng hóa của cẩu trục 3D trong nhà máy. Trong nghiên cứu này, Thư và nhóm nghiên cứu phát triển thuật toán điều khiển hiện đại dựa trên điều khiển dự đoán và điều khiển trượt cho đối tượng cẩu trục. “Trong tương lai, tôi hy vọng nhóm sẽ tiếp tục hoàn thiện thử nghiệm mô hình thật, có thể áp dụng vào các nhà máy công nghiệp”, Thư tin tưởng.

3 năm liên tục là “Sinh viên 5 tốt”

Bên cạnh thành tích học tập, nghiên cứu ấn tượng, nữ kỹ sư tài năng Đại học Bách khoa Hà Nội còn là một sinh viên năng nổ, với 3 năm liên tục đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp thành phố. “Tôi luôn cho rằng, nếu những năm tháng sinh viên chỉ dồn tất cả cho việc học thì thực sự rất tẻ nhạt. Ngay từ năm nhất, tôi đã luôn cố gắng để bản thân có nhiều trải nghiệm, để sau này nhìn lại mình đã có một thời sinh viên sôi nổi và nhiệt huyết”, Thư nói.

Thư tham gia vào Đội sinh viên tình nguyện đồng hương Hải Dương, tham gia vào rất nhiều hoạt động tình nguyện đóng góp cho cộng đồng. Thư từng giữ vị trí Phó chủ nhiệm CLB Hỗ trợ học tập - một CLB học thuật hỗ trợ cho các bạn sinh viên trong quá trình học tập các môn toán đại cương tại ĐH Bách khoa Hà Nội.

Thư cho rằng, quãng đời sinh viên chúng ta giàu có nhất về mặt thời gian, vì vậy chỉ cần có một kế hoạch cụ thể thì việc cân bằng giữa việc học, nghiên cứu với tham gia các hoạt động ngoại khóa là không khó. Một điều quan trọng khác là việc cân bằng về mặt tinh thần.

"Là một sinh viên, mình hiểu rằng việc học căng thẳng còn các hoạt động ngoại khóa thì rất vui. Nếu mình hiểu được vai trò của từng việc và sắp xếp thứ tự ưu tiên một cách hợp lí, chúng ta sẽ có được sự cân bằng tốt. Cũng nhờ vào những điều đó mà mình đã đạt được danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp thành phố 3 năm liên tiếp”, Thư chia sẻ.

Chia sẻ về sở thích cá nhân, Thư cho biết, mặc dù lựa chọn một ngành học được đánh giá là khô khan và học tập trong môi trường rất nhiều bạn nam, nhưng bản thân vẫn là một cô gái rất nhạy cảm. Thư thích "cày" phim, đọc sách, làm bánh, thích hoa và yêu thích những điều lãng mạn… Thư dự định sẽ theo đuổi con đường nghiên cứu, nên trước mắt sẽ tiếp tục theo học lên bậc thạc sĩ để trau dồi thêm kiến thức và kĩ năng nghiên cứu cho bản thân.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.