Đặng Thanh là một người con của dân tộc Dao. Cô hiện là sinh viên năm cuối, ngành Lữ hành - Hướng dẫn du lịch, trường ĐH Văn hóa Hà Nội. Nhờ tự lập từ sớm, lại chăm chỉ vừa học, vừa làm thêm, nên cô có thể tự trang trải các chi phí học tập và sinh hoạt tại thủ đô, ít khi phải xin tiền bố mẹ.
Nói về lý do chọn ngành học, Thanh cho rằng, hướng đi này xuất phát từ đam mê cá nhân, đồng thời, Thanh tự nhận thấy Hà Giang đang phát triển rất tốt mảng du lịch. Cô gái người Dao muốn truyền tải cho khách du lịch những thông tin chân thực, thú vị nhất, dưới góc độ của một người bản địa, chứ không chỉ là đưa ra những điều có sẵn trên mạng.
Nữ sinh người Dao giới thiệu đặc sản Hà Giang tại góc quay quen thuộc. |
Cô luôn mang trong mình băn khoăn về việc tiếp nối những nét đẹp truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Với Thanh, nắm bắt xu hướng để theo kịp thời đại chứ không phải để lãng quên giá trị xưa cũ. Thanh trăn trở rằng, một mai, khi thế hệ ông cha không còn, thế hệ trẻ thì ít lưu luyến dần với văn hóa truyền thống, liệu dân tộc có còn được là chính mình hay bị hòa tan?
Chia sẻ quan điểm về những thay đổi cần có để phát triển đời sống đồng bào mình, Thanh cho rằng, đáp án nằm ở việc thay đổi nhận thức của họ với việc học của con cái. Cô nhận thấy, nhiều gia đình người dân tộc thiểu số ngày nay vẫn còn suy nghĩ đến tuổi thì dựng vợ gả chồng để có thêm người làm nương rẫy, không cần học cao. “Nếu thật sự muốn phát triển thì mọi người cần có tri thức và loại bỏ đi định kiến vốn đã ăn sâu vào tiềm thức”, Thanh nói.
Thanh (cầm cờ) làm hướng dẫn viên chuyến du lịch Sa Pa 3 ngày 2 đêm cùng đoàn khách sinh viên. |
Việc xây dựng và phát triển kênh TikTok Cô gái Hà Giang, với Thanh, như một cơ duyên bất ngờ. Ban đầu, cô không có ý định làm TikToker mà chỉ sử dụng nền tảng này để giải trí. Nhưng khi xem một video có thông điệp “đừng chỉ lướt TikTok để xem người khác, hãy làm gì đó để người khác xem mình”, Thanh đã thực hiện video đầu tiên về cuộc sống yên bình tại Hà Giang trong những ngày nghỉ dịch.
'Cô gái Hà Giang' (áo hồng, ở giữa) bên cạnh các bạn học cùng ngành của mình. |
“Cô gái Hà Giang” thường mặc trang phục truyền thống người Dao, giới thiệu các món ăn dân tộc nói riêng và đặc sản Hà Giang nói chung. Cô ấp ủ dự định sẽ quay thêm nhiều cảnh đẹp của quê hương, địa điểm du lịch, lễ hội truyền thống của dân tộc mình và các dân tộc khác để mọi người có thể nhìn thấy một Hà Giang trọn vẹn nhất. Đây là một cách để Thanh lưu giữ và lan tỏa nét đẹp văn hóa.
Đặng Thị Thanh trong một lần hỗ trợ đoàn quay phim của VTV1. |
Hiện tại, mong muốn lớn nhất của cô sinh viên năm cuối là dịch bệnh sớm được đẩy lùi để có thể hoàn thành việc học tại Hà Nội và ra trường, trở về Hà Giang lập nghiệp. Quyết định “bỏ phố về quê” của Thanh xuất phát từ việc cô đã có khoảng thời gian dài xa nhà, từ những năm THPT. Thanh muốn sống gần gia đình hơn, cũng như tìm hướng phát triển riêng cho bản thân song song với việc giúp người đồng bào thay đổi nhận thức. Đặng Thị Thanh lạc quan chia sẻ: “Dù đây không phải là điều dễ dàng nhưng rất đáng để thử, vì mình còn trẻ mà!”.