Nữ sinh trúng tuyển thạc sĩ trường ĐH Y Harvard và bài luận lấy cảm hứng từ những trẻ em H'mong

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nguyễn Đỗ Thu Phương (sinh năm 2001) – vừa chính thức trúng tuyển ngành Phân phối Y tế toàn cầu (Trường đại học Y Harvard). Tất cả những gì cô làm đơn thuần chỉ là sự thôi thúc làm những gì bản thân thực sự yêu thích.
Nữ sinh trúng tuyển thạc sĩ trường ĐH Y Harvard và bài luận lấy cảm hứng từ những trẻ em H'mong ảnh 1

Thu Phương và những kỷ niệm đáng nhớ khi tham gia dự án “Thung lũng khói xanh” tại Lào Cai

“Em phải đến Harvard học Thạc sĩ”

Nữ sinh vừa trúng tuyển thạc sĩ của trường đại học Y Harvard chia sẻ, em sinh ra ở thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng), quen với việc lớn lên quanh những đồi chè và cà phê, Bảo Lộc là thành phố không thực sự phát triển nhưng em cảm thấy rất may mắn vì mình được lớn lên ở một nơi yên bình, không xô bồ.

Để có kết quả như ngày hôm nay, người ảnh hưởng tới em nhất trên con đường học tập chính là mẹ. Mẹ em, một cô giáo luôn theo sát tất cả các điểm ở tất cả các môn học nên kiến thức nền tảng em có từ cấp 2 khá chắc.

Nữ sinh Harvard chia sẻ, trong quá trình học, thời điểm năm 2 của đại học là khó khăn nhất khi em trải qua nhiều biến cố tâm lý do áp lực học hành. Em học cùng lúc 2 trường đại học Ngoại thương và Vinuni. Một ngày với em căng như dây đàn bởi đã lựa chọn học hai ngành một lúc là ngành Kinh tế đối ngoại và điều dưỡng.

Áp lực học hành giữa hai trường khiến em mệt mỏi. Điểm số giảm sút và em tự hỏi nếu mình cứ tiếp tục thế này thì sau khi học xong đại học cũng không biết làm gì. Em nghĩ cần phải thay đổi để bản thân có cuộc sống tốt hơn vào những năm sắp tới”- Phương chia sẻ.

Tình cờ được tham gia 1 chuyến đi tình nguyện làm giáo viên dạy Tiếng Anh ở Sapa cho trẻ em người H’mong. Đến mảnh đất đó, em dần dần cảm thấy như mình đang ở nhà, cảm giác thân thuộc như ở Bảo Lộc-nơi em sinh ra dù họ có đời sống rất khốn khổ vì nghèo.

Hơn hai tháng cùng ăn ở và dạy học cho các bạn nhỏ vùng cao thiếu thốn đủ bề, một điều gì đó thôi thúc trong Phương. Vẻ lấm lem của những đứa trẻ khiến em trăn trở rất nhiều. Phương muốn làm một điều gì đó để góp sức thay đổi cuộc sống của bộ phận dân số có điều kiện thiếu may mắn ở vùng cao Việt Nam.

“Lúc đấy em nghĩ đây là sứ mệnh của mình, học gì để sau này bằng tiếng nói của bản thân làm cách nào đó giúp người dân vùng cao như thế này nâng cao chất lượng cuộc sống”- Phương bộc bạch.

Sau chuyến đi, Phương quyết tâm nộp đơn vào ngành Phân phối y tế toàn cầu hệ thạc sĩ – Trường Y Harvard.

Phương cho rằng, ngành phân phối y tế toàn cầu có rất nhiều hướng đi có thể thực hiện được tại Việt Nam. Học xong, mình có thể làm một nghiên cứu viên, hoặc tham gia vào các tổ chức y tế để triển khai các chương trình và hoạt động liên quan tới những vấn đề y tế vẫn đang tồn tại trong cộng đồng.

“Em sẽ dành 2 năm sắp tới để mở rộng tầm mắt với thế giới, sau 2 năm em chưa biết liệu mình có tiếp tục làm việc hay học lên cao ở Mỹ hay không. Nhưng kế hoạch dài hạn của em thì chắc chắn sẽ trở về Việt Nam làm việc”- cô sinh viên này chia sẻ.

Nữ sinh trúng tuyển thạc sĩ trường ĐH Y Harvard và bài luận lấy cảm hứng từ những trẻ em H'mong ảnh 2

Những giờ phút căng thẳng, Phương vẽ, chơi piano để giảm áp lực học hành

Làm những gì bản thân thực sự yêu thích

Nói về việc trúng tuyển thạc sĩ ở trường đại học danh giá nhất thế giới, Phương cho rằng, không có gì là bí quyết cao siêu gì. Tất cả những gì em làm đơn thuần chỉ là sự thôi thúc cá nhân muốn làm gì bản thân thực sự yêu thích.

“Em nghĩ các trường đại học top cao ở Mỹ đều muốn tìm một ứng cử viên phù hợp có thể đóng góp cho ngành học bên cạnh thành tích học tập xuất sắc. Lời khuyên cho các bạn là hãy là cố gắng hết sức, là chính bản thân mình trong bài luận và làm những gì bản thân thực sự yêu thích. Riêng em cũng cần tới 3 năm để có thể trả lời câu hỏi này và viết thành công bài luận”- Phương nói.

Và giờ là lúc Phương chuẩn bị thật tốt cho hành trình sau này tại Harvard. Em đang đợi thông tin về học bổng trường sẽ cấp.

"Em không lo lắng mình sẽ phải cạnh tranh hay chịu nhiều áp lực ở môi trường này. Em rất phấn khích được tham gia vào cộng đồng những người có cùng chí hướng. Cạnh tranh đôi lúc sẽ rất có hại, nhưng em hy vọng khi ở cạnh những người có tầm nhìn giống mình thì sẽ có thể hỗ trợ và học hỏi lẫn nhau nhiều hơn. Để đánh đổi sự áp lực lấy việc bản thân mình càng ngày càng trở nên hoàn thiện hơn thì em vô cùng sẵn lòng”- cô sinh viên chia sẻ.

Sự kết nối lại

“Sao trông nó bẩn thế?” Tiếng nói của mọi người đồng loạt vang lên khi tôi cho họ xem bức ảnh một em bé 17 tháng tuổi người dân tộc Hmong, khiến tôi không khỏi ngạc nhiên. Đúng là tôi đã quên mất cách đây ba tháng trong ánh nhìn thành thị của mình, em ấy trông đã “bẩn” như thế nào, với khuôn mặt và quần áo luôn lấm lem bùn đất.

Thời gian trôi qua như một cái chớp mắt. Tôi trở lại thành phố sau chuyến đi tình nguyệndạy tiếng Anh, nhân cơ hội tìm hiểu nhận thức về sức khỏe của người dân tộc ở một thị trấn vùng cao Việt Nam tên là Sapa, mang về rất nhiều ảnh lưu niệm. Sau ba tháng, cậu bé đó đã lột xác ngoạn mục trong mắt tôi, trở thành một cá nhân đáng yêu và sống động. Tôi vội lục lọi ký ức để tìm lại khoảnh khắc mình phải chạy nhanh đi rửa đôi bàn tay dínhbẩn của mình sau lần đầu tiếp xúc với đứa trẻ đó. Nhận thức về sự bẩn trong tâm trí tôi trở nên mơ hồ: phải chăng tôi đã trở thành một người “bẩn” hơn sau thời gian dài tiếp xúc với người Hmong, hay cậu bé đó ngay từ đầu chưa từng bẩn?

Câu nói “thằng bé đó dơ quá” từng xuất hiện trong đầu tôi, khiến tôi xấu hổ vì sự xấu tính của mình đối với những người mà tôi cho là kém may mắn hơn. Suy cho cùng, tôi cũng là một người “bẩn” - bẩn trong lối suy nghĩ.

Khi mới được nhận vào đại học VinUni, tôi rụt rè và không dám nói lên quan điểm trước những sinh viên mà tôi cho rằng họ may mắn và giỏi gianghơn mình. Tôi chợt nhận ra: Những học sinh đó có từng bao giờ nghĩ tôi “bẩn” không?

Theo thời gian, sự cống hiến hết mình cho việc học của tôi đã khiến tôi được họ tôn trọng. Tôi bắt đầu thấy mình là một cá nhân ngang hàng với họ.

Nhưng đâu đó trên con đường phát triển, sự tự tin của tôi biến thành tự mãn. Vô tình, tôi, người căm ghét sự tự kiêucủa những người vốn sinh ra may mắn, đã trở nên mù quáng trước sự tiến bộ của chính mình, coi những người kém may mắn hơn là "bẩn" so với sự tỏa sáng mới tìm thấy của tôi.

Kéo mình, như thể vừa tỉnh dậy sau một cơn ác mộng, để ghép những mảnh vỡ của tôi trong quá khứ lại với nhau. “Nếu tôi chấp nhận sự bình yên và nghỉ ngơi dù chỉ một ngày, thời gian tôi có đủ năng lực để đóng góp cho xã hội sẽ bị trì hoãn thêm một ngày nữa”. Vài chục giây nhìn lại những lời tôi nói cách đây ba năm trong buổi lễ khai giảng với tư cách là đại diện sinh viên khiến tôi sống lại giấc mơ ngày ấy, thứ đã tồn tại trong suy nghĩ của tôi suốt bao năm. Một lần nữa, may mắn thay, tôi tìm lại con người thật của mình với khát vọng cháy bỏng xây dựng một tương lai được cống hiếncho những người có hoàn cảnh khó khăn nói chung và quê hương nói riêng.

Những cậu bé lấm lét mà tôi từng thấy giờ đây đã trở thành biểu tượng của tình yêu và sự thuộc về. Bài học tôi nhận được: chấp nhận con người thật và phấn đấu cho mục tiêu của bản thân mới chính là giá trị thật của một cá nhân, thay vì dựa vào sự chấp thuận từ bên ngoài hoặc địa vị xã hội.

(Bài dịch thô bài luận của Phương viết gửi trường Y Đại học Harvard)

MỚI - NÓNG