Nữ sinh vùng khó viết lên câu chuyện rất riêng vượt qua hoàn cảnh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với những sinh viên dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, để mở được cánh cửa đại học (ĐH), họ đã phải nỗ lực gấp nhiều lần so với bạn cùng trang lứa.

Trong số 16 sinh viên được nhận hỗ trợ từ Quỹ đồng hành với học sinh, sinh viên vùng khó khăn của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vừa qua, Xồng Vi Va, lớp K71A2 khoa Giáo dục Tiểu học đã tự viết lên câu chuyện rất riêng về lựa chọn của mình.

Là người dân tộc H’Mông, Vi Va sinh ra và lớn lên ở xã Na Ngoi, một trong những vùng nghèo nhất của tỉnh Nghệ An. Xã Na Ngoi tiếp giáp với nước Lào, có 19 bản đều là người dân tộc thiểu số, trong đó phần lớn là dân tộc H’Mông. Trình độ dân cư ở đây còn thấp, nhiều người học đến cấp hai rồi bỏ học lấy vợ, lấy chồng.

Nữ sinh vùng khó viết lên câu chuyện rất riêng vượt qua hoàn cảnh ảnh 1

Xồng Vi Va (hàng trên cùng bên trái) tặng hoa cảm ơn GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Diệp An

Khi Vi Va học cấp hai, mọi người khuyên nên lấy chồng sớm, sinh con đẻ cái, không nên học cao. Lúc đó, Vi Va cũng đắn đo lắm. Nhưng nhờ sự động viên của các thầy cô trong trường, cùng với bản lĩnh của mình, em đã vượt qua được những định kiến đó và theo học tới ngày nay. “Chỉ có con đường học tập mới có thể làm thay đổi cuộc sống của bản thân”, Vi luôn tâm niệm và nỗ lực, cố gắng học để giờ đây trở thành sinh viên khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Thành tích học tập của Vi Va: năm lớp 10 đạt giải Ba môn Địa lí trong kì thi học sinh giỏi cấp trường. Điểm thi tốt nghiệp THPT là Toán 8,6, Văn 8,5, Anh 8.

Ở ĐH, 3 năm qua, Vi Va luôn đạt danh hiệu Sinh viên Giỏi. Ngoài ra, em tích cực tham gia một số hoạt động của lớp, khoa, trường.

Mừng vì sau một thời gian dài cố gắng, nỗ lực, ước mơ đã trở thành sự thật, nhưng Vi Va cũng lo vì sắp phải sống tự lập, môi trường mới, bạn bè mới, không còn nhận được sự bao bọc của bố mẹ, thầy cô như thời THPT học nội trú.

Mong mang tri thức trở về phục vụ quê hương

Ngày đầu tiên đến trường ĐH, em cảm thấy lạc lõng và cô đơn khi chưa có bạn, trong khi những sinh viên khác hầu như đều đã có nhóm bạn riêng. Là người miền Trung, không nói được giọng Bắc và lại là dân tộc thiểu số, Vi Va càng tự ti và không dám bắt chuyện với các bạn khác. Nhiều lúc em cảm thấy thiếu hụt và hạn chế so với các bạn cùng lớp.

“Những lúc ấy, em chỉ biết tâm sự với bố, người truyền ngọn lửa đam mê cho Vi Va và nhận được những lời khuyên”, cô tân sinh viên nhớ lại xuất phát điểm ban đầu việc chọn nghề giáo của mình và thấy như được tiếp thêm sức mạnh.

Bố em từng là giáo viên miền núi nên em thấu hiểu sự vất vả, nhất là vào mùa mưa, nhiều gia đình lên nương để làm nên việc vận động học sinh trở lại lớp rất khó khăn. Bố em thường phải đi vào ban đêm mới gặp được phụ huynh để vận động họ đưa con đến lớp. Chính tấm lòng đầy yêu thương và lo lắng của bố đối với học trò đã thôi thúc Xồng Vi Va đến với nghề giáo và em đã lựa chọn để thi vào ngành sư phạm tiểu học.

Em bắt đầu quyết tâm nỗ lực, phấn đấu, cố gắng hòa nhập với các bạn sinh viên bằng cách tích cực tham gia vào các hoạt động văn nghệ, thể thao, hoạt động Đoàn của lớp, Khoa, Trường. Nhờ vậy, em dần hoàn thiện bản thân và ngày càng tự tin hơn vào khả năng của mình.

Hơn ai hết Vi Va hiểu rõ những thiếu thốn và khó khăn của các em nhỏ ở quê hương mình. Em càng nung nấu ước mơ sau khi tốt nghiệp trở thành giáo viên truyền đạt kiến thức cho các em nhỏ ở chính quê hương của mình. Với Vi Va, em đi là để trở về quê hương yêu dấu, đóng góp sức mình xây dựng bản làng.

MỚI - NÓNG