“Sinh viên năm tốt” cấp Trung ương
Được tuyển thẳng vào đại học nhờ đoạt giải Nhì quốc gia năm lớp 12, Trâm Anh được nhiều người khuyên hãy vào học trường ĐH Ngoại thương hay Học viện Ngoại giao Việt Nam. Nhưng với niềm yêu thích tiếng Anh và mong muốn được trở thành giáo viên, Trâm Anh quyết định chọn vào hệ Chất lượng cao của trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội).
Bước vào năm thứ nhất đại học, cô gái sinh năm 1996 cảm thấy hơi xao động, có những lúc chán nản khi đạt kết quả không như mong muốn ở một số môn học, dù đã cố gắng rất nhiều. "Nhưng rồi, mình nhận thức được rằng, xung quanh mình toàn người giỏi. Nếu không “chạy”, không cố gắng, mình sẽ bị tụt lại phía sau", Trâm Anh chia sẻ và cho biết, cô đã gạt bỏ mọi buồn chán từ đó và dốc sức cho việc học tập, rèn luyện ở trường.
Trâm Anh lên kế hoạch hằng tuần, hằng tháng, hằng quý và thậm chí cả năm, trong đó nêu rõ mục tiêu lớn, nhỏ và cố gắng hoàn thành từng đầu việc. Nhờ vậy, cô vừa hoàn thành tốt việc học, vừa có thể tham gia công tác Đoàn - Hội và CLB Tếng Anh của trường. Kết quả, hai năm liên tiếp, Trâm Anh giành danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương.
Đến năm thứ hai và năm thứ ba đại học, khi quen với công việc ở trường, Trâm Anh bắt đầu tập trung làm nghiên cứu khoa học. Với đề tài “Kỹ năng nói của tiểu thương khu phố cổ Hà Nội”, trong đó, tập trung tìm hiểu thực trạng và cách cải thiện kỹ năng nói của nhóm người này, Trâm Anh giành giải Nhất cấp trường.
Đam mê nghiên cứu khoa học
Thành công bước đầu, Trâm Anh tiếp tục thực hiện nghiên cứu thứ hai, liên quan đến việc cải thiện kỹ năng đọc và tư duy phê phán của sinh viên đại học. Lần này, Trâm Anh “rinh” thêm một giải Ba. Trâm Anh còn nhận được Giải thưởng Kova, hạng mục “Triển vọng”. "Mình rất thích nghiên cứu khoa học. Công việc này buộc mình phải đọc sách của nhiều học giả, giúp mình không bỡ ngỡ khi học trên lớp và hỗ trợ mình rất nhiều trong quá trình làm khóa luận. Hơn thế nữa, mình còn tích lũy được nhiều kỹ năng, kinh nghiệm và vốn sống cho bản thân".
Dù chương trình học nặng, có những hôm phải thức đến 2h – 3h sáng để làm bài tập nhóm, Trâm Anh vẫn sắp xếp thời gian cho công việc dạy thêm tiếng Anh, công việc mà cô đã bắt đầu từ những năm THPT. Với Trâm Anh, việc dạy thêm không chỉ đem lại thu nhập mà còn giúp cô nắm bắt nhu cầu của học sinh. Dạy thêm cũng là cách để Trâm Anh áp dụng kiến thức đã học ở trường vào bài giảng thực tế. Trong bối cảnh nhiều người học ngành Sư phạm thất nghiệp hoặc phải bỏ nghề vì đời sống khó khăn, Trâm Anh vẫn quyết định theo đuổi công việc truyền đam mê cho các bạn trẻ. “Mình luôn tâm niệm, nếu thực sự yêu thích và cố gắng, mình có thể làm tốt mọi công việc", Trâm Anh khẳng định, cô sẽ tiếp tục theo đuổi con đường trở thành một giáo viên tận tâm và có chuyên môn cao.