Khát vọng từ truyền thống gia đình cách mạng
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, ông nội của TS Nguyễn Thị Trang từng tham gia kháng chiến chống Pháp và là đảng viên nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Cha chị, một cựu chiến sĩ miền Nam, được Đảng và Nhà nước trao tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất. Tinh thần cách mạng và trách nhiệm với quê hương đã được hun đúc từ những câu chuyện gia đình, trở thành động lực để chị không ngừng phấn đấu.
TS Nguyễn Thị Trang (giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia). Ảnh: DƯƠNG TRIỀU |
“Bố tôi thường nhắc: ‘Lớp cha trước, lớp con sau, cùng là dòng máu chung câu anh hùng’. Dòng máu yêu nước ấy vẫn luôn chảy trong tôi, thôi thúc tôi sống và làm việc sao cho xứng đáng với những gì thế hệ đi trước đã hy sinh”, TS Nguyễn Thị Trang chia sẻ.
Bảo vệ Luận án tiến sĩ thành công ở tuổi 29, TS Nguyễn Thị Trang từng được T.Ư Đoàn vinh danh là một trong 400 tài năng trẻ Việt Nam; Năm 2024 được trao Bằng khen: Báo cáo viên giỏi toàn quốc; Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp T.Ư; Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Khối các cơ quan T.Ư.
Truyền thống gia đình đã đặt nền móng cho ý thức cống hiến của TS Nguyễn Thị Trang, không chỉ trong nghiên cứu khoa học mà còn qua các hoạt động xã hội. Hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Học viện Hành chính Quốc gia, chị luôn sẵn sàng tham gia những hoạt động vì cộng đồng như thăm hỏi trẻ em khuyết tật, tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng, tham gia các chương trình tình nguyện mùa hè xanh. Chị cũng là một trong những người tiên phong trong nghiên cứu về vấn đề đa văn hoá như phối hợp cùng tổ chức NGOs trong đó có tổ chức KOCUN (Việt – Hàn chung tay chăm sóc) hỗ trợ phụ nữ hồi hương và trẻ em thuộc các gia đình đa văn hoá Việt – Hàn.
Người ‘khai phá’ trong lĩnh vực khoa học xã hội
TS Nguyễn Thị Trang bước vào con đường nghiên cứu khoa học với niềm tin rằng, khoa học không chỉ giúp giải quyết những vấn đề hiện tại mà còn mở ra những hướng đi mới cho tương lai. Tuy nhiên, theo chị, hành trình này không hề dễ dàng, đặc biệt trong lĩnh vực KHXH&NV, nơi mà các đối tượng nghiên cứu thường khó định lượng.
TS Nguyễn Thị Trang trao đổi với sinh viên. Ảnh: NVCC |
“Hành vi, văn hóa, cách ứng xử của con người là rất khó định lượng. Chính vì vậy, làm sao để nhà khoa học chứng minh các giải pháp đưa ra là thuyết phục? Điều này đòi hỏi sự công phu, nghiêm túc và cả bản lĩnh để bảo vệ ý tưởng mới”, chị Trang chia sẻ.
Một trong những công trình nghiên cứu nổi bật của TS Nguyễn Thị Trang là đề tài cấp Bộ “Cơ sở lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa số cho đội ngũ cán bộ, công chức ngành Nội vụ”. Đề tài này hiện đã được Bộ Nội vụ nghiệm thu và phê duyệt vào tháng 10/2024. Kết quả nghiên cứu không chỉ góp phần định hình khái niệm “văn hóa số trong thực thi công vụ”, mà còn đưa ra các giải pháp ngăn chặn hành vi lệch chuẩn của cán bộ, công chức trên môi trường số.
“Tôi hy vọng nội hàm văn hóa số - một trong những “sức mạnh mềm” sẽ sớm được đưa vào các văn bản pháp luật nhằm điều chỉnh văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức trong kỷ nguyên chuyển đổi số”, TS Nguyễn Thị Trang nhấn mạnh.
Vinh danh từ Giải thưởng 'Khuê Văn Các'
Giải thưởng 'Khuê Văn Các' ra đời vào năm 2024, được xem là cột mốc quan trọng trong việc tôn vinh các nhà khoa học trẻ thuộc lĩnh vực KHXH&NV. Là một trong những ứng viên triển vọng, TS Nguyễn Thị Trang xem đây là sự ghi nhận ý nghĩa đối với những nỗ lực của chị và các đồng nghiệp trong việc mang lại giá trị cho xã hội thông qua nghiên cứu khoa học.
TS Nguyễn Thị Trang nhận Giải thưởng 'Khuê Văn Các' lần thứ I, năm 2024 và Giải thưởng 'Nhà giáo trẻ tiêu biểu' cấp T.Ư, năm 2024. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU |
“Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực để tôi tiếp tục cống hiến. Tôi mong rằng giải thưởng sẽ khuyến khích nhiều bạn trẻ bước chân vào lĩnh vực nghiên cứu, bởi đó là nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước”, chị Trang nói.
Ngoài việc được vinh danh, TS Nguyễn Thị Trang còn có cơ hội gặp gỡ và lắng nghe sự chia sẻ từ Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân. Chị cho biết, đây là nguồn động viên to lớn, thôi thúc chị tiếp tục hiến kế qua các công trình nghiên cứu với tinh thần “Nghĩ lớn hơn, tự tin vào năng lực và lan tỏa đam mê nghiên cứu”.