Nước mắt người lính

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngôi nhà mới xây trong con hẻm nhỏ vẫn còn nguyên mùi sơn, vôi. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ tiếp tôi ở một phòng khách sang trọng, nội thất sắp đặt theo phong cách phương Tây. Tuy có hẹn, ông vẫn cố đứng trước giá vẽ phết sơn dầu vào bức tranh đang dở. Vừa vẽ vừa ngoái cổ về phía tôi: “Chờ mình chút xíu. Trà mới pha đấy uống đi. Vẽ nốt sơn lấy ra kẻo nó khô lại”.

Tháng Tư vẫn còn những ngày trở lạnh. Gió từ dưới sân lùa vào khiến tôi phải khép bớt cánh cửa. Căn phòng tuy nhỏ nhưng ấm cúng, kê vừa bộ bàn ghế sô pha sang trọng, trên tường treo nhiều bức sơn dầu, thuốc nước do chính chủ nhân vẽ.

Trước mặt tôi là nhà văn Nguyễn Văn Thọ chứ không phải họa sĩ mà khi mới bước vào phòng khách người ta dễ tưởng nhầm. Mấy năm nay nhà văn chuyển sang vẽ. Ông miệt mài, say mê sáng tác sáng, trưa, chiều tối…

Căn phòng bộn bề màu, bút như một xưởng vẽ, nhìn thấy khung toan, bút vẽ, sơn la liệt trên giá, kệ. Niềm đam mê này cũng có lý do của nó. Thân sinh ra nhà văn cũng là một họa sĩ tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Nước mắt người lính ảnh 1

Trên đường tiến công tiêu diệt địch

Câu chuyện của chúng tôi khởi đầu lại không phải về hội họa mà quay ngược về chiến trường xưa, một thời đạn bom gian khổ, kẻ còn, người mất. Nhắc đến những năm tháng ấy, chủ nhà lại châm điếu thuốc, rít hơi dài như để nhớ lại quá khứ.

Tháng 3/1975, trung đoàn pháo cao xạ của người lính Nguyễn Văn Thọ cùng sư đoàn 320, hành quân nghi binh đến sát biên giới Campuchia, nghỉ giữa rừng khộp ăn Tết trước. Ngày 9/3, chia làm hai mũi tiến vào Buôn Ma Thuột.

“Đơn vị tôi hành tiến bám theo xe tăng, vượt qua các cánh rừng già, đèo suối.” Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ cùng xe tăng, bộ binh, giờ G đánh khu kho Mai Hắc Đế. Bởi khi ấy đặc công đã chiến đấu trong thành phố suốt đêm. Nhưng mũi của chúng tôi qua suối Đục, những xe ô tô chở bộ binh lại đi trước bị sa lầy giữa suối, tính ra khi ấy đã chậm mất 3 giờ, so với lệnh phải thực hiện.

Đại đội trưởng đơn vị tăng không để chậm trễ, ra lệnh binh sĩ chặt cây, mở đường khác cho xe tăng đi. Vượt qua Suối Đục bằng đường khác tụi tôi bám theo xe tăng thẳng vào thành phố. Pháo hai nòng 37 vừa chạy vừa bắn uy hiếp các chốt địch hai bên đường, uy lực bốn khẩu tám nòng đạn vạch đường chói sáng làm địch hoảng sợ không dám đánh vào đội hình.

Nước mắt người lính ảnh 2

Nguyễn Văn Thọ trước dinh Độc Lập (người đeo Huân chương Chiến công 1/5/1975)

Mũi thứ hai của đại đội tôi là anh em pháo thủ, trinh sát và một bộ phận thông tin hành quân bộ từ trước cũng vào sát khu kho Mai Hắc Đế. Chúng tôi phải gùi theo gỗ để làm công sự vì theo trinh sát báo cáo nơi làm trận địa toàn cây cà phê. Cây cà phê là loại cây thân mềm không làm công sự kiên cố được.

Khi pháo tiến vào sau xe tăng, chúng tôi đã có công sự sẵn sàng đánh cả bộ binh địch và máy bay từ các căn cứ tận Biên Hoà lên yểm trợ cho lính Việt Nam Cộng hòa (VNCH).

Tình huống mặt trận khi đó ban đầu do chưa có tăng nên địch chống trả quyết liệt. Pháo lớn, xe tăng địch chôn ngầm, sát thương anh em bộ binh, nhưng khi quân chủ lực tiến vào ồ ạt, xe tăng gầm rú địch bỏ công sự và vũ khí và chúng ta làm chủ khu kho Mai Hắc Đế. Bộ tư lệnh sư đoàn của địch bảo vệ Buôn Ma Thuột cũng bị ta chiếm.

Thành phố Buôn Ma Thuột hoàn toàn được giải phóng. Mặc dù vậy, phía sân bay Buôn Ma Thuột địch vẫn chống trả, lại gọi máy bay A37 hai tốp tới thả bom và đánh vào trận địa 57 trung đoàn 593 của chúng tôi. Bấy giờ tôi chỉ huy trực tiếp bên pháo 37 hai nòng, lập tức hạ lệnh phát hỏa, chia lửa với đơn vị pháo 57. Có kinh nghiệm đánh máy bay bổ nhào, cả 8 nòng pháo nhả đạn quyết liệt. Máy bay địch tránh pháo cao xạ của ta phải vọt lên cao nên khi bổ nhào bỏ bom không chính xác. Do đó thương vong đã được hạn chế.

Nhà văn cất giọng trầm bổng như cách kể chuyện phim: “Sau nhiều chiến dịch chiến đấu ở rừng núi, ở Lào, ở Trường Sơn (Lam Sơn 719), đây là lần đầu tôi tham gia trận đánh trong thành phố, một cứ điểm quân sự có tính chiến lược Tây Nguyên. Chiến thắng này có tính quyết định cho sự sụp đổ hệ thống phòng ngự của địch ở Tây Nguyên. Nó mở đầu cho quyết định mở ra chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Trong câu chuyện ôn lại những năm tháng chiến đấu hào hùng bảo vệ bầu trời miền Bắc, rồi lên đường hành quân chi viện chiến trường miền Nam, nhớ lại những đồng đội đã hy sinh trên tay mình, tôi thấy ba lần ông bật khóc.

Ông kể về những bạn bè đã mất trong suốt 11 năm chiến tranh khi tuổi đời họ còn rất trẻ. Ông khóc khi kể về các kỉ vật mà ông tự tay sắp xếp trong di vật liệt sĩ để trao lại cho gia đình của họ. Ông cũng không quên chuyện trên đường vào Nam, rẽ qua cầu Nghìn, ông xin về thăm làng Đà Thôn, Quỳnh Khê… nơi sinh ra ông.

“Bà thím lưng còng gập đất, 11 giờ đêm soi đèn nhận ra thằng cháu, vội đi nấu niêu cơm cho cháu ăn. Mâm cơm chỉ có đĩa rau muống luộc. Rồi bà vào xó bếp, bưng ra cái hũ, rót ra bát thứ nước đùng đục.

Sau này tôi mới biết đó là nước mắm cáy, song do quê nghèo nên người ta tra nước muối, đổ vào lần thứ hai, ba gì đó, sau khi ăn hết nước cốt. Mò xuống bếp thổi lửa hút thuốc, thấy cái nồi trên bếp, mở ra thấy toàn khoai cõng mấy hạt cơm. Thì ra bà thím thương mình, nấu cơm không độn, còn cả nhà thím vẫn ăn khoai.

Ngày ấy Thái Bình quê tôi nghèo, mất mùa, gà thì cúm chết sạch, nhà có quả mít cũng không dám ăn, mang bán để mua bo bo về chống đói.” Khi nhắc đến người mẹ thân thương ông nhắc câu mẹ dặn trước khi lên đường “Con đi giữ gìn sức khỏe, cho bằng bạn, bằng anh…”, ông lại rơi lệ.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ còn có tên cúng cơm là Nguyễn Văn Thoai, sinh năm 1948 tại một làng nghèo huyện Quỳnh Côi ( nay là Quỳnh Phụ), Thái Bình, nhưng theo gia đình chuyển lên Hà Nội sống và học tập từ lúc ông 2 tuổi. Tháng 9 năm 1976, từ chiến trường miền Nam về, ông tiếp tục vừa làm vừa học Đại học Thương Nghiệp. Sau khi tốt nghiệp Đại học Thương Nghiệp, kĩ sư kinh tế, ông về công tác tại Tổng công ty Muối Trung ương. Năm 1988, ông đi xuất khẩu lao động sang CHDC Đức với tư cách Đội trưởng. Những năm sống và làm việc nước bạn, ông vẫn đều đặn viết sách. Trong 10 năm, ông cho ra đời 17 đầu sách, bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, tùy bút và ba tập thơ, nhưng thành công nhất vẫn là tiểu thuyết “Quyên”. Tháng 4/2010,“ Quyên” được phát hành toàn quốc và bán ra hải ngoại, sau đó được hãng film BHD chuyển thể thành phim nhựa chiếu ở Việt Nam và nước ngoài. Cuốn tiểu thuyết được tái bản đến lần thứ 7. Năm 2023, ông được trao tặng giải thưởng Nhà nước về văn học. Ông là một nhà văn đa phong cách, một con người mẫn cảm, bề ngoài cứng cỏi phong trần nhưng giàu lòng trắc ẩn.

Nguyễn Văn Thọ lớn lên giữa những năm tháng giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc.

Ngày 5/8/1964, máy bay Mỹ quần thảo trên bầu trời các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và bắn phá các vùng ven ngoại thành cách Hà Nội 70 km. Chúng tập trung đánh vào giao thông từ cầu Chẽ trở vào Nam. Tháng 12/1964 tại Vân Hồ, người ta tổ chức triển lãm xác máy bay Mỹ bị bắn hạ gồm F4, F105, F8, dân Hà Nội kéo nhau đi xem rất đông.

Ngày đó chàng trai Nguyễn Văn Thọ tham gia làm trật tự bảo vệ vòng ngoài triển lãm. Trước tình hình nước sôi lửa bỏng, Chính phủ kêu gọi thanh niên lên đường nhập ngũ.

Tháng 7/1965, Nguyễn Văn Thọ thi xong lớp 10 (hệ 10 năm), chưa đủ 18 tuổi, ông đăng ký nhập ngũ. Cùng với ông có 7 học sinh miền Nam học trường Trưng Vương 3B Hà Nội cũng viết đơn bằng máu xin trở về quê hương đánh giặc.

Khi nhận được giấy gọi nghĩa vụ quân sự, ông xin ý kiến cha.

Người cha là trí thức Hà Nội, rất hiểu thời cuộc nói với con trai: “Đất nước chiến tranh, Mỹ nó đánh mình rồi, con là thanh niên phải có trách nhiệm bảo vệ đất nước con ạ. Thân tráng sĩ xá chi da ngựa, con nên lên đường cho xứng đáng là con của dòng tộc Nguyễn…”.

“Lần đầu tiên trong đời tôi xa gia đình, xa Hà Nội thân thương, xa mái trường với bao kỷ niệm tuổi học trò để theo tiếng gọi thanh niên lên đường bảo vệ Tổ quốc. Tôi không khỏi bịn rịn khi cha tôi, anh trai và em út đi tiễn ở khu Vân Hồ. Nắng tháng Bảy nóng lắm, tụi tôi đi bộ xuống Thường Tín, có cậu học sinh không quen đi bộ, khát nước quá ngất ngay khi xếp hàng để ăn tối.

Nhóm chúng tôi được cô dân quân còn rất trẻ hướng dẫn đến ngủ ở dãy nhà, sau biết đó là chuồng bò hợp tác xã bỏ hoang. Dân quân rải rơm lên mặt đất. Không ai biết đấy là chuồng bò, dù ngửi thấy mùi phân ngai ngái, thum thủm.

Đến 5 giờ sáng hôm sau đã có kẻng đánh thức đi nhận quân trang, trong khi quần áo vẫn còn bê bết phân bò hôi nồng nặc. Vì anh em hành quân mệt, nằm lên rơm ngủ lăn lộn, rơm chìm xuống, phân bò trồi lên dính vào quần áo học trò bê bết”. Đấy là kỷ niệm đáng nhớ nhất khi ông bước chân vào đời lính.

“Đắp trận địa pháo cao xạ 100 ly dưới Thường Tín xong, tôi được phiên chế về đại đội 37, làm lính số 2, số đạp cò cho súng 37 một nòng bảo vệ nhà máy Pin Văn Điển, thuộc E 220. Rồi máy bay địch đánh tràn lan, tôi tham gia trung đoàn pháo cơ động bảo vệ tên lửa khắp bầu trời miền Bắc.

Trận đánh bảo vệ Hà Nội hè 1966 diễn ra rất ác liệt khi bảo vệ khu Cao Xà Lá. Đơn vị cơ động về Văn Giang, địch bay lợi dụng sông Hồng rất thấp, đánh vào trận địa tên lửa bốc cháy, khói vàng lên nghi ngút. 4 máy bay Mỹ F105 bay tầm thấp thả bom bi. F4. H, F100 thì bổ nhào bắn trận địa. Chúng tôi đánh địch quyết liệt. Địch thả bom bi chệch hết vào làng. Bom bi nhiều như rắc trấu, rơi xuống làng, trường học...

15 năm sau, Nguyễn Văn Thọ đã cho ra đời truyện ngắn “Tiếng khóc”, tái hiện lại trận ném bom tàn sát dân lành Văn Giang trong nỗi đau mất mát của người dân vô tội, trong tiếng khóc xé lòng của người mẹ mất con, người chồng mất vợ, người lính mất đồng đội…

MỚI - NÓNG
Nhiều ngôi sao thể thao thế giới tới Việt Nam
Nhiều ngôi sao thể thao thế giới tới Việt Nam
TPO - Trong dịp 30/4-1/5, người hâm mộ bất ngờ đón chào tay vợt huyền thoại Roger Federer, vận động viên golf nổi tiếng Sir Nick Faldo khi họ du lịch tới Hội An, Quảng Nam. Tại Đà Nẵng ngày 28/4, các siêu sao bóng đá Brazil đã xuống bãi biển Đà Nẵng chơi bóng cùng người hâm mộ. 
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
TPO - Khi đang đi trên đường để về nhà giữa nắng nóng 42 độ C, cụ ông 80 tuổi ở Hà Tĩnh bị ngất xỉu. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện, nhưng tử vong sau đó nghi do sốc nhiệt.
Đổ xô đi đảo Lý Sơn
Đổ xô đi đảo Lý Sơn
TPO - Từ ngày 27-29/4, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi đón hơn 6.000 lượt du khách đến tham quan, du lịch. Ban quản lý Cảng Sa Kỳ đã bố trí tăng hàng chục chuyến tàu cao tốc, siêu tốc mỗi ngày. Hiện toàn bộ cơ sở homestay, nhà nghỉ, khách sạn trên đảo đã kín phòng.