Nuôi hổ để bảo tồn hay nấu cao?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các chuyên gia đánh giá, nuôi hổ để bảo tồn góp phần phục hồi đàn hổ tự nhiên ở Việt Nam, nhưng việc nuôi nhốt hổ và động vật hoang dã khác không vì mục đích thương mại vẫn còn nhiều bất cập, chưa có chính sách rõ ràng nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động sinh sản của hổ cũng như xử lý hổ chết.

Tại Tọa đàm “Năm Hổ và câu chuyện nuôi hổ để bảo tồn tại Việt Nam”, do Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) tổ chức chiều 17/1 tại Hà Nội, các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh hổ đang đối mặt nguy cơ tuyệt chủng rất lớn, nuôi hổ để bảo tồn là một giải pháp cần thiết để góp phần phục hồi quần thể hổ tự nhiên tại Việt Nam.

Nguồn gien thuần chủng hổ Đông Dương

Nuôi hổ để bảo tồn là một dạng thức của hoạt động bảo tồn ngoại vi hay chuyển vị. Theo đó, hổ được nuôi với mục tiêu phục hồi, tái thả về môi trường tự nhiên. Đây là một quá trình lâu dài, tốn kém và đòi hỏi phải có kế hoạch cụ thể cũng như đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo hổ được nuôi nhốt phải có nguồn gien thuần chủng của phân loài hổ Đông Dương. Phải xác định được môi trường tái thả và kế hoạch tái thả phù hợp. Hổ cần phải có sức khỏe đảm bảo, mang đầy đủ bản năng tự nhiên.

Theo số liệu thống kê của ENV, hơn 10 năm qua, số lượng hổ nuôi nhốt có đăng ký tại Việt Nam tăng mạnh từ 97 (năm 2010) lên 364 (năm 2021) tại 22 cơ sở, chủ yếu là các trang trại và sở thú tư nhân. Tất cả các cơ sở này đều đã được đăng ký hoặc đặt dưới sự quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để nuôi hổ không vì mục đích thương mại. Nhưng đối chiếu với các điều kiện và mục tiêu của hoạt động nuôi hổ bảo tồn, ENV cho rằng, không có bất cứ cơ sở nào trong những cơ sở nuôi nhốt hổ tại Việt Nam đang thực hiện hoạt động này.

Năm 2012, khi đánh giá các cơ sở nuôi nhốt hổ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT nhận định: “Hiện nay (báo cáo tại văn bản số 705/BNN-TCLN ngày 19/3/2012), các cơ sở không phân biệt được các loài hổ, việc nuôi nhốt chung giữa các phân loài dẫn đến di truyền cận huyết, lai chéo giữa ba phân loài hổ, thế hệ F1 sinh ra không có khả năng thích nghi và không có ý nghĩa đối với bảo tồn hổ tự nhiên ở Việt Nam”.

Dẫu vậy, đến nay, các quy định quản lý đối với các cơ sở nuôi nhốt hổ và động vật hoang dã (ĐVHD) khác không vì mục đích thương mại vẫn chưa toàn diện, chưa giải quyết được bài toán đóng góp cho công tác bảo tồn hổ, ENV đánh giá.

Nuôi hổ để bảo tồn hay nấu cao? ảnh 1

Tháng 8/2021, lực lượng chức năng tiêm thuốc mê và vận chuyển hổ bị nuôi nhốt trái phép ở Đô Thành, Yên Thành, Nghệ An về khu sinh thái nhờ chăm sóc

Theo quy định hiện hành, chủ cơ sở nuôi hổ không vì mục đích thương mại không bị yêu cầu kiểm soát sinh sản hay đảm bảo nguồn gien thuần chủng, khỏe mạnh của hổ và các loài ĐVHD khác, mà chỉ cần ghi chép sổ theo dõi. Theo ENV, việc xử lý hổ hay các loài ĐVHD chết tại những cơ sở này hay trong trường hợp cơ sở bị hủy mã số, rút giấy phép cũng chưa được quy định.

Phó Giám đốc ENV, bà Bùi Thị Hà, nhận định: “Hoạt động nuôi nhốt hổ không vì mục đích thương mại sẽ có thể được coi là nguồn cho công tác bảo tồn hổ ngoại vi nếu được đặt dưới sự quản lý và giám sát chặt chẽ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, việc thiếu các quy định toàn diện để quản lý hoạt động này không những khiến cho hoạt động này phát triển một cách mất kiểm soát mà sẽ là cơ hội cho các đối tượng buôn bán ĐVHD trái phép lợi dụng, núp bóng cơ sở được cấp phép để lén lút mua bán, trao đổi hổ và các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm khác vì mục đích lợi nhuận”.

Sẽ xử lý hổ chết như thế nào?

Ngày 18/1, phóng viên Tiền Phong phỏng vấn một số người tại một số tỉnh miền Bắc, miền Trung từng nấu cao hổ cốt để dùng hoặc bán. Những người này nói rằng, họ thường cùng họ hàng, bạn bè hùn tiền mua một con hổ đông lạnh có nguồn gốc ở Thái Lan, Myanmar vận chuyển qua Lào về Việt Nam, rồi nấu cao trong 7 ngày đêm. Nếu bán, tùy hàm lượng xương hổ (khi nấu cao, thường cho thêm một số loại xương động vật khác) mà họ phát giá 15-40 triệu đồng/lạng. Một người bán cao hổ nói rằng, một số người nhập cao hổ Thái Lan về quảng cáo là cao tự nấu nhưng bán với giá “mềm” hơn – khoảng vài triệu đồng/lạng (trong khi giá gốc hơn 1 triệu đồng/lạng).

Theo ENV, thời gian tới, Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) sẽ thực hiện “Điều tra, thống kê và lập hồ sơ quản lý toàn bộ số hổ đang được nuôi tại Việt Nam; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để quản lý, nhận dạng các cá thể hổ nuôi (thực hiện qua hồ sơ gien, hình ảnh, gắn chip điện tử và gắn thẻ đánh dấu”.

ENV nhận định, việc lập hồ sơ quản lý, nhận dạng hổ sẽ chỉ thực sự phát huy hiệu quả nếu được tiến hành đồng thời với một chính sách rõ ràng nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động sinh sản của hổ cũng như xử lý các trường hợp hổ chết tại các cơ sở nuôi nhốt đã đăng ký trong bối cảnh chưa có văn bản pháp lý đề cập chi tiết về hai vấn đề quan trọng này.

Do đó, ENV đề xuất Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan để thắt chặt quản lý hoạt động nuôi nhốt hổ. Trước mắt, có thể ban hành một chính sách cụ thể về hoạt động nuôi nhốt hổ, trong đó có quy định kiểm soát sinh sản đối với hổ nuôi nhốt nhằm đảm bảo duy trì số lượng hổ chỉ ở mức hỗ trợ công tác bảo tồn, cũng như xây dựng các cơ chế giám sát để đảm bảo các cơ sở không tham gia vào bất kỳ hoạt động buôn bán ĐVHD trái phép nào.

Về lâu dài, có thể xem xét xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật riêng để quản lý toàn diện hoạt động của các cơ sở nuôi ĐVHD không vì mục đích thương mại, trong đó có các cơ sở nuôi nhốt hổ, để tạo tiền đề cho hoạt động của các cơ sở hợp pháp, cũng như ngăn chặn việc các đối tượng lợi dụng vỏ bọc cơ sở nuôi hổ không vì mục đích thương mại để buôn bán ĐVHD trái phép.

Nuôi hổ để bảo tồn hay nấu cao? ảnh 2

Hổ đông lạnh do Công an tỉnh Nghệ An thu giữ năm 2018

Cam kết gấp đôi số hổ hoang dã vào năm 2022

Tại Hội nghị thượng đỉnh về hổ diễn ra năm 2010 tại Nga, 13 quốc gia có phân bố tự nhiên của hổ (Bhutan, Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Nepal, Nga, Thái Lan và Việt Nam) cam kết tăng gấp đôi số lượng hổ hoang dã trên thế giới vào năm 2022 (năm Nhâm Dần).

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014-2022, nhằm bảo vệ, bảo tồn hổ, sinh cảnh và con mồi của hổ, góp phần ngăn chặn sự suy giảm, từng bước phục hồi, cải thiện và tăng số lượng hổ tự nhiên đến năm 2022 theo mục tiêu của Hội nghị thượng định về hổ.

Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Nga, Trung Quốc… đã đạt được thành công nhất định trong việc gia tăng số lượng hổ hoang dã, giúp đưa số lượng hổ trên toàn cầu từ khoảng 3.200 (năm 2010) lên ít nhất 3.890 (năm 2016). Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối diện khả năng hổ đã tuyệt chủng trong tự nhiên, theo ENV.

Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) ước tính, năm 2016, Việt Nam chỉ còn ít hơn 5 con hổ trong tự nhiên. Con số này của WWF được lấy từ ước tính của IUCN năm 2015 do kể từ năm 2009, không có ghi nhận nào về hổ hoang dã tại Việt Nam và nước ta cũng không thực hiện khảo sát quốc gia về hổ tự nhiên. Dù chưa có tuyên bố chính thức, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng hổ có thể đã tuyệt chủng tại Việt Nam.

Nuôi hổ để bảo tồn hay nấu cao? ảnh 3

Một miếng cao hổ nặng 100 gram như này hiện được rao bán với giá 12-18 triệu đồng

Nghị quyết số 12.5 về Bảo tồn, buôn bán hổ và các loài mèo lớn châu Á khác thuộc Phụ lục I được Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước về buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) thông qua có quy định: “Các quốc gia thành viên và chưa phải là thành viên nơi có các cơ sở nuôi nhốt hổ và các loài mèo lớn châu Á khác trong lãnh thổ của mình phải đảm bảo đưa ra và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp quản lý và kiểm soát phù hợp, bao gồm cả việc tiêu hủy các cá thể thuộc họ mèo lớn châu Á bị chết trong quá trình nuôi nhốt, nhằm ngăn chặn việc các bộ phận và dẫn xuất của chúng bị đưa vào hoạt động buôn bán trái phép thông qua các cơ sở nuôi nhốt đó”.

MỚI - NÓNG
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
TPO - Kết thúc kỳ nghỉ lễ 5 ngày, chứng khoán trong nước sẽ trở lại giao dịch vào ngày mai (2/5). Dù VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm, nhưng chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh chưa xác nhận kết thúc. Thị trường sẽ có các nhịp rung lắc, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tranh thủ nhịp hồi phục sắp tới để cơ cấu, hạ tỷ trọng về mức an toàn.