Ô nhiễm không khí tại Hà Nội chủ yếu là ô nhiễm bụi 'tử thần'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Báo cáo môi trường quốc gia về môi trường không khí cho thấy, ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc chủ yếu là ô nhiễm bụi PM2,5, - loại bụi được coi là tử thần trong không khí khi có thể đi sâu vào phổi - thông tin trên được cho biết tại Tọa đàm “Quản lý Chất lượng không khí: Công cụ tổng thể kiểm soát giảm thiểu ô nhiễm”, do Báo Tiền Phong phối hợp Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng 28/7.

Sáng nay, 28/7, Báo Tiền Phong phối hợp với Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Tọa đàm “Quản lý Chất lượng không khí: Công cụ tổng thể kiểm soát giảm thiểu ô nhiễm”.

Tọa đàm được thực hiện trong bối cảnh, ô nhiễm không khí là vấn đề môi trường rất nghiêm trọng tại Việt Nam những năm qua, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Ô nhiễm môi trường không khí không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người mà còn tác động đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Quản lý chất lượng không khí

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

28/07/2023 09:16

Thiệt hại do ô nhiễm không khí vô cùng lớn

Phát biểu mở đầu buổi Tọa đàm, Nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong nhận định, chúng ta đều đang sống ở các thành phố lớn, nơi mà mỗi mùa đông, chúng ta đều cảm nhận rõ rệt bầu không khí ô nhiễm. Hình ảnh bầu trời mù mịt, khói bụi bao phủ đã trở nên quen thuộc ở Hà Nội và nhiều thành phố lớn những năm qua.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội chủ yếu là ô nhiễm bụi 'tử thần' ảnh 1

Nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong

Hàng loạt nghiên cứu trên thế giới và trong nước đã chỉ ra tác hại nghiêm trọng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người. Báo cáo môi trường quốc gia về môi trường không khí cho thấy, ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc chủ yếu là ô nhiễm bụi PM2,5, - loại bụi được coi là tử thần trong không khí khi có thể đi sâu vào phổi, gây ra nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch, đặc biệt là với đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ em.

Nghiên cứu do quỹ Mirinda and Bill Gate tài trợ cho thấy, tỷ lệ tử vong ở Việt Nam năm 2018 do ô nhiễm môi trường là 71.000 người, trong đó 50.000 chết do ô nhiễm không khí.

Ô nhiễm không khí cũng gây ra thiệt hại lớn về kinh tế. Theo báo cáo môi trường quốc gia, thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khoẻ con người bao gồm các khoản chi phí: chi phí khám và thuốc chữa bệnh, mất ngày công lao động do nghỉ ốm, tổn thất thời gian của người nhà chăm sóc người ốm. Đa số người dân sau khi nghỉ ốm để điều trị bệnh hoặc có người thân bị ốm sẽ giảm khoảng 20% về thu nhập và sức khỏe so với trước khi bị bệnh.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân, trong một nghiên cứu độc lập, đã ước tính thiệt hại của ô nhiễm không khí ở Việt Nam năm 2018 là từ 10,82-13,63 tỷ USD (tương đương từ 240.000 tỷ đồng) trở lên, tương đương 4,45%-5,64% GDP năm 2018. Thiệt hại do ô nhiễm không khí được tính trên cơ sở đo lường tổng thu nhập bị mất do chết trước tuổi kỳ vọng vì ô nhiễm không khí và đo lường mức độ chi trả của xã hội cho giảm rủi ro tử vong từ ô nhiễm không khí.

Trước những thiệt hại do ô nhiễm không khí gây ra, Luật Bảo vệ môi trường 2022 đã đề ra nhiều công cụ kiểm soát môi trường không khí, trong đó quy định quốc gia và các địa phương phải có Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí.

Đây được coi như là công cụ tổng thể nhằm quản lý, kiểm soát chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam. Với mong muốn thúc đẩy xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý chất lượng không khí cấp quốc gia, cấp tỉnh, Báo Tiền Phong phối hợp với Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường tổ chức Tọa đàm với nội dung

Quản lý chất lượng không khí: Công cụ tổng thể kiểm soát giảm thiểu ô nhiễm”

Tọa đàm gồm có 3 phần:

Phần 1: Thực trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam và việc triển khai xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng không khí cấp quốc gia và cấp tỉnh.

Phần 2: Những thuận lợi, khó khăn khi xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý chất lượng không khí quốc gia và cấp tỉnh.

Phần 3: Các đề xuất, kiến nghị để thúc đẩy việc xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý chất lượng không khí quốc gia và cấp tỉnh.

Trong tọa đàm hôm nay, chúng tôi mong muốn nhận được những ý kiến trao đổi sôi nổi của các đại biểu khách mời để Tọa đàm mang lại những kết quả tốt đẹp.

28/07/2023 09:34

Cần nắm rõ các nguồn gây ô nhiễm

Ông đánh giá như nào về sự cần thiết của Kế hoạch Bảo vệ môi trường không khí cấp quốc gia, cấp tỉnh? Theo ông, đâu là những vấn đề cần đặc biệt quan tâm khi xây dựng và triển khai các kế hoạch này?

Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam:

Tôi nhấn mạnh sự cần thiết của Kế hoạch Bảo vệ môi trường không khí cấp quốc gia, cấp tỉnh. Hiện việc ô nhiễm không khí đang diễn ra trên cả nước đòi hỏi một chính sách cụ thể để cải thiện vấn đề này.

Việc ô nhiễm không khí đã được đề cập đến trong nhiều báo cáo của địa phương, các bộ ban ngành cấp tỉnh, cấp quốc gia và cũng có nhiều hành động để cải thiện vẫn đề này nhưng chưa đạt được hiệu quả mong muốn.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội chủ yếu là ô nhiễm bụi 'tử thần' ảnh 2

Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam

Theo tôi việc ô nhiễm không khí có rất nhiều nguyên nhân như: ô nhiễm từ công nghiệp, ô nhiễm từ giao thông, ô nhiễm từ sinh hoạt...

Qua Luật bảo vệ môi trường chúng ta cần có 1 tinh thần quyết liệt hơn nữa trong việc bảo vệ môi trường. Quan trọng cấp thiết nhất là cần nắm rõ các nguồn gây ô nhiễm, cơ sở gây ô nhiễm để từ đó có chính sách cụ thể.

Qua Kế hoạch Bảo vệ môi trường không khí cũng góp phần nâng cao ý thức của người dân, của doanh nghiệp chung tay bảo vệ môi trường.

Tôi tin rằng với kế hoạch này chúng ta sẽ góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí một cách triệt để.

28/07/2023 09:41

Quản lý chất lượng không khí, còn nhiều khó khăn

So với ô nhiễm đất hay ô nhiễm nước, hiện nay các địa phương đã thực sự quan tâm tới vấn đề ô nhiễm không khí, trong đó có việc xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng không khí hay chưa? Vì sao ô nhiễm không khí chưa được nhiều địa phương coi trọng đúng mức?

Bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng, trả lời:

Khi xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng không khí, đây là cách làm tốt bởi vì đòi hỏi cơ sở khoa học, sự theo dõi sát sao tình hình địa phương. Nhưng cũng vì vậy, nó trở thành vấn đề khó khăn.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội chủ yếu là ô nhiễm bụi 'tử thần' ảnh 3

Bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng

Hiện tại, nguồn lực đầu tư cho Bộ Tài Nguyên và Môi trường rất ít. Yếu tố con người cũng là vấn đề nan giải.

Nhân lực đảm nhận vai trò quản lý chất lượng không khí ở Trung ương không nhiều, ở địa phương càng ít hơn. Không có con người, việc giải quyết vấn đề càng khó khăn.

So với ô nhiễm đất hay ô nhiễm nước, làm về vấn đề không khí khó hơn nhiều, dẫn đến công tác quản lý cũng càng khó khăn.

28/07/2023 10:03

Hà Nội đẩy mạnh quản lý ô nhiễm không khí

Việc triển khai kế hoạch bảo vệ môi trường không khí ở địa phương đang được thực hiện như thế nào?

Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp, truyền thông nâng cao nhận thức người dân cũng như đầu tư các giải pháp kỹ thuật.

Trong năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có đề xuất cụ thể để Hà Nội triển khai các đề án quản lý môi trường, hy vọng cuối năm thành phố phê duyệt.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội chủ yếu là ô nhiễm bụi 'tử thần' ảnh 4

Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường

“Chúng tôi tham mưu nhiều chương trình, đề án về ô nhiễm không khí. Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước trong lĩnh vực quản lý môi trường không khí và đưa ra giải pháp giảm thiếu ô nhiễm.

Hà Nội đã thí điểm áp dụng giải pháp hệ thống quan trắc môi trường tự động, kết hợp với hệ thống quan trắc quốc gia để sớm phát hiện điểm nóng ô nhiễm.

Xây dựng trung tâm chuyển dữ liệu về Sở TNMT và công bố lên cổng thông tin thành phố để người dân cập nhật thông tin trước khi ra đường.

Đến nay dự thảo quản lý ô nhiễm đã cơ bản xong và có cuộc hội thảo xin ý kiến sở ban ngành quản lý, nhà khoa học… Sau đó xin các ý kiến đơn vị liên quan, chỉnh sửa bổ sung và đánh giá thực trạng, có giải pháp ngắn hạn, dài hạn để có công cụ quản lý tốt nhất mang lại bầu không khí sạch cho Hà Nội”.

Hà Nội đã ban hành nhiều kế hoạch chương trình, xác định nguồn thải chính đang xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí. Việc này tiến hành từng bước để giảm thiểu.

Hà Nội đã áp dụng giải pháp hệ thống quan trắc môi trường tự động, kết hợp với hệ thống quan trắc quốc gia để sớm phát hiện điểm nóng ô nhiễm.

Ví dụ xác định ô nhiễm không khí một phần do hoạt động dân sinh như dùng than tổ ong. Nhờ việc tuyên truyền, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, trong 2-3 năm qua thành phố đã chấm dứt việc dùng than tổ ong.

Người dân cũng ý thức được dừng đốt rơm rạ, gây ảnh hưởng không khí, giao thông hay an toàn khu vực sân bay.

Thành phố cũng đưa ra các chỉ thị quyết liệt, đánh giá thi đua hằng năm của các quận huyện. “Tuy còn rào cản, khó khăn, chúng tôi mong các sở ban ngành sẽ có chính sách, xây dựng quy chuẩn về kiểm định khí thải xe máy; có quy định, thu hồi xe máy quá hạn sử dụng, gây ô nhiễm không khí và mất an toàn giao thông” – bà Chi kiến nghị.

28/07/2023 10:34

Nhiều giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí

Nhà báo Phùng Công Sưởng đặt câu hỏi: Sau khi Luật Bảo vệ Môi trường và Nghị định 08 Quy định chi tiết Luật Bảo vệ Môi trường có hiệu lực, việc triển khai Kế hoạch bảo vệ môi trường không khí quốc gia được thực hiện như nào? So với các quy định trước đây, ông có kỳ vọng gì vào Kế hoạch này?

Ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết:

Ngay sau khi Luật Bảo vệ Môi trường được ban hành, trên cơ sở Kế hoạch bảo vệ môi trường không khí quốc gia được chính phủ phê duyệt, Bộ TN&MT đang triển khai nhiều biện pháp.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội chủ yếu là ô nhiễm bụi 'tử thần' ảnh 5

Ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Để hỗ trợ các địa phương xây dựng kế hoạch Bộ đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật, để các địa phương tỉnh thành trên cả nước căn cứ vào đó xây dựng hệ thống kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm không khí.

Hiện nay trên cả nước có 9 địa phương đã xây dựng kế hoạch quản lý kiểm soát chất lượng không khí và 19 địa phương đang xây dựng dự án kiểm soát chất lượng không khí.

Để có căn cứ thực hiện đồng bộ hơn nữa việc cải thiện không khí trên cả nước và địa phương, theo Kế hoạch ban hành, Bộ TN&MT đã thực hiện rà soát và ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn, quy định, nguyên tắc để các địa phương thực hiện tốt hơn công tác quản lý môi trường.

Theo tôi phải xác định được nguyên nhân ô nhiễm không khí ở Việt Nam chủ yếu là do công nghiệp, giao thông, dân sinh,…

Để kiểm soát tốt hơn ô nhiễm không khí từ công nghiệp Bộ TN&MT đã rà soát sửa đổi kỹ thuật quốc gia về chất lượng công nghiệp để các đơn vị lấy đó là thước đo.

Để kiểm soát tốt hơn về khí thải từ các nguồn ô nhiễm di động cụ thể là các phương tiện cơ giới như ô tô, xe máy, Bộ TN&MT đã ban hành tiêu chuẩn khí thải trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng đang tiến hành rà soát thực tế để từ đó đưa ra những sửa đổi, bổ sung để trình Chính phủ sửa đổi Nghị định mới.

Về quản lý chất lượng không khí, Bộ TN&MT đã ban hành quy chuẩn về quản lý không khí cấp quốc gia sẽ có hiệu lực từ 1/9/2023

Quy chuẩn này đặt tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng không khí, đặc biệt tại một số thông số quan trọng như bụi. Ngày trước tại Việt Nam thực hiện quy chuẩn cũ với thông số trung bình ngày là 50 mg/m3 , tại tiêu quy chuẩn mới giảm xuống 45 mg/m3. Bộ TN&MT mong muốn áp đặt đồng bộ quy chuẩn này để cải thiện không khí trên cả nước.

Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng thực hiện nghiêm các biện pháp quan trắc. Hiện Bộ TN&MT đang thực hiện dự án bổ sung 18 trạm quan trắc ở 16 tỉnh trên cả nước để giám sát không khí.

Trong thời gian qua, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ TN&MT cũng đã thực hiện quy hoạch quan trắc quốc gia. Hiện mạng lưới quan trắc quốc gia đang được thực hiện theo hướng bổ sung tăng các trạm quan trắc, tập trung vào các vùng kinh tế trọng điểm, vùng quan trọng trên cả nước.

Về việc giảm thiểu phát thải khí thải, Bộ TN&MT đã tăng cường giám sát các doanh nghiệp về khí thải. Hiện có 600 trạm quan sát phát thải, khí thải của các doanh nghiệp được cài đặt và kết nối thông tin trực tiếp với Bộ. Từ đó, Bộ TN&MT nắm chắc thông số và lượng khí thải, phát thải của từng doanh nghiệp, và nếu có vấn đề, có sự cố xảy ra Bộ cũng có thể chủ động kiểm soát và khắc phục.

Về vấn đề phối hợp quản lý khí thải liên tịch liên vùng đã được nêu rất rõ trong Luật bảo vệ môi trường 2020. Đây là việc quan trọng và phù hợp. Luật đã quy định cụ thể các tỉnh cần có những văn bản, quy chế riêng để bảo vệ môi trường, kiểm soát chất thải, khí thải. Tuy nhiên có những ô nhiễm liên vùng liên tỉnh thì cần phải được xử lý cấp quốc gia. Đây cũng là nội dung chúng tôi quan tâm và đã trình đề án để Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới đây.

28/07/2023 10:46

Ô nhiễm không khí là “sát thủ vô hình''

Là người từng nhiều năm làm công tác bảo vệ môi trường, ông có thể chia sẻ, những rào cản, khó khăn lớn nhất của chúng ta trong việc triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường không khí hiện nay?

Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhận định: ô nhiễm không khí là “sát thủ vô hình”, bởi chưa thấy ngay tác hại và khó nhìn thấy về mặt trực quan. Ông Tùng đưa ra việc đo lường chất lượng không khí phải dùng đến các công cụ phức tạp. Hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe con người phải lâu về sau mới thấy tác hại.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội chủ yếu là ô nhiễm bụi 'tử thần' ảnh 6
Đâu đó ở các địa phương vẫn có tinh thần hy sinh môi trường để phát triển kinh tế' - Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhận định.

“Điều thứ hai là nhận thức chưa tới. Nhận thức của người lãnh đạo tốt thì việc khó cũng thành công, nhưng không phải lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng hiểu điều đó”.

“Đâu đó ở các địa phương vẫn có tinh thần hy sinh môi trường để phát triển kinh tế, không đúng tinh thần của Đảng, Chính phủ. Ngoài ra khung pháp lý còn chưa đầy đủ, là rào cản cho việc quản lý ô nhiễm không khí” - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho hay.

28/07/2023 10:54

Cần hình thành lối sống bảo vệ môi trường của người dân

Vai trò, sự quan tâm của cộng đồng có ý nghĩa như nào với việc triển khai kế hoạch quản lý chất lượng không?

Bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng:

Khi đi dự tại một số hội thảo quốc tế, nhiều người thường phát biểu rằng: “Thành phố của tôi là thành phố ô nhiễm nhất”. Chưa nói đến đúng hay sai nhưng từ đó cho thấy người dân đã nhận thức được việc ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí tại nơi mình sinh sống.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội chủ yếu là ô nhiễm bụi 'tử thần' ảnh 7

Bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng.

Người dân có thể dễ dàng nhìn thấy rác thải hay nhìn thấy một dòng sống bẩn bị ô nhiễm nước, nhưng ô nhiễm không khí không phải ai cũng có thể nhận ra.

Từ các thông tin được cung cấp trên mạng xã hội, từ báo chí, xem được trên tivi, người dân đã dần quan tâm và ý thức hơn về việc ô nhiễm không khí.

Ví dụ ngay khi có thông tin về cháy rừng được đăng tải trên các phương tiện truyền thông thì người dân đã tự có nhận thức rằng trong không khí đang có rất nhiều tro, bụi và bản thân và gia đình mình phải đeo khẩu trang khi ra đường để bảo vệ sức khỏe.

Đó là 1 điểm sáng, 1 tin vui cho những người làm về môi trường như chúng tôi. Bởi hiện ô nhiễm môi trường không khí đã đánh động được sự quan tâm của người dân hiện nay.

Qua các hội thảo, các buổi gặp gỡ và trao đổi cho thấy ô nhiễm môi trường không khí đang là vấn đề được người dân quan tâm nhất hiện nay, hơn hẳn ô nhiễm nước hay rác thải.

Có nhiều doanh nghiệp đã chủ động tham gia vào việc giảm thiểu ô nhiễm không khí, chủ động đến và bắt tay với các cơ quan nhà nước để phát động các chiến dịch giúp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm.

Nhiều nước trên thế giới cũng đã ban hành những kế hoạch quản lý chất lượng không khí, chúng ta cần tìm ra bài học để truyền thông phù hợp với Việt Nam.

Chúng ta đã nói rất nhiều về ô nhiễm nhưng chưa nói nhiều về giải pháp. Tại Hà Nội đã có nhiều biện pháp về giảm thiểu ô nhiễm, từ đó các địa phương cần noi theo và cần đưa tới cho người dân biết tới các giải pháp.

Truyền thông cần bền bỉ và đưa những câu chuyện về giảm thiểu ô nhiễm không khí đến cho người dân và chia sẻ với người dân để biết đây là vấn đề lâu dài và cấp thiết

Theo tôi đây là điều mà mỗi người dân, mỗi gia đình cần quan tâm. Việc quan tâm đến ô nhiễm không khí thường nằm ở thành phố lớn, như HN và TPHCM, chỉ cần ra khỏi các thành phố lớn là mối quan tâm khác hẳn. Theo tôi truyền thông cần đi sâu vào khi vấn đề xảy ra tác động nặng nề vào đối tượng nào. Bởi không chỉ ở thành phố hay nông thôn, vấn đề ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến tất cả mọi người ở mọi vùng miền.

Theo tôi phải làm sao để đây không phải là sự quan tâm nhất thời và phải làm sao để hình thành lối sống bảo vệ môi trường của người dân.

Khi nhà nước đưa ra giải pháp bảo vệ môi trường, nếu mà người dân không hiểu và không áp dụng thì cũng không giúp ích gì. Vì thế truyền thông cần đưa thêm nhiều thông tin cho người dân hiểu và chủ động áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí.

28/07/2023 10:58

Ô nhiễm không khí xuyên biên giới

Khó khăn, thách thức và thuận lợi khi Hà Nội xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng không khí?

Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường:

Về thuận lợi, Hà Nội là thủ đô, trung tâm chính trị, đầu não đất nước. Hà Nội cũng là nơi tập trung các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về vấn đề môi trường. Nhờ đó, đòi hỏi về chất xám là không thiếu.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội chủ yếu là ô nhiễm bụi 'tử thần' ảnh 8

Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội

Tuy nhiên, Hà Nội vẫn tồn tại nhiều vấn đề, cần phải có quyết tâm chính trị rất lớn, không chỉ ở Hà Nội mà các địa phương trên toàn quốc.

Như chúng ta biết, ô nhiễm không khí bắt nguồn từ thành phố chỉ chiếm phần ít. Phần lớn ô nhiễm đến từ các tỉnh ngoài, thậm chí xuyên biên giới.

Một thuận lợi khác là Hà Nội tập trung bộ, ngành trung ương, nhờ đó nhận được nhiều hỗ trợ về kinh tế, văn hoá - xã hội và cả môi trường. Song song với đó, Hà Nội chịu nhiều sức ép, phải trở thành bộ mặt, tấm gương cho cả nước.

Hiện tại, Hà Nội đang xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi. Hà Nội là địa phương duy nhất có luật riêng. Đây cũng là lợi thế. Luật mang đến cho Hà Nội cơ hội áp dụng những chính sách đột phá nhất, nhận được những cơ chế đặc thù, giúp cải thiện thủ đô trên mọi khía cạnh.

Chúng tôi hy vọng Luật Thủ đô sửa đổi đưa ra được những điều luật mang tính đột phá trong bảo vệ môi trường, có thể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; tạo được khung pháp lý để Hà Nội được hỗ trợ về nguồn lực tài chính và nhân lực về cả số lượng và chất lượng.

Hà Nội là đô thị lớn nhất nước, nhưng cán bộ về quản lý môi trường chỉ có khoảng 50 người. Cán bộ làm công việc này ở địa phương còn ít hơn.

Chúng tôi mong luật sửa đổi giúp thu hút nhân tài, tạo nguồn lực cho vấn đề bảo vệ môi trường. Không chỉ số lượng, chất lượng nhân lực cũng được cải thiện.

Bên cạnh đó, luật sửa đổi có thể hoàn thiện và cụ thể hơn những quy định đã có trong Luật Bảo vệ Môi trường.

Ngoài nhân lực, nguồn lực về tài chính cũng quan trọng. Vấn đề là làm sao để thu hút được nguồn lực đó, từ trong và ngoài nước, để thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường. Đó là thách thức lớn nhất hiện nay.

28/07/2023 11:07

Quản lý không khí, cần cái 'bắt tay' của nhiều ngành

Từ thực tế triển khai, ông nhận thấy những khó khăn, thách thức lớn nhất của nước ta trong việc triển khai các giải pháp cải thiện chất lượng môi trường không khí?

Ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội chủ yếu là ô nhiễm bụi 'tử thần' ảnh 9
Ông Lê Hoài Nam

Giải quyết vấn đề quản lý chất lượng không khí, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Như chúng ta đều biết, vấn đề ô nhiễm không khí chủ yếu xuất phát từ các ngành dịch vụ, công nghiệp, giao thông… Việt Nam là nước đang phát triển, mục tiêu hiện tại của chúng ta vẫn là trở thành đất nước công nghiệp. Từ thực tế đó, rõ ràng là các nguồn phát thải nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng theo đà tăng lên. Từ đó, công tác quản lý chất lượng không khí cũng khó khăn theo.

Ngoài quản lý, kiểm soát chất lượng không khí, chúng ta cần phải chuyển đổi sang các ngành công nghiệp thân thiện môi trường.

Bên cạnh đó, nước ta đang tiếp nhận các ngành công nghiệp sử dụng nhiều tài nguyên, năng lượng. Các ngành sử dụng năng lượng hoá thạch là chủ yếu, dẫn đến phát thải tăng.

Cần có nỗ lực và hành động đồng bộ từ nhiều ngành trong quản lý chất lượng không khí. Nếu muốn cải thiện chất lượng không khí, cần có sự hợp tác của các ngành, nếu chỉ một số ngành thì không giải quyết được. Ngoài ra, đây không chỉ là vấn đề ở trung ương, mà còn cần sự góp sức ở địa phương nữa.

Ngoài quản lý, kiểm soát tốt chất lượng không khí, chúng ta cần phải chuyển đổi sang các ngành công nghiệp thân thiện môi trường. Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi nguồn lực, khoa học công nghệ và nhân lực rất lớn. Do điều kiện kinh tế của nước ta hiện nay, đầu tư cho bảo vệ môi trường còn hạn chế.

Với tình hình hiện tại, chúng ta điều kiện đến đâu thì cung cấp nguồn lực đến đó. Đây không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai. Như nước láng giềng của chúng ta, Trung Quốc, cũng cần đến hàng chục năm và đầu tư nguồn lực rất lớn cho quá trình cải thiện chất lượng không khí.

28/07/2023 11:14

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội chủ yếu là ô nhiễm bụi 'tử thần' ảnh 10

Ô nhiễm không khí không phải là vấn đề của riêng mỗi địa phương. Việc ứng dụng chuyển đổi số là cơ hội lớn, nếu thực hiện, chúng ta sẽ nắm được thông tin dữ liệu cần thiết, xác định nguồn ô nhiễm, xác định nguyên nhân, trách nhiệm rõ ràng, phân bổ hợp lý các nguồn lực. Từ đây, sự tham gia vào cuộc của đơn vị, cộng đồng cũng mở rộng. Đây là cơ hội vàng, biến cơ hội thành việc làm cụ thể để bảo vệ môi trường” - Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam.

28/07/2023 11:28

Đầu tư vào khoa học để nâng cao chất lượng không khí

Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm thành công trong cải thiện chất lượng môi trường không khí trên thế giới.?

Bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng:

Cách đây khoảng 20 năm tôi sang Bangkok, và mới đây tôi quay lại thành phố này, cảm thấy nơi đây phát triển rất kinh khủng với quá nhiều tòa nhà cao tầng, hệ thống giao thông dày đặc. Tôi nghĩ các thành phố của Việt Nam không nên phát triển quá nhanh như vậy. Tôi vẫn thích không khí tại Hội An hay Đà Nẵng hơn.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội chủ yếu là ô nhiễm bụi 'tử thần' ảnh 11

Bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng

Theo tôi, chúng ta nên tạo một con đường phát triển xanh riêng, không nên áp dụng công nghệ phát triển của nước ngoài vào nước ta. Tôi nghĩ chúng ta cần nhìn vào sự phát triển của một số nước trên thế giới để tránh đi vào con đường đó. Nhật là nước rất là giàu và chi phí sinh hoạt cao, ví dụ một chai nước mua tại Việt Nam chỉ 5 nghìn đồng, nhưng mua tại Nhật có giá 50 nghìn đồng. Khi tìm hiểu thì tôi biết được giá cao là do người ta cần chi phí để xử lý rác thải, chi phí cho người lao động,… Từ đó có thể thấy Việt Nam đang có con đường phát triển khá tốt với một môi trường xanh, giá cả phải chăng, phù hợp với mức sống người dân.

Theo tôi, về hướng phát triển đất nước, chúng ta không nên tự biến nước mình thành xưởng công nghiệp cho nước khác, xây dựng hệ thống giao thông công cộng để không có quá nhiều phương tiện giao thông, giảm thiểu khí thải.

Chúng ta có thể học bài học từ Trung Quốc và các nước khác như họ có một hệ thống minh bạch thông tin các sản phẩm về nguồn gốc, chất thải, khí thải. Có thể mất 10-15 năm để có thể đưa ra một hệ thống dữ liệu như vậy. Nhưng để phát triển bền vững thì điều đó chúng ta thực hiện được.

Tại Việt Nam đã có một số doanh nghiệp nước ngoài đã đưa ra những tiêu chuẩn về sản phẩm ép các xí nghiệp trong nước thực hiện theo.

Theo tôi nên gia tăng áp lực của người tiêu dùng, áp lực của chính sách để giảm thiểu tình trạng ô nhiềm môi trường từ các khu công nghiệp.

Bên cạnh đó nhiều thành phố trên thế giới đã áp đặt ra các khu phát thải thấp. Ví dụ như ở Việt Nam đã có nhiều khu phố đi bộ,

Theo tôi thời gian tới nên tăng cường phát triển đường đi xe đạp, đường đi bộ, xe buýt chung đối với học sinh.

Để giảm thiểu khí thải cần có sự phối hợp khác nhau giữa các doanh nghiệp, phối hợp giữa người dân và có sự kiểm soát, giám sát của các cơ quan chức năng.

Các cơ quan chức năng khi đã có kế hoạch thì phải giám sát để đáp úng đúng kế hoạch.

Bên cạnh đó nên đầu tư vào nghiên cứu, vào khoa học để góp phần nâng cao chất lượng không khí.

Đồng thời lôi kéo sự tham gia, giám sát của người dân, tự nhắc nhở nhau bảo vệ môi trường tránh khỏi sự ô nhiễm không khí.

28/07/2023 11:33

Trước những khó khăn, thách thức, thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ có những giải pháp gì thúc đẩy cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam?

Ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Với những khó khăn, thách thức đã được nêu ra từ các chuyên gia, chúng ta cần có những giải pháp thiết thực để giải quyết các vấn đề, thúc đẩy cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội chủ yếu là ô nhiễm bụi 'tử thần' ảnh 12
Ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Hiện tại, chúng ta đã có Luật Bảo vệ Môi trường 2020, Kế hoạch bảo vệ môi trường không khí quốc gia.

Tuy nhiên, từng đó thôi chưa đủ, cần phải có những giải pháp cụ thể hơn.

Về vấn đề này, Bộ TN&MT đưa ra các nhóm giải pháp chính. Đầu tiên là nhóm giải pháp đồng bộ hoá các quy định pháp luật.

Kiểm soát chất lượng không khí không phải câu chuyện của Luật Bảo vệ Môi trường, mà còn là các quy định pháp luật cho những lĩnh vực khác.

Ví dụ về kiểm soát khí thải xe máy. Hiện chưa có hành lang pháp lý kiểm soát khí thải xe máy, Bộ TN&MT muốn giải quyết nhưng có liên quan đến Bộ Giao thông Vận tải. Ngoài ra, nó còn liên quan đến vấn đề kinh tế, mưu sinh của người dân.

Về phía Bộ TN&MT, chúng tôi đang xây dựng quy chuẩn khí thải xe máy, nhưng cần phải có sự phối hợp với các bộ, ban ngành khác.

Để thực hiện giải pháp quản lý nguồn thải, cần phải được quy định từ các luật liên quan, không chỉ Luật Bảo vệ Môi trường.

Thứ hai là đồng bộ hoá về mặt hành động. Không có sự đồng bộ không đạt được mục tiêu.

Ví dụ có quy định về kiểm soát khí thải ô tô, nhưng nếu không có tiêu chuẩn, quy chuẩn nhiên liệu.

Những năm qua, chúng tôi đã tích cực thảo luật với các bộ, ban ngành khác để có tiếng nói chung trong bảo vệ môi trường.

Nhóm giải pháp thứ ba là chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.

Chúng ta cần chuyển đổi từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng sạch.

Ví dụ, Việt Nam có nguồn năng lượng sinh khối dồi dào như vỏ trấu. Hiện tại, chúng ta đang chuyển đổi từ sử dụng lò hơi sang viên trấu nén, các lò hơi chạy bằng dầu chuyển sang sử dụng dự phòng.

Các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất cũng đã đầu tư, lắp đặt tấm điện mặt trời. Doanh nghiệp đầu tư nhưng vẫn có các vướng mắc như cách giải quyết năng lượng dư thừa.

Về phía cơ quan nhà nước, cần có các cơ chế rõ ràng, phối hợp triển khai nhanh chóng nhất, giúp chúng ta chuyển đổi sang công nghiệp sạch.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội chủ yếu là ô nhiễm bụi 'tử thần' ảnh 13

Trước những thiệt hại do ô nhiễm không khí gây ra, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định nhiều công cụ kiểm soát môi trường không khí, trong đó cấp quốc gia và cấp tỉnh phải ban hành và triển khai Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí. Đây được coi là công cụ tổng thể kiểm soát, tiến tới giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Nhằm ghi nhận tình hình triển khai việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng không khí thời gian qua, những thuận lợi, khó khăn và giải pháp thúc đẩy, Báo Tiền Phong phối hợp với Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Tọa đàm: Quản lý chất lượng không khí: Công cụ tổng thể kiểm soát giảm thiểu ô nhiễm

KHÁCH MỜI TỌA ĐÀM

- Ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam.

- Bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn).

- Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Báo Tiền phong điện tử tường thuật trực tiếp tọa đàm trên website Tienphong.vn

MỚI - NÓNG