Oan oan tương báo

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trẻ con xưa có một trò chơi dễ mà khó - hai đứa chằm chằm nhìn nhau, ai chớp mắt trước bị coi là kém bản lĩnh hơn, yếu thế hơn, bị xử thua, nhưng cả hai và đám bạn vây quanh đều cười vui.

Người lớn giờ cũng chơi trò này nhưng ở cấp độ quốc gia và trên mặt trận quân sự, với hậu quả thường là vòng xoáy bạo lực “ăn miếng trả miếng”, người dân các nước liên quan và nhiều quốc gia khác lãnh đủ.

Mấy thập kỷ qua, Israel coi Iran là đối thủ lớn nhất, trong khi Iran tuyên bố họ muốn xóa Israel khỏi bản đồ thế giới. Iran hậu thuẫn nhiều nhóm vũ trang mà Israel coi là mối đe dọa, như Hezbollah, Hamas… (Hamas ngày 7/10/2023 đột kích Israel, giết hơn 1.100 người, bắt cóc khoảng 250 con tin; nay còn giữ hơn 100 con tin). Iran cũng ủng hộ các hành động chống Israel và Mỹ, như việc không kích của Houthi ở Yemen, của Hezbollah ở Li-băng, của Lực lượng kháng chiến Hồi giáo ở Iraq và Syria…

Vì vậy, những năm gần đây tại Syria, Israel tích cực thực hiện một chiến dịch quân sự đặc biệt có thể coi là “cuộc chiến giữa các cuộc chiến” nhằm vào các chuyến hàng chở vũ khí của Iran tới Li-băng (nơi đóng chân của lực lượng Hezbollah hùng mạnh được coi là một “nhà nước trong nhà nước”). Israel cũng có nhiều hoạt động bí mật nhằm vào chương trình hạt nhân, căn cứ quân sự, cơ sở hạ tầng năng lượng của Iran. Tính riêng giai đoạn 2010-2012, bốn nhà khoa học hạt nhân của Iran bị đánh bom hoặc bắn chết; phía Iran cáo buộc Israel, cụ thể là cơ quan tình báo Mosad, đứng đằng sau các vụ ám sát. Các cơ quan tình báo phương Tây và một số quan chức Mỹ xác nhận sự liên quan của phía Israel.

Ngày 3/1/2020, máy bay không người lái Mỹ phóng tên lửa giết chết trung tướng Qasem Soleimani, lãnh đạo Quds (đơn vị chịu trách nhiệm chính cho các hoạt động quân sự ngoài lãnh thổ của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran - IRGC). Lãnh tụ tối cao Iran, Ali Khamenei, tuyên bố “đòn trả đũa tàn khốc đang chờ những kẻ giết hại tướng Soleimani”. Đòn trả đũa tàn khốc chưa tới thì ngày 1/4/2024, tòa nhà lãnh sự trong Đại sứ quán Iran ở thủ đô Damascus của Syria hứng tên lửa, khiến 13 người thiệt mạng, gồm 7 thành viên cấp cao (trong đó có 2 thiếu tướng) của IRGC.

Tâm lý chung của giới lãnh đạo là không thể để đối thủ truyền kiếp “được đằng chân lân đằng đùi”; tuyên bố của mình không thể là lời nói suông không trọng lượng, mà nói phải có người nghe, đe phải có người sợ; đối thủ cùng đồng minh phải nể mặt, không dám khinh nhờn…

Đêm 13 rạng sáng ngày 14/4/2024, lần đầu tiên từ lãnh thổ của mình, Iran không kích Israel. Tuy hầu hết trong số hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái Iran bị hệ thống phòng thủ của Israel bắn hạ hoặc bị lực lượng Mỹ, Pháp, Anh, Jordan và Ả-rập Xê-út đánh chặn; chỉ có hai căn cứ không quân bị hư hại nhẹ, nhưng chắc chắn giới chức Israel không thể không trả đũa cuộc tấn công đầu tiên của Iran. Nhiều đồng minh đang bày tỏ ủng hộ quyền đáp trả, quyền tự vệ của Israel; có nghị sĩ Mỹ còn kêu gọi Tổng thống Joe Biden hạ lệnh trả đũa Iran. Thực tế, ông Biden không muốn xung đột Israel-Iran lan rộng ra Trung Đông trong bối cảnh bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, tuyên bố không tham gia các hành động trả đũa của Israel, yêu cầu Israel “suy nghĩ cẩn thận và có chiến lược” trước khi phản ứng.

Nếu Israel trả đũa kịch liệt, nước này sẽ sa lầy vào một chiến trường mới chắc chắn khốc liệt hơn Dải Gaza vì nguồn lực quân sự có hạn, vì Iran có chỉ số hỏa lực quốc gia (GFC) tương đối cao là 14/145, trong khi GFC của Israel là 17. Theo giới chuyên gia, dù sức mạnh và độ tinh vi của các lực lượng vũ trang Iran, nhất là không quân, tăng-thiết giáp, không bằng Israel, nhưng Iran được coi có sức mạnh quân sự hàng đầu Trung Đông, xét về mặt vũ khí, khí tài, sự gắn kết, kinh nghiệm và chất lượng nhân lực. Ngoài ra, Israel sẽ bị cô lập hơn trên trường quốc tế. Đã có quá nhiều tang thương ở Dải Gaza từ khi Israel mở chiến dịch tấn công trên không, trên bộ; hơn 33.000 người Palestine đã thiệt mạng. Nhiều người dân Israel vẫn đang chỉ trích Thủ tướng Israel đã không chặn được cuộc đột kích của Hamas, chưa giải cứu được số con tin còn lại.

Tuy nhiên, không ai muốn chớp mắt trong trò “trừng mắt” hay bẻ lái trong trò “đâm xe trực diện”. Nội các chiến tranh Israel đã bàn phương án đáp trả, vấn đề chỉ là thời gian và cách thức thực hiện. Trước mắt, mục tiêu nhẹ nhất có thể là một vài cơ sở hạ tầng, căn cứ quân sự ít nhạy cảm nào đó. Mục tiêu nặng nhất có thể là cơ sở hạt nhân của Iran (đồng nghĩa với việc chấp nhận viễn cảnh Iran sẽ dội tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân vào Israel để trả đũa, hoặc chí ít Hezbollah tham gia tấn công Israel, Iran đóng cửa vịnh Ba Tư…). Mục tiêu trung bình có thể là một vài căn cứ quân sự Iran dùng để phát động không kích Israel cuối tuần qua. Lâu dài, mục tiêu có thể lại là những cá nhân, tổ chức bị Israel liệt vào hàng nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Dù mục tiêu là gì thì thiệt hại đều phát sinh, cả trước mắt và lâu dài. Bài học xung đột Israel-Hamas, Nga-Ukraine… vẫn còn đó. Chỉ mong giới lãnh đạo không chỉ cân đối bài toán thể diện quốc gia, lợi ích quốc gia mà còn cân nhắc quyền và lợi ích chính đáng của các nước khác, tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế. Để trò chơi (trẻ con) là trời cho, là nhảy chân sáo; không phải là trò chơi (người lớn) là trời phạt, là máu chảy đầu rơi…

MỚI - NÓNG
Cựu chiến binh Trần Văn Tứ hồi nhớ ký ức về những năm tháng chiến đấu ở Điện Biên Phủ
Những ân tình của một cựu binh
TP - 70 năm qua, dù vết thương trên da thịt đã lành theo năm tháng nhưng ký ức hào hùng về một thời “hoa lửa” của Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức người lính già Trần Văn Tứ (SN 1926, ở xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).
Xe thồ hỏa tuyến xứ Thanh
Xe thồ hỏa tuyến xứ Thanh
TP - Tận dụng ánh sáng pháo của quân giặc thả, xé áo quấn lốp, luồng làm nan hoa... đoàn quân xe thồ từ Thanh Hóa vượt núi băng rừng, vận chuyển lương thực hướng về chiến trường Điện Biên Phủ.