Ồn ào thu phí âm nhạc trên ti vi: Ít và nhiều, đúng và sai

Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục bản quyền tác giả.
Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục bản quyền tác giả.
TP - Mấy ngày qua chuyện thu phí  âm nhạc trên ti vi ở các phòng nghỉ khách sạn râm ran dư luận. Không chỉ chủ kinh doanh khách sạn mà nhiều khán giả, nhiều luật sư cũng cất lên tiếng nói của mình. Đây là một câu chuyện thú vị về cách hiểu và vận dụng luật. Qua chuyện này cũng thấy, một phần của sự ồn ào không cần thiết nằm ở chỗ: Nhiều người đã “quen dùng đồ miễn phí”.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên TPCN, Cục trưởng Cục bản quyền tác giả, ông Bùi Nguyên Hùng cho biết: Sau cuộc họp giữa Cục bản quyền tác giả và Trung tâm bảo vệ  quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thì VCPMC đã đồng ý chấp hành nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Cục bản quyền tác giả, dừng thu phí âm nhạc trên ti vi tại các phòng nghỉ khách sạn. Ông khẳng định, việc thực hiện bảo vệ quyền tác giả âm nhạc của VCPMC là đúng nhưng cần minh bạch, đúng qui trình.

Ai phải trả tiền? 

Một độc giả trích nguyên lời ông Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC: “Việc khách sạn mở ti vi có âm nhạc phục vụ gián tiếp, dù ít hay nhiều cho doanh thu khách sạn đó, tức kinh doanh. Nguyên tắc là tổ chức cá nhân dùng âm nhạc phục vụ cho hoạt động kinh doanh thì có nghĩa vụ trả tiền”. Vị này “vặn”: “Người làm chương trình để phát lên ti vi phải trả tác quyền chứ không phải người dùng cái ti vi để kinh doanh. Người sử dụng ti vi hoàn toàn bị động, họ không thể quyết định nghe bài này hay bài kia. Đặt trường hợp ngược lại, nếu bài hát dở làm khách hàng bỏ đi thì mấy ông thu tác quyền có trả lại tiền cho khách sạn không?”.

Phản ứng trên được nhiều người ủng hộ: “Thu tiền bản quyền của người làm ra chương trình thì không nói, nhà đài đã bán bản quyền cho các công ty cung cấp dịch vụ, người dân trả tiền để sử dụng dịch vụ thì chả có lí do gì trả thêm tiền tác quyền nữa”. Ý kiến khác: “Người phải trả tiền cho tác giả là nhà đài, còn người dùng thì trả bằng hình thức khác cho nhà đài, nắm được cái gốc mới có cái ngọn” v.v…

Xoay quanh câu chuyện, một số luật sư đã bày tỏ quan điểm trên các báo: “Việc VCPMC đòi thu tiền các khách sạn vì sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm là không thuyết phục và vô hình trung lại thu tiền oan với các khách sạn” (TS Lê Minh Hùng, giảng viên ĐH Luật TP HCM); “VCPMC thu tiền chủ khách sạn là sai đối tượng” (LS Trần Hùng, Đà Nẵng).

Nhiều người lo ngại: Cứ tình trạng này thì tới đây siêu thị, cửa hàng bật nhạc cũng phải trả tiền, mấy anh xe khách đường dài mở nhạc cho khách nghe cũng bị thu phí, thậm chí mấy anh bán kẹo kéo suốt ngày bật nhạc đi  rong ngoài đường cũng liệu chừng.

Ồn ào thu phí âm nhạc trên ti vi: Ít và nhiều, đúng và sai ảnh 1 “Sàn nhảy không có nhạc thì nhảy làm sao?” (ảnh minh họa).

Không được thu của “người khác”

Cục trưởng Cục bản quyền tác giả trấn an người dân: Người dân cứ bật ti vi xem mọi chương trình ca nhạc, yên tâm không bị thu phí như ở các khách sạn. “Những người dân bình thường như tôi không phải trả phần tiền tiếp theo (sau phí sử dụng dịch vụ truyền hình- pv), vì chúng ta xem, nghe tại nhà. Nhưng khi bạn hoạt động kinh doanh có sử dụng âm nhạc thì bạn phải trả thêm tiền”, ông Bùi Nguyên Hùng giải thích. Cục trưởng cũng khuyến khích: “Mọi người phải quen với điều đó đi. Việc thu phí vừa qua là đúng, thể hiện văn minh đi lên nhưng cần có lộ trình hợp lí”.

Theo Cục trưởng Bùi Nguyên Hùng: “VCPMC chỉ được phép thu khi xác định được trong chương trình đó có tác phẩm nào của “ông” không, tác phẩm ấy có thuộc hội viên của “ông” không? “Ông” phải chứng minh. Sau khi chứng minh được, “ông” phải đàm phán và đạt được sự đồng thuận của bên khai thác sử dụng, chứ không phải “tống đạt” một công văn như thế. Và khi làm việc đó, phải báo cáo lên Bộ Văn hóa theo đúng qui định”. Cần thiết phải làm chặt chẽ như vậy vì việc thu phí cần rõ ràng, minh bạch: “Nếu trong chương trình có 10 bài của tác giả mà VCPMC đại diện thì VCPMC phải chứng minh, mới nhận được tiền đó. Bởi biết đâu trong đó có cả của tác giả không phải hội viên của VCPMC thì sao “ông” lại được tiền?”.

Có người thắc mắc: Nếu cơ sở kinh doanh (cụ thể là phòng nghỉ khách sạn) có ti vi nhưng không xem ca nhạc thì có phải trả tiền không? Cục trưởng Cục bản quyền tác giả đáp: “Xem hay không xem chương trình ca nhạc thì theo thông lệ quốc tế nó cũng đã nằm trong “gói” chung rồi”. Về băn khoăn của nhiều người quanh mức thu phí 25 ngàn đồng, ông Cục trưởng bày tỏ thái độ với VCPMC: “Người Việt Nam đòi hỏi phải minh bạch. Người ta không chấp nhận trả 25 ngàn đồng, không phải chuyện cao hay thấp mà nó là cái gì?”. Cục bản quyền không tham gia vào câu chuyện mức phí nhưng Cục trưởng đề nghị VCPMC “phải làm đúng qui trình, phải xây dựng biểu giá, đi đàm phán với bên sử dụng tác phẩm của hội viên mình để đạt được đồng thuận, nếu không đạt được đồng thuận thì một trong những hình thức có thể dùng tới là khởi kiện tại Tòa án theo qui định của pháp luật”.

Về lâu dài, các cửa hàng, siêu thị… có gián tiếp sử dụng âm nhạc phục vụ mục đích kinh doanh cũng phải thu phí. “Chúng ta phải thích nghi với việc dùng âm nhạc phục vụ kinh doanh phải trả tiền. Các bạn thử nghĩ xem, sàn nhảy disco nếu không có nhạc thì nhảy làm sao, khách sạn không có vô tuyến có được xếp “sao” không ? Người ta (tức VCPMC) thu là đúng rồi. Nhưng với điều kiện là phải có tác phẩm của tác giả là hội viên của “ông”. “Ông” chỉ được phép làm thế, không được thu của người khác, đó là khẳng định luôn”.

Từ ồn ào quanh chuyện thu phí âm nhạc trên ti vi ở các phòng nghỉ khách sạn, hỏi một người sinh sống lâu năm ở nước ngoài, dịch giả Lê Quang cảm thấy chẳng có gì đáng phải... náo động: “Ở Đức, về nguyên tắc thì đơn giản.

Nguyên tắc thứ 1: Cơ quan cung cấp sóng (tức các sản phẩm ca nhạc, phim, kịch…) truyền hình và truyền thanh phải thu phí cho dịch vụ đó. Cá nhân nào sử dụng sóng thì trả lệ phí, trong lệ phí đó đã có cả bản quyền cho các tác phẩm được phát.

Nguyên tắc thứ 2: Ai dùng ti vi với mục đích rộng hơn mục  đích cá nhân, tức là đem các sản phẩm ca nhạc, phim, kịch… được phát sóng ra kinh doanh, ví dụ karaoke, mua vui cho khách nghỉ hotel, khách ăn tại nhà hàng v.v.. thì phải trả lệ phí như điểm 1, cộng với tiền bản quyền”.

Lê Quang bình luận: “Ta ưa dùng đồ miễn phí nên kêu ca, thử hỏi, nếu không có các nhạc phẩm trên sóng để họ mua vui cho khán giả thì khán giả sẽ không ăn, không hát, không qua đêm ở đó, vậy cớ gì xài chùa sản phẩm trí tuệ của người khác?”.  Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cũng gửi gắm dư luận: Đừng quên chúng ta đang hội nhập.

MỚI - NÓNG
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

‘Chị đại’ Kim Hye Soo lại gây sốt

‘Chị đại’ Kim Hye Soo lại gây sốt

TPO - Phim Hàn Quốc “Unmasked” tạo được nét riêng khi cân bằng giữa yếu tố trinh thám, hài hước và tâm lý. Sự trở lại của chị đại Kim Hye Soo càng làm tăng thêm sức hút, giúp tác phẩm nhanh chóng gây sốt khi ra mắt.
Song Hye Kyo dành 6 tháng tập hút thuốc

Song Hye Kyo dành 6 tháng tập hút thuốc

TPO - Song Hye Kyo biết ơn dòng phim tình cảm lãng mạn làm nên tên tuổi của cô, nhưng hiện tại diễn viên cảm thấy hưng phấn với dòng phim nhuốm màu đen tối. Cô dành 6 tháng tập hút thuốc để phục vụ vai diễn trong phim điện ảnh "Dark Nuns". 
Rosé (BlackPink) chụp ảnh nội y gây tranh cãi

Rosé (BlackPink) chụp ảnh nội y gây tranh cãi

TPO - Rosé trở thành nàng thơ của Kim Kardashian trong bộ sưu tập nội y nhân ngày Valentine. Bộ ảnh ngọt ngào và quyến rũ thu hút hàng triệu lượt yêu thích từ cư dân mạng. Tuy nhiên, không ít người phản đối nữ ca sĩ hợp tác với gia đình Kardashian-Jenner.