Ông chủ doanh nghiệp Hàn lấy bằng tiến sĩ Việt ở tuổi 50

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ông Kim Tae Kyu (Hàn Quốc) được Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng trân trọng trao bằng Tiến sĩ sau thời gian miệt mài nghiên cứu, học tập. Ở tuổi 50, tân tiến sĩ vẫn ôm tham vọng sẽ đóng góp tích cực trong quan hệ, môi trường làm việc giữa hai quốc gia như hoài bão của chàng trai trẻ cách đây 30 năm khi Việt – Hàn bắt tay thắt chặt quan hệ.
Ông chủ doanh nghiệp Hàn lấy bằng tiến sĩ Việt ở tuổi 50 ảnh 1
Ông Kim Tae Kyu cùng hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ

Người đi đầu

Giữa hàng trăm tân tiến sĩ, thạc sĩ nhận bằng tốt nghiệp trong buổi lễ trao bằng ở trường ĐH Kinh tế, duy nhất ông Kim là người Hàn Quốc. Ông nở nụ cười hiền lành, cởi mở, nói tiếng Việt sành sỏi: “Tôi rất vui vì ngày này đã đến, cầm tấm bằng Tiến sĩ ngành Quản trị kinh doanh trên tay”.

Ngay từ cuối năm 1992, khi Việt Nam – Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, chàng trai chưa tròn đôi mươi Kim Tae Kyu “nhìn xa trông rộng”, đăng ký ngay học tiếng Việt tại trường ĐH Ngoại ngữ Busan vì nghĩ cái gì đi đầu cũng có giá trị.

“Lúc đó có rất nhiều học bổng, nhiều công ty Hàn Quốc bắt đầu lấn sân sang Việt Nam. Trên báo chí cũng giới thiệu rất nhiều về tiềm năng, khả năng phát triển đất nước này. Tôi nghĩ cơ hội ở đây rồi. Nếu mình học tiếng Việt tốt, xác suất sang Việt Nam làm việc và thành công sẽ rất cao”, ông nhớ lại.

Ông chủ doanh nghiệp Hàn lấy bằng tiến sĩ Việt ở tuổi 50 ảnh 2

Tân tiến sĩ Kim Tae Kyu. Ảnh: Thanh Trần

Thời điểm ấy, ở trường có các thầy cô ở Việt Nam sang dạy tiếng, cả giọng miền Bắc và miền Nam cho sinh viên dễ phân biệt. Ông khẳng định tiếng Việt cực kỳ khó, khó hơn rất nhiều so với tiếng Anh. Học tại trường không đủ, mỗi dịp nghỉ hè, nghỉ đông, lớp sinh viên ngày ấy lại sang Việt Nam để nâng cao kỹ năng nghe, nói, giao tiếp với người bản địa. Học xong tiếng Việt, chàng trai trẻ Kim Tae Kyu tiếp tục học Đại học ngành Quản trị kinh doanh. Khi đang học năm thứ tư, giám đốc một công ty có đối tác ở TPHCM tới trường tìm nhân tài sang Việt Nam làm việc, và ông đã đồng ý. Vậy là niềm tin “người đi đầu bao giờ cũng có giá trị” đã thành hiện thực, ông bắt đầu làm đại diện cho công ty của Hàn Quốc tại TPHCM suốt 4 năm. Khoảng thời gian ấy thật sự quý báu để làm quen, trải nghiệm và tích luỹ kinh nghiệm trong công việc cũng như trau dồi vốn tiếng Việt của mình.

“Lúc đó vừa làm tôi vừa học và lấy bằng thạc sĩ. Muốn thành công hơn nữa thì phải tự nâng cấp mình”, ông nói. Không ngừng nghỉ, chàng trai xứ Hàn tiếp tục sang Anh học rồi về đầu quân cho một tập đoàn lớn của Hàn Quốc, sau đó quay lại Việt Nam, làm việc tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) từ năm 2006 – 2015, sau đó tiếp tục vào TPHCM làm giám đốc của một công ty Hàn Quốc đến năm 2019.

“Cùng lớp trai trẻ chọn Việt Nam như tôi ngày ấy, có rất nhiều người đã là giám đốc, chủ tịch, rất thành công. Việt Nam là mảnh đất cho chúng tôi một cuộc sống tốt đẹp. Tôi ngưỡng mộ Việt Nam quá đi chứ. Hiện tại, sinh viên trường tôi sang học tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh…và rất quan tâm tới các môn học Quản trị kinh doanh, Ngoại thương bằng tiếng Việt. Tôi cũng mong rằng thế hệ trẻ sẽ tiếp tục bắc những nhịp cầu để siết chặt quan hệ và đưa cả hai nước đi lên”.

Tiến sĩ Kim Tae Kyu

Trong suốt quá trình làm việc, ông nhận thấy có một số bất cập còn tồn tại, trong đó có vấn đề tranh chấp trong lao động, mà chủ yếu là tiền lương, thưởng, giờ làm, điều kiện làm việc… Đã có nhiều cuộc đình công xảy ra, nhiều trăn trở ấm ức của công nhân không được giải tỏa, vướng mắc giữa quản lý và người lao động ngày một rối ren… “Tôi nghĩ mình nên trở thành một nhà quản lý tốt, có thể lắng nghe ý kiến, khó khăn của người lao động Việt Nam và đưa ra phương án xử lý tốt nhất”, ông chia sẻ.

Hiện tại, tân tiến sĩ Kim Tae Kyu đang dạy tại khoa tiếng Việt, Trường Đại học Ngoại ngữ Busan. Ông kể, khi dạy sinh viên, ông luôn giới thiệu văn hóa của người Việt, sự khác biệt văn hóa giữa hai nước như thế nào. Đơn giản vì ông muốn mình như một đại sứ, từ những việc nhỏ nhất có thể giúp người dân hai nước hiểu biết, yêu quý nhau hơn.

Góp thêm bàn tay siết chặt quan hệ hai nước

Lần này, ôm tham vọng từ góc độ nhà quản lý người Hàn Quốc trong doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, ông muốn chính mình sẽ nghiên cứu và đưa ra phương án xoa dịu tất cả những vấn đề tranh chấp trong lao động mà nhân viên, cụ thể là lao động Việt Nam gặp phải. Nghĩ là làm, ông đăng ký làm nghiên cứu sinh tại trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) bởi trường ở khu vực miền Trung, gần gũi với môi trường, tính cách con người nơi ông làm việc.

Ông đã miệt mài nghiên cứu, khảo sát vấn đề tranh chấp lao động từ năm 2014 đến năm 2020 trong nhiều doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tại Việt Nam. Chỉ trừ hai năm đại dịch COVID-19 gián đoạn, còn lại suốt nhiều năm ông vừa làm việc, vừa miệt mài với đề tài “Nghiên cứu các nhân tố tác động đến việc tranh chấp lao động – Trường hợp các doanh nghiệp FDI từ Hàn Quốc tại Việt Nam” của mình. Luận án đã chỉ ra được những nhân tố tác động đến tranh chấp lao động, hướng giải quyết để tạo môi trường làm việc lý tưởng hơn... Trường ĐH Kinh tế đánh giá luận án của ông có nhiều đóng góp mới, đặc biệt là tác giả đưa ra những giải pháp cụ thể và thiết thực trong việc giải quyết tranh chấp. Và dĩ nhiên, những khảo sát, nghiên cứu trong luận án rất hữu ích cho các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc trong việc thiết lập các chính sách quản lý nguồn nhân lực.

“Có tấm bằng tiến sĩ trong tay, tôi rất hạnh phúc và vinh dự. Bằng tất cả kiến thức, hiểu biết, kinh nghiệm của mình, tôi muốn xóa hết những khúc mắc trong môi trường làm việc của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam để người lao động cảm thấy thoải mái, yêu thích nơi làm việc của mình. Như vậy mới làm hết khả năng, cống hiến cho công ty”, ông thẳng thắn.

Hiện tại, tân tiến sĩ Kim Tae Kyu đang dạy tại khoa tiếng Việt, Trường Đại học Ngoại ngữ Busan. Ông kể, khi dạy sinh viên, ông luôn giới thiệu văn hóa của người Việt, sự khác biệt văn hóa giữa hai nước như thế nào. Đơn giản vì ông muốn mình như một đại sứ, từ những việc nhỏ nhất có thể giúp người dân hai nước hiểu biết, yêu quý nhau hơn. Sắp tới đây, trường sẽ mở thêm nhiều môn liên quan đến ngành quản trị kinh doanh, trong đó chú ý đến các môn: thương mại Việt Nam, kinh tế Việt Nam…

Ông chủ doanh nghiệp Hàn lấy bằng tiến sĩ Việt ở tuổi 50 ảnh 3
Tiến sĩ Kim Tae Kyu rất thích người Việt vì sự chất phác và coi trọng mối quan hệ

“Tôi cũng đang lên kế hoạch cho quá trình giảng dạy bằng tiếng Việt những nội dung liên quan đến công việc mà tôi đã trải nghiệm trong doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp còn đề nghị tôi có lớp dạy đặc biệt về kinh doanh tại Việt Nam. Tôi muốn thông qua nhiều bài giảng đặc biệt này để cho các quản lý người Hàn Quốc biết những điểm quan trọng trong kinh doanh với người Việt, từ đó xây dựng môi trường làm việc lý tưởng, tạo quan hệ tốt đẹp với người Việt Nam”, ông dự định.

Kim Tae Kyu trải lòng, từ khát khao “người đi đầu thành công”, bây giờ ông đã coi Việt Nam là mối nhân duyên không thể tách rời. Suốt ngần ấy năm sinh sống, làm việc ở đất nước hình chữ S, ông coi đây là quê hương thứ hai. Ông thích cảnh quan, món ăn và con người Việt Nam – những người chất phác, rất coi trọng mối quan hệ. Mỗi năm, ông sang Việt Nam vài lần để giao lưu với các trường đại học, các giáo sư, học giả. Ông còn tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu và hợp tác cùng người Việt, “sẽ kéo dài suốt đời”, như lời ông nói.

MỚI - NÓNG
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
TPO - Khoảng 4h kém, khi mặt trời còn chưa lên, những chiếc thuyền thúng của ngư dân làng chài An Hải, Thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên nhẹ nhàng vượt sóng vận chuyển cá, mực… từ ghe đưa vào bờ. Mỗi người đều đội trên đầu một chiếc đèn pin soi sáng để phân chia từng loại hải sản. Bến cá không quá đông đúc do người mua bán chủ yếu là các hộ dân sinh sống nơi đây và một số thương lái đến thu mua hải sản để phân phối lại cho các nhà hàng.