Ông Thiếu Hoa sai, hay sinh viên nhầm?

Ông Thiếu Hoa sai, hay sinh viên nhầm?
LTS: 7 sinh viên chuyên ngành sáng tác, Khoa Lý luận - Sáng tác- Chỉ huy (thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia) phải trả gần 20 triệu đồng/người cho buổi thi tốt nghiệp của mình.

Con số này bị cho là quá cao gây nên sự bất bình đối với nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa, Chủ nhiệm Khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy, người đưa ra mức giá này. Để rộng đường dư luận, Tiền Phong đăng tải hai ý kiến trái ngược quanh câu chuyện này.

Qua vụ việc ở Học viện Âm nhạc Quốc gia, tôi có sự phân tích như sau:

1/ Số tiền 19,3 triệu đồng, xấp xỉ 20 triệu có cao? Và tại sao ông Hoa lấy 5 triệu mà mỗi thí sinh phải nộp những 20 triệu.

Để chỉ huy một tác phẩm giao hưởng (cho dù thời lượng chỉ 15 phút) thì nhạc trưởng phải làm những việc: Nghiên cứu, dàn dựng, chỉ huy những buổi tập và cuối cùng là buổi diễn tốt nghiệp. Chưa nói đó là loại lao động đặc biệt bao gồm: Tài năng (không đo đếm được) và giờ làm việc cụ thể. Nếu nhạc công được trả 1 triệu đồng/người - có báo đăng 1,6 triệu đồng/người (cho những buổi tập+buổi diễn), thì nhạc trưởng 5 triệu đâu có cao?

Và để đạt hiệu quả, một tác phẩm cho dù có khán giả hay chỉ là chấm thi thì cần chi tiêu những khoản sau: Nhạc công của dàn nhạc, âm thanh, ánh sáng... Tất cả nằm trong 15 triệu còn lại. Số tiền 20 triệu có phải ông Hoa lấy cả đâu, mà chỉ 5 triệu.

2/ Về quan điểm “đây không phải thị trường mà là nhà trường”. Và “sinh viên lấy đâu ra tiền”.

Có lẽ phải nhìn nhận các quan hệ đan xen trong bối cảnh thực tế. Trong nền kinh tế thị trường, các quan hệ trong môi trường sư phạm cũng bị chi phối. Cá nhân ông Nguyễn Thiếu Hoa và lao động của ông không hoàn toàn là nhà trường. Nếu ông ấy đi chữa răng với yêu cầu cao thì ông ấy không được bảo hiểm thanh toán toàn phần mà chỉ thanh toán ở mức quy định. Đây là công việc ông Hoa làm ngoài giờ, làm thuê cho sinh viên. Nên ông có quyền được thanh toán theo thỏa thuận như thanh toán tiền chữa răng nêu trên.

Vế thứ hai là một câu hỏi không riêng cho thầy giáo Nguyễn Thiếu Hoa, mà cho Học viện Âm nhạc Quốc gia và tất cả mọi người trong xã hội. Trước hết cho chính sinh viên. Sinh viên phải trả lời được câu hỏi “lấy đâu ra tiền” trước khi bước chân vào học âm nhạc nói chung và khoa Lý- Sáng- Chỉ nói riêng.

Thế giới còn khắc nghiệt hơn ta nhiều. Ở ta, nhà trường được cấp một phần kinh phí đào tạo. Ở nước ngoài sinh viên tự bỏ tiền, theo được thì theo, không theo được thì thôi. Khắc nghiệt thế, nhưng sau khi tốt nghiệp hầu hết đều có đẳng cấp. Không kể Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Nhật, Hàn Quốc, ngay Trung Quốc có mô hình xã hội giống ta thì ngày nay cũng hiếm tài năng được nhà nước đài thọ 100% kinh phí dàn dựng tác phẩm, cho dù đó là tác phẩm tốt nghiệp.

3/Tại sao ông Nguyễn Thiếu Hoa được mời? Trong khi trường có nhiều nhạc sĩ, thầy giáo khác.

Giả thuyết 1: Ông Nguyễn Thiếu Hoa là trưởng khoa, có thể ông ấy lấn át người khác, người khác không có cơ hội thể hiện, hay cơ hội được sinh viên mời dàn dựng và chỉ huy tác phẩm tốt nghiệp. Hay là, giống như các cuộc thi khác, thí sinh chọn bài hát mà giám khảo là tác giả để chắc chắn đỗ. Nếu vậy, cả nhà trường, ông Hoa và thí sinh đều có lỗi.

Giả thuyết 2: Ông Hoa có tài, tác phẩm dàn dựng hiệu quả hơn so với những người khác, vì thế thí sinh chọn ông Hoa. Được biết ông Hoa trả lời trên báo rằng ông rất bận, mời ai dàn dựng chỉ huy là quyền của sinh viên. Vậy có nghĩa là giả thuyết 2, sinh viên thích ông Hoa là có cơ sở.

Có thể hình dung, nếu ông Hoa là người có khả năng (tài năng), ông sẽ có cơ hội, với nhiều tác phẩm được thuê. Ngày nay, khán giả đến nhà hát vì những tác phẩm giao hưởng có giá trị. Nếu 5 triệu/tác phẩm là không đắt (và đã được thỏa thuận) thì đó là việc ông phải dùng quỹ thời gian của riêng ông. Sinh viên đi thuê ông dàn dựng, chứ đây không phải nghĩa vụ của người thầy. Chỉ nên xem xét đánh giá khi ông không hoàn thành nhiệm vụ của một giảng viên trưởng khoa thôi.

4/ Độ dài tác phẩm 15 phút mà những 20 triệu tiền công, không thể tưởng tượng nổi?

Tôi nghĩ chắc ai đó đã quên Bản giao hưởng số 9 của Beethoven (thiên tài của những thiên tài) dưới sự chỉ huy của Herbert von Kazajan dài 66 phút, nhưng dưới cây đũa của Whilhem Furtwangler dài 74 phút. Sự dàn dựng có khác nhau đấy nhé! Và toàn thế giới thường chỉ quen và thích thú nhất để nghe có chương IV thôi. Chương này dài 24 phút. 24 phút là chuyện lớn rồi - trong giao hưởng.

Điều cuối cùng, người viết muốn bày tỏ sự cảm thông với những sinh viên khoa Lý- Sáng- Chỉ. Bởi là sinh viên, dĩ nhiên rất khó khăn để có 20 triệu đồng. Nhưng đó là điều bất khả kháng như tôi đã phân tích. Thế giới vẫn biết, gương mặt âm nhạc của một quốc gia là ở khí nhạc, và những người giỏi của Lý- Sáng- Chỉ vẫn luôn được giới chuyên môn ngưỡng mộ nhưng cũng luôn gặp khó khăn về tiền bạc, vì thế nhiều người đã không dám chọn con đường này. Hay các bạn cũng đã chọn nhầm?

Trong buổi thi tốt nghiệp, mỗi sinh viên chuyên ngành Sáng tác, khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy phải có tác phẩm giao hưởng chơi trên dàn nhạc. Buổi thi tháng 4-2011 do 40 nhạc công chơi trên dàn nhạc sống. Họ phải trả 19,3 triệu đồng/người. Bảy người trả tổng cộng 135 triệu đồng. Riêng nhạc trưởng Thiếu Hoa nhận 5 triệu đồng/tác phẩm, cộng cả buổi thi là 35 triệu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG