Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, PGS.TS. Hoàng Anh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ công bố quyết định số 4018-QĐ/HVCTQG bổ nhiệm chức danh Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đối với PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Phó Giám đốc điều hành Học viện.
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trao quyết định bổ nhiệm cho đồng chí Phạm Minh Sơn |
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã trao quyết định bổ nhiệm chức danh Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Phó Giám đốc Học viện điều hành Học viện.
Phát biểu giao nhiệm vụ, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chúc mừng PGS.TS. Phạm Minh Sơn nhận được tín nhiệm của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao quá trình công tác và cống hiến của PGS.TS. Phạm Minh Sơn đối với Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong suốt hơn 20 năm qua.
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu, trên cương vị Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, PGS.TS. Phạm Minh Sơn cần tiếp tục phát huy năng lực, chủ động, sáng tạo trong công tác điều hành và quản lý; tiếp tục giữ vững khối đoàn kết trong Ban Giám đốc, Ban chấp hành Đảng bộ và trong toàn Học viện để xây dựng Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát triển ngày càng vững mạnh. Bên cạnh đó, PGS.TS. Phạm Minh Sơn cần tổ chức đổi mới công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học đồng thời làm tốt công tác cán bộ, công tác tư tưởng.
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh nhiệm vụ phòng chống dịch trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Đồng chí đề nghị PGS.TS. Phạm Minh Sơn tổ chức tốt công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho cán bộ, giảng viên, duy trì các hoạt động của Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong điều kiện bình thường mới. Việc thực hiện tốt công tác phòng chống dịch chính là điều kiện để tổ chức thực hiện thành công các công tác khác của Học viện.
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu giao nhiệm vụ cho đồng chí Phạm Minh Sơn |
Phát biểu nhận nhiệm vụ, PGS.TS. Phạm Minh Sơn đã bày tỏ sự xúc động, cảm ơn sự tín nhiệm của đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; sự ủng hộ của các thế hệ lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền và sự tin tưởng của cán bộ, giảng viên. Đồng chí hứa sẽ không ngừng nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trên cương vị mới để xây dựng Học viện Báo chí và Tuyên truyền ngày càng phát triển, xứng đáng là trường Đảng vững mạnh trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trường đại học trọng điểm trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Đồng chí Phạm Minh Sơn cũng trình bày các định hướng công tác lớn trong thời gian tới. Trước hết, Học viện cần thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID-19 theo quy định, hướng dẫn của Trung ương và Chính phủ. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, Học viện cần tiếp tục phân định rõ chức năng nhiệm vụ giữa các đơn vị, xác định rõ vị trí việc làm của cán bộ, giảng viên. Học viện cũng cần tập trung nguồn lực để đổi mới công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và tăng cường hợp tác quốc tế trong bối cảnh mới.
PGS.TS. Phạm Minh Sơn, tân Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu nhận nhiệm vụ |
Đồng chí Phạm Minh Sơn sinh ngày 16/5/1968, là Phó Giáo sư, Tiến sĩ ngành Chính trị học. Đồng chí tốt nghiệp đại học và tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Mátxcơva (MGU), Liên bang Nga. Đồng chí đã trải qua các vị trí như giảng viên, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Chủ tịch Công đoàn và Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Từ tháng 4/2021, đồng chí là Phó Giám đốc điều hành Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
PGS.TS. Phạm Minh Sơn là chủ biên và đồng chủ biên nhiều cuốn sách như: Giáo trình chính sách đối ngoại của một số nước lớn trên thế giới; Sử dụng phương tiện truyền thông mới trong hoạt động ngoại giao kỹ thuật số; Đối ngoại công chúng: Mô hình hoạt động của một số nước lớn trên thế giới và đề xuất đối với Việt Nam; Thông tấn báo chí – Lý thuyết và kỹ năng; Đối ngoại Việt Nam – Truyền thống và hiện đại.