Hành trình 5 năm thiện nguyện
Thời còn là sinh viên, sống xa nhà, khoảng thời gian đầu rất khó khăn cho Huyền Thanh để có thể cân bằng việc học tập cũng như các công việc tình nguyện, thiện nguyện. Bên cạnh đó còn là lo lắng từ gia đình cùng những ánh mắt, sự đồn đoán hay những lời dị nghị từ bên ngoài xã hội hướng về cô gái trẻ. Huyền Thanh chia sẻ: “Đã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra từ mọi người xung quanh. Mình cũng phải đối diện với những lời đồn đại, thậm chí có phần tiêu cực. Mình phải giải thích rất nhiều, nhưng sau này, mình quen dần với điều đó, mình tự làm chủ được cảm xúc và không còn giải thích quá nhiều nữa. Mình vẫn cứ làm những điều mình cảm thấy tốt và không vi phạm đạo đức, pháp luật”.
Đến khi đã là người đứng đầu các chương trình, từ kinh phí tổ chức tới tất cả các công việc liên quan; áp lực đặt nặng lên vai khiến Thanh không ít lần suy nghĩ về việc dừng lại. Tuy vậy, lòng yêu thích thiện nguyện không cho phép Thanh nhụt chí: “Nếu như mình dừng lại, biết đâu lại bỏ lỡ những điều tốt đẹp đến với người khác. Mình lấy từ chính bản thân để soi chiếu. Mình đã nhận được quá nhiều điều qua các chương trình và thấy cần phải cho đi nhiều hơn nữa. Vậy nên, mình quyết định sẽ tiếp tục tới khi nào không thể gắng được nữa mới thôi”, Thanh tâm sự.
![]() |
“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”, Huyền Thanh dành tuổi trẻ cống hiến cho các hoạt động tình nguyện bổ ích, “gieo duyên lành” đến mọi người. |
Tới thời điểm hiện tại, Huyền Thanh đã tham gia và tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng thiết thực và ý nghĩa, trong đó có những chương trình tại các vùng cao, diễn ra thường niên như: “Quốc tế thiếu nhi/ Trao quà cho các trẻ em vùng cao 1/6”; “Hè xanh”; “Trung Thu cho em”; “Đông ấm”; “Xuân yêu thương”; chương trình hiến máu “Giọt hồng trao em” được tổ chức hằng năm tại Bệnh viện Nhi Trung ương,...
Các chương trình cô tổ chức đều có nguồn kinh phí khá lớn, dao động từ 100 - 500 triệu đồng, thậm chí nhiều hơn. Gần đây nhất, “Cộng đồng Tuổi trẻ Sống không hối tiếc” do Huyền Thanh làm Chủ nhiệm đã phát động gây quỹ, kêu gọi từ thiện và đã bắt đầu khởi công xây dựng cây cầu tình thương mang tên “Cầu Nậm Pồ cho em”, tại bản Nậm Pồ Con, xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, với kinh phí khoảng 200 triệu đồng.
![]() |
Vượt lên những hoài nghi của mọi người, cô gái nhỏ chứng minh con đường đã và đang đi là đúng hướng. |
Từ chối cơ hội thăng tiến vì hoạt động cộng đồng
Các công việc tình nguyện, thiện nguyện vốn dĩ vất vả, tốn nhiều công sức, tiền của và thời gian. Nhưng với Huyền Thanh, cô gái trẻ sẵn sàng đánh đổi cơ hội tương lai rộng mở để tiếp tục vun đắp hoạt động tình nguyện, thiện nguyện. Thanh chia sẻ, một trong những mạnh thường quân tài trợ cho các chương trình cô tổ chức đã ngỏ lời giúp đỡ để cô tiếp tục học cao hơn và có công việc ổn định hơn trong môi trường thuận lợi với chuyên ngành học: “Mình đã không đắn đo suy nghĩ nhiều. Bởi nếu nhận lời, mình sẽ phải dành thời gian từ một tới hai năm để tiếp tục theo học. Mình sẽ không có điều kiện để tham gia các chương trình nữa, nên mình đã từ chối”.
![]() |
Hình ảnh thay da đổi thịt của cây cầu mới mang tên “Cầu Nậm Pồ cho em”, chứa tình yêu thương, lòng nhiệt thành của những người trẻ sống đẹp, “sống không hối tiếc”. |
Thời điểm hiện tại, mọi thứ đã dần ổn định, Huyền Thanh được mọi người đón nhận và trân trọng với những giá trị mà cô gái trẻ dày công gây dựng. Chia sẻ về những dự định tương lai, Huyền Thanh mong muốn sẽ tạo ra được thế hệ những người kế nhiệm để tiếp nối những việc cô đang làm và khi ấy, cô sẽ có nhiều thời gian dành cho bản thân và phát triển sự nghiệp, lùi lại phía sau hỗ trợ các bạn trẻ. Về tiêu chí “chọn mặt gửi vàng”, Huyền Thanh chỉ có một yêu cầu tiên quyết, đó là sự nhiệt huyết. “Phải có khao khát, muốn làm thì mới có thể hoàn thành công việc được. Mình vẫn hay nói với các bạn thành viên của mình rằng: Chỉ khi các em yêu cái điều các em đang làm, các em mới có thể cống hiến hết mình vì nó”, Huyền Thanh bộc bạch.