Phan Đăng: 'Từng nghiện tầm chương trích cú, thuộc kinh Phật như học vẹt'

TPO - Phan Đăng ra mắt cuốn sách thứ ba gắn với con số 39 “39 đoản thiền để thấy”. Buổi ra mắt sách sáng 8/7 và giao lưu với khán giả đông kín hội trường ở NXB Kim Đồng. Phan Đăng thẳng thẳn thừa nhận từng có thời “học thuộc cả bộ kinh như con vẹt”.

Phó Giám đốc, Tổng biên tập NXB Kim Đồng Vũ Thị Quỳnh Liên chúc mừng tác giả Phan Đăng với 39 đoản thiền để thấy, bởi đây chính là “miếng ghép tiếp nối hoàn hảo”, thể hiện quan điểm xuyên suốt của tác giả. Độc giả trẻ dễ dàng tìm thấy sự kết nối với tác giả thông qua cuốn sách. Hai cuốn sách trước của Phan Đăng gắn với con số 39 là 39 câu hỏi cho người trẻ, 39 cuộc đối thoại cho người trẻ.

Phan Đăng có lượng độc giả, người hâm mộ nhất định cho nên buổi giao lưu gần như không còn chỗ trống ở hội trường của NXB Kim Đồng, có một số người không còn ghế ngồi. Mở lời cho cuộc trò chuyện, Phan Đăng xúc động và mong được lượng thứ vì nhiều người chật vật tìm chỗ gửi xe và chưa có chỗ ngồi. Anh bỏ ra ba phút để hướng dẫn độc giả và khách mời dẹp bỏ hết sự bận rộn ngoài cửa để cùng thiền.

Tổn thương sâu sắc thay đổi cuộc đời

39 đoản thiền để thấy gồm 5 chương, mỗi chương đều có chữ thấy: Cắt để thấy, Đi để thấy, Nhìn để thấy, Soi để thấy, Thấy để không thấy. Trong Đi để thấy, Phan Đăng kể lại hành trình tới Ấn Độ, đi đúng cung đường hơn 2.600 km trước Đức Phật đã đi.

Cắt đi thấy hướng người đọc nhận ra sau bao nhiêu thời gian cùng với sự bồi đắp của sự hiểu biết, cái tôi, cái ngã, cái tham trong mình nhiều hơn. “Nếu dính vào đó ta sẽ không thấy, vì cái ngã làm nên sự hiếu thắng, hơn thua, định kiến nguy hại cho não trạng, tâm trí của ta”, Phan Đăng lý giải.

Phan Đăng: 'Từng nghiện tầm chương trích cú, thuộc kinh Phật như học vẹt' ảnh 1

Phan Đăng trò chuyện với độc giả - những người bạn đồng hành.

Phan Đăng thẳng thắn nhận mình từng là “kẻ tầm chương trích cú, học thuộc một số bộ kinh như con vẹt”, bởi nghĩ rằng mình có xuất phát điểm thấp, sinh ra trong gia đình không tri thức. Cho tới 8-9 năm trước anh gặp tổn thương sâu sắc, dạ dày chảy máu liên tục và nằm triền miên ở các bệnh viện.

39 đoản thiền để thấy là những đoản văn, ghi lại cảm nhận của tác giả bằng con mắt thiền, tập hợp những suy tư tưởng chừng vụn vặt nhưng đầy sâu lắng về cuộc đời và con người của tác giả Phan Đăng. Tác giả có những gợi mở sâu sắc để giúp người đọc tập trung hơn vào hiện tại, trân trọng từng khoảnh khắc của đời sống.

“Lúc ấy tôi nhớ lại các tác phẩm kinh điển mình từng tầm chương trích cú, rồi quyết định thực hành thiền định và thiền tuệ. Khi thực hành quả thực màu nhiệm xảy ra, đó không phải màu sắc tôn giáo tâm linh siêu hình”, Phan Đăng chia sẻ. Đó là lúc tác giả tìm thấy sự tinh tấn thực sự để xoa dịu “em bé tổn thương” bên trong.

Quá trình “tầm chương trích cú” cũng không hoàn toàn vô nghĩa, bởi ít ra nó tạo ra phông nền hiểu biết nhất định. Phan Đăng cảm ơn quá trình “học thuộc như con vẹt đó”, nhờ đó anh có quá trình tự ngộ để khám phá con người bên trong.

Phan Đăng: 'Từng nghiện tầm chương trích cú, thuộc kinh Phật như học vẹt' ảnh 2

Ba cuốn sách gắn với con số 39 của Phan Đăng. Ảnh: Nguyên Khánh.

Nhà văn Trần Thị Trường chúc mừng sự thành công của Phan Đăng - một người viết trẻ và chạm được tới trái tim của nhiều người đọc rất trẻ, nhất là nội dung lại không phải thứ ngôn tình đang được ưa chuộng. Bà đùa và nói thẳng rằng 39 đoản thiền để thấy chính là gắn với tuổi đời 39 của Phan Đăng (trước đó Phan Đăng nói anh muốn giữ riêng ý nghĩa con số thiêng 39).

Phan Đăng tự nhận không còn tầm chương trích cú, nhưng Trần Thị Trường lại chỉ có “có những chỗ vẫn tầm chương trích cú nhưng đưa vào rất nhuần nhuyễn trong tâm trạng đích thực”.

Bất chấp sự ồn ào xung quanh, nhà văn Trần Thị Trường đọc nhập tâm cuốn sách của Phan Đăng và ấn tượng với Nhát cuốc trong tim. Nội dung khiến cho bà cảm nhận được phải đi qua cái đau để nhận thấy cái đẹp, cái không đau, cái hạnh phúc để biết ơn cái đau, bởi không có nó sẽ không biết những thứ tốt đẹp có giá trị đến nhường nào.

Quan niệm về hạnh phúc

Phan Đăng có ba trải nghiệm ở các giai đoạn khác nhau để có thể đưa ra quan niệm riêng về hạnh phúc: Hạnh phúc là thỏa mãn với điều mình có được. Hạnh phúc là được cống hiến. Hạnh phúc là được sống là chính mình.

“Đi qua ba trải nghiệm đó, bây giờ tôi nghĩ hạnh phúc là năng lực làm chủ con người bên trong của ta. Cuộc đời không tránh khỏi bão giông, ta chỉ có thể hạnh phúc khi làm chủ các điều bất như ý xảy đến”, anh nói.

Phan Đăng: 'Từng nghiện tầm chương trích cú, thuộc kinh Phật như học vẹt' ảnh 3

Khán phòng chật kín độc giả giao lưu cùng Phan Đăng.

Từ 39 câu hỏi cho người trẻ, 39 cuộc đối thoại cho người trẻ tới 39 đoản thiền để thấy có sự thay đổi rõ rệt, từ một nhà báo thích “khoe” sự sâu sắc, hiểu biết trong các cuộc đối thoại, trò chuyện với nhân vật phỏng vấn, nay là một tác giả Phan Đăng tìm được con người bên.

Hai cuốn trước thể hiện sự hướng ngoại, tác giả muốn tạo ra phông nền cơ bản để người trẻ hiểu được một số vấn đề. Tới 39 đoản thiền để thấy, Phan Đăng không muốn hướng ra bên ngoài nữa mà muốn hướng tới cái tâm mình. Anh cho rằng cuộc đời con người có hai lần sinh nở, lần đầu là được bố mẹ sinh ra. Cuộc sinh nở lần thứ hai chính là khi “chúng ta sinh ra được em bé bên trong, ta nhìn rõ gương mặt của em bé bên trong, lúc ấy với tôi là lúc chạm tới cột mốc mới”.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đọc xong cuốn sách định từ chối viết lời tựa. Tuy nhiên ông nhận ra: “Phan Đăng chính là tôi, chính là bạn. Bóng tối hay ánh sáng trong tác giả cũng chính là bóng tối hay ánh sáng của bạn và tôi. Con đường tác giả đi cũng là con đường của bạn và của tôi phải đi nếu bạn và tôi muốn tới được nơi nhân loại đã tìm trong toàn bộ lịch sử của mình”.

Nguyễn Quang Thiều khẳng định cuốn sách của Phan Đăng là “con đường của một người đi tìm chính mình để xác thực mình và xác lập mình trong thế giới của chính cá nhân mình”.

Tin liên quan