Phân tuyến khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế là cần thiết

0:00 / 0:00
0:00
Trên thế giới, hầu hết các nước đều quy định phân tuyến khám chữa bệnh, bệnh nhân muốn lên tuyến trên trước tiên phải có giới thiệu của tuyến dưới, hoặc bác sĩ gia đình (trừ cấp cứu). Tương tự, Việt Nam cũng phân tuyến khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT), để hình thành và phát triển hệ thống y tế từ tuyến cơ sở tới tuyến trung ương, trành tình trạng bệnh viện tuyến trên quá tải, nhưng tuyến dưới lại không có ai.

Quản lý bệnh nhân theo tuyến

Hầu hết các nước trên thế giới đều có quy định phân tuyến khám chữa bệnh (KCB), người bệnh muốn lên tuyến trên phải có giới thiệu của tuyến dưới. Tương tự, Việt Nam cũng quy định phân tuyến KCB BHYT, nhằm chăm sóc sức khoẻ cho người dân một cách toàn diện và liên thông.

Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, hệ thống y tế của nước ta có 4 tuyến, gồm: Tuyến xã, huyện, tỉnh và trung ương. Tại luật sửa đổi có hiệu lực từ năm 2024, cũng phân cấp chuyên môn KCB theo 3 cấp, gồm: KCB ban đầu, cơ bản và chuyên sâu. Trên cơ sở phân tuyến, nhà nước quy hoạch và đầu tư, xây dựng bệnh viện, trang thiết bị và nguồn nhân lực phù hợp.

Hiện, tuyến y tế cơ sở thấp nhất là tuyến xã, với hơn 10.000 trạm y tế trên cả nước, có chức năng chăm sóc sức khoẻ ban đầu của người dân. Tuyến y tế cấp xã không chỉ KCB thông thường, còn thực hiện chức năng tuyên truyền, phóng chống bệnh tật, tiêm chủng mở rộng.

Y tế tuyến huyện (bệnh viện huyện) và một phần tuyến tỉnh (bệnh viện tỉnh), chức năng KCB hầu hết các trường hợp, trừ các ca và bệnh nặng, chuyên sâu, trang thiết bị hiện đại. Hiện cả nước có hơn 2.500 bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh.

Các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, khoa đầu ngành của bệnh viện đa khoa tỉnh, các bệnh viện trung ương (hơn 200 cơ sở), tập trung KCB trường hợp bệnh nặng, thực hiện các kỹ thuật đòi hỏi chuyên môn cao, trang thiết bị hiện đại tuyến dưới không thực hiện được. Tuyến này còn nghiên cứu, đào tạo chuyển giao kỹ thuật và chỉ đạo tuyến. Các bệnh viện này được đầu tư ở mức độ cao nhất, cả về cơ sở vật chất và nhân lực.

Bác sỹ Lê Văn Phúc – Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, hệ thống y tế hình tháp được hầu hết các nước áp dụng, chỉ mô hình này mới đảm bảo việc quản lý và chăm sóc sức khoẻ một cách toàn diện, hiệu quả. “Nếu không quản lý bệnh nhân theo tuyến, chắc chắn sẽ phá vỡ hệ thống y tế. Do đó, việc quản lý KCB tại các tuyến bằng giấy chuyển tuyến là công cụ phù hợp, cần thiết”, ông Phúc nói.

Cũng theo ông Phúc, nếu bệnh nhân không được quản lý theo tuyến, nhu cầu KCB sẽ tập trung hết lên các bệnh viện tuyến trên, tuyến cuối để điều trị, kể cả trường hợp bệnh thông thường, tuyến dưới có thể thực hiện được. Điều này là không phù hợp và không cần thiết với tình trạng bệnh. Dẫn tới quá tải cơ sở y tế tuyến trên, phiền hà cho chính người bệnh, còn gây lãng phí cơ sở vật chất, nhân lực ở tuyến dưới do không tận dụng hết công suất sử dụng, và tốn kém cho xã hội. Cùng một loại bệnh, nếu điều trị tại tuyến huyện sẽ có chi phí thấp hơn nhiều so với tuyến trung ương, do chi phí đầu tư tại bệnh viện tuyến trung ương cao hơn tuyến huyện (cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực).

Thời gian quan, y tế cơ sở đã được nhà nước đầu tư nhiều nguồn lực, chất lượng KCB ngày càng cải thiện. Điển hình như TPHCM, hầu hết các bệnh viện quận, huyện đều được phân hạng 1, 2, thực hiện được rất nhiều dịch vụ kỹ thuật tuyến tỉnh và tuyến trung ương. Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của Thành phố (tuyến tỉnh) đều lớn và thực hiện được nhiều kỹ thuật chuyên sâu, nhiều bệnh nhân các địa phương khác cũng tới điều trị BHYT.

Phân tuyến khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế là cần thiết ảnh 1

Phân tuyến khám chữa bệnh BHYT là giải pháp để phát triển đồng bộ hệ thống y tế từ cơ sở tới trung ương.

Thuận lợi hoá chuyển tuyến, thông tuyến

Theo quy định, từ năm 2016, KCB BHYT đã thông toàn tuyến huyện, người bệnh có thể tới bất kể bệnh viện tuyến huyện nào để KCB và được BHYT thanh toán theo quyền lợi được hưởng. Từ năm 2021, KCB BHYT đã thông tuyến tỉnh với trường hợp điều trị nội trú, tức trường hợp bị bệnh phải nằm viện điều trị sẽ được lên thẳng tuyến tỉnh mà không cần giấy chuyển tuyến từ huyện lên, và được BHYT thanh toán theo quyền lợi được hưởng. Các quy định này đã từng bước tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT khi đi KCB BHYT.

Ông Lê Văn Phúc cho hay, BHXH Việt Nam luôn ủng hộ quan điểm đơn giản thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT khi đi KCB, đặc biệt trong chuyển tuyến điều trị. Tuy nhiên, việc tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT phải gắn với sự bền vững của hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở đang được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Tránh tình trạng bệnh nhẹ cũng điều trị tại tuyến trung ương, gây quá tải, lãng phí nguồn lực tài chính không cần thiết (cả của quỹ BHYT lẫn người dân), không phát huy được hiệu quả của y tế tuyến cơ sở.

Để thuận lợi cho việc chuyển tiếp và thông tuyến KCB BHYT, vẫn cần xác định rõ vai trò từng tuyến, trong đó tuyến huyện và xã là KCB ban đầu, điều trị bệnh thông thường; tuyến tỉnh và trung ương chỉ điều trị cá bệnh nặng, khó mà tuyến cơ sở không thực hiện được.

Bên cạnh đó, ông Phúc cũng đông tình quan điểm nghiên cứu điều chỉnh quy định về thông tuyến KCB BHYT với trường hợp đã được chẩn đoán bệnh nặng, phức tạp cần điều trị chuyên khoa sâu, như: Ung thư, tâm thần, bệnh máu, các bệnh cần sử dụng kỹ thuật can thiệp điều trị hoặc phẫu thuật, Lao kháng thuốc, HIV… mà cơ sở thuộc cấp cơ bản không thực hiện được. Danh mục bệnh được áp dụng cơ chế thông tuyến này có thể giao ngành Y tế và BHXH cùng nghiên cứu ban hành tuỳ thuộc theo thực tế năng lực y tế từng địa phương. Giải pháp này vừa tạo thuận lợi cho người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng vừa giảm chi phí cho BHYT khi phải thăm khám bước đầu xong mới được chuyển tuyến như hiện nay.

Ngoài ra, cũng cần bổ sung và hoàn thiện quy định liên quan tới việc chuyển bệnh nhân từ tuyến trên về tuyến dưới sau khi đã qua giai đoạn cấp tính, để tuyến dưới tiếp tục theo dõi, điều trị.

Để giảm thủ tục hành chính về giấy chuyển tuyến, Bộ Y tế đang tập trung sử dụng việc chuyển tuyến điện tử.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm