Tối 12/11, trong khuôn khổ chào đón tân sinh viên, đêm gala Chung kết cuộc thi “Tôi là MC: Tìm kiếm tài năng dẫn chương trình học sinh, sinh viên Huế” đã diễn ra tại Hội trường A1, khoa Báo chí – Truyền thông. Sau mùa đầu tiên tổ chức gây được tiếng vang lớn, lần này “Tôi là MC” trở lại đã thu hút đông đảo sự tham gia của nhiều học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Với các bạn thí sinh tham gia, đây không chỉ là cuộc thi tranh giải bình thường mà đây còn là môi trường tốt để các bạn trẻ tự tin khẳng định bản thân mình thông qua các vòng thi chất lượng.
Với các thí sinh, "Tôi là MC" không chỉ là sân chơi giải trí mà đây là đây thật sự là cơ hội để các bạn tìm thấy chính mình. |
Làm MC không chỉ biết nói
So với mùa đầu tiên tổ chức, năm nay cuộc thi “Tôi là MC” thu hút rất đông các bạn trẻ là học sinh, sinh viên đến từ các trường Sư Phạm, Khoa học, Ngoại ngữ và THPT Chuyên Khoa học Huế. Trải qua vòng sơ khảo đầy thử thách, đêm Gala Chung kết chứng kiến cuộc so tài của 12 thí sinh xuất sắc nhất được chọn lựa kĩ càng từ Hội đồng giám khảo là các nhà báo, nhà giáo có chuyên môn nghề nghiệp và nhiều kinh nghiệm.
Với những genZ lần đầu cầm mic, đây sẽ là môi trường chuyên nghiệp đầu tiên để các bạn khám phá những kiến thức mới về nghề MC dẫn chương trình. Thông qua các vòng thi dẫn đôi, ứng xử với những câu hỏi tình huống đến từ các anh, chị nhà báo, BTV nổi tiếng, các MC trẻ sẽ hiểu hơn về nghề “cầm cân nảy mực”.
Chia sẻ sau đêm Chung kết, thí sinh Hà Diệm cho biết: “Đây là một cuộc thi thật sự ý nghĩa với một người đam mê nghề dẫn như mình. Từ những lời góp ý của ban giám khảo, mình đã tự gom góp cho bản thân rất nhiều kinh nghiệm quý mà mình nghĩ sau này sẽ cần khi theo nghề dẫn”.
Nhiều bạn trẻ cũng cho biết, trước khi tham gia cuộc thi, với các bạn, MC chỉ cần có giọng nói truyền cảm. Tuy nhiên, “Tôi là MC” đã cho các bạn thấy để trở thành một người dẫn chương trình chuyên nghiệp, ngoài giọng nói là yếu tố đầu tiên thì người làm MC phải là người có kiến thức và kĩ năng xử lý tình huống trong mọi trường hợp.
Nhiều kĩ năng của thí sinh được rèn luyện ngay từ vòng sơ khảo. |
Sân chơi nhưng không chỉ chơi
Bạn Quỳnh Chiêu (Quảng Nam) – Quán quân mùa đầu tiên chia sẻ: “Tham gia cuộc thi và trở thành quán quân chương trình là bước ngoặc lớn trong bốn năm sinh viên của mình, mở ra cho mình nhiều cơ hội để phát triển bản thân. Sau cuộc thi, mình trưởng thành hơn nhờ nhận được nhiều show dẫn, nhiều lời mời tham gia chương trình của VTV8. Mình cảm thấy may mắn khi những ngày đầu chập chững ra Huế học, cuộc thi đã giúp mình phát hiện ra năng khiếu của bản thân mà lâu nay mình tưởng mình không có khả năng dẫn”.
Hiện tại, Quỳnh Chiêu đang là cộng tác viên của Đài TH Việt Nam (khu vực miền Trung – Tây Nguyên) và là người dẫn chương trình “Quyến rũ Việt Nam” do VTV8 sản xuất.
Có thể nói, nếu bạn trẻ biết tận dụng các sân chơi có quy mô, được tổ chức chuyên nghiệp như “Tôi là MC” để phát triển tài năng của mình thì sân chơi không chỉ để chơi mà nó sẽ trở thành bàn đạp cứng giúp các bạn tìm thấy bản ngã của mình, từ đó phát triển tối đa thế mạnh của bản thân bên cạnh việc học lý thuyết trên giảng đường. Điều này cũng giúp các bạn tìm thấy hướng đi phù hợp với bản thân để đầu tư đúng chỗ.
Để sinh viên không chỉ làm bạn với giấy, bút
Với quan điểm “Lấy người học là trung tâm”, bên cạnh việc truyền đạt lý thuyết cho người học, Khoa Báo chí – Truyền thông còn còn thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khoá lành mạnh dành cho sinh viên trong trường có cơ hội rèn luyện, phát triển thế mạnh của bản thân.
Sau phần thi dẫn đôi, các thí sinh bước vào phần thi ứng xử với các tình huống được đưa ra bởi nhiều nhà báo, BTV nổi tiếng. |
Các bạn thí sinh có cơ hội học hỏi kinh nghiệm thực chiến từ những nhà báo, nhà giáo nhiều năm trong nghề. |
Thạc sĩ Trần Thị Phương Nhung – Phó khoa Báo chí – Truyền thông, ĐHKH Huế cho biết: “Rất nhiều sinh viên đã trưởng thành và có những thành công nhất định từ những sân chơi như thế này. Ý thức được điều đó, khoa đã thường xuyên tổ chức nhiều cuộc thi để sinh viên có cơ hội thể hiện mình trong nhiều lĩnh vực; xây dựng các môn học chuyên ngành gắn với thực tế để sinh viên có được những trải nghiệm nghề tốt nhất ngay từ khi còn trên ghế nhà trường”.
Cũng theo Phó khoa Phương Nhung, với những sinh viên thành công từ các cuộc thi, thời gian tới khoa sẽ tiếp tục làm cầu nối, giới thiệu sinh viên đến thực tập tại những cơ quan báo chí, truyền thông chuyên nghiệp để các em có môi trường tốt nhất phát huy tài năng của mình.
Những cuộc thi như “Tôi là MC” hay gần đây là “GenZ – Thế hệ truyền thông mới” chào đón tân sinh viên của “nhà báo chí” sẽ giúp cuộc sống sinh viên của các bạn trẻ không bị bó hẹp trong phòng học, cứng nhắc bên cạnh giấy và bút. Thay vào đó, các bạn trẻ có thêm môi trường năng động, sáng tạo, phù hợp với lứa tuổi của mình. Ngoài điểm số từ giờ học trên lớp, những bạn trẻ sẽ được trau dồi, phát triển thêm kĩ năng của mình để có thêm nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
“Trong tương lai, mình mong sẽ có thêm nhiều cuộc thi ở nhiều lĩnh vực khác để những bạn là sinh viên như mình có cơ hội thể hiện tài năng, sở thích của mình”, thí sinh Hà Diệm chia sẻ.